Nguồn: “How taxes can align the interests of individuals and society”, The Economist, 21/09/2017 – Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp – Nghiên Cứu Quốc Tế
Thị trường được cho là tạo ra một trạng thái ma thuật, tại đó không ai có thể trở nên khấm khá hơn mà không làm cho người khác trở nên nghèo đi.
Điều khó xử là các thị trường thường thất bại. Lý do là những người trực tiếp tham gia vào một giao dịch không phải là những người duy nhất bị ảnh hưởng bởi giao dịch đó.
Ví dụ, một chuyến xe vào trung tâm thành phố sẽ tạo ra sự tắc nghẽn cho mọi người; một công ty đổ chất thải vào một con sông sẽ đầu độc nguồn nước uống ở phía hạ lưu; khí thải carbon làm nóng hành tinh chung của tất cả chúng ta.
Các nhà kinh tế học có một thuật ngữ đặc biệt cho những phí tổn không mong muốn này: đó là “ngoại ứng” (externalities). Các mức giá thị trường không bị kiểm soát thường chưa tính tới các phí tổn xã hội như vậy.
Nhà kinh tế học nổi tiếng vì đã chính thức hóa ý tưởng này là Arthur Pigou, một học giả Cambridge xuất sắc dù luộm thuộm, người đã viết một cuốn sách giáo khoa có ảnh hưởng mạnh mẽ về sau mà chính ông thậm chí thừa nhận là một cuốn sách khó đọc.
Chính bản thân ông đã tự mình trải nghiệm ảnh hưởng của những ngoại ứng tiêu cực. Ở London, khói từ những ống khói đã ngăn mọi người không nhìn thấy ánh sáng mặt trời, và ông phải tập thể dục rất nhiều do các vấn đề vì uống rượu quá mức.
Ông đề xuất một biện pháp khắc phục, dưới hình thức “tiền thưởng và thuế”, điều có thể giúp khôi phục trạng thái hoàn hảo của thị trường. Nếu vấn đề với các thị trường tự do là mọi người phớt lờ những người khác khi mua hoặc sản xuất hàng hoá, thì một khoản thuế lên các thiệt hại xã hội mà hành vi của họ gây ra sẽ làm nản lòng những hành vi tiêu cực, giúp cân bằng những điều tốt đẹp nhất cho cá nhân với những gì tốt đẹp nhất cho xã hội.
Sau khi Pigou cung cấp cho các chính phủ lý luận để biện hộ cho sự can thiệp, ý tưởng này đã trở nên cực kỳ thành công trong giới làm chính sách. Các mức thuế dựa trên ý tưởng của Pigou giờ là trọng tâm của các công cụ chính phủ phục vụ các mục đích tốt đẹp. Thuế đánh vào túi nhựa ở Ireland năm 2002 đã làm giảm hơn 90% lượng sử dụng. Ba năm sau khi chính phủ Anh áp dụng một mức phí đối với việc lái xe vào trung tâm London vào năm 2003, tình trạng tắc nghẽn đã giảm một phần tư. Thuế carbon hiện đang được áp dụng ở Phần Lan, Đan Mạch, Chilê và Mexico. Bằng cách sử dụng giá như các tín hiệu, một loại thuế như vậy sẽ khuyến khích mọi người và các công ty giảm lượng phát thải cácbon một cách hiệu quả hơn so với điều tiết thông qua mệnh lệnh hành chính. Nếu mọi người đều phải đối mặt với cùng một mức thuế, những người cảm thấy dễ cắt giảm lượng phát thải của họ nhất sẽ tiến hành cắt giảm nhiều nhất.
Ý tưởng của Pigou cũng gặp phải sự phản kháng. Trong những năm 1960, Ronald Coase, một nhà kinh tế học tại Đại học Chicago, đã chỉ trích Pigou vì sự “nặng tay” của ông. Ông cho rằng, thay vì sử dụng hệ thống thuế để can thiệp, các chính phủ trước hết phải xác định xem liệu các thể chế và pháp luật hiện tại có thể khắc phục được những thất bại của thị trường hay không. Thuế để điều chỉnh các hành vi thường đi kèm với những khiếm khuyết nhất định. Việc ước tính phí tổn xã hội thực tế của bất cứ hành vi nào cũng giống với một môn nghệ thuật hơn là một ngành khoa học, do đó những khoản thuế trên thực tế thường được quyết định một cách tùy tiện ở một mức độ nhất định. (Những người hoài nghi tự hỏi liệu các loại thuế đó có phải đơn giản là nhằm để chính phủ thu thêm tiền hay không.)
Thuế tạo ra những người thua thiệt, và cùng với đó hình thành những tình huống chính trị éo le. Cho dù là từ các các tập đoàn quyền lực hay từ các cử tri tuyệt vọng không thể đối phó nổi với sự gia tăng giá cả, sự phản kháng đều đặt ra những câu hỏi khó trả lời về việc ai đáng phải chi trả mức thuế gia tăng.
Ý tưởng về ngoại ứng rất đẹp đẽ trên lý thuyết. Nhưng việc phản ứng với các ngoại ứng liên quan đến thế giới thực, một nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều.
Dúng là thuế giúp cân bằng
lợi ích cá nhân và xh.Nhưng
chỉ dúng với những thể chế
có dân chủ và nhân quyền
có tam quyền phân lập rỏ
ràng dể giám sát việc thu chi
minh bạch.Còn dối với những
nước dộc tài,dộc dảng cai trị
thì thuế là “ma thuật” là cái
quang gánh cũa bà hàng rong
nuôi một dám con liêu lỏng
lười biếng .