Diễm Thi – RFA |
Một trong những loại tội phạm gây phẫn nộ cho nhiều người cả trên không gian mạng lẫn ngoài xã hội là tội xâm hại tình dục trẻ em. Tuy nhiên vẫn có ngại ngần trong việc đưa kẻ thủ ác ra trước ánh sáng công lý. Nguyên nhân vì sao?
Để có thể kết tội một người với một tội danh cụ thể thì điều quan trọng nhất là chứng cứ, bằng chứng. Thế nhưng với những vụ án xâm hại tình dục trẻ em thì chứng cứ cụ thể thường rất ít hoặc không có, bởi phía bị hại thường không muốn công khai hình ảnh hay câu chuyện của gia đình mình vì nhiều lý do.
Luật sư Ngô Anh Tuấn chia sẻ với chúng tôi rằng “Trong các vụ án như thế này thì tôi nhận thấy chứng cứ buộc tội rất là yếu cho nên họ chọn giải pháp là vẫn có án. Tuy nhiên chọn có án mà không có án tù để nếu sau này họ có kháng cáo mà có yêu cầu tuyên vô tội hoặc đề bù oan sai thì cái mức nó nhẹ đi.”
Bà Võ Thị Cẩm Nhung, cựu cán bộ “Ủy ban Dân số kế hoạch hóa gia đình và Bảo vệ bà mẹ, trẻ em” tỉnh Khánh Hòa đồng thời là thành viên Bồi thẩm đoàn Tòa án tỉnh, thường xét xử những vụ xâm hại quyền lợi trẻ em nói với RFA:
Có những trường hợp mình phải tư vấn để họ làm đơn vì họ chỉ muốn hòa giải vì là người quen, người thân, họ hàng. Chính vì vậy mình phải hướng dẫn cho người dân rất nhiều để đừng sơ ý làm mất đi những dấu vết, chứng cứ.
Có lẽ do quan niệm của người Việt Nam là không vạch áo cho người xem lưng nên nhiều tội phạm loại này không bị xét xử đúng tội. Luật sư Đinh Thị Quý thuộc đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, là người được chỉ định bảo vệ quyền lợi cho một cháu bé trong vụ án đang gây phẫn nộ trong xã hội hiện nay là vụ ông Nguyễn Khắc Thủy, cho báo Pháp Luật biết hôm 15/5 rằng gia đình cháu bé bị hại ngay từ đầu đã có đơn xin không tham gia các buổi làm việc, điều tra, xét xử và bà không thể liên lạc được với ai trong gia đình cũng như họ hàng của cháu bé.
Chính vì không có chứng cứ nên tòa không thể tuyên ông Thủy mức án cao như đáng ra ông phải bị. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam hiện cũng chưa xem lời khai của trẻ em là chứng cứ buộc tội đối với các hành vi của những kẻ xâm hại mình. Và để không có chứng cứ vẫn xử được tội dâm ô hoặc tội xâm hại tình dục, nhất là với trẻ em thì cần phải sửa luật, tức phải trọng lời khai của trẻ, của nhân chứng chứ không chỉ căn cứ vào lời khai “nhận tội” của bị cáo để kết án, tức phải coi lời khai của người bị hại là chứng cứ bằng một số biện pháp nghiệp vụ nào đó.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng liệu có phải kẽ hở của luật pháp đã vô tình dung túng cho tội phạm hay không trong trường hợp cụ thể là tội xâm hại tình dục trẻ em, luật sư Ngô Anh Tuấn nói:
Đúng là như thế. Đúng là kẽ hở của pháp luật. Chúng tôi có ý kiến rất nhiều lần rồi với Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và cần phải sớm điều chỉnh, cụ thể là bổ sung lời khai của trẻ em qua một quy trình giám định, qua một quy trình lấy cung đặc biệt sẽ được xem như một chứng cứ buộc tội bị cáo. Khi mà xem lời khai là chứng cứ thì khả năng buộc tội dễ dàng và hợp pháp hơn. Hiện giờ những việc đó hoàn toàn chưa thừa nhận trừ khi mà họ nhận tội, còn lời khai của trẻ em không được xem là chứng cứ buộc tội nên rất khó.
