Nguyễn Thông – Blog Nguyễn Thông |
Như đã nói ở những phần trước, giai đoạn nào trong thời cách mạng vô sản cũng vậy, sử dụng khẩu hiệu được coi là sách lược, là nghệ thuật, là đỉnh cao của cuộc tuyên truyền, vận động quần chúng. Những khẩu hiệu về cụ Hồ mà chế độ đề ra đã khiến đông đảo nhân dân hăng hái đi theo cụ, học tập cụ, làm như lời cụ dạy. Chỉ riêng câu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” do cụ phát ngôn được tôn thành khẩu hiệu đã lôi cuốn được hàng chục triệu người xả thân, không tiếc máu xương cho cuộc chiến tranh giành độc lập.
Sau khi “Người” qua đời năm 1969, dưới sự lãnh đạo của đảng, nhất là ban tuyên giáo, đã ra đời thêm những câu khẩu hiệu nữa về cụ Hồ, khiến cộng đồng xã hội luôn có cảm giác cụ mất nhưng vẫn như còn, cụ luôn bên cạnh mọi người. Lúc đầu là câu “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Câu này hồi cuối năm 1969 và những năm nửa đầu thập niên 1970, đi bất cứ đâu cũng bắt gặp. Hồi ấy chưa có lăng cụ, nên chính quyền và dân chúng tưởng nhớ đến cụ bằng khẩu hiệu. Cứ nhìn vào câu khẩu hiệu ấy là tự dưng có cảm giác “Bác vẫn trên cao vẫy gọi mình”.
Câu nữa về cụ Hồ cũng nổi tiếng không kém, được đưa ra vào năm 1990 khi chế độ khơi dậy phong trào học tập tấm gương cụ. Năm này kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ, nhưng cũng thời điểm đội ngũ cán bộ nẩy sinh nhiều hư hỏng, thoái hóa, không còn xứng đáng là người vừa hồng vừa chuyên như cụ từng căn dặn nữa. Câu khẩu hiệu “Sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” từng xuất hiện hồi thập niên 1980 nay được đổi thành “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Không dàn trải sống, chiến đấu, lao động… nữa, giờ chỉ là học tập và làm theo thôi. Mà cũng không học, không theo nhiều thứ, chỉ đạo đức thôi. Những người cầm đầu bộ máy cai trị đã thấy lỗ hổng nguy hiểm và cũng là mối nguy cực kỳ tai hại: sự tha hóa của cán bộ về đạo đức. Tài mấy đi chăng nữa, không có đức thì cũng vứt. Chế độ tồn hay vong cũng ở chỗ này. May còn biểu tượng cụ Hồ, lấy ra làm tấm gương để học.
Chỉ có điều vài chục năm trước, sự học ấy còn có ý nghĩa, hiệu quả, chứ càng ngày cán bộ càng hỏng, học chẳng vào, chẳng mấy tác dụng. Điều thấy rõ nhất là trung ương có cả ban chỉ đạo việc học theo gương cụ, tới thời điểm này vẫn tổ chức học hăng say, nhưng chưa bao giờ cán bộ tham nhũng, đổ đốn, tha hóa đạo đức như bây giờ. Những vụ như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Ngô Văn Tuấn… ngày càng nhiều. Cụ cũng không cứu nổi.
Cộng sản là lực lượng chống phong kiến, đả Khổng Tử (biểu tượng của chế độ phong kiến) tợn nhất nhưng chính họ lại đi vào vết mòn của Khổng, chủ trương lấy lễ để cai trị và xây dựng con người, xem thường luật pháp. Không lo soi sáng pháp chế, không lấy luật pháp làm sự nghiêm minh, xây dựng kỷ cương, dùng người tài giỏi… thì dù có phát động đội ngũ học tấm gương đạo đức của cụ Hồ suốt đời cũng chỉ tạo ra những tầng lớp, thế hệ lãnh đạo (gọi chung là cán bộ, đảng viên) đứng trên hoặc đứng ngoài pháp luật, rốt cuộc cũng chỉ là đồ bỏ đi, dân nước chẳng trông đợi được gì.
Bài trước:
– Chuyện khẩu hiệu (kỳ 1)
– Chuyện khẩu hiệu (kỳ 2)
– Chuyện khẩu hiệu (kỳ 3)
– Chuyện khẩu hiệu (kỳ 4)
Dmcs