Paulus Lê Sơn
Giải Bóng đá trẻ U23 Châu Á đã kết thúc, U23 Việt Nam đoạt ngôi Á quân sau trận chung kết với Uzbekistan hôm 27.1.2018 được tổ chức tại Trung Quốc. Kết quả này đã làm cho người hâm mộ hết sức phấn khích và vui mừng. Cách hành xử và văn hóa ăn mừng chiến thắng của đội U23 trong các trận đấu vừa qua cũng tạo ra những luồng dư luận đánh giá khác biệt nhau.
Qua sự kiện này, chúng tôi có cuộc trao đổi với những người yêu bóng đá để hiểu hơn họ nghĩ gì về đội tuyển U23 Việt Nam năm nay, quan điểm của họ như thế nào khi chứng kiến cảnh người dân ăn mừng bóng đá ?
Từ Sài Gòn Bác sĩ Đinh Đức Long nói rằng: “Đội tuyển U23 Việt Nam năm nay đã làm nên kỳ tích chưa từng có trong lịch sử bóng đá nước nhà, đó là sự thật cần phải ghi nhận. Đỉnh cao của bóng đá Việt Nam từ trước tới nay mới chỉ là vô địch SEAGAME (thời Việt Nam Cộng Hòa năm 1959), còn bây giờ thì lọt vào sân chơi tầm châu lục (châu Á, chứ không chỉ khu vực). Người dân ăn mừng bóng đá thì là quyền của họ thôi, nhưng đừng quá tự hào khi cho rằng cứ đá bóng giỏi (mà chưa chắc đã là giỏi liên tục, giỏi mãi mãi…), thì sẽ giỏi cái khác luôn, nhất là coi đó như một liều “doping” để quên đi những vấn nạn khác đang tàn phá đất nước một cách “ổn định, liên tục” như ô nhiễm môi trường, tham nhũng, giá cả tăng vọt, phân hoá giàu nghèo, BOT…”
Ca sĩ Bùi Đức Thiện, từ Sài Gòn bày tỏ niềm vui sướng khi đội tuyển của Việt Nam đã có những chiến thắng mang tính lịch sử. Đồng thời ông nhìn nhận trên một khía cạnh khác khi chứng kiến cảnh người dân nô nức xuống đường ăn mừng chiến thắng của đội U23 với cờ đỏ sao vàng.
Ông Thiện nói: “Đã rất lâu rồi Việt Nam chưa một lần vào chung kết. Niềm vui tự hào là người con đất Việt, tôi muốn một lần cùng xuống đường hoà cùng niềm vui với mọi người nhưng không phải lá cờ đỏ của đảng cộng sản, nhưng đó phải là Lá Cờ Vàng của Tổ Tiên chúng ta đã có từ xưa”.
Nói về văn hóa của người dân xuống đường ăn mừng, dị biệt ở một số bộ phận người dân khi bày tỏ cách thức ăn mừng quá mức như cởi bỏ xiêm y giữa đường phố. Ông Thiện cho rằng “đó giống như là một đội quân phá hoại vô văn hóa”.
Từ Sài Gòn, ông N.T.Khoa nói với chúng tôi về tâm tình của mình đối với các tù nhân lương tâm và phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam. Xem ra có vẻ không liên quan gì đến bóng đá, nhưng ông cho rằng dưới góc nhìn từ sự lợi dụng lòng yêu mến bóng đá mà nhà cầm quyền đã cố ý dẫn dắt người dân bằng nhiều phương thức thủ đoạn khác nhau.
Ông Khoa nói: “Nhìn cảnh người dân tại Hà Nội đón tiếp U23 (do VTV đầu têu) mà xót xa cho anh em dân chủ. Họ quá đơn độc và nay cảm thấy càng đơn độc hơn. Ngay lúc này họ chạnh lòng và bi quan khi nghĩ về khả năng đánh sập thành trị cộng sản. Thật khó hơn bao giờ. Lại nghĩ đến những người trong ngục tù lúc này. Nhưng rõ ràng, những người quan tâm đến đá banh U23 không phải tất cả đều ủng hộ cộng sản”.
Thực tại đất nước ngày hôm nay như Bác sĩ Long, Ca sĩ Thiện, hay ông N.T.Khoa đề cập đến là những thực tại đang diễn ra một cách rõ ràng và quyết liệt. Từ cuộc sống đời thực mà người dân phải đối mặt hàng ngày như ô nhiễm môi trường, tham nhũng, giá cả tăng vọt, phân hoá giàu nghèo, hay như văn hóa và tinh thần của đất nước như việc hòa hợp hòa giải dân tộc, rồi đến những giải pháp căn cơ cho một đất nước có dân chủ, tự do, quyền con người thật sự.
Những thực tại trên đang bị thờ ơ, vô cảm, hoặc bị nhà cầm quyền khu trừ, hay bị cầm tù. Ngoài chiến thắng bóng đá và ăn mừng nó thì người dân Việt Nam liệu có giải quyết được những thực tại nhức nhối của đất nước và chiến thắng được nó hay không?