Trung Quốc, ở đây được hiểu là chính quyền toàn trị Trung Quốc, do Đảng cộng sản lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, như lời nói đầu Hiến pháp của nước này đã ấn định vị thế tối cao và riêng biệt cho tổ chức nắm quyền vô song đó.
Và như vậy, trong lịch sử, với chiến thuật “biển người”, tức dùng số lượng đông đảo để chiến đấu với đối phương, chính quyền Trung Quốc luôn sẵn sàng hy sinh vô số mạng người chỉ nhằm một mục đích duy nhất là để đạt được kết quả đã được hoạch định trước đó theo mệnh lệnh của những kẻ đứng đầu có quyền bính.
Trong câu chuyện thảm sát Thiên An Môn, Đặng Tiểu Bình ra lệnh “đổi 200.000 người lấy 20 năm ổn định”. Ổn định ở đây chính là sự ổn định về tình hình chính trị, trong đó chính là vai trò lãnh đạo tuyệt đối của Đảng cộng sản trong mọi trường hợp và biến cố. Chính vì điều đó mà chính quyền nước này đã tiến hành những hành động man rợ nhất trên chính sinh mệnh của hàng chục ngàn đồng bào mình, những tầng lớp trí thức và thanh niên, người lao động đấu tranh đòi hỏi thiết lập một nền dân chủ tiến bộ và văn minh từ những năm cuối của thập niên 1980s.
Trước đó chỉ khoảng hai thập niên, chính Mao Trạch Đông đã đề ra kế hoạch Đại nhảy vọt và tiếp sau đó là thực hiện chiến dịch Cách mạng văn hoá. Nó đã dẫn đến những thảm kịch tang thương và chết chóc trên diện rộng, với hàng chục triệu người chết, gồm cả những người bị giết, bị đày đoạ, trấp án, khủng bố, và gần như nó đã tiêu triệt và gây khủng hoảng sâu rộng cho tầng lớp trí thức cũng như toàn bộ nền văn hoá lâu đời của dân tộc tham vọng này.
Và cho đến hiện thời, cuộc chiến thương mại đang tiến tới một mức độ căng thẳng và quyết liệt hết sức cao độ, nơi đối đầu trực tiếp giữa siêu cường Mỹ và đế chế bá quyền mới nổi Trung Quốc mà nó được nhìn nhận là mối đe doạ tiềm tàng đối với nền hoà bình chung của nhân loại. Với một tâm thức bạo lực được định sẵn trong việc cai trị từ quá khứ và kéo dài cho đến hiện tại như một bản chất không thể thay đổi, chúng sẵn sàng hy sinh quyền lợi của đại đa số dân chúng nằm dưới vòng tầm soát của chúng, bất kể là bao nhiêu, chỉ để đảm bảo cho sự ổn định chắc chắn đối với vị thế tối cao và sức mạnh chuyên chế của chính quyền, tức Đảng cộng sản Trung Quốc.
Con số 300 triệu người, chiếm một tỷ lệ gần tới 1/4 dân số nước này, tương đương với xấp xỉ dân số của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, có thể là vật thế mạng trong tuyên bố công khai và hết sức thản nhiên từ Bắc Kinh trước toàn thế giới. Nếu chính quyền có thể hy sinh quyền lợi của tới ngần ấy con người của chính dân tộc mình, vậy thử hỏi rằng còn có thể có quyền lợi của bất cứ một ai khác nữa, trở thành xứng đáng để chính quyền nước này không thể hy sinh trước một tình cảnh nào đó? Và khi đặt ra sự hy sinh thay thế, nghĩa là phải có thứ quyền lợi được bảo hộ, vậy quyền lợi được bảo hộ ở đây là của ai, nếu không phải là của chính chính quyền toàn trị đang cai trị quốc gia này?
Và với lề lối sẵn sàng hy sinh một phần lớn nhân dân của mình chỉ để đảm bảo cho quyền lực của thiểu số và rất ít quyền lợi của nhóm người cầm quyền, thực ra là quyền lực của Đảng cộng sản, thì có điều gì chúng không thể làm đối với nhân dân quốc gia (dân tộc) khác và hẳn sẽ được thực hiện bằng những hành động bất chấp, man mọi nhất có thể? Điều đó cũng khẳng định rõ ràng một nguyên lý, chính quyền cộng sản nước này chỉ tôn dựng quyền lợi của chính nó cao hơn tất thảy mọi quyền lợi và vị thế khác, dù cho lực lượng đó có đông đảo đến nhường nào đi nữa, mặc dù nó vẫn luôn miệng tuyên bố rằng nó đại diện cho toàn thể nhân dân và vì hạnh phúc của nhân dân để hành động.
Nhân dân dân tộc này đã làm cách mạng không phải để được sống tự do và làm chủ vận mệnh của mình, mà là để phục vụ cho và bị nô dịch bởi lợi ích của riêng Đảng cộng sản (nhóm người cầm quyền) mà thôi./.