30 năm, ba lần đánh tan quân Nguyên Mông hùng mạnh xâm lược, giữ vững biên cương phía Bắc, dẹp yên sự quấy rối của Chiêm Thành, mở mang bờ cõi về phía Nam, triều Trần là triều viết lên trang chói lọi nhất trong lịch sử Việt Nam dựng nước. Triều Trần cũng là triều thịnh trị, kinh tế sung túc, văn hóa rực rỡ, xã hội thanh bình, dân ấm no, yên vui lâu bền nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Triều Trần cũng là triều gần dân nhất, trong dân nhất. Thời chiến, vua Trần mời trí lự của dân đến điện Diên Hồng trong Hoàng thành Thăng Long, hỏi dân, nghe dân đối sách với giặc. Thời bình, buổi tối vua Trần thường ngồi thuyền ra khỏi Hoàng Thành. Ngày đó Thăng Long còn lênh láng nước. Thuyền vua dạt vào quán nước, ghé vào chiếu hát ca trù. Sống gần dân, khi chết các vua Trần cũng về nằm chung nghĩa trang làng với dân.
Có công lớn với dân, với nước như vậy nhưng các vua nhà Trần khi rời ngôi đều về với lũy tre xanh ở quê nhà Tức Mặc, Thiên Trường, Nam Định. Khi về với tổ tiên đều lặng lẽ và thanh thản gửi xác vào mảnh đất quê Tức Mặc, gửi hồn vào ngọn cỏ lá cây Thiên Trường. Không xây bia mộ bề thế, không đúc tượng đồng uy nghi, không tạc tượng đá sừng sững, các vua Trần chỉ lo xây chùa, đúc chuông, tô tượng Phật cho dân có nơi gửi đức tin.
Vị tướng lẫm liệt có công trạng lớn nhất của triều Trần huy hoàng, cũng là vị tướng tài võ công hiển hách nhất trong lịch sử Đại Việt, được cả sử sách thế giới ghi nhận là Trần Hưng Đạo cũng chọn nơi về với tổ tiên là mảnh đất bình dị, thiên nhiên hoang sơ giữa cánh rừng Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương, nơi ông đặt bản doanh chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, cách kinh kì Thăng Long hơn 80 cây số.
Ngày nay lí luận cộng sản, sử sách cộng sản vẫn nhìn nhận, phê phán xã hội phong kiến là xã hội phân biệt giai cấp nặng nề, sâu sắc. Nhưng các quan lớn, nhỏ triều Trần cũng như tất cả các triều đại phong kiến khác khi rũ áo từ quan đều trở về với làng xóm, khi chết đều gửi xác vào mảnh đất quê. Tang lễ đều do con cháu họ mạc tự lo, ngân khố quốc gia không phải chi một xu, một hào. Ân huệ của nước, của vua chỉ là mấy cờ lọng, sắc phong vua ban cho khi làm quan: Cờ biển vua ban cho ngày trước / Khi đưa thầy con rước đầu tiên (Nguyễn Khuyến)
Chế độ cộng sản lên án chế độ phong kiến bất công, thối nát, quyết đào mồ chôn chế độ tư bản bóc lột và những người cộng sản cầm quyền đã lùa cả dân tộc vào cuộc đấu tranh giai cấp, cải cách xã hội, chiến tranh ý thức hệ. Cả chục triệu dân lành phải bỏ xác trong những cuộc đấu tranh giai cấp man rợ, hủy hoại tính người và trong những cuộc chiến tranh ý thức hệ liên miên, đẫm máu để xóa bỏ giai cấp, xóa bỏ bất công, xây dựng xã hội theo tiêu chí bình đẳng, công bằng, không còn áp bức, bóc lột, bất công, không còn giai cấp.
Nhưng hiện thực đang diễn ra ở xã hội cộng sản Việt Nam lại là xã hội phân biệt giai tầng, phân chia đẳng cấp quái gở nhất, lố bịch nhất, trơ trẽn nhất. Cách mạng vô sản đưa tầng lớp khốn cùng trở thành giai cấp thống trị. Ngàn đời khốn cùng, thua kém mọi người, nay có vị trí thống trị xã hội, cái mà họ khao khát không phải là cống hiến, thể hiện mình, đóng góp cho đời vì họ chẳng có gì để thể hiện, đóng góp. Họ chỉ khao khát mọi hưởng thụ, mọi quyền lợi phải vượt trội hơn mọi người. Và xã hội cộng sản đã nảy nòi ra tầng lớp thống trị mặc sức dùng tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân chăm lo cho giai cấp thống trị kĩ càng, chi li, tốn kém hơn cả thời phong kiến suy tàn, thối nát.
