Một nền tự do báo chí với chuẩn mực tự cô lập

- Quảng Cáo -

Ánh Liên (VNTB)

Ban Bí thư ĐCSVN vừa ban hành Thông báo kết luận tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 20-7-2010 của Ban Bí thư khóa X về công tác nhân quyền trong tình hình mới. Trong đó, khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người, trong đó có quyền tự do báo chí và sẽ tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên, tự do báo chí tại Việt Nam không vì thế mà được cởi trói. Vì bản thân sự kiểm soát của chính Đảng, hệ thống tuyên giáo còn tồn tại với quy mô đến tận cơ sở đã là nền tảng cho định nghĩa rập khuôn về quyền tự do báo chí. Một trong số đó là nhà nước Việt Nam sử dụng những thành tựu đạt được về mặt hình thức để biểu đạt sự tự do trong báo chí – vốn cần tính bản chất nhiều hơn, thông qua việc lấy thống kê của từng năm về số lượng lớn cơ quan báo chí, cơ quan báo in, tạp chí, hãng thông tấn,… tồn tại hoặc được thành lập mới. Vấn đề là, tự do báo chí phải là bản chất, nghĩa là địa vực của tự do báo chí là không có bất kỳ vùng cấm nào mà người dân có quyền được biết, giám sát.

Đà Nẵng – một thành phố biển được ví như Singapore tại Việt Nam vì khí hậu và một chính quyền điện tử đang được thiết lập. Tuy nhiên, nơi đây vẫn là một cạm bẫy rủi ro cho chính các nhà báo khi họ vô tình đi vào phản ánh các tiêu cực, lợi ích nhóm chính trị giữa cánh doanh nghiệp và quan chức nhà nước.

- Quảng Cáo -

Vào năm 2007, Công an Tp. Đà Nẵng đã áp dụng Điều 258 BLHS – một điều khoản nổi tiếng dành trấn áp những người bất đồng chính kiến cho Trưởng đại diện báo Công an Tp. HCM tại Hà Nội – Trung tá Dương Tiến khi ông này đăng tải một bài viết chất vấn một số công dân thành phố khiếu kiện ông Nguyễn Bá Thanh – một Bí thư thành ủy Đà Nẵng nhận hối lộ liên quan đến công trình cầu Sông Hàn và xây dựng đường Bắc Nam ở Đà Nẵng.

Mười năm sau, vào năm 2017, cũng tại thành phố biển này, nhà báo Dương Hằng Nga (Trưởng VPĐD tạp chí Giao thông vận tải tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên Việt Nam) đã bị công an Đà Nẵng cấm xuất cảnh trong 3 tháng. Nguyên nhân xuất phát từ 8 kỳ báo phanh phui về những sai phạm nghiêm trọng của Dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước (The Surise Bay Đà Nẵng), do ông Phan Văn Anh Vũ – một doanh nhân, một Thượng tá công an đứng đầu. Đứng phía sau Vũ, là những sai phạm của cựu Bí thư Nguyễn Xuân Anh và người tiền nhiệm – cựu Bí thư Nguyễn Bá Thanh.

Chỉ trích chính phủ hay giới lãnh đạo địa phương sẽ đối mặt với hành động pháp lý, đó là nguyên tắc tự do báo chí tại Việt Nam. Và giới chính trị gia Hà Nội ưa thích hình thức báo chí hay phương tiện truyền thông biết ‘vâng lời’ với sự kiểm duyệt, hơn là tò mò với những sai phạm trong sử dụng quyền lực của chính họ, và do đó, nhiều người vẫn cảm thấy báo chí như là một trở ngại cho công việc của họ.

Cần nhắc lại, nhà báo Dương Tiến hay nhà báo Dương Hằng Nga đã từng nằm trong số thành tựu to lớn mà Việt Nam hay liệt kê nhằm bác bỏ cái mà Hà Nội gọi là ‘những sự xuyên tạc về tình hình tự do báo chí’.

