Trung Điền |
Năm 2017 đã khép lại với nhiều biến động phức tạp, ảnh hưởng to lớn lên cục diện Việt Nam nói riêng và Thế Giới nói chung trong những năm trước mặt.
Bài viết này sẽ chỉ xét đến những diễn biến có ảnh hưởng ít nhiều lên công cuộc đấu tranh chống lại ách độc tài Cộng sản Việt Nam hiện nay, cũng như ảnh hưởng đến mối tương quan của chế độ Hà Nội đối với thế giới bên ngoài.
Có 5 biến cố đã xảy ra trong năm 2017, đáng cho chúng ta quan tâm.
Thứ nhất là sự gián đoạn quan hệ giữa Đức và CSVN về vụ Trịnh Xuân Thanh.
Trịnh Xuân Thanh là một cán bộ cao cấp trong Tập Đoàn Dầu Khí và nguyên là Chủ tịch Tổng Công Ty Xây Lắp Dầu Khí Việt Nam (PVC). Ông Thanh bị lãnh đạo CSVN kết án tội làm thất thoát 3.300 tỷ đồng (tương đương 147 triệu Mỹ Kim) ở PVC và bị truy tố về tội tham ô. Nhưng trước khi bị bắt và truy tố, ông Trịnh Xuân Thanh đã âm thầm trốn sang Âu Châu và xuất hiện tại Berlin, Đức từ tháng 8 năm 2016. Bộ Công An đã ra lệnh truy nã và nhờ cả hệ thống Interpol hỗ trợ nhưng không có kết quả.
Trong buổi tiếp xúc với cử tri Hà Nội hôm 6 tháng 12, 2016, ông Nguyễn Phú Trọng cho biết là sẽ bắt Trịnh Xuân Thanh bằng mọi cách và khẳng định là “Trịnh Xuân Thanh không trốn được đâu!”
Với lệnh của ông Trọng, Tổng Cục 5, Bộ Công An đã tiến hành kế hoạch bắt cóc và dẫn độ Trịnh Xuân Thanh về nước vào ngày 25 nhưng đến ngày 31 tháng 7, CSVN mới phổ biến tin ông Thanh đã “tự về nước đầu thú”.
Ngày 2 tháng 8, Bộ Ngoại Giao Đức ra thông cáo, yêu cầu CSVN phải trả ông Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức để nước này xem xét yêu cầu dẫn độ của Việt Nam cũng như đơn xin tị nạn của ông Thanh. Tuy nhiên, ngày hôm sau Hà Nội đáp trả qua lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, nói rằng Việt Nam “lấy làm tiếc” về thông cáo của Bộ Ngoại giao Đức, và chiếu cảnh ông Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú trên truyền hình nhà nước VTV.
Một tuần lễ sau, ngày 9 tháng 8, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Đức nói “lấy làm tiếc” là yêu cầu của Đức đã không được CSVN “hồi đáp” và lên án hành động bắt cóc Trịnh Xuân Thanh là đã vi phạm luật pháp quốc tế và luật pháp Đức, đồng thời trục xuất một nhà ngoại giao Việt Nam được cho là có liên quan đến vụ bắt cóc này.
Ngày 22 tháng 9, Bộ Ngoại giao Đức ra thông báo cho biết tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với CSVN vì Hà Nội đã không đáp ứng được yêu cầu của Đức là trả Thanh về lại Đức. Đức đồng thời trục xuất thêm một nhân viên ngoại giao mới của CSVN vì có liên quan đến vụ việc.
CSVN và Đức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2011. Nước Đức hiện cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối Liên Âu, chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam vào Liên Âu. Năm 2016, xuất khẩu của Việt Nam vào Đức đạt giá trị gần 6 tỷ Mỹ Kim. Ngoài ra, Đức cũng là nước viện trợ ODA lớn và thường xuyên cho CSVN đối với khu vực Âu Châu.
Từ năm 1990 đến nay Đức đã dành cho Việt Nam khoảng 2 tỷ Mỹ Kim viện trợ ODA. Đức cũng cam kết dành cho CSVN 600 triệu euro ODA trong giai đoạn từ 2015 đến 2017. Hiện nay ngân khoản này bị đình đọng cho đến khi giải quyết xong vụ Trịnh Xuân Thanh. Ngoài ra, Bộ ngoại giao Đức cũng đã đình chỉ việc thi hành “Hiệp định Đức-Việt miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao”. Tức là những cán bộ cao cấp của CSVN mang Hộ chiếu Ngoại giao không còn được vào Đức khi chưa có Visa.
