Khi “công quyền” khoái sử dụng luật rừng và “phản động” ưa tôn trọng Pháp luật

Blogger Huỳnh Công Thuận (trái) và nhà báo Trương Châu Hữu Danh (phải) đều bị đe dọa tính mạng.
- Quảng Cáo -
Ánh Liên (VNTB) 
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh bị một nhóm giang hồ (điều từ phía bắc) vào để ‘làm việc’. Nhóm giang hồ này thực hiện một quy trình mang tính khép kín: dụ dỗ, khuyên răn, đe dọa.
Khi lãnh đạo khoái sử dụng luật rừng
 
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh là một người nổi tiếng ở miền Tây, vì anh từng đồng hành với cánh tài xế trong đòi hỏi quyền lợi liên quan đến BOT Cai Lậy. Mới đây nhất, anh đã bị một nhóm ‘giang hồ phía Bắc’ đe dọa tính mạng. Khi nhà báo Hữu Danh ‘bất hợp tác’ qua điện thoại và tin nhắn, nhóm giang hồ đã tìm đến nhà người thân anh để khủng bố tinh thần, mới nhất là chặt đầu con chó và treo lên cổng.
Vì sao nhóm giang hồ này ‘quyết liệt, táo bạo, công khai’ đến thế!
Không vi phạm pháp luật, không ‘vay nặng lãi’ từ giang hồ, điều mà nhà báo Hữu Danh làm khiến giang hồ được điều đến đơn giản hơn rất nhiều: anh là nhà báo, và anh có những bài viết phanh phui sai phạm của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị. Và không biết vị ‘lãnh đạo’ tỉnh này khủng hoảng ra sao, lại đâm nhờ ‘giang hồ’ xử lý nhà báo.
Cách xử lý qua giang hồ đối với nhà báo phanh phui sai phạm của lãnh đạo không hiếm, trước đó, một nhà báo thuộc báo Pháp Luật là Đỗ Cao Cường cũng từng bị dọa giết vì tin bài. Trước đó, một nhà báo nữ là Hải Đường (Đặng Tuyền), cũng báo Pháp Luật Tp. HCM đã được tìm thấy trên sông Hồng, thuộc xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội trong tình trạng tử vong.
Đe dọa, khủng bố và bị giết hại là những trạng thái mà hầu hết những nhà báo, phóng viên phanh phui các sự thật, sai phạm thuộc các thế lực lớn phải gánh chịu. Nếu ở một khía cạnh nào đó, thì đây là tia sáng của báo chí cách mạng. Nhưng việc sử dụng giang hồ một cách công khai để xử nhà báo, nhất là trong thời đại Facebook như thế này là chuyện hiếm có.
Không có chuyện ‘giang hồ’ miền Bắc rảnh rỗi tìm vào miền Nam đe dọa nhà báo, để bảo vệ cho ông lãnh đạo miền Trung. Và với cách đe dọa này, nó dường như xác lập về những sai phạm mà vị ‘lãnh đạo tỉnh Quảng Trị’ gây ra, và như nhà báo Hữu Danh từng phản ánh.
Trong trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chính – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, khi báo này đặt vấn đề liệu có ai mượn danh lãnh đạo Quảng Trị để khủng bố, dọa dẫm nhà báo Hữu Danh. Đáng lý ra, ông Chủ tịch phải rà soát và kiểm tra, vì không tự nhiên mà xã hội đen lại đòi tháo bài, thì ông lại bày tỏ niềm tin tuyệt đối rằng: lãnh đạo Quảng Trị không ai làm việc đó.
Đặt giả thiết rằng, nếu đúng như niềm tin của ông Nguyễn Đức Chính, thì cần phải điều tra và xử lý hình sự với nhóm giang hồ, vì đã đưa những thông tin bôi nhọ, vu khống nhằm hạ thấp uy tín, danh dự của cá nhân tổ chức. Ngược lại, nếu một người trong chính quyền tỉnh Quảng Trị sử dụng giang hồ nhằm đe dọa nhà báo, thì nó không còn dừng ở hành vi trái pháp luật, mà là thể hiện một ý thức lạm quyền lực đến mức vô pháp. Và một người khoái sử dụng ‘luật rừng’, liệu có xứng đáng ngồi tiếp trong cơ quan, ban hành/ ký/ phê duyệt các văn bản, giấy tờ pháp luật hay không, nhất là trong thời kỳ ‘đốt lò’ nhằm làm trong sạch bộ máy đảng và nhà nước như hiện nay?
Và ‘phản động’ ưa tuân thủ Pháp luật
Nếu có đối tượng hay nhóm người nào được vinh danh là tuân thủ tốt Hiến pháp và Pháp luật, thì đó chắc hẳn là nhóm người ‘phản động’ ở Việt Nam.
Họ sống theo Pháp luật, đòi hỏi quyền con người theo pháp luật, và dựa vào pháp luật để bảo vệ mình. Họ yêu pháp luật, và coi đó là một thực thể để tạo ra tính bình đẳng giữa họ với những nhóm người khác trong xã hội, xóa bỏ chế độ một luật nhưng nhiều cách thụ hưởng (bất bình đẳng).
Và hầu như, trong các sự vụ liên quan đến nhóm phản động, thì bức tranh tôn trọng luật pháp lại nằm hẳn phía phản động. Trong khi đó, các cơ quan tư pháp, hành pháp thường sai phạm luật nhiều nhất, kế đến là giới lập pháp.
Một ví dụ điển hình là giấy mời làm việc được cơ quan công an (hành pháp) gửi đến nhóm phản động với nội dung làm việc chỉ vỏn vẹn 2 chữ: làm việc. Nội dung ‘làm việc’ có phần trịch trượng này trái với các quy định trong Luật Tố tụng hình sự Việt Nam. Và người chỉ ra cái sai đó dựa trên cơ sở luật pháp lại chính là ‘phản động’.
Mới đây nhất, blogger Huỳnh Công Thuận, người bị hành hung vào chiều ngày 4.9 đã có một chia sẻ xoay quanh việc, ông đưa sự việc vi phạm pháp luật ra trước Pháp luật. Việc đưa sự việc theo thủ tục và tiến trình pháp luật bị không ít người coi là ‘dở hơi’, tuy nhiên, blogger này nhấn mạnh sự kiên trì theo đuổi nguyên tắc sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Thực trạng kiên trì theo đuổi nguyên tắc pháp luật, dựa vào pháp luật và đấu tranh bằng pháp luật là chỉ số cơ bản nhất dễ nhìn thấy ở những người đấu tranh nhân quyền. Và điều này khiến họ có cái nhìn văn minh, ôn hòa hơn nhóm lãnh đạo hoặc nhân viên công vụ ưa sử dụng luật rừng, hoặc tìm cách lách luật nhằm vun lợi cho chính mình.
Bởi người phản động chứng minh điều họ đang theo đuổi: giá trị pháp quyền. Còn những công vụ hay lãnh đạo chính quyền lại tìm cách xác lập điều ngược lại (rừng rú): vô pháp.
- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here