Mỗi khi trái gió trở trời, bà con xứ ta thường nhớ tới chai dầu gió trước tiên, rồi mới tính tới thuốc men, đi bịnh viện khám bệnh… Chuyện này làm tôi nhớ lại một loại dầu nức tiếng một thời gian dài, đó là dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín, có mặt khắp miền Nam những năm trước 1975.
Bác sĩ Tín có tên đầy đủ là Bùi Kiến Tín, gốc gác ở Vĩnh Trinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Năm 1932, ông đỗ Tú tài tại Huế rồi nhận được học bổng du học ở Pháp. Năm 1942 ông tốt nghiệp bác sĩ Y khoa và trở về hành nghề bác sĩ ở Hà Nội, sau đó là Sài Gòn. Rồi ông dốc hết tâm trí sáng chế một loại dầu đặt theo tên mình như đã nói ở trên.
Dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín một thuở trở thành một biểu tượng, với công thức đặc biệt, và rất hiệu nghiệm, nên cạnh tranh vững vàng, hầu như luôn đứng đầu trong các loại dầu có mặt lúc bấy giờ. Dầu được xài thông dụng trong dân chúng. Dầu làm rạng danh sản phẩm, thương hiệu Việt, đó cũng là mong muốn ngay từ lúc ban đầu của bác sĩ khi ông bắt tay vào nghiên cứu bào chế.
Hiện nay một số xí nghiệp dược phẩm Việt Nam tiếp tục sử dụng công thức của ông để tái sản xuất dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín.
Để có được thành công kéo dài, điều trên hết và đầu tiên đó là phẩm chất quý giá trong con người của vị bác sĩ, phẩm chất trùng với tên ông: ‘chữ tín’, chữ tín được ông đặt lên hàng đầu.
Tuần trước, hàng loạt báo từ lớn cho tới nhỏ, và ngay trên trang nhất xuất hiện một cái tên giống với tên của vị bác sĩ, chỉ khác họ và chữ lót, đó là ông Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.
Thêm một điều khác nữa, khác về phẩm chất con người, ông Nguyễn Hữu Tín là một quan chức không hề nhỏ nhưng ông ta không hề có một chút chữ tín nào vận trong người. Ông ta nằm trong danh sách 4 người vừa bị Cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố bị can, áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc.
(Ba ông còn lại: Đào Anh Kiệt, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM; Lê Văn Thanh, Phó chánh văn phòng UBND TP.HCM; Nguyễn Thanh Chương, Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng UBND TP.HCM).
Ngược thời gian, lần giở trang báo Lao Động Thủ Đô, báo của Cơ quan Liên Đoàn Lao Động TP Hà Nội, ngày 28/11/2014, để thấy sự bất tín của ông ta như thế nào.
Tờ báo ở tận Thủ Đô mà “soi rọi tận mọi chân trời góc bể”, thực chất là một sự bơm thổi thường thấy của báo chí cách mạng nhà nước, cũng để giúp ông Tín làm bình phong, che đậy sự dối gian.
Bài báo có tựa đề: ‘Vị Phó Chủ tịch vì dân’, trong đó có đoạn: “Thời gian gần đây, những chuyến “vi hành” của Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín cùng với những phản ứng, phát ngôn gay gắt khiến ông trở thành một hiện tượng gây chú ý của dư luận”. Vì dân kiểu gì mà chỉ hơn bốn năm sau đã bị khởi tố?
Trong chế độ hiện hành chỉ có mỗi ông Nguyễn Hữu Tín là bất tín? Không, có hàng trăm ông Tín như vậy, cũng như hàng ngàn sự vụ bất tín của chế độ.
Xin dẫn ra ví dụ rõ ràng nhất bằng hai hình ảnh dưới đây. Một hình ảnh ông Đinh La Thăng khi mới về nhậm chức ở TP.HCM và ảnh kia thì ai cũng biết là sau đó ông ta bị xộ khám.
Trong dân gian có câu ‘một lần bất tín, vạn lần bất tin’. Chế độ này có quá nhiều sự bất tín, thì thử hỏi người dân nào còn tin được nữa? Có một điều đáng nói hơn, đáng sợ hơn nữa, sự bất tín nó “phát triển” ngày càng mạnh mẽ, lên tới hàng vạn lần bất tín.
Đất nước sẽ ngày càng điêu linh khi chế độ bất tín này vẫn còn tồn tại./.