Ngoài những thiệt hại nói trên, việc tạm dừng mối quan hệ đối tác chiến lược với Đức sẽ khiến cho CSVN gặp nhiều khó khăn trong việc vận động Quốc Hội Liên Âu thông qua Hiệp Ước Tự Do Thương Mại EU-Việt Nam trong năm 2018, và Đức sẽ không ủng hộ bầu CSVN làm thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc trong nhiệm kỳ 2020-2021.
Từ ngày 8 đến 20 tháng 1 năm 2018, CSVN mang ông Trịnh Xuân Thanh và một số cán bộ Tập Đoàn Dầu Khí ra xét xử, bản án nặng nhất cho ông Thanh là tử hình. Nếu sự kiện này xảy ra, vấn đề quan hệ giữa Đức và CSVN càng trở nên phức tạp và nhiều hậu quả xảy ra khó lường.
Thứ hai là vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên
Bắc Triều Tiên đã có tham vọng trở thành nước sở hữu vũ khí hạt nhân để đe dọa nước Mỹ nên đã tiến hành thử nghiệm từ nhiều thập niên qua. Ngày 9 tháng 9 năm 2016, nhân kỷ niệm 68 năm ngày quốc khánh, Bắc Triều Tiên cho thử hạt nhân lần thứ 5.
Trong lần thử này, theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho biết có động đất mạnh khoảng 5,3 độ Richter xảy ra tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Đây là vụ thử lớn nhất của Triều Tiên tính tới nay, với lượng nổ vào khoảng 120 kiloton, gấp 10 lần các quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki, Nhật Bản, trong Thế Chiến Thứ Hai.
Một năm sau, Kim Jong-un cho thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 và lần này họ Kim chỉ đạo việc đưa bom nhiệt hạch lên đầu đạn xuyên lục địa vào sáng ngày 3 tháng 9 năm 2017. Với kết quả này, Kim Jong-un tuyên bố là Bắc Triều Tiên đã sản xuất được vũ khí hạt nhân, đồng thời cho biết là sẽ chế tạo đủ số lượng vũ khí hạt nhân theo ý muốn mà không ai có thể ngăn cản.
Ngày 2 tháng 11 vừa qua, tình báo Nam Hàn cho biết là Bắc Triều Tiên chuẩn bị vụ thử hạt nhân lần thứ 7 có thể diễn ra bất cứ lúc nào tại bãi thử hạt nhân Punggye-ri. Bên cạnh thử nghiệm vũ khí hạt nhân, chính phủ Hoa Kỳ tin rằng Bắc Triều Tiên cũng đang phát triển một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới, có khả năng tấn công vào lục địa Hoa Kỳ trên nền tảng tên lửa KN-20 của nước này. Song song, Bắc Triều Tiên cũng đang cải tiến nhiên liệu hạt nhân, bệ phóng tên lửa cũng như hệ thống dẫn đường và khóa mục tiêu.
Sự kiện Bắc Triều Tiên gia tăng thử nghiệm và sở hữu vũ khí hạt nhân đã tạo một sự quan tâm rất lớn đối với các quốc gia trong khu vực như Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Tổng thống Donald Trump là người đã liên tục đăng những dòng Twitter chỉ trích rất mạnh các hành động của Bắc Triều Tiên và cho đây là “mối nguy hiểm thực sự”, cần phải trừng phạt thích đáng. Lúc đầu ông Trump chủ trương là trả đũa bằng quân sự để dập tắt các ý đồ của họ Kim, nhưng sau chuyến viếng thăm Á Châu vào đầu tháng 11 vừa qua, ông Trump chấp nhận tiến trình đàm phán theo như đề nghị của Bắc Kinh, nhưng dư luận chung không nhìn thấy kết quả của nỗ lực này mà chỉ tốn thời gian qua lại mà thôi.