Còn với luật sư Lê Văn Luân thì hệ thống luật pháp vẫn còn có nhiều kẽ hở:
Chúng ta đang khó khăn ở hai vấn đề, một là do việc khung hình phạt thấp, hai là chúng ta đang áp dụng chưa chuẩn, chưa hiểu, chưa đúng đối với quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Chúng ta trong thực tế luôn đòi hỏi chứng cứ về mặt vật chất để lại trên thân thể. Điều này không đúng với quy định của điều luật đó. Nếu chứng minh có việc tiếp xúc đó thì đã có thể truy tố.
Luật sư Ngô Anh Tuấn chia sẻ trên facebook cá nhân của mình rằng “Chúng ta cần sửa đổi luật, chúng ta cần nhổ đi cái gốc thay vì đi cắt cành, tỉa ngọn”. Ông cho biết đã có nhiều ý kiến sửa đổi luật nhưng mọi việc vẫn như cũ. Ông nói với RFA:
Những người ngồi bàn giấy làm luật thì lại không làm việc thực tiễn về thừa hành pháp luật, cho nên họ nghe rồi cũng để đó. Người dân kêu thì to nhưng rồi loãng dần theo cung bậc. Chúng tôi đã ý kiến nhiều, và tôi biết ngay cả Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng ý kiến rồi nhưng không hiểu vì sao họ không sửa đổi, ngay khi sửa đổi BLHS năm 2015 có sửa đổi một số nội dung trong đó nhưng họ vẫn không đề cập vấn đề này. Lý do cụ thể thì tôi không biết được.
Là người từng làm công tác bảo vệ trẻ em cũng như tham gia các phiên tòa bảo vệ quyền lợi cho trẻ em, bà Võ Thị Cẩm Nhung cho rằng nếu kiến nghị thì luật sẽ được sửa:
Luật chưa có điều chỉnh nhiều về lĩnh vực này nhưng nếu chúng ta thấy việc này ngày càng nhiều và nguy hiểm đến tính mạng và tinh thần của trẻ em thì kiến nghị và họ sẽ sửa đổi thôi chứ không xuề xòa với hành vi này đâu.
Trong vụ án ông Nguyễn Khắc Thủy, dư luận lên tiếng vì ông được giảm do là đảng viên. Người dân yêu cầu xử lại để tăng nặng hình phạt chứ người dân không ai kêu gọi phải sửa luật. Luật sư Tuấn nói thêm về “án dư luận”:
Theo nguyên tắc thì dưới 3 năm tù người ta có thể xin hưởng án treo. Có bị phạt tù nhưng được hưởng án treo. Tòa tuyên thì nó không sai, nó nằm trong khung hình phạt. Nhưng đây là một loại án dư luận. Nếu mà dư luận lên tiếng mạnh mẽ thì người ta xử lý.
Theo bà Võ Thị Cẩm Nhung thì trẻ em cần phải được bảo vệ bằng sự nghiêm minh của pháp luật vì trẻ chưa tự bảo vệ mình trước sự xâm hại hay quấy rối về tình dục. Bà cho biết trước đây khung hình phạt cho những tội này rất thấp, sau này đã được nâng lên nhưng cũng chưa đủ để răn đe và mọi người cần phải tiếp tục kiến nghị. Bà kết luận:
Sau khi công tác trẻ em, quyền trẻ em được quan tâm nhiều thì khung hình phạt cho những người xâm phạm trẻ em được nâng lên rõ rệt và trong quá trình tham gia xét xử thì mọi người rất nghiệm khắc với hành vi này. Quan điểm của mọi người là không nhân nhượng đối với những trường hợp xâm phạm trẻ em như thế.