Hết ODA, ‘nghề công chức’ mất giá

- Quảng Cáo -

Blogger Phạm Chí Dũng|

Tiệc ăn chực nào cũng phải có lúc tàn. Chẵn một phần tư thế kỷ từ lúc bắt đầu ‘ăn đủ, ăn dày’ nguồn tiền ODA – viện trợ phát triển chính thức – của thế giới ‘tư bản giãy chết’, đến tháng Tám năm 2018 chính thể độc đảng ở Việt Nam đã phải gián tiếp thừa nhận hiện thực nợ công ngập đầu: ODA chỉ còn rất ít hoặc sẽ hết sạch.

Những ai sẽ phải thất vọng và tuyệt vọng?

Đứng đầu bảng nạn nhân của hậu quả nợ công ODA là dân. Luôn là nhân dân.

Núi nợ 210% GDP và quả báo ứng nghiệm!
- Quảng Cáo -

Liệu con số 35 triệu đồng nợ công đè lên mỗi đầu dân từ người già sắp chết đến trẻ sơ sinh mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cơ quan có trách nhiệm chính ‘quản lý nguồn vốn ODA’ nhưng từ mấy năm qua đã có nhiều biểu hiện muốn ‘nghỉ ngơi vì quá no’ và muốn đẩy bớt trách trách nhiệm cho các cơ quan khác như Bộ Công thương, Ngân hàng nhà nước, Văn phòng chính phủ cũng đang ‘no’ không kém – công bố có đúng với thực tế?

Thực tế còn khốn quẫn hơn nhiều, rất nhiều. Trong khi vào thời thủ tướng bị xem là ‘phá chưa từng có’ – Nguyễn Tấn Dũng – trị vì 9 năm và cũng là thời vay mượn ODA xả láng bất cần hậu quả nhất, tỷ lệ nợ công quốc gia luôn bị ép dưới 65% GDP – tức chỉ khoảng 130 tỷ USD, thì con số nợ công trần trụi hơn rất nhiều đã lên tới 431 tỷ USD – tức chiếm đến 210% GDP, vượt rất xa ngưỡng cho phép 65% GDP (theo tiêu chí thế giới) và thực chất đã quá nguy hiểm đối với một đất nước mà mức độ tàn tạ về tài nguyên thiên nhiên và ngân sách luôn tỷ lệ thuận với thói ‘ăn của dân không chừa thứ gì’.

Đồng hồ nợ công của tạp chí The Economist nêu con số nợ công của Việt Nam vào ngày 16/7/2017 là hơn $94 tỉ. (Hình: Trích từ website của The Economist)

Việt Nam đương đại năm 2018 và ‘toàn đảng, toàn quân, toàn dân lập thành tích tiến tới đại hội 13’ vào năm 2021. Trong cơn mê sảng quằn quại giai đoạn cuối, quả báo đã ứng nghiệm.

Hạn ngạch đạo đức hay giới hạn chấm mút?

Quả báo ODA đã chính thức bắt đầu từ năm 2012. Ngay trước thềm hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ giữa kỳ năm 2012, Bộ Ngoại Giao Đan Mạch đã không ngần ngại tuyên bố ngừng 3/4 dự án ODA tài trợ cho Việt Nam do nghi ngờ một số cơ quan đơn vị sử dụng chi sai khoảng 11,4 tỷ đồng trên tổng số tiền 69 tỷ đồng do Đan Mạch tài trợ, tương đương khoảng 19,9 triệu cua-ron.

Đến năm 2013, Thụy Điển đã bắt buộc phải ngừng vô thời hạn các khoản viện trợ ODA cho Việt Nam sau khi phát hiện hàng loạt gian dối của quan chức Việt. Sau đó cả Bộ Ngoại Giao Australia vài vài quốc gia khác cũng bắt đầu cắt giảm viện trợ.

Một trong những “gương người tốt việc tốt” ghê gớm nhất là vụ PMU18 vào năm 2006, với hình ảnh rất tiêu biểu của trưởng ban PMU18 Bùi Tiến Dũng thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải – một kẻ tắm bia khi quan hệ với gái.

Sau đó, báo chí Nhật Bản – chứ không phải báo chí Việt Nam – đã phát hiện công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương của Nhật đã phải hối lộ cho quan chức Việt Nam phụ trách dự án đại lộ Đông-Tây ở Sài Gòn một phần hoa hồng tương đương 10% giá trị hợp đồng. Lúc đó cũng là một trưởng ban của PMU Đông-Tây là Huỳnh Ngọc Sĩ đã nhận số tiền hối lộ trên 800.000 đô la.