Ăn có đặc sản. Đi xa có chuyên cơ. Đi gần có xe hộ tống, tiền hô hậu ủng. Ở có phố quan, có biệt điện kín cổng cao tường. Hắt hơi sổ mũi có ban chăm sóc bảo vệ sức khỏe trung ương chăm lo. Chết có nghĩa trang riêng, có mộ phần thênh thang, có nhà tưởng niệm tô vẽ công lênh, có tượng đồng, tượng đá nhiều hơn tượng Chúa, tượng Phật. Nhiều ông quan cộng sản khi sống ngập ngụa trong thói hư trần tục và tội lỗi ma quỉ, đã hưởng quá nhiều đặc quyền, đặc lợi, khi chết lại được nhà nước cộng sản lấy tài nguyên của nước, lấy tiền thuế của dân một cách vô tội vạ, vô trách nhiệm để thần thánh hóa những ông quan trần tục và tội lỗi có vai vế trong triều cộng sản, qua đó thần thánh hóa cả một thời cộng sản, thời dựng lên và tồn tại bằng máu và nước mắt dân lành.
Sau thắng lợi không trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Pháp. Không trọn vẹn vì cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc bằng hiệp định Genève cắt đôi đất nước Việt Nam thành hai trận tuyến đối kháng, chia đôi dân tộc Việt Nam thành hai thế lực thù địch, tất yếu tạo ra thảm họa không thể tránh khỏi là cuộc nội chiến Nam – Bắc đẫm máu kéo dài suốt 20 năm. Thắng lợi không trọn vẹn, mới làm chủ nửa dải đất Việt Nam, những người cộng sản Việt Nam về thủ đô Hà Nội liền ban hành ngay những sắc luật, những chính sách để tách biệt quan với dân, để phân hạng quan to, quan nhỏ, quan càng to càng nhiều đặc quyền, đặc lợi. Thói đặc lợi cộng sản giành phần hơn từ miếng ăn với dân đã được bia miệng dân gian khắc ghi:
Tôn Đản là chợ vua quan
Nhà Thờ là chợ trung gian nịnh thần
Bắc Qua là chợ thương nhân
Vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng.
Lương cao nhưng quan chức cấp cao cộng sản lại ít phải dùng đồng lương lo cho cuộc sống hàng ngày. Mọi nhu cầu của đời sống đều được nhà nước cộng sản đáp ứng miễn phí, lại có phiếu mua hàng trong cửa hàng cung cấp riêng ở phố Tôn Đản dành cho quan cấp bự. Giá rẻ như cho không. Từ túi kẹo sữa của Nga cho cậu ấm, cô chiêu đến chai rượu Mao Đài, bao thuốc lá Thiên An Môn của Tàu Cộng cho các quan ông. Từ lọ nước hoa Bulgari cho các quan bà đến chiếc tủ lạnh Saratov của Nga cho gia đình quan. Trăm năm bia đá thì mòn / nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ. Bia miệng về chợ vua quan Tôn Đản thời cộng sản sẽ còn mãi cùng với bia miệng về một triều đại hại dân đã sụp đổ trong lòng dân nhưng vẫn cố xây thành cao, đào hào sâu bằng xương máu dân để cố kéo dài triều đại thối nát, kéo dài nỗi thống khổ của dân: Vạn niên là vạn niên nào / Thành xây xương lính, hào đào máu dân.
Xã hội cộng sản chỉ có một bảng giá trị là thang bậc quan chức và con người muốn tiến thân chỉ có con đường bon chen vào con đường quan chức. Thị trường mua quan bán chức trở thành thị trường ngày càng phát đạt, rầm rộ, nhộn nhịp nhưng cũng ngày càng khốc liệt. Chốn quan trường chỉ còn là chốn đua chen của những nhân cách thấp hèn. Những nhân cách xôi thịt, hối hả bòn rút, vơ vét của công, cướp bóc của dân và tàn độc sát phạt nhau để giành ghế chốn công đường mà tiếng súng thanh toán nhau, máu chảy lênh láng ở tỉnh đường Yên Bái năm 2016 là một thí dụ.
