Phạm Minh Hoàng – Web Việt Tân
Trong những tháng gần đây, nhiều chuyện về ngành giáo dục (GD) đã làm dư luận xôn xao. Và theo như một số thầy cô, “cái ao làng giáo dục” vốn đã không đẹp đẽ gì, lại càng bị vẩn đục thêm lên.
Xin trích lại vài chuyện mới từ đầu năm 2018:
– 21/1: Bộ GD công bố chương trình giáo dục phổ thông mới và bị phần lớn giáo viên đánh giá là khó khăn, không thực tế, thiếu lộ trình chuẩn bị nghiêm túc.
– 31/1: Có thêm 1226 giáo sư, phó giáo sư. Dư luận đồng loạt lên án tình trạng lạm phát khiến ông thủ tướng Phúc phải yêu cầu rà soát lại.
– 28/02: Chỉ vì trả thù một cô giáo bắt con mình quỳ, một phụ huynh vốn là đảng viên, đã kéo gia đình và một số phụ huynh khác đến áp lực bắt cô giáo phải quỳ xin lỗi suốt 40 phút trong sự làm ngơ của hiệu trưởng. Chuyện xảy ra tại Long An.
– 07/03: Một học sinh nam lớp 8 đã mắng chửi và bóp cổ cô giáo chỉ vì đã khiển trách bạn gái của mình. Chuyện xảy ra tại Bến Tre.
– 09/3: Hơn 600 (có nguồn nói là 500) giáo viên hợp đồng vừa nhận thông báo bị thôi việc vì bị “tuyển thừa”. Chuyện xảy ra ở huyện Krông Pắk, Đắk Lắk.
– 16/3: Một thầy giáo bị phụ huynh xông vào trường đánh gãy sống mũi vì đã tát con mình. Chuyện xảy ra tại Nghệ An.
Chúng ta phải suy nghĩ và đánh giá như thế nào về những hiện tượng này. Tôi nghĩ chỉ có chữ Chán là đúng nhất. Chẳng ai muốn bận tâm suy nghĩ vì ngoài bản tính khoán trắng cho Nhà nước, cộng thêm việc các kêu gọi và đóng góp của mọi người đều rơi vào khoảng không. Bài viết này cũng không có tham vọng gì cao xa, nhưng chỉ góp một vài nhận xét về hiện trạng “vẩn đục” của nền GD nước nhà.
Theo thiển ý, ba tác nhân chính có liên quan cần được đánh giá.
1. Từ các thầy cô
Việc cô giáo bị bắt quỳ ở Long An đã nhắc lại một cách trừng phạt học sinh không còn thích hợp trong hoàn cảnh hiện tại. Các hình phạt có tính cách xâm phạm thân thể hoặc danh dự học sinh vẫn thường được xem là không hiệu quả, mặc dù tôi cũng rất thông hiểu sự căng thẳng của các thầy cô khi phải đối phó với các học sinh cứng đầu. Bên cạnh việc kỷ luật, tình trạng dạy thêm học thêm cũng là một việc cũng cần nói đến. Trong thời đại “cơm áo gạo tiền”, nhiều thầy cô đã làm đủ mọi cách để kéo học sinh về nhà để dạy thêm. Chuyện này trên nguyên tắc thì không có gì đáng trách, nhưng lạm dụng thái quá đã làm xấu đi vai trò nhà giáo. Chuyện thầy cô “ém” bài hoặc chỉ dạy qua loa rồi chỉ “luyện” cho các em học thêm ở nhà vẫn là chuyện xảy ra thường xuyên khiến hình ảnh người thầy đã bị hoen ố rất nhiều.
Một điều khiến cả xã hội rúng động và tôi không hề nghĩ nó có thể xảy ra ở VN là hình ảnh thầy trò đánh nhau như côn đồ và ngay trên bục giảng. Khoan kết án ai đúng ai sai, nhưng “khán giả” chắc không còn giữ được lòng kính trọng với thầy trong những hoàn cảnh như thế này.
Lên đại học, các hình thức “tạo thêm thu nhập” trở nên tinh vi và quy mô hơn. Nhiều thầy cô đã “vẽ” ra các đề tài nghiên cứu khoa học cực kỳ vô bổ và hình thức. Với suy nghĩ “nếu không xài tiền năm nay, sang năm sẽ không cấp” nên mọi người xài vô tội vạ. Hôm nay anh ký nghiệm thu (một hình thức đánh giá để quyết toán ngân sách) cho tôi, mai tôi đáp lễ cho anh. Hình thức “hợp tác kinh doanh” này chẳng hề đem đến ích lợi gì cho ngành giáo dục mà còn hao tốn ngân sách nhà nước.
Sống ở nước ngoài nhiều năm trước khi về nước giảng dạy cũng như với tâm niệm “trọng thầy mới làm thầy”, tôi chưa hề đánh giá thấp đạo đức cũng như kiến thức đồng nghiệp cho dù đó là bậc tiểu học, trung học hay đại học. Tuy nhiên, sau nhiều năm “thực tế” tôi không thể không bi quan và thất vọng về một tỷ lệ không nhỏ các thầy cô ngày hôm nay, về kiến thức lẫn đạo đức. Hình ảnh cao quý của người thầy đã hoàn toàn mờ nhạt trong tâm trí của nhiều người trong thế hệ tôi, còn với thế hệ hôm nay, nó được đánh giá bằng những bó hoa và phong bì.
