Trân Văn – VOA
Hôm 10 tháng 9, nhiều tờ báo, đài truyền hình ở Mỹ đồng loạt tường thuật về câu chuyện xảy ra ở thành phố Lakewood – thuộc quận Los Angeles, miền Nam California – vào đêm 27 tháng 8…
Tối hôm ấy, trên đường tuần tra, Tyler Milton – làm việc cho Cảnh sát tư pháp của quận Los Angeles – phát giác một chiếc xe vừa chạy quá tôc độ qui định, vừa loạng quạng, khiến Milton nghi ngờ tài xế say rượu. Milton đã hụ còi, bật đèn chớp, buộc chiếc xe đó tấp vào lề đường để kiểm tra…
Trái với phỏng đoán của Milton, người đàn ông lái xe và người phụ nữ cùng đi với ông ta bước ra khỏi xe với những đôi mắt đẫm lệ… Nhìn vào trong xe, Milton phát giác một bé trai hai tuổi nằm bất động và đã ngừng thở… Milton dùng bộ đàm gọi hỗ trợ rồi bắt đầu làm hô hấp nhân tạo cho đứa trẻ…
Nghe giọng Milton trên hệ thống liên lạc nội bộ, Alissa Farrington – một nữ đồng nghiệp của Milton – biết là có chuyện chẳng lành, cô phóng xe đến hiện trường và hiểu ngay vấn đề, cô giục Milton bế đứa trẻ vào xe của mình, hối bà mẹ đang hoảng loạn bước lên xe và phóng xe tới bệnh viện Long Beach…
Trên xe, trong khi Milton tiếp tục hô hấp nhân tạo cho đứa trẻ, Farrington vừa lái xe, vừa gọi hỗ trợ… Toàn bộ lực lượng cảnh sát đang tuần tra và đang trực rùng rùng chuyển động, họ chặn tất cả các ngã tư, buộc xe đang di chuyển trên những con đường mà Farrington sắp qua dừng lại để Farrington có thể di chuyển với tốc độ cao nhất…
Xe Farrington vừa trờ tới phòng cấp cứu của Bệnh viện Long Beach, vài cảnh sát túc trực sẵn ở đó lao tới mở cửa, một video clip mà ai đó ghi lại – giờ đã được phát trên hệ thống truyền hình, được đưa lên Internet – cho thấy Milton ôm đứa trẻ trên tay, phóng ra khỏi xe, chạy vào phòng cấp cứu, nhanh hơn cả mẹ đứa trẻ đến cả phút…
Steven Hanna – đứa trẻ hai tuổi ấy đã được cứu sống. Nỗ lực thực hiện hô hấp nhân tạo mà Milton thực hiện suốt từ lúc phát giác đứa trẻ ngưng thở cho tới khi bé được đưa tới bệnh viện đã giúp giữ lại tính mạng của bé…
Ngày 10 tháng 9, Yasser Hanna và Redaa Felamon – hai di dân gốc Trung Đông, cha mẹ của Steven đã bồng bé đến trụ sở Cảnh sát tư pháp của quận Los Angeles cám ơn tất cả những người đã cứu con trai họ, cũng là cứu chính họ khỏi thảm cảnh…
Ân nhân của Steven và cha mẹ bé không chỉ có Milton, Farrington. Không ai biết chính xác đã có bao nhiêu cảnh sát tham gia dọn dẹp giao thông, cùng với Farrington và Milton mở sinh lộ cho Steven trở lại với cuộc đời (1)…
***
Những câu chuyện như vừa kể không phải là cá biệt. Thỉnh thoảng, chúng vẫn xảy ra ở đâu đó tại Mỹ và nhiều nơi trên thế giới. Cảnh sát – lực lượng được dân nuôi bằng tiền thuế do họ đóng góp để bảo vệ trật tự, trị an, nhân phẩm, tính mạng, tài sản của mọi người – ở nhiều nơi trên thế giới, đã, đang và sẽ còn hành xử như thế và chắc chắn là không thể khác thế.
Ở Việt Nam, dẫu cũng được dân nuôi nhưng công an nhân dân Việt Nam khác hẳn cảnh sát của thiên hạ. Không những không thèm bận tâm đến việc hỗ trợ nhằm duy trì, cứu lấy tính mạng của ai đó giống như Milton, Farrington, đôi khi, công an nhân dân Việt Nam còn chặn cả xe cấp cứu đang tham gia tiến trình cấp cứu để… phạt.
Tháng 10 năm ngoái, công chúng Việt Nam bừng bừng phẫn nộ khi video clip ghi lại sự kiện một nhóm cảnh sát của Phòng Cảnh sát Trật tự – Giao thông của Công an thành phố Hà Nội, khăng khăng lập biên bản, phạt cho bằng được tài xế xe cấp cứu của Bệnh viên Đông Đô vì đậu xe ở nơi có biển cấm dừng, dẫu cho tài xế, bác sĩ, y tá, thân nhân của bệnh nhân xúm vào giải thích, chuyện đậu xe ở nơi có biển cấm dừng ấy là chẳng đặng đừng vì bệnh nhân cần cấp cứu không thể tự di chuyển – được đưa lên Internet (2). Sự phẫn nộ chính đáng ấy không làm lực lượng công an nhân dân bối rối, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Trật tự – Giao thông của Công an Hà Nội trả lời tỉnh queo, thuộc cấp làm đúng luật, đúng quy định chỉ… thiếu tế nhị trong quá trình thực hiện (3)!