Thôi, khỏi nói sự phân cấp về miếng ăn, chỗ ở, về tiêu chuẩn chữa bệnh, tiêu chuẩn thư kí, vệ sĩ, công vụ, tiêu chuẩn ô tô riêng từ ngót nghét tỉ đồng đến vài tỉ đồng đưa đón các quan cộng sản. Chỉ nhìn cách nhà nước cộng sản thoải mái lấy tài nguyên của nước, phóng tay ném tiền thuế của dân lo cho cái chết của quan cộng sản cũng thấy sự thấp kém trong tầm văn hóa, tầm nhân văn, sự vô liêm sỉ trong nhân cách, sự méo mó, nhố nhăng trong lí tưởng sống, sự khinh miệt, bất nhẫn với người dân của nhà nước cộng sản.
Kí hiệp định Genève cắt đôi đất nước thành hai trận tuyến, cắt đôi dân tộc thành hai thế lực thù địch. Gieo rắc hận thù giữa hai nửa giống nòi Việt Nam rổi đẩy hai nửa hận thù đó vào cuộc nội chiến tương tàn một mất một còn. Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng quyết làm chiếm tranh xóa sổ một nửa giống nòi Việt Nam, quyết dành độc quyền thống trị cả nước. Đó là một tội ác lịch sử. Cùng với tội ác cải cách ruộng đất phá tan đạo lí thương yêu đùm bọc “thương người như thể thương thân” làm nên sức mạnh trường tồn Việt Nam là hai tội ác lớn nhất của nhà nước cộng sản thời kì đó. Gây ra hai tội ác lớn với lịch sử, với nhân dân rồi những người cộng sản rời bóng tối rừng sâu về ánh sáng kinh kì.
Vừa về làm chủ Phủ Toàn quyền Đông Dương, làm chủ Hoàng thành Thăng Long, những người cộng sản liền tự ban cho mình nhiều đặc lợi mà các nhà nước phong kiến và nhà nước bù nhìn tay sai thực dân trước đó dù tham lam, thối nát đến đâu cũng không thể làm, không nỡ làm. Trong đó có hai đặc lợi chướng tai gai mắt nhất là ăn Tôn Đản, chết Mai Dịch. Đặc lợi ăn Tôn Đản đã được dân gian khắc vào bia miệng. Đặc lợi chết Mai Dịch rồi cũng sẽ có bia miệng dân gian, tiếu lâm dân gian.
Khi mới làm chủ nửa nước, còn đang phải diễn màn dập đầu tạ tội với dân về hàng trăm ngàn dân lành bị đấu tố, hành hình chết oan trong cải cách ruộng đất, nhà nước cộng sản đã chiếm hơn 5 ha đất nghĩa trang Mai Dịch của những liệt sĩ Hà Nội làm nghĩa trang riêng cho quan chức cộng sản cấp cao, xây mả lớn cho những người cộng sản tự nhận là có công với nước.
Lịch sử luôn công bằng và người dân luôn biết ứng xử bằng đạo lí. Với những ai thực sự có công với dân với nước, dân tự lập đền thờ, chẳng cần tiêu chuẩn cấp bậc. Chỉ những kẻ công ít, tội nhiều mới phải vơ công để giấu tội. Tự cho mình phải có nghĩa trang riêng, có mả lớn là tự kể công với dân, với nước, đòi đất nước mãi mãi ghi công, bắt nhân dân đời đời thờ phụng.
Làm chủ nửa nước, mới làm hai việc lớn: Kí hiệp định Genève cắt đôi đất nước, chia đôi giống nòi Việt Nam và làm cuộc cải cách máu trên ruộng đất, nhà nước cộng sản liền chiếm hơn 5 ha đất vàng kinh kì xây mả lớn cho những quan chức cộng sản cao cấp được nhà nước cộng sản tự cho là có công với nước. Làm chủ cả nước, nhà nước cộng sản đã làm thêm nhiều việc vô cùng lớn nhằm vô sản hóa, bần cùng hóa, nô lệ hóa người dân, thâu tóm toàn bộ quyền lực của nhân dân vào tay nhà nước cộng sản và cắt đất, dâng biển cho Tàu Cộng, đưa giống nòi Việt Nam ngày càng chìm sâu vào thân phân chư hầu Tàu Cộng: