Nhân sự tại Đại hội TW 7: khả năng kịch bản “nhất thể hóa”?

Hội Nghị Trung Ương 7
- Quảng Cáo -

Thiên Điểu (VNTB)

“..khả năng cao là vị trí “tứ trụ” sẽ chưa có thay đổi nào trong và sau kỳ họp này vì chưa có dấu hiệu cho thấy ai có thể đảm đương vị trí Chủ tịch nước thay ông Quang như đồn đoán. Hiện nay, ông Trọng đang dẫn dắt ĐCSVN hướng tới mục tiêu nhất thể hóa. Nghĩa là nhân sự vị trí Chủ tịch nước phải là người sẽ đảm nhận cả chức Tổng bí thư. Nói cách khác, nếu ông Quang bị loại ra lúc này vì bất cứ lý do gì thì sẽ không ai khác ngoài ông Trọng sẽ kiêm luôn Chủ tịch nước”.

Trong tình hình chính trị thế giới và trong nước nóng bỏng bởi những diến biến chính trị bất ngờ, Hội nghị Trung ương 7 của Đảng cộng sản Việt Nam diễn ra đúng như dự đoán của giới quan sát rằng sẽ chủ yếu tập trung vấn đề nhân sự. Trong 3 nội dung chính thì 2 nội dung liên quan vấn đề cán bộ, đặc biệt nhấn mạnh “cấp chiến lược” – Tức là cấp cao nhất của bộ máy nhà nước: Trung ương Đảng và Bộ chính trị.

Vấn đề cán bộ cấp cao được đặt ra trong Hội nghị này về cơ bản là điều đương nhiên, khi mà cuộc “đốt lò” chống tham nhũng của đương kim Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuy chưa thu được kết quả bao nhiêu ngoài màu sắc thanh trừng quyền lực là rõ nét nhất nhưng đã làm “suy yếu” bộ máy nhân sự khi một số quan chức cấp cao đã lãnh án hoặc cho nghỉ để giảm bớt các hệ lụy chính trị . Nói “suy yếu” ở đây là theo thói quen trong bộ máy công quyền Việt Nam là nhìn thấy việc trống một số ghế đã có, kiểu như trống chỗ khi “vắng mặt người quen” chứ không phải theo nghĩa về chất lượng hay năng lực làm việc.

- Quảng Cáo -

Hiện tại, Bộ chính trị TW Đảng trống cả chính thức và không chính thức ít nhất 3 ghế. Trong đó ông Đinh La Thăng đã vào tù vì liên quan hàng loạt vụ đại án; ông Đinh Thế Huynh rời ghế “vì lý do sức khỏe”, hiện không có thông tin nào thêm. Về ông Trần Đại Quang – Đương kim Chủ tịch nước đang được đồn đoán sẽ nghỉ vì “lý do sức khỏe” nhưng trong tình hình cái “cửu lò” đang hướng về phía Bộ công an, nơi ông Quang từng giữ chức Bộ trưởng trước khi sang làm Chủ tịch nước mà dù có cố gắng “giữ bình” thì cũng khó có lý do để ông tại nhiệm chỉ riêng ở tội danh “thiếu tinh thần trách nhiệm”. Chưa nói điều mà ai cũng biết: Khi còn là Bộ trưởng Bộ công an, ông Quang không thể không có liên quan với các vụ án mà hàng loạt sĩ quan đầu ngành của Bộ này cũng như các vụ án liên quan các quan chức ở địa phương các tỉnh thành. Các đồn đoán việc có liên quan Vũ “nhôm”; Phan Văn Vĩnh; Nguyễn Thanh Hóa.. cùng hàng loạt bất động sản mà bản thân ông hoặc gia đình ông sở hữu, các cổ phần ẩn danh ở hàng loạt ngành kinh tế hàng top ở Việt Nam sẽ dễ dàng kết luận đúng sai một khi cuộc chiến chống tham nhũng được bật đèn để hướng vào ông.

Trong Trung ương Đảng. với tổng số 200 ủy viên gồm 180 chính thức và 20 người là dự khuyết, ít nhất đã rơi rụng khoảng 10 người , chủ yếu là quan chức đứng đầu cấp tỉnh thành và cấp Bộ trong Chính phủ. Tóm lại, có ít nhất 5% nhân sự ở hai cấp quyền lực cao nhất sẽ phải bổ sung, thay vào các ghế hiện đã trống. Nhưng nói như vậy thì sẽ là điều bình thường gần như đương nhiên đối với một bộ máy bị khuyết nhân sự. Vậy nội dung “nhân sự cấp chiến lược” được nhấn mạnh mang ý nghĩa gì trong kỳ Đại hội này?

Trước hết, khái niệm “cán bộ cấp chiến lược” là một từ rất mới trong ngôn ngữ chính trị. Thông thường, người ta hay nói “chiến lược tổ chức; chiến lược xây dụng cán bộ; chiến lược đào tạo cán bộ.v.v.” chứ không nói “cán bộ cấp chiến lược”. Đặc biệt hơn, BCT và Trung ương đảng vốn là hai bộ máy ở cấp cao nhất của hệ thống chính trị Việt Nam. Ý nghĩa và lời giải đã được hé lộ ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị TW 7 ngày 7/5/2018. Truyền thông được bật đèn đâu đó đã xuất hiện “mong Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ứng cử nhiệm kỳ tới”. Phải chăng đây chính là “chiến lược” sống còn của ĐCSVN trong tình hình chính trị Việt Nam hiện tại và cả tương lai không gần mà Đảng CSVN vẫn nắm giữ vai trò thống trị?

Đã có không ít những lời ca ngợi đối với ông Trọng như một bậc “sĩ phu” đầy mưu lược, một minh quân dám mạnh tay tuyên chiến với tham nhũng, điều mà nhiều Tổng bí thư trước chưa ai dám làm. Hiện tại, khi mà cuộc chiến chống tham nhũng trong mấy năm qua, nếu chỉ xét về số lượng lãnh đạo cao cấp bị rơi rụng vào khoảng 5% , bài toán giản đơn nhất là phải thay máu 50% nhân sự dính vào tham nhũng so với thực tế gần như 100% của Việt Nam thôi thì cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng sẽ còn mất ít nhất 20-30 năm với tốc nhanh gấp 2 lần hiện nay.

Đấy là chỉ nói trên khía cạnh ông Trọng là cái đỉnh trên ngọn cờ chống tham nhũng. Nhưng hoạt động của một bộ máy để thay máu cả bộ máy cấp quốc gia không thể chỉ là một cá nhân. Xuyên suốt cuộc chiến chống tham nhũng mà ông Trong khởi xướng, gần như không thấy có nhân vật nào có chức vụ đáng kể trong ĐCSVN nổi bật đồng hành ở vai trò quyền lực, nắm giữ vai trò lớn. Các quan chức và và tổ chức thừa hành thường được sử dụng không phải là một cơ quan cố định như ở Trung Quốc. Các vụ án luôn được khởi đầu bằng các thông tin “bất ngờ” từ đâu đó mà truyền thông sẽ đóng vai trò đi tiên phong, sau đó là một cuộc thanh tra để kết luận với các nhân sự cũng không cố định hay thuộc bộ phận nào chuyên biệt một cách rõ ràng, kể cả là cơ quan Thanh tra Chính phủ hay Ban kiểm tra TW Đảng. Điều đó chỉ ra rằng: Ông Trọng và ê kíp của ông cực kỳ thận trọng và công cụ sức mạnh áp chế để xử lý được thực hiện bởi một lực lượng vô cùng bí mật, hoặc đơn giản chỉ là mượn tay phe này triệt hạ phe kia trong bối cảnh tham nhũng và lợi ích nhóm ở Việt Nam là quá nhiều phe nhóm lợi ích ở nhiều cấp khác nhau. Đây cũng là bí mật có tính yếu điểm chết người mà cuộc chiến chống tham nhũng do ông Trọng dẫn đầu phải hết sức cẩn thận che giấu.

Mang yếu điểm cốt tử nói trên, chắc chắn nhân sự bổ sung tối thiểu phải đáp ứng được hai điều kiện tối thiểu, ưu tiên hàng đầu là người cùng phe cánh và ủng hộ cuộc chiến chống tham nhũng đang diễn ra. Trong hai điều kiện then chốt này này, điều kiện thứ hai lại là cực kỳ khó khăn để tìm được người phù hợp. Đương nhiên, vai trò của ông Trọng bắt buộc vẫn phải giữ nguyên, vừa là đứng mũi chịu sào vừa làm tấm bình phong để che đỡ cho bộ máy và chiến lược thực hiện chống tham nhũng. Nó đồng nghĩa, sau đại hội này sẽ dẫn tới việc sửa luật nhằm mục đích dọn đường cho ông Trọng tiếp tục tại vị. Bởi theo luật hiện nay, ông Trọng đã quá tuổi không thể tiếp tục đảm nhận chức Tổng bí thư trong nhiệm kỳ tới.

Một số đồn đoán về những gương mặt sẽ thay thế bổ sung đã được đưa ra. Nhưng khả năng cao là vị trí “tứ trụ” sẽ chưa có thay đổi nào trong và sau kỳ họp này vì chưa có dấu hiệu cho thấy ai có thể đảm đương vị trí Chủ tịch nước thay ông Quang như đồn đoán. Hiện nay, ông Trọng đang dẫn dắt ĐCSVN hướng tới mục tiêu nhất thể hóa. Nghĩa là nhân sự vị trí Chủ tịch nước phải là người sẽ đảm nhận cả chức Tổng bí thư. Nói cách khác, nếu ông Quang bị loại ra lúc này vì bất cứ lý do gì thì sẽ không ai khác ngoài ông Trọng sẽ kiêm luôn Chủ tịch nước. Nếu kịch bản này xảy ra, tình hình chính trị trong nội bộ TW Đảng nói riêng và tình hình chính trị, xã hội Việt Nam nói chung sẽ chính thức đi vào giai đoạn các mâu thuẫn được dồn nén và đẩy lên mức cao nhất trong năm tới.

- Quảng Cáo -

3 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here