Chỉ vài tuần lễ sau khi xảy ra vụ việc 6 quan chức ngành đường sắt Việt Nam bị bắt tạm giam do bị nghi nhận tổng cộng 16 tỷ đồng tiền hối lộ từ công ty Tư Vấn Giao Thông Nhật Bản (JTC), vào đầu tháng Sáu năm 2014, Bộ Ngoại Giao Nhật Bản đã ra thông báo cho biết các khoản vay mới bằng đồng yen và các khoản tài trợ cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội đã bị đình chỉ.

Hạn ngạch đạo đức giới quan chức tham nhũng ODA đã không còn biết giới hạn chấm mút là gì.

Thậm chí còn có những tỉ lệ tham nhũng, thất thoát cụ thể đối với ODA ở Việt Nam. Trong một lần hiếm hoi được ‘mở miệng’, báo điện tử Vietnamnet đã nêu ra một minh họa cụ thể: từ năm 2009-2010, sau khi đại sứ quán Nhật tại Việt Nam loan báo sẽ viện trợ không hoàn lại để một số tỉnh xây trường học, đường sá hạ tầng& thì có một phụ nữ mà tờ báo không dám nêu tên, chỉ cho biết là cư ngụ tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, đã liên lạc với lãnh đạo nhiều xã ở Hà Tĩnh để đặt vấn đề chạy dự án, với điều kiện khi thành công phải cắt cho bà ta 40%.

Sau đó nguồn vốn ODA đã được rót về cho ba xã ở Hà Tĩnh, trong đó có một xã tên là Gia Phố được nhận 80,000 đô la để xây dựng trường tiểu học. Chính quyền xã này đã lấy 8.000 đô la chia cho nhau, rồi lấy thêm 24.000 đô la chi cho người phụ nữ làm môi giới. Tỉ lệ 40% tương tự cũng xảy ra ở huyện Cẩm Xuyên. Do bị ăn chặn thảm thiết đến thế, các cơ sở giáo dục, đường sá ở ba xã trên đều sụt giảm mạnh về quy mô và chất lượng.

Còn rất nhiều dẫn chứng khác về lãng phí và “ăn dày” ODA, đặc biệt là những dự án sử dụng vốn ưu đãi trong lĩnh vực giao thông bị chậm tiến độ và đội vốn lớn so với tổng mức dự kiến đầu tư ban đầu như dự án tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội, dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông ở Hà Nội, dự án xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) và dự án metro tuyến Bến Thành-Tham Lương ở Sài Gòn…

Thế nhưng điều kỳ quái lạ là cho đến nay, bất chấp yêu cầu trong rất nhiều lần các tổ chức tài trợ quốc tế và giới chuyên gia phản biện trong nước, ở Việt Nam vẫn chưa có bất kỳ tổ chức giám kiểm độc lập nào cho một khu vực được coi là nhạy cảm như ODA. Những tổ chức phi chính phủ Việt Nam muốn làm việc này thì không được cho phép thành lập, trong khi đó những tổ chức phi chính phủ nước ngoài vốn có truyền thống kiểm định những dự án lớn như thế này lại chưa hoạt động ở Việt Nam, và cũng chưa được được một cơ quan nhà nước Việt Nam nào mời. Các cơ quan quản lý Việt Nam chỉ muốn ‘ôm’ và ‘ăn’…

Cạn ODA và bi kịch vĩ đại

2018, sau vài chục năm “vay mượn, vay mượn ồ ạt cho đến khi sụp đổ,” ngân sách Việt Nam đã biến thành một tổ mối đúng nghĩa: tỉ lệ nợ công/GDP vượt xa giới hạn nguy hiểm, còn cộng đồng tài chính quốc tế đang thẳng tay “cấm cửa” vay mượn ODA đối với chính thể mà ngay giới chuyên gia quốc tế còn rành rẽ một giai thoại dân gian: một chương trình an sinh xã hội của chính phủ Việt Nam nhận nguồn ODA có tên là ‘Chương trình 135’, nhưng khi tiền được phân bổ từ cấp cơ quan trung ương xuống cơ quan địa phương rồi đến tay người dân thì đã biến thành công thức ‘5 – 3 – 1’, tức những người khốn khổ nhất trong xã hội lầm than này chỉ nhận một phần quá nhỏ nhưng vẫn phải tự nguyện ‘cám ơn đảng và nhà nước ta’, cũng tự nguyện làm bình phong để giới quan chức có cớ ‘xóa đói giảm nghèo’ để xin ODA.

” … nếu tính đủ thì nợ công đã vượt trần!”

2018, sau vài chục năm nhận ‘lộc trời’, ODA đã trở thành một trong những bi kịch ‘vĩ đại’ nhất của chính thể Việt Nam.

