“Sự kiện Mậu Thân”: “sai lầm” hay “tội ác” ?

- Quảng Cáo -

Fb. Ngô Nhật Đăng|

Có một bạn trên fb hỏi : Hồi đó (năm 68), ở HN anh nghĩ gì về “tổng tiến công và nổi dậy” ?
Tôi nghĩ gì ư ? Còn bé quá nhưng tôi vẫn nhớ.Nhớ cuối năm 67, cha tôi lên chỗ 3 anh em tôi sơ tán ở cùng bà ngoại. Ông ở chơi với con cái 3 ngày, khi đi ông nói với tôi : “Bố đi B, nếu con nghe trên đài hay báo có bài nào ký tên Lê Hoài Đăng thì là bố đó” (đó là tên 3 anh em tôi, bố lấy làm bút danh, một điều bắt buộc đối với các nhà văn, nhà báo đi vào Nam). Suốt gần 2 năm, tôi lắng nghe đài, đọc báo mà không thấy, chỉ nhớ hàng ngày vào 4 h sáng bà ngoại thức dậy thắp hương trên bàn thờ, có một câu mà tôi nhớ mãi : “Con ăn ở như thế nào có Quỷ Thần hai vai chứng giám” giờ thêm 1 câu : “Xin cho cha của 3 đứa trẻ này trong hòn tên mũi đạn được yên lành trở về”.

Giữa năm 68 ông về, gày gò, xanh tái và mắc bệnh sốt rét. Chỉ có 1 tập thơ mỏng in chung với 1 người khác, trong di cảo của ông có kể chuyện này : Trước khi đi tôi được nhà xuất bản Giải phóng ứng 200 đồng, khi về nộp bản thảo có hơn chục bài thơ, nhà thơ Ý Nhi xinh đẹp là biên tập nói : “Thơ anh ngắn, lại không xuống dòng, cố kéo bậc thang cho nó dài ra, xếp nhuận bút loại cao nhất, cùng chiếu với các “cụ” nhưng cũng chỉ được 170 đồng, anh vẫn nợ lại 30 đồng, nhưng anh yên tâm, NXB đã xóa nợ cho anh rồi”. Trong nhật ký của ông cũng ghi : “Viết sai sự thật, bẻ cong ngòi bút là phản bội xương máu người lính (bất cứ bên nào)”. Ông cũng kể trong di cảo của mình về việc chứng kiến cái chết của một người lính trinh sát rất nổi tiếng về các chiến công, anh và người yêu là kế toán của trạm quân y tự sát bằng súng AK. Nhà văn Nguyễn Minh Châu nói với ông: “Chúng ta đều có tội, đều phải chịu trách nhiệm về những cái chết này”.

Tất nhiên, những chuyện trên tôi chỉ biết khi đã lớn. Nhưng ngày đó, những buổi tối khi nhiều người đến nhà thăm bố tôi, bắt ông kể chuyện chiến trường, tôi thường nằm gối đầu lên đùi bố nghe hóng, để ông vừa nói vừa xoa lưng cho tôi dễ ngủ. Tác dụng thì ngược lại, những câu chuyện của ông làm tôi hoảng sợ, không ngủ được hoặc là thấy ác mộng. Như chuyện ở Làng Vây, dân làng nằm ra đường cản xe tăng Bắc Việt, và họ được lệnh cán thẳng lên dân thường, hay bộ đội đặc công, khi đánh trận thường hô: Ai đầu hàng, bỏ hết vũ khí, rút vào các lô-cốt. Nhưng khi xong trận, trước khi rút đi thì họ thả bộc phá, lựu đạn vào các lô-cốt đó, vì đặc công có nguyên tắc “không bắt tù binh” để “đánh nhanh, thắng nhanh, rút nhanh”….