2. Từ các phụ huynh
Một điều ai cũng nhận thấy trong thời buổi “cơm áo gạo tiền” ngày hôm nay là việc khoán trắng việc giáo dục con cái cho nhà trường. Tôi đã có dịp đi họp phụ huynh nhiều năm và thấy các phiên họp rất hình thức, rất chiếu lệ. Mọi người rất thụ động và mong chóng xong để về nhà cho dù một năm chỉ họp một lần. Nếu con em chăm chỉ ngoan ngoãn thì không nói làm gì, nhưng nếu lười và phá phách thì kỷ luật nhà trường không đủ, phải có sự dạy dỗ của cha mẹ và hợp tác của hai phía. Đó là chưa nói đến việc bênh con quá lố khiến con vẫn hư và tình hình xấu đi. Gần đây, chuyện chỉ vì bênh con hoặc một bất đồng nhỏ là phụ huynh đã có thể bạo hành với các thầy cô đã xảy ra thường xuyên.
Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến suy nghĩ của trẻ con là hành động và lối sống của cha mẹ và người lớn. Họ ngang nhiên xả rác, khạc nhổ, vi phạm luật giao thông trước mặt con cái, mà đó lại là những điều các cháu đều đã được học ở trường. Việc này đã “vô hiệu hóa” những cái hay cái đẹp mà các em đã được nhà trường giáo dục khiến xã hội ngày một xấu đi.
3. Từ nhà nước
Ngày hôm nay chắc không còn ai phủ nhận đây là tác nhân chính của mọi sự việc cho dù đó chính là các thầy cô hoặc phụ huynh “có vấn đề”. Từ chuyện “phong hàm” cho 1226 giáo sư, phó giáo sư cho đến chuyện 600 giáo viên mất việc ở huyện Krông Pắk, trách nhiệm hoàn toàn nằm về phiá Nhà nước. Nhắc đến chuyện Krông Pắk, có lẽ nhiều người trong chúng ta mới ngã ngửa ra rằng trách nhiệm tuyển giáo viên không phải do Sở Giáo dục (hoặc Bộ) mà lại do Ủy ban Nhân Dân huyện!
Đứng trước tình trạng “xuống cấp” không phanh như hiện nay, tình trạng mà mọi thành viên từ nhà nước qua thầy nhà trường đến phụ huynh đều có trách nhiệm, nhiều người tâm huyết đã đặt câu hỏi rằng “chúng ta đang làm đồi bại một nền văn hóa hay chúng ta là thành viên của một nền văn hóa đồi bại?”. Câu hỏi này cũng từa tựa như hỏi “con gà và quả trứng cái nào có trước?”. Con gà và quả trứng thì tôi chịu thua (vì nó chẳng ảnh hưởng gì!) nhưng về giáo dục chúng ta nhất định không thể lặng yên mà không đi tìm câu trả lời. Tôi tự hỏi: nhà trường và phụ huynh có thể mẫu mực khi Nhà nước đồi bại hay không? Hoặc ngược lại Nhà nước mẫu mực thì nhà trường và phụ huynh có thể đồi bại hay không? Trong hai trường hợp câu trả lời là Không. Tuy nhiên, câu hỏi này đặt ra ở VN nơi mà đảng cộng sản lãnh đạo từ đầu đến chân thì bằng thừa vì ở đây nhà trường và phụ huynh đều không có tiếng nói.
Nhiều người có ý kiến rằng ở các nước phương Tây, những vấn đề tiêu cực trên đầy rẫy. Tôi không phản đối nhưng chỉ lưu ý rằng nếu có bị cắt hợp đồng như vụ Krông Pắk, thì các thầy cô cũng có quyền phản đối, đình công mà không sợ bị dọa nạt như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hải Ninh: “kiên quyết xử lý đối với những đối tượng kích động gây rối” và cũng nên nhắc lại rằng phương Tây họ không có suy nghĩ “tôn sư trọng đạo” như chúng ta thường nhắc nhở nhau, và trước năm 75, hình ảnh người thầy thực sự mẫu mực và được tôn kính hơn bây giờ rất nhiều.
Đi tìm và áp dụng một khuôn mẫu từ nước ngoài. Tại sao không? Hai cường quốc kinh tế Á châu là Nam Hàn và Nhật Bản đã làm thế. Cách đây nửa năm Bộ GD-ĐT (có ý định) nhập khẩu chương trình giáo dục Phần Lan, một trong những nước có chất lượng giáo dục phổ thông tốt nhất thế giới. Chuyện này đến nay chắc đã đi vào lãng quên, vì muốn là phải đồng bộ từ chương trình, cơ chế quản lý, chế độ lương, năng lực sư phạm của giáo viên, sĩ số học sinh…
Và những việc này chỉ có thể thực hiện được khi giải thoát học đường ra khỏi các ràng buộc về chính trị, bằng không mọi việc cũng chỉ là bàn cho vui.
Nói đến Giáo dục, có lẽ ai cũng lắc đầu ngao ngán cho nền GD hiện nay. Trước đây, dù trong chiến tranh, nhưng nền GD lúc bấy giờ cũng có tiềm năng vươn lên với đẳng cấp thế giới. Vậy mà sau 75, CS đã phá nát và làm cho băng hoại hoàn toàn nền tảng tốt đẹp này.
Nói đến những điều xấu xa, thất bại về mọi mặt trong cái chế độ csVN độc tài ngu dốt hôm nay thì, không biết bao giờ hết…
Buồn !!!
học cũng : Grab Uber.
không học cũng: Uber
And Grab. lấy tiền dâu
cả 100 tr mà dổi dời từ
ông chủ thành ” nô lệ”
quốc tế .
Dột từ nóc các bác ạ.