Lý do là Trung Quốc vốn là đồng minh thân cận duy nhất của Bắc Triều Tiên và đã từng dùng Bình Nhưỡng như là sức ép để mặc cả với Nhật và Mỹ trong các quan hệ về kinh tế, an ninh, ngoại giao. Tuy Bắc Kinh rất khó chịu thái độ ương ngạnh của Kim Jong-un và bị ông Trump hối thúc phải có hành động mạnh với họ Kim, nhưng Bắc Kinh vẫn luôn khẳng định vấn đề này không thể giải quyết thông qua hành động quân sự, đồng thời kêu gọi quay lại bàn đàm phán.
Hiện nay Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đang tìm cách tiếp xúc với Bắc Triều Tiên, thông qua Trung Quốc, để xúc tiến các cuộc đàm phán 6 bên như trong quá khứ gồm Nhật Bản, Nam Hàn, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Bắc Hàn, Nga.
Thứ ba là Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp Định TPP
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans-Pacific Partnership Agreement – viết tắt TPP) là một thỏa thuận thương mại tự do đã được ký kết giữa 12 quốc gia (Brunei, Chile, New Zealand, Singapore, Australia, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, Việt Nam, Hoa Kỳ) vào ngày 4 tháng 2 năm 2016 tại Auckland, Tân Tây Lan, sau 5 năm đàm phán với mục đích hội nhập các nền kinh tế thuộc khu vực Á Châu Thái Bình Dương.
Mục tiêu chính của TPP là xóa bỏ các loại thuế và rào cản cho hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu giữa các nước thành viên. Ngoài ra, TPP còn thống nhất nhiều luật lệ, quy tắc chung giữa các nước này như: sở hữu trí tuệ, chất lượng thực phẩm, hay an toàn lao động… Ngoài ra còn thông qua các biện pháp giảm các hàng rào thuế quan giữa các nước, giúp tăng cường trao đổi hàng hóa và dịch vụ.
Sau khi ký kết, Hiệp Định phải được Quốc Hội của 12 quốc gia phê chuẩn trong thời hạn 2 năm, đến năm 2018 thì Hiệp định sẽ có hiệu lực.
Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ đã ban hành sắc lệnh rút ra khỏi Hiệp định TPP vào ngày 23 tháng 1 năm 2017. Trước diễn biến này, Thủ Tướng Nhật, ông Abe Shinzo đã cho rằng TPP sẽ không có ý nghĩa nếu như Mỹ rút lui, nên ông Abe đã cố gắng thuyết phục ông Trump qua hai lần gặp riêng, nhưng thất bại.
Mặc dù Hoa Kỳ rút lui, nhưng các quốc gia còn lại như Australia, Singapore, Nhật Bản vẫn tin là một ngày nào đó Hoa Kỳ sẽ thay đổi quyết định, nên đã kiên trì đàm phán để giữ cho Hiệp định TPP sống còn. Trong nỗ lực đó, ngày 11 tháng 11 năm 2017, các bộ trưởng TPP đã đạt được thỏa thuận cơ bản cho hiệp định TPP-11, đồng thời thống nhất tên mới cho hiệp định là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP – Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership).
Việc rút ra khỏi TPP đã không chỉ làm cho các ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Á Châu suy giảm mà còn là tín hiệu để cho Trung Quốc có những hành động hung hăng hơn trong việc giành ưu thế chính trị và quân sự tại Á Châu. Với sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” đưa ra trong Hội nghị thượng đỉnh quốc tế hôm tháng 5, 2017 sau khi biết chắc TPP bị khập khễnh, Trung Quốc muốn định hình lại kinh tế toàn cầu trong thế kỷ 21 bằng việc kết nối các nền kinh tế Á – Âu – Phi thông qua một mạng lưới giao thông và cơ sở hạ tầng mạnh mẽ chưa từng có, với chi phí mà Bắc Kinh sẽ bỏ ra là 1.000 tỷ Mỹ Kim.
Cộng sản Việt Nam cũng chờ đợi để hưởng lợi từ TPP mà theo ước tính của Viện Peterson thì thu nhập của Việt Nam sẽ tăng 13% và xuất khẩu tăng hơn 37% tính vào thời điểm 2025. Phần lớn những nguồn thu này trước mắt đến từ việc sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng quần áo và giày dép, vốn là những mặt hàng đang tăng trưởng của Việt Nam, do việc xóa bỏ mức thuế cao của các nước TPP, đặc biệt là Mỹ.
