Trần Minh Nhật – Web Việt Tân
Những ngày trong tù trước khi tôi bị đưa ra xét xử, tôi có đọc được câu nói của một trong những người tiên phong cho bản ra đời của Tuyên ngôn Độc lập Mỹ.
Sau khi đăng bản “Quan điểm chung về quyền của nước Mỹ thuộc Anh” (A Summary View of the Rights of British America) nổi tiếng, Thomas Jefferson được thông báo rằng ông phải chịu hình phạt vì bị buộc tội phản bội quốc gia đối với chính phủ Anh quốc. Nghe lời đe dọa này, Patrick Henry, một trong số những chiến hữu của Jefferson đã táo bạo phát ra câu nói lừng danh thể kỷ: “Ừ thì… Nếu đó là phản bội thì hãy phản bội tối đa”.
Tôi ấn tượng mãi với câu nói đơn giản mà đầy can đảm đó của Patrick Henry – một câu nói đi kèm cùng hành động ký tên vào Bản Tuyên Ngôn Độc Lập Mỹ chẳng khác nào rước án tử vào mình.
Tôi tặc lưỡi: Ừ thì… vì các vị đó là những anh hùng khai sinh ra Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ nên mới có khí chất như thế. Nhưng hôm nay tôi cũng lại một lần nữa nghe một giọng điệu tương tự không phải từ những vị lập quốc Mỹ mà đến từ một nông dân chân trần tại Việt Nam.
Trong phiên tòa phúc thẩm xét xử nhà hoạt động Lê Đình Lượng, ông đã nói những lời thật đơn giản nhưng cũng đầy khí phách:
“Tôi hy vọng sẽ nhìn thấy ánh sáng công lý nơi toà án. Và nếu hôm nay toà buộc tội tôi thì tôi không phục. Nhưng tôi vẫn vui vẻ chấp nhận đi tù để đất nước và nhân dân có tự do dân chủ. Còn tôi, đúng hay sai hãy để lịch sử phán xét.”
Tôi nghe được cái tiếng “ừ thì…” trong vài câu nói cuối cùng đó của anh Lê Đình Lượng.
Cái câu chất chứa nhiều cung bậc cảm xúc.
Và cũng những câu nói ấy đâu phải chỉ riêng tôi, người biện hộ cho ông – Luật Sư Đặng Đình Mạnh đã phải thốt lên mấy lời tự sự:
“Ông ấy không cao giọng, không oán trách, không hoa tay chém vào thinh không… Lời ông bình thản, khoan thai, từ tốn! Nhưng thật kỳ lạ, uy lực từ đó lại vô song. Vụ án hình sự, cứ nhìn sự chuẩn bị của chính quyền để bảo đảm an ninh trật tự thì biết nó đã được nâng mức độ nghiêm trọng đến như thế nào, nhưng với ông, vụ án hơn bảy ngàn ngày tù lại cứ nhẹ nhàng như mây bồng bềnh trôi dạt về phía sau cuộc đời vậy.”
Chẳng phải và cũng không dám so với những vị khai quốc công thần của Mỹ như Thomas Jefferson, hay Patrick Henry nhưng xét theo một nghĩa nào đó chính sự bình dị của một người nông dân mà thốt ra được những lời quả cảm đó thì cốt cách anh hùng đâu có gì xa.
Tôi tạm diễn giải vài lời đó trong tiếng “ừ thì…” mộc mạc.
Ừ thì… nếu tòa buộc tội tôi thì tôi cũng không phục.
Ừ thì… có bỏ “Nhưng tôi vẫn vui vẻ chấp nhận đi tù để đất nước và nhân dân có tự do dân chủ.”
Ừ thì… tòa tuyên tôi có tội nhưng “đúng hay sai hãy để lịch sử phán xét”
Ừ thì các ông bịt miệng tôi nhưng dân tộc này sẽ vẫn nghe được tiếng nói của tôi.