Một thủ thuật hay được Nhà nước Việt Nam sử dụng là xây dựng hệ thống pháp luật với những điều khoản có tính mơ hồ nhưng nhân danh lợi ích công cộng, để tiến hành các hoạt động câu lưu, thẩm vấn và bắt giam họ. Năm 2017, hơn 30 người dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí đã bị bắt giam và tuyên án. Các mức án mang tính ‘tối đa’ cũng được dành cho những người viết bài chỉ trích chính phủ vì sự chậm trễ trong xử lý thảm họa môi trường Formosa. Tổ chức Ân xá quốc tế trong tuyên bố vào ngày 28.02.2018, đã nhấn mạnh: đó là bản án nặng nề nhất cho một nhà hoạt động.

Trong khi đó, một số tổ chức báo chí độc lập trong nước như Hội nhà báo độc lập Việt Nam, dù với tôn chỉ ôn hòa, vẫn bị chính quyền Hà nội đặt ra ngoài vòng pháp luật. Tiến hành các hoạt động sách nhiễu bởi giới công lực địa phương và trung ương, và website của tổ chức này luôn trong trạng thái bị đánh phá, và hiện vẫn bị áp dụng bức tường lửa khi truy cập tại Việt nam.

‘Chúng tôi hiểu và thích nghi với sự khó khăn này, nhà nước không thích cách chúng tôi làm tin, bởi nó vượt ra khỏi kiểm duyệt của Ban tuyên giáo,’ ông A – thành viên IJAVN bày tỏ.

Không dừng ở các hoạt động trấn áp trên nền tảng Bộ luật hình sự, mới đây nhất, quyền tự do báo chí Việt nam tiếp tục bị đe dọa bởi Dự thảo Luật an ninh mạng mà Quốc Hội Việt Nam đang tìm cách thông qua. Tác động của dự luật này lớn đến mức, Dien Luong – một trưởng biên tập phụ trang tiếng Anh của Vnexpress, đã phải phản ứng trên The Washington Post rằng: Internet Việt Nam đang bị làm khó.

‘Xây dựng một tường lửa [bằng dự thảo luật an ninh mạng] sẽ chỉ khiến Việt Nam tự cô lập mình ra khỏi phần còn lại của thế giới văn minh’, ông Dien Luong cho hay.

Tự cô lâp, Hà nội có vẻ quen với khái niệm này, do đó, mặc cho sự chỉ trích từ các tổ chức nhân quyền trên thế giới, lãnh đạo Việt Nam vẫn theo đuổi định nghĩa quyền tự do báo chí theo cách rất riêng của mình: ‘tự do một phần’. Theo đó, nhà nước cung cấp những thông tin mà họ muốn đến người dân, và cấm người dân chạm đến những vùng cấm bằng,… luật hoặc nhà tù. Và đó là đặc tính mà Hà Nội vẫn nhấn mạnh ‘ tôn trọng, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người’.

Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vì thế vào năm 2017 đã xếp hạng Việt nam ở 175/180 về chỉ số tự do báo chí – không thay đổi gì so với năm trước đó.

Ông Benjamin Ismail, Trưởng Ban Châu Á Thái Bình Dương của RSF đã khắc họa chính sách của tự do báo chí kiểu Việt Nam bằng nhận định: ‘Khi không đối phó được với quốc tế lên án, chính phủ các nước này nhanh chóng tung ra các nguyên tắc không can thiệp, chủ quyền hoặc thậm chí an ninh quốc gia nhằm né tránh các trách nhiệm nhân quyền quốc tế và bổn phận hiến định về bảo vệ tự do truyền thông và thông tin,’ ông Ismail nói.

- Quảng Cáo -

3 CÁC GÓP Ý

  1. luật tự do báo chí 2010 !
    nhà báo tự ví mình như:
    ” con chó”
    giờ thì ” u như kỷ” nhà
    báo phải dổi mới thành
    ” con cầy” . cho dúng câu
    người miền bắc có ní nuận.

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here