Bi kịch đến nỗi mà vào một buổi sáng mùa thu năm 2017, Thủ tướng Phúc đã phải “đề nghị Ngân hàng thế giới tìm kiếm nguồn vốn tài trợ cho Việt Nam các khoản không hoàn lại để giảm tối đa làm chi phí vay vốn, tăng thành tố ưu đãi của các khoản vay” – cử chỉ xin tiền đầu tiên và hình như không còn quá chú tâm về lòng tự trọng kể từ ngày quan chức này phải lãnh trách nhiệm ‘đổ vỏ’ cho đời thủ tướng trước bị xem là ‘phá chưa từng có’ là Nguyễn Tấn Dũng…

Bi kịch đến mức mà vào cuối tháng Sáu năm 2018, cuộc gặp của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ với Bộ Tài chính Hoa Kỳ ở Washington đã khiến lộ ra một ‘bí mật quốc gia’ mà mấy năm qua giới quan chức Việt Nam cố tình giấu nhẹm: ông Huệ đề nghị Mỹ “mở lại kênh cho vay ODA và vay ưu đãi cho Việt Nam, tăng cường các chương trình viện trợ trực tiếp và gián tiếp thông qua các tổ chức phi chính phủ để thực hiện các dự án nhân đạo và hỗ trợ phát triển tại Việt Nam”.

Cũng có nghĩa là trong những năm gần đây, lượng ODA và viện trợ không hoàn lại được cấp từ Mỹ cho Việt Nam đã giảm về 0.

Nhưng Mỹ không phải là quốc gia duy nhất đặt Việt Nam vào trạng thái zero viện trợ, mà động thái này như thể ‘không hẹn mà gặp’ đã diễn ra phổ biến ở gần hết các nước cấp viện trợ cho Việt Nam, dẫn đến một phát hiện lớn mà ‘đảng và nhà nước ta’ đã không dám công bố trong suốt 4 năm qua: từ năm 2014 đến năm 2018, viện trợ ODA cho Việt Nam luôn cận kề với vạch 0.

Đến lúc này, người ta đã có thể hiểu vì sao giới quan chức cao cấp Việt Nam đã tận dụng các sự kiện hội thảo quốc tế, các cuộc gặp song phương ở Hà Nội lẫn các chuyến công du nước ngoài để phát ngôn ‘xin tiền’ không biết mệt mỏi.

Hết mật, sạch ruồi và ‘tìm đâu ra nhân tài’

2018 rất có thể là năm chứng kiến sự sụt giảm thảm thiết nhất của nguồn vốn ODA (viện trợ phát triển chính thức) vào Việt Nam, bổ túc một dấu ấn cho năm ‘thắng lợi kinh tế chưa từng có’ và ‘tiếp tục gặt hái nhiều thành công đối ngoại’ theo lối tuyên truyền không còn biết trời cao đất dày của chính thể độc đảng này, chìm nghỉm trong bức tranh tổng thể mang gam màu xám ngoét – được đặc tả bởi sự phối ngẫu của ba thành phần ‘binh chủng hợp thành’: nợ công – nợ xấu – ngân sách.

Tháng Tám năm 2018, tròn một năm sau khi Việt Nam bị các tổ chức tín dụng quốc tế là Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB) chính thức tăng lãi suất cho vay gấp 3 lần và giảm thời gian ân hạn xuống chỉ còn một nửa, các cơ quan quản lý trên dải đất ‘lệ tuôn hình chữ S’ cùng giàn đồng ca của hơn nhiều tờ báo nhà nước một lần nữa rên la thống thiết ‘Gánh nặng ODA’, ‘Nhiều dự án vay vốn ODA không có khả năng trả nợ’, ‘Xác định rõ trách nhiệm để ODA vượt trần 300.000 tỷ’, ‘Cân nhắc sử dụng nguồn ODA’, ‘ODA đã hết hấp dẫn’…

Không chịu cải cách thể chế, cũng chẳng chịu cải thiện nhân quyền một cách thực tâm, chi tiết và bằng hành động mà vẫn là thói trớt trả miệng lưỡi như trước đây, chính thể độc trị ở Việt Nam vào năm 2019 có thể sẽ nhận được con zero to tướng giá trị ODA mà các tổ chức quốc tế ký kết với Việt Nam.

Nghề công chức liên quan đến nhiệm vụ ‘tiếp nhận và điều tiết nguồn viện trợ ODA’ ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Sở Kế hoạch và Đầu tư ở các tỉnh thành cũng bởi thế đang và sẽ kém hẳn phần hấp dẫn so với thời vàng son trong dĩ vãng.

Nếu trong dĩ vãng phải chạy tiền đậm mới có thể được trở thành công chức ngồi thực thi công thức ‘5 – 3 – 1’, thì nay và những năm tháng tới, chỗ nào hết mật sẽ tự nhiên sạch bóng ruồi.

Nếu dân Việt tuyệt vọng vì núi nợ công trên đầu mình thì giới quan chức cũng cuống cuồng thất vọng: chẳng còn gì để ‘ăn’.

Hẳn đó là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp đã khiến gần đây một số quan chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải than vãn ‘khó tìm được nhân tài’ cho bộ này…

 

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here