Nghiên cứu phương thức tranh đấu của các tài xế trong trường hợp trạm thu phí

BOT và tiền lẻ
- Quảng Cáo -

Phản kháng hợp pháp hay Bất tuân dân sự?

Sự kiện các tài xế trả tiền lẻ cho các trạm BOT ở Cai Lậy, Tiền Giang, khiến gây ách tắc giao thông nghiêm trọng, buộc nhà cầm quyền phải xem xét lại các dự án BOT về giao thông trên toàn quốc, được xem là một thành công cho phong trào dân sự ở Việt Nam. Hành động của các tài xế, tuy nhiên, có thể gọi là “bất tuân dân sự” hay không?

Bất tuân dân sự là một đề tài được triết gia Henry David Thoreau (người Mỹ) đặt ra liên quan đến quyền và nghĩa vụ của một công dân trong việc bày tỏ thái độ và cách thức phản ứng lại một luật bất công và bất hợp lý. Theo Thoreau, công dân có quyền không tuân thủ một đạo luật hoặc một quy định pháp luật như thế để thể hiện sự phản kháng của mình.

Ý niệm “bất tuân dân sự” từ Thoreau đã được phát triển trên thực tế về sau bởi những nhà cách mạng như Mahatma Gandhi, Martin Luther King và Nelson Mandela. Cần lưu ý một yếu tố quan trọng, đó là phải có một đạo luật hoặc một quy định pháp luật không những bất công, mà còn bất hợp lý, khiến việc tuân thủ nó sẽ tạo nên tình trạng bất công khó chấp nhận trong xã hội.

- Quảng Cáo -

Như vậy, phản kháng của các tài xế ở Cai Lậy không phải là bất tuân theo hướng không thanh toán tiền, mà là vẫn thanh toán tiền nhưng cố tình tạo ra tình trạng ách tắc và đình trệ hoạt động giao thông. Do đó, giữa ý niệm ban đầu về “bất tuân dân sự” với hành động của các tài xế tại trạm thu phí BOT ở Cai Lậy không có sự tương hợp với nhau để gọi hành động đó là “bất tuân dân sự”.

Không có một điều luật hay một đạo luật nào bất công hay bất hợp lý trong trường hợp này, mà chỉ có việc đặt ra trạm thu phí đó đã tạo ra một sự bất hợp lý, khiến cho các tài xế phản kháng lại một cách ôn hòa. Điều quan trọng là việc các tài xế trả phí BOT bằng tiền lẻ theo cách mà họ muốn gây trở ngại cho hoạt động của trạm thu phí BOT hoàn toàn không vi phạm điều luật nào cụ thể.

Luật Việt Nam hiện hành không nghiêm cấm công dân thanh toán tiền bằng tiền lẻ và mọi loại tiền đều có giá trị hợp pháp và đều phải được sử dụng. Chỉ những người nào từ chối nhận tiền lẻ thì mới vi phạm pháp luật, còn việc thanh toán đó là hoàn toàn hợp pháp.

Hậu quả pháp lý của Bất tuân dân sự

Không xét cụ thể trường hợp các trạm thu phí BOT, hãy thử phân tích về hành động bất tuân dân sự đúng nghĩa của nó ở Việt Nam. Khác với sự phản kháng hợp pháp nói trên, có thể thấy hành động bất tuân dân sự nào trên thế giới cũng đều đưa đến một hậu quả là sự trừng phạt của luật pháp.

Ở Việt Nam, chẳng hạn, tuy quyền tự do ngôn luận được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, nhưng có một điều luật tước đoạt quyền tự do đó một cách bất công, đó là Điều 117 của Bộ Luật Hình Sự hiện hành và Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự cũ trừng phạt những ai tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Điều 117 và Điều 88 đó không những vi hiến, mà còn bất công và bất hợp lý.