Ừ thì… các ông thắng nhưng cứ chờ xem chung cuộc thế nào.
…
Tôi có thể thấy bao nhiêu lời nhắn gửi qua vài dòng vắn vỏi đó. Vốn là một quân nhân chống giặc Tàu, rồi thì một nông dân chống lại sưu cao thuế nặng, sau đó là một nhà hoạt động dân quyền đòi hỏi công bằng cho các nạn nhân Formosa, hay chống lạm thu cho các trẻ em được nhẹ gánh tới trường. Và rồi thì thời thế đòi buộc những tiếng nói chống lại nền chính trị bệ rạc, ông lại đả đảo Tàu Cộng và bọn bán nước hại dân.
Những việc của anh Lê Đình Lượng không được và cũng chẳng cần truyền thông tung hê ca ngợi nhưng đưa lại thực chất. Cái án 20 năm tù giam và 5 năm quản chế dành cho anh nói lên được mức độ ảnh hưởng của anh lên môi trường anh sống.
Ừ thì… một chế độ với hơn 4 triệu đảng viên nhưng lại lo cay cáy một người đàn ông 54 tuổi lật đổ.
Ừ thì… tuy anh một mình trong chốn lao tù nhưng anh không cô đơn.
Ừ thì… những lời khen chê cũng đâu đến được tai anh nhưng phải nói ra cho nhẹ bớt tiếng thở dài não ruột của đâu chỉ mình tôi.
Khí chất của một con người thể hiện rõ ra khi đối diện với những lựa chọn sinh tử. Và khí chất đó được thể hiện ra không chỉ lời nói mà còn hành động phi thường trong những việc bình thường.
Điều tôi nghĩ tuyệt vời nhất nơi con người của anh Lê Đình Lượng không phải là những chiến tích anh đã làm hay những hành động anh đã thực hiện, mà là chính trái tim đầy trắc ẩn của anh với những phận người yếu thế. Anh Lượng đã học theo thầy Giê-su của anh ấy cúi xuống “rửa chân” cho những người nghèo bị xã hội coi như phung hủi bằng tình nhân ái của mình. Và chính dấu ấn tình người đó lưu lại nơi mỗi vết chân anh đi trên khắp nẻo quê hương mình.
Ừ thì họ có giam hãm được anh với bản án dài dằng dặc tận 20 năm tù nhưng ai nào biết thế sự xoay vần, thời cuộc đổi thay…
Giống như cái ngày đại hội 4/7/1776 mà Thomas Jefferson cùng 56 người đã dõng dạc tuyên bố quyền tối thượng của dân tộc Mỹ, bất kể người Việt Nam nào tuyên bố đòi tự do dân chủ thì cũng ký án tù khắc khổ cho bản thân.
Một câu thoái lui và xin khoan hồng có thể giảm mức án cho anh Lượng nhưng anh đã chọn cách đối diện với sự thật mà mình xác tín rằng chỉ có tự do và dân chủ thì mới giúp dân Việt được hạnh phúc và phồn vinh.
Tôi cảm thấy tự hào và biết ơn anh Lê Đình Lượng vì tất cả những gì anh đã dành cho dân tộc khốn khổ này.
Và có lẽ không có từ nào đẹp hơn vài dòng tâm sự của Luật Sư Đặng Đình Mạnh dành cho vị tù nhân lương tâm này như một lời kết thúc:
“Ông ấy đã tặng cho tha nhân cuộc đời của ông ấy!
Như bước chân trần của tiền nhân bước trên Đồi Sọ thuở trước, ông đang sống trọn vẹn theo hình ảnh người Thầy đã vác thập giá để cứu chuộc cho quê hương ông, cho cả những người đã phán quyết ông hôm nay.
Vậy đấy, ông Lượng, “tội” của ông quá lớn khi muốn cứu chuộc cho xứ sở khốn khổ này và… cho cả tôi nữa.”
Trần Minh Nhật