Mạnh Kim – VOA
Đề cập cái gọi là “hệ sinh thái tốt cho phát triển giáo dục” nhân dịp khai giảng năm học 2018-2019, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong niên khóa này, ngành giáo dục sẽ thực hiện “9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp trọng tâm”. Thực ra “9 nhiệm vụ” và “5 giải pháp” đã được khai sinh từ khi ông Nhạ bắt đầu ngồi ghế bộ trưởng (2016). Chúng đã được “luộc” lại cho “nhiệm vụ” 2017 rồi bây giờ tiếp tục được “xào” cho “giải pháp” năm nay…
Năm ngoái, Chỉ thị 2699/CT-BGDĐT nêu:
“Trên cơ sở những kết quả bước đầu đạt được trong năm học 2016-2017 về việc triển khai thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản của ngành, năm học 2017-2018, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết số 44/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ tình hình thực tiễn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị toàn ngành giáo dục quán triệt phương hướng và tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp…”.
Năm nay, ngành giáo dục vẫn lại được đề nghị “quán triệt phương hướng”, cũng với “9 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp” như vậy. “Nhiệm vụ” gồm: Rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trong cả nước; Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Đổi mới giáo dục giáo dục mầm non, phổ thông; Đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục… “Giải pháp” gồm: Hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và đào tạo; Nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; Tăng cường công tác khảo thí, kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục; Đẩy mạnh công tác truyền thông và giáo dục đào tạo…
Việc các “nhiệm vụ” và “giải pháp” không thay đổi từ năm 2016 đến nay cho thấy Bộ Giáo dục đã không “thực hiện thắng lợi” nào cả. Vậy là 2.477.175 học sinh với 150.721 giáo viên tại 2.391 trường phổ thông (số liệu từ báo Giáo Dục 16-8-2018) sẽ tiếp tục chứng kiến sự “nâng cao”, “đẩy mạnh” và “tăng cường” của vô số vấn đề lôi thôi mà giáo dục đang vướng phải. Có quá nhiều câu hỏi chưa bao giờ được thỏa mãn khi nói đến giáo dục Việt Nam và vài trong số câu hỏi lớn nhất vẫn là tư duy của chính sách giáo dục là gì và ai đang kiểm soát giáo dục.
Tư duy giáo dục phải được đặt trên yếu tố cốt lõi là xây dựng nguồn nhân lực vì tương lai quốc gia và chính sách giáo dục phải được thực hiện trên nguyên tắc đó. Giáo dục không thể bị biến thành công cụ phục vụ sự tồn tại của đảng cầm quyền. Điều đó chỉ có thể thực hiện khi mà nhà nước không thò tay vào sự vận hành của bộ máy giáo dục. Thử lấy mô hình Mỹ để tham khảo. Chính phủ liên bang chỉ phác họa chính sách tổng quát và phần hành động và kế hoạch chi tiết luôn thuộc thẩm quyền về Bộ Giáo dục (với không đến 4.000 nhân viên-viên chức, là cơ quan ít nhân sự nhất trong 15 bộ của Mỹ, dù ngân sách đứng hàng thứ ba với gần 70 tỷ USD, chỉ sau Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế). Phần mình, các tiểu bang lại có đường hướng riêng mà Bộ Giáo dục gần như không can thiệp.
Chức trách Bộ Giáo dục Hoa Kỳ là thực hiện sứ mạng mà họ cho rằng quan trọng nhất: làm thế nào để học sinh học tốt để có thể sẵn sàng giành chiến thắng trong sự cạnh tranh phát triển toàn cầu. Để thực hiện điều đó, tinh thần của chính sách giáo dục Mỹ, trong bất kỳ giai đoạn nào, cũng đặt yếu tố “tự do” làm trọng tâm. Có lẽ không quốc gia nào có chính sách giáo dục, xét về tổng thể, tự do như Mỹ. Các tiểu bang có toàn quyền xây dựng hệ thống và đường lối giáo dục riêng. Các học khu (school district) trong từng bang lại có cách thức dạy và học riêng. Mỗi đại học hay trường phổ thông trong từng học khu lại có mô hình riêng. Thậm chí giáo viên của từng khối lớp trong cùng một trường cũng có quyền sử dụng cách thức giảng dạy riêng (giáo viên lớp 5 này có thể dạy khác giáo viên lớp 5 khác trong một trường).
