Thông điệp gì từ vụ luật sư của Trịnh Xuân Thanh bị cấm vào VN?

Luật sư Petra Schlagenhauf trả lời phỏng vấn trên truyền hình ZDF của Đức về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. (thoibao.de)
- Quảng Cáo -

Thiền Lâm – Calitoday News

Bà Petra Schlagenhauf – một luật sư người Đức của Trịnh Xuân Thanh – đã bị công an cửa khẩu sân bay của Việt Nam đối xử giống hệt cái cách đã đối xử với một số người Việt hải ngoại: vẫn cấp visa nhập cảnh, nhưng lại chặn ngay tại sân bay Việt Nam. Nạn nhân mất luôn tiền mua vé máy bay và bị xúc phạm nặng nề.

Bà Petra Schlagenhauf cho VOA biết bà đã bị “cấm vào Việt Nam” vào lúc 8 giờ tối (giờ địa phương) ngày 4/1/2018 dù đã đáp máy bay tới Hà Nội.

Trong một email gửi cho VOA từ Bangkok sáng sớm ngày 5/1, luật sư người Đức nói bà bị buộc quay trở lại Bangkok và đang chờ chuyến bay về Berlin.

- Quảng Cáo -

“Họ không cho tôi biết lý do vì sao nhưng tôi có nghe thấy họ nói với nhau rằng tôi là ‘luật sư của ông Thanh,” bà Schlagenhauf cho biết.

Thậm chí Đại sứ Đức đã nói chuyện về trường hợp của bà Petra Schlagenhauf với phía Việt Nam nhưng đã không có kết quả…

Cho tới nay, phía Hà Nội vẵn khăng khăng cho rằng “Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về Việt Nam đầu thú”, trong lúc nhà nước Đức vẫn bảo lưu quan điểm về việc mật vụ Việt Nam đã tổ chức bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào ngày 23/7/2017.

Vào cuối tháng 12/2017, cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an công bố với báo chí nhà nước là “Trịnh Xuân Thanh không thành khẩn trong khai báo”, đồng thời Viện Kiểm sát đưa ra cáo trạng buộc tội Trịnh Xuân Thanh tham ô 14 tỷ đồng – một tội danh rất có thể khiến Thanh phải đối diện với án tử hình. Hai động tác nhịp nhàng này đã khiến nhiều dư luận nghi ngờ về tuyên truyền “Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về Việt Nam đầu thú”, bởi theo logic của tâm lý học tội phạm, một người đã đầu thú không thể không “khai báo thành khẩn”.

Ở một góc độ phân tích khác, việc các cơ quan tư pháp Việt Nam có thể quy tội nặng nề cho Trịnh Xuân Thanh bất chấp Thanh đã “tự nguyện đầu thú” sẽ tạo tiền lệ “không khoan hồng” ngay cả với những người thực sự tự nguyện đầu thú.

Ông Đặng Văn Hiến trước toà.

Ngay vào đầu năm 2018, tòa án Việt Nam đã không những “không khoan hồng” mà còn thẳng tay xử tử hình đối với trường hợp “người nông dân cầm súng” Đặng Văn Hiến ở tỉnh Đăk Nông, bất chấp việc ông Hiến đã chỉ có hành động phòng vệ chính đáng để bảo vệ quyền lợi của gia đình khi bị Công ty Long Sơn cướp đất của gia đình ông, và cũng bất chấp việc ông Hiến đã tự nguyện đầu thú theo những lời chiêu dụ “sẽ được hưởng lượng khoan hồng của đảng và nhà nước” của Công an Đăk Nông.

Vụ công an Việt Nam chặn bà Schlagenhauf xảy ra chỉ 4 ngày trước phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh, người bị Việt Nam cáo buộc làm thất thoát 3.300 tỷ đồng (147 triệu USD), cùng hàng chục quan chức PetroVietnam dự kiến sẽ diễn ra ngày 8/1/2018 tại Hà Nội.

Bà Schlagenhauf lại là người đầu tiên cho biết phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh có thể sẽ diễn ra vào ngày 10/01/2018 (lịch sử sự kiến mới nhất là vào ngày 8/1).

Cho tới nay, chưa có thông tin cụ thể nào về quan điểm của Bộ Chính trị đảng CS Việt Nam đối với việc “dự và quan sát” của luật sư của Trịnh Xuân Thanh và những nghị sĩ Đức. Tuy nhiên một thực tế hết sức mâu thuẫn là công an Việt Nam như thể cố ý chặn bà Schlagenhauf ngay tại sân bay Nội Bài như một hành vi xúc phạm thể diện của nữ luật sư này, trong khi việc cấp visa vào Việt Nam cho bà Schlagenhauf tại Đại sứ quán Việt Nam ở Đức vẫn bình thường.

Rõ ràng, việc chặn bà Schlagenhauf tại phi trường Nội Bài vào ngày 4/1/2018 cho thấy Bộ Chính trị đảng, hoặc ít nhất một phần của tổ chức này, vẫn duy trì quan điểm cứng rắn, không xin lỗi và cũng không “cam kết không tái phạm” trước đòi hỏi của Nhà nước Đức liên quan vụ ‘bắt cóc Trịnh Xuân Thanh”, bất chấp những hậu quả có thể tiếp tục xảy đến trong tương lai gần trong quan hệ Việt – Đức vốn đã đổ vỡ khá nhiều sau tháng Bảy năm 2017.

Quá khứ gần đổ vỡ ấy đã hiển hiện vào tháng 10/2017 khi Đức tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam – một biện pháp trừng phát ở mức cao nhất. Đến tháng 11/2017, Đức lại hủy luôn cả một hiệp định giữa Đức và Việt Nam miễn visa cho quan chức Việt Nam đi công tác tại Đức.

Cũng vào tháng 11/2017, một sự kiện trao đổi chuyên môn giữa Đức với Việt Nam về thông tin, biện pháp phòng thủ đối với các loại vũ khí nguyên tử, sinh học, hóa học (ABC-Abwehr) dự kiến diễn ra ở Đức đã bị hủy bỏ với lý do từ phía Việt Nam là phái đoàn Việt Nam bị chậm trễ trong việc xin visa nhập cảnh vào Đức, nhưng lý do thực chất hơn nhiều là một hậu quả trực tiếp từ biện pháp của Đức hủy bỏ hiệp định giữa hai nước về việc miễn visa cho hộ chiếu ngoại giao Việt Nam do vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” gây ra.

Trong bối cảnh Tổng bí thư Trọng dường như không e ngại đưa Trịnh Xuân Thanh ra xử bất chấp phản ứng từ phía Đức, một thực tế trần trụi là các cuộc đàm phán Đức – Việt về vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” – kéo dài suốt từ tháng Tám năm 2017 đến nay – vẫn chỉ đạt được rất ít kết quả.

Rất có thể, năm 2018 sẽ chứng kiến quan hệ Đức – Việt thêm nhiều đổ vỡ, và chắc chắn khiến giấc mơ của Việt Nam về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- châu Âu (EVFTA) trở nên ảo tưởng./.

- Quảng Cáo -

6 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here