Ở Việt Nam, năm nào, chuyện xe cấp cứu tự vật lộn giữa biển xe, rừng người, bất kể trong xe, sinh mạng những người chẳng may rơi vào tình trạng nguy kịch, giống như chỉ mành treo chuông, cũng được gióng lên như vấn nạn nan giải mà từ hệ thống công quyền đến lực lượng công an nhân dân không thèm bận tâm về giải pháp.
Tháng 3 năm 2015, VTC News công bố một phóng sự, mô tả sự thờ ơ, vô tâm của đám đông – không những không nhường mà còn tranh đường với xe cứu thương đã làm nhiều người, kể cả trẻ con cần cấp cứu uổng mạng. VTC News công bố một thống kê do Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM thực hiện vào thời điểm đó, cho biết, có khoảng 40% bệnh nhi cần cấp cứu chết trên đường chuyển viện vì xe cứu thương bị kẹt trên đường (4).
Những thống kê kiểu đó không làm hệ thống công quyền và lực lượng công an nhân dân cảm thấy day dứt về trách nhiệm và cần phải hành động. Từ đó đến nay, trên hệ thống truyền thông chính thức và trên mạng xã hội, những phóng sự, video clip tường thuật về chuyện dân chúng Việt Nam “tranh đường” (5), thậm chí cố tình cản trở xe cấp cứu như một cách tìm vui, hoặc tự khẳng định mình vẫn xuất hiện đều đặn (6). Có những trường hợp, bởi không được lực lượng cảnh sát nhân dân hỗ trợ, thân nhân người cần cấp cứu phải xuống xe, van nài các phương tiện giao thông phía trước xe cấp cứu nhường đường, bị kẹt giữa rừng xe, biển người, phải khiêng người cần cấp cứu qua dải phân cách, thuê xe khác đưa người thân đến bệnh viện để níu giữ cơ may sống sót (7).
Tại sao nhiều người Việt lại vô tâm, thậm chí nhẫn tâm đến như vậy? Tại sao không ngăn chặn sự vô tâm, nhẫn tâm ấy bằng luật pháp giống như nhiều quốc gia khác? So luật pháp Việt Nam với luật pháp nhiều quốc gia khác ắt sẽ thấy sẽ không khác nhiều lắm: Luật Hình sự Việt Nam cũng xác định, “không cứu giúp người khác khi họ đang trong tình trạng nguy hiểm tới tính mạng” sẽ bị truy cứu trách nghiệm hình sự. Luật Giao thông đường bộ cũng có qui định không nhường đường cho xe cấp cứu sẽ bị phạt. Tuy nhiên tính mạng của công dân đang trong tình trạng nguy kịch không phải là điều đáng bận tâm nên giống như nhiều địa phương khác ở Việt Nam, mười năm sau khi Luật Giao thông đường bộ có hiệu lực, tháng 11 năm 2017, lãnh đạo Phòng Cảnh sát Giao thông Đường sắt – Đường bộ của Công an TP.HCM xác nhận rằng chưa bao giờ xử phạt bất kỳ cá nhân nào về lỗi không nhường đường cho xe cứu thương (8).
Thảo luận với tờ Thanh Niên về chuyện nhường đường cho xe cứu thương, ông Đào Lê Hòa An, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, từng cho rằng, người ta chỉ nhận thức đúng, hành động đúng khi được chỉ dẫn và giới hữu trách chú trọng đến các biện pháp buộc thực thi chỉ dẫn. Ông An dẫn trường hợp xe vận chuyển giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam (có lực lượng công an nhân dân mở đường, phát loa nhắc nhường đường), nên không ai dám tranh đường như một ví dụ. Tại Việt Nam, xe cấp cứu công dân không được chỉ dẫn kèm những biện pháp buộc thực thi chỉ dẫn như vậy.
Không thèm đếm xỉa đến hoạt động của hệ thống xe cấp cứu cũng như chuyện cá nhân công dân cần được cứu chỉ là một trong nhiều khía cạnh cho thấy, trong mắt lực lượng công an nhân dân Việt Nam, dân – bao gồm cả tính mạng, tài sản của họ – chẳng có gì là quý. Cũng như thiên hạ, dân chúng Việt Nam phải đóng thuế nuôi lực lượng công an nhân dân nhưng lực lượng này lại phục vụ đối tượng khác – Đảng CSVN và hoạt động của lực lượng này chỉ xoay quah một mục tiêu: Bảo vệ độc quyền lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng CSVN tại Việt Nam. Hệ quả khi lực lượng bảo vệ trật tự, trị an, nhân phẩm, tính mạng, tài sản công dân chỉ tụng niệm “còn Đảng, còn mình” đâu có trừu tượng. Nó nhãn tiền! Vấn đề là có bao nhiêu người chú ý đến tác động của “Công an nhân dân – Còn Đảng, còn mình” đến trật tự, trị an của môi trường xã hội mà mình đang sống cũng như nhân phẩm, an toàn tính mạng, tài sản của chính mình!
Chú thích
(2) https://www.youtube.com/watch?v=FKGzHd7UkK8
(4) https://vtc.vn/di-tim-cau-tra-loi-cho-cai-chet-vi-ket-xe-cuu-thuong-d196668.html
(5) http://soha.vn/tranh-duong-voi-xe-cap-cuu-benh-nan-y-20180224070639689.htm
(8) https://thanhnien.vn/thoi-su/vo-cam-truoc-xe-cap-cuu-904652.html