Chính sách tự do trong giáo dục Mỹ dựa vào triết lý căn bản: con người là những thực thể khác nhau, có khả năng khác nhau và tố chất khác nhau. Không có con đường nào là duy nhất để mang lại kiến thức và giáo dục con người. Không có phương pháp và mô hình nào duy nhất để xây dựng và phát triển con người. Thật ra cho đến thập niên 1960 chính phủ liên bang mới bắt đầu “can thiệp” bằng cách đưa ra chính sách chung cho giáo dục nhưng từ đó đến nay chính phủ vẫn không bao giờ kiểm soát tuyệt đối hệ thống vận hành của bộ máy giáo dục. Vai trò đáng chú ý nhất của chính phủ liên bang là tạo ra sự công bằng và bình đẳng trong hệ thống giáo dục; bảo vệ quyền hiến định của học sinh (safeguarding students’ constitutional rights; chẳng hạn cấm phân biệt chủng tộc, giới tính, tôn giáo…); và bảo vệ quyền hiến định của giáo viên (giáo chức được bảo vệ khỏi sự ngược đãi nếu có…).
Không ai có quyền thao túng, áp đặt và “chỉ đạo” chính sách giáo dục. Kết quả của sự tự do trong giáo dục Mỹ là họ tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, giữa các bang, giữa các trường, giữa các giáo viên, giữa những nhà giáo dục học, giữa những người viết sách giáo khoa mà giáo viên có toàn quyền chọn để dạy, thậm chí giữa những nhà lập pháp các tiểu bang. Sự phát triển và thành công của giáo dục Mỹ đặt trên yếu tố thực chứng. Nó được phép thể hiện sự tự do nhiều nhất có thể, miễn nó mang lại kết quả tối ưu trong thực tế. Các mô hình giáo dục được phép thể hiện tự do, miễn cho thấy và chứng minh được mục đích cuối cùng là xây dựng thành công con người.
Chừng nào Việt Nam có những ngôi trường được dùng sách giáo khoa riêng, phương pháp giảng dạy riêng và trường học có những lớp mà học sinh thích đứng hay ngồi tùy ý? Điều quan trọng bây giờ đối với “hệ sinh thái giáo dục Việt Nam”, như cách dùng từ của Bộ trưởng Nhạ, là sự cần thiết trả lại quyền tự do cho giáo dục. Chỉ bằng tự do cạnh tranh mới có thể mang lại sự đào thải những mô hình giáo dục kém hoàn thiện. Chỉ bằng cạnh tranh trên tinh thần tự do thì mới dẹp được nạn tham nhũng thối nát, từ chạy bằng cấp đến tình trạng độc quyền sách giáo khoa.
Trong bài Giáo dục, xin cho tôi nói thẳng viết năm 2009, giáo sư Hoàng Tụy đã chỉ ra ba vấn đề nghiêm trọng khiến giáo dục Việt Nam suy đồi: 1/ Giáo dục sa sút không phải vì thiếu tiền mà vì quản lý kém; 2/ Cần cải cách có hệ thống chứ không phải đổi mới vụn vặt; 3/ Giáo dục không phải là phòng thí nghiệm, càng không thể là nơi để học việc lãnh đạo. Trong bài báo, giáo sư Hoàng Tụy viết: “Căn nhà giáo dục đã cũ nát thảm hại nhưng cứ loay hoay nay cơi nới chỗ này, mai sửa chữa chỗ kia, rốt cuộc thành ra căn nhà dị dạng chẳng ai muốn ở…”.
Gần 10 năm sau bài viết này, bức tranh giáo dục nước nhà ngày càng bệ rạc và dị dạng gấp nhiều lần. Có lẽ cần bổ sung và “nói thẳng” hơn cả “xin cho tôi nói thẳng”: vấn đề đặc biệt nghiêm trọng và là rào cản lớn nhất của phát triển giáo dục Việt Nam là đảng cầm quyền không ngừng tay bóp nghẹt tự do trong chính sách giáo dục lẫn điều hành giáo dục. Tạp chí Tia Sáng đã bị đóng cửa vì bài viết nói trên của ông Hoàng Tụy. “Nói thẳng” đã không bao giờ có thể giúp nới ra được bàn tay “siết cổ” giáo dục. “Tự do nói thẳng” đã không có “giá trị” bằng những “nghị quyết đổi mới của Đảng về đổi mới giáo dục”. “Chức năng” giáo dục đã không được phép tách rời khỏi “nhiệm vụ chính trị” mà các nghị quyết Đảng đặt ra. Ở một góc độ nào đó có thể nói, Bộ Giáo dục không chỉ là công cụ. Nó còn là “con tin” của đảng cầm quyền. Muốn bàn về sự cởi trói những khó khăn của giáo dục, trước hết phải nhìn thấy được “mức độ cởi trói” của Đảng đối với giáo dục, để nó có thể tự do tìm kiếm con đường nào là tốt nhất nhằm thỏa mãn được các mục tiêu cốt lõi của bản chất giáo dục: “Giáo dục cho cái gì” và “Giáo dục cho ai”.