Hiện nay, Tổng thống Donald Trump theo đuổi chính sách bảo hộ mậu dịch và đàm phán song phương nên việc không có Hoa Kỳ trong TPP cũng đã gây nhiều bất lợi cho CSVN trong việc cải tổ nền kinh tế, nhất là tăng cường khu vực tư nhân.
Thứ tư là Tỷ phú Donald Trump trở thành Tổng thống 45 của Hoa Kỳ
Trong cuộc bầu cử vào ngày 8 tháng 11, 2016, tỷ phú Donald Trump thuộc đảng Cộng Hòa đã đánh bại nữ Thượng nghị sĩ Hillary Clinton của đảng Dân chủ và ông đã chính thức nhận lãnh trách vụ Tổng thống vào ngày 20 tháng 1 năm 2017.
Trong hơn một năm vận động tranh cử cũng như gần một năm làm chủ Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Donald Trump đã có những hành động chưa từng có tiền lệ của nước Mỹ từ sau Thế Chiến Thứ Hai.
Trong bài phát biểu trong lễ đăng quang, ông Trump đã tuyên bố: “Từ ngày này trở đi, một viễn kiến mới sẽ cai trị lãnh thổ của chúng ta. Từ ngày này trở đi, chúng ta sẽ đặt nước Mỹ lên trên hết. Nước Mỹ Trên Hết!”
Nhưng trong suốt năm 2017, người ta chưa nhìn thấy viễn cảnh của khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết”, mà chỉ thấy đầy dẫy những vấn đề gây phân hóa trầm trọng giữa một bên ủng hộ và một bên chống các quyết định của Tổng thống Trump. Trong năm 2017, ông Trump đã có một số quyết định mang tính đảo ngược trật tự thế giới, bao gồm:
– Rút ra khỏi Hiệp định TPP, vốn đã được cựu Tổng thống Obama nỗ lực đàm phán với 11 quốc gia trong khu vực Á Châu Thái Bình Dương. Ông Trump cho rằng quyết định rút lui TPP là để bảo vệ quyền lợi công nhân Hoa Kỳ. Trong khi đó, các chuyên gia quốc tế cho rằng quyết định này đã tự cô lập nước Mỹ và giúp cho Trung Quốc bành trướng ưu thế tại khu vực Á Châu.
– Tuyên bố sẽ hủy bỏ NAFTA, nếu sau khi đàm phám lại Hiệp định này với Mexico và Canada mà nước Mỹ không đạt được sự công bằng đối với công nhân Mỹ và giảm thâm hụt thương mại của mỹ với hai quốc gia này.
– Áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với người dân từ 6 quốc gia có phần lớn dân số theo đạo Hồi gồm công dân mang quốc tịch Chad, Iran, Libya, Syria, Yemen, Somalia. Nhiều quốc gia và người dân Hoa Kỳ đã lên tiếng chỉ trích lệnh cấm này vì nó mang tính kỳ thị chủng tộc, kỳ thị tôn giáo và đi ngược lại với hiến pháp Hoa Kỳ.
– Đòi nợ Khối NATO, vì cho rằng nhiều quốc gia thành viên đã không đóng góp đầy đủ số tiền mà lẽ ra họ phải đóng và từ chối công nhận điều khoản bảo vệ lẫn nhau của Hiệp Uớc. Nhưng sau này, do áp lực mạnh mẽ của Khối NATO, ông Trump đã rút lại việc “từ chối công nhận điều khoản bảo vệ lẫn nhau”, thay vào đó cam kết là Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ bất cứ quốc gia nào trong số 28 quốc gia NATO nếu họ bị tấn công.
– Rút khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris, vốn được ký kết từ thời Tổng thống Obama. Thỏa thuận này kêu gọi Hoa Kỳ và các quốc gia khác giảm lượng khí thải carbon, một trong những nguyên nhân khiến trái đất ấm lên và gây ra các hệ lụy về khí hậu và thời tiết. Trong khi ông Trump không công nhận quan điểm này. Quyết định của ông Trump đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì sẽ di hại đến tình trạng hâm nóng toàn cầu và làm mất cơ hội lãnh đạo thế giới của Hoa Kỳ trong việc phát triển kỹ nghệ và năng lượng “xanh”.