- Quảng Cáo -

Và nữa, năm 69 cậu ruột tôi lúc đó mới 17 tuổi 2 tháng (nhưng tính năm thì đã là 18 tuổi) phải đi bộ đội. Không hiểu sao tôi nhớ mãi tối hôm đó, dưới ánh đèn dầu bà tôi ngồi tiếp ông giáo chủ nhiệm của cậu tôi (một người ở phố Hàng Đào), mang giấy gọi nhập ngũ đến nhà và động viên. Bà khóc, bà van nài, nói đủ lý do như nó là con một (bà tôi đi bước nữa và được duy nhất cậu, có 1 cậu nữa nhưng là con đời trước), anh rể nó (bố tôi) cũng là bộ đội, nó học giỏi đủ tiêu chuẩn đi học nước ngoài (cậu tôi được giải nhất học sinh giỏi, được thưởng xe đạp)…nhưng không lay chuyển nổi. Cuối cùng bà hỏi, giọng ráo hoảnh:

– Thưa ông giáo, con trai ông cùng học với con tôi, cậu ấy có phải đi lính đợt này không ạ ?
Ông giáo im lặng rồi đứng dậy ra về.

Con trai ông giáo sau đó 1 tháng đi học nước ngoài, cách đây vài năm được biết anh đã làm Thứ trưởng của 1 Bộ được đánh giá là “rất thơm”.

Năm 72, cậu tôi chết ở Quảng Trị khi vừa 20 tuổi quá mấy ngày. 41 năm sau, tôi mới biết chỗ cậu nằm và đến thăm ông.

Tất nhiên do lịch sử, do hoàn cảnh nhiều điều đau đớn đã xảy ra trong chiến tranh, muốn đất nước thay đổi, phát triển thì phải “khép lại quá khứ, tiến tới tương lai”, phải “hòa giải, hòa hợp dân tộc”. Tức là phải chữa lành những vết thương đó.
Thái độ của nhà nước, của các trí thức, các sử gia, của các chứng nhân, các nạn nhân, các thủ phạm (gián tiếp và trực tiếp) vv…như thế nào ? Tất cả phải công khai, phải có những cuộc tranh luận từ nhiều phía để lịch sử được trả về đúng như nó đã xảy ra. Không thể nói suông, không thể chạy tội. Có thế thì mới có thể bước vào tương lai được.

Vì thế tôi coi lá thư chạy tội của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường là tích cực, nó sẽ làm nổ ra một cuộc tranh luận về “Sự kiện Mậu Thân”, đòi hỏi phải công khai, phải kết luận nó là “sai lầm” hay “tội ác” ?.

Lớp trẻ đã biết “Thảm sát Mậu Thân” là có thật. Lịch sử sẽ làm tiếp những gì còn lại./.

- Quảng Cáo -

8 CÁC GÓP Ý

  1. Tất cả chúng ta người Việt Nam đều có trách nhiệm phải tìm ra nguyên nhân và thủ phạm của cái chết oan khiên hơn 5000 người dân vô tội Huế.

  2. Thành công hay thất bại hoạc với ý nghĩa gì đi nữa thì tổng tiến công mậu thân 1968 là cuộc ĐÁNH LÉN vi phạm thoãi thuận ngưng bắn của Chó Sói miền bấc. Và ngày nay họ lại ca tụng cái viêc xấu xa đó, đúng là sự gian dối trắng trợn nhân dân VN

  3. Mậu Thân năm ấy nhà tôi cháy, suýt nữa lửa thiêu tôi dưới đáy hầm. Nhưng mà thôi, xin đừng hận thù nữa, hãy làm gì tốt đẹp cho tương lại.

  4. Với cộng sản chúng sẽ nói là sai lầm của cấp dưới Giống như cải cách ruộng đất , sau khi giết cả hơn trăm ngàn người được gọi là địa chủ thì Hồ Chí Minh đã nói đây là sai lầm chứ có khi nào chúng nói là tôi ác đâu . Mà sai lầm trong cải cách ruộng đất là Trường Chinh chứ có nhận đó là sai lầm của đảng đâu

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here