Do đó, nếu công khai vi phạm Điều 117 hoặc Điều 88 để thực hiện quyền tự do ngôn luận được ghi nhận trong Hiến pháp, thì tất nhiên những ai vi phạm Điều 117 và Điều 88 đều bị nhà nước bắt giam, bởi vì chiếu theo Điều 117 và Điều 88 thì nhà nước tự trao quyền trừng phạt bất kỳ ai thực thi quyền tự do ngôn luận để lên tiếng về nhiều vấn nạn nhức nhối trong xã hội hiện nay.

Bất chấp mối đe dọa bị pháp luật trừng phạt, ngày càng có nhiều người dân dấn thân phản kháng lại lối cai trị và hành xử độc đoán của nhà cầm quyền, đặc biệt liên quan đến những vấn đề quốc kế dân sinh. Đây là một tiến trình diễn ra tiệm tiến, nhưng chiều hướng phát triển này không bao giờ lùi lại được vì người dân ngày càng ý thức được quyền của mình và biết cách thể hiện hơn sự phản kháng ôn hòa hợp pháp cũng như bất tuân dân sự.

Nhận thức của người dân trong trường hợp các trạm thu phí BOT

Việc người dân ý thức được quyền của mình và hiểu rằng quyền đó phải được Hiến pháp và Luật pháp bảo vệ, đã khiến họ không ngần ngại quyết định phản kháng lại những hành động bất hợp lý của nhà cầm quyền và, điều quan trọng hơn, những người phản kháng không nghĩ rằng mình đang vi phạm pháp luật. Hành động phản kháng của công dân ở Việt Nam do vậy ngày càng gia tăng. Đó là dấu hiệu rất đáng mừng.

Tuy nhiên, khuyến khích sự phản kháng không có nghĩa là cổ súy cho hành động vi phạm pháp luật hay cổ súy cho việc gây trở ngại cho hoạt động của công quyền. Và điều quan trọng là không phải người dân nên giảm sự phản kháng, mà chính nhà cầm quyền phải nhận ra cần phải tôn trọng hơn nữa quyền của công dân. Nếu tất cả người dân đều hiểu rằng họ cần phải bất tuân những đạo luật bất công và bất hợp lý của nhà cầm quyền, thì xã hội chắc chắn sẽ thay đổi nhanh chóng hơn.

Vai trò của các tổ chức xã hội dân sự

Các tổ chức dân sự đôc lập tuy bị cấm hoạt động nhưng đã đóng góp rất lớn vào tiến trình thay đổi xã hội Việt Nam, vì hoạt động của các tổ chức này đều hướng đến khai dân trí, giúp người dân hiểu biết về các quyền của mình theo Hiến pháp, cụ thế là quyền công dân và quyền con người.

Nhờ sự phổ biến kiến thức rộng rãi trên mạng xã hội mà bây giờ ai cũng có phương tiện theo dõi, người dân ngày càng ý thức về các quyền hợp pháp của mình và do đó ngày càng đấu tranh đòi nhà nước phải tôn trọng quyền của công dân. Nếu nhà nước hành động thiếu tôn trọng công dân và quyền lợi của họ, chắc chắn sẽ nhận được sự phản kháng rất rõ rệt, mà vụ các tài xế trả tiền lẻ ở trạm thu phí BOT Cai Lậy là một ví dụ điển hình.

Nói cách khác, dân trí ngày càng được khai mở rộng hơn nhờ mạng xã hội thì người dân cũng sẽ thể hiện sự phản kháng nhiều hơn. Đầu tiên là phản kháng ôn hòa trong khuôn khổ luật pháp. Về sau sẽ tiến dần lên mức bất tuân dân sự, tức là bất tuân luật pháp với ý thức chấp nhận sự vi phạm một cách cố ý nhưng hợp lý đối với luật pháp bất công, nhằm mục tiêu lớn hơn là duy trì sự công bằng xã hội.

Tóm lại, các tổ chức xã hội dân sự cần thúc đẩy hơn nữa tiến trình khai dân trí và nhận diện các bất công trong xã hội nhanh nhạy hơn, hầu có thể giúp người dân đấu tranh tốt hơn cho các quyền dân sinh của mình.

Lê Công Định
2018

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here