– Đe dọa chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên, hoàn toàn khác với những người tiền nhiệm trong việc phát ngôn kiềm chế đối với Bình Nhưỡng, ngược lại, ông Trump đã có những phát biểu mang tính thách thức, trêu chọc, khiêu khích và hạ bệ thủ lãnh Bắc Hàn, khiến tình hình giữa hai nước trở nên căng thẳng. Sau khi Bắc Triều Tiên tuyên bố sẽ bắn thêm tên lửa về phía đảo Guam, ông Trump đã Twitter rằng: “Triều Tiên không nên đưa ra bất cứ đe dọa nào nhằm vào Mỹ. Họ sẽ phải hứng chịu hỏa lực và cuồng nộ ở mức thế giới chưa từng thấy”. Ông Trump còn gọi Kim Jong-un là “Người hỏa tiễn nhỏ bé”. Ngược lại, Kim Jong-un gọi ông Trump là “ông già lẩm cẩm, bệnh tâm thần”.
– Hủy thỏa thuận hạt nhân Iran, Tổng thống Donald Trump từ chối xác nhận với Quốc hội Mỹ rằng Iran đang tuân thủ thỏa thuận hạt nhân mà Iran đã ký với nhóm P5+1 năm 2015. Theo thỏa thuận này, lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ nếu Iran giới hạn chương trình hạt nhân của mình, một điều mà Iran không có chỉ dấu vi phạm kể từ ngày ký kết.
– Công nhận Jerusalem là thủ đô Israel, đã khiến cho các quốc gia Hồi giáo nổi giận và gặp phải sự phản đối từ 128/193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Các quốc gia đã đưa ra Nghị Quyết tái xác nhận quan điểm rằng tương lai của Jerusalem phải được quyết định trong các cuộc đàm phán giữa người Israel và Palestine. Hiện chỉ có 7 quốc gia nhỏ cùng với Mỹ và Israel bỏ phiếu chống lại nghị quyết nói trên của Liên Hiệp Quốc.
Ngoài những quyết định mang tính cách đảo lộn trật tự cũ, Tổng thống Trump theo đuổi chính sách thực dụng về thương mại nên hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề nhân quyền, vốn là một chính sách đối ngoại quan trọng mà các Tổng thống tiền nhiệm luôn luôn tạo áp lực lên những quốc gia độc tài như Trung Cộng, Miến Điện, Việt Nam vân, vân… Chính vì sự thay đổi nói trên, Tổng thống Trump cũng đã cắt giảm nhân sự và thu hẹp trách nhiệm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong các quan hệ và hỗ trợ quốc tế về các mặt dân quyền, nhân quyền, giáo dục, y tế vân, vân…
Thứ năm là Hoa Kỳ bắt đầu thực thi Luật Magnitsky Toàn Cầu.
Luật Magnitsky Toàn Cầu là viết tắt từ Luật Chịu Trách Nhiệm Về Nhân Quyền Toàn Cầu Magnitsky (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act) được xây dựng trên cơ sở Luật Magnitsky, chính thức được gọi là Russia and Moldova Jackson-Vanik Repeal and Sergei Magnitsky Rule of Law Accountability Act of 2012, là một dự luật được thông qua bởi Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 12 năm 2012. Dự luật này được Tổng thống Barack Obama ký ban hành vào ngày 14 tháng 12 năm 2012.
Luật Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky nhằm mở rộng chế tài với các cá nhân vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới. Theo đó, các cá nhân, quan chức ở các nước, kể cả Việt Nam, nếu bị liệt vào dạng vi phạm nhân quyền, sẽ có thể bị Hoa Kỳ hạn chế nhập cảnh, hoặc đóng băng tài sản.
Văn bản điều luật quy định: “Tổng thống có thể áp dụng chế tài… đối với bất kỳ cá nhân nào mà Tổng thống xác định rõ ràng, dựa trên các bằng chứng đáng tin cậy, là phải chịu trách nhiệm về hành vi giết hại bất hợp pháp, tra tấn hoặc các vi phạm nghiêm trọng khác đối với quyền con người được quốc tế công nhận nhắm vào các cá nhân ở bất kỳ quốc gia nào”. Luật nầy cũng áp dụng cho các cá nhân bị kết tội tham nhũng, biển thủ và một số tội danh khác.
Điều luật này có hiệu lực 6 năm nhưng chỉ có Tổng thống Mỹ là có quyền chấm dứt chế tài với một cá nhân nào đó với điều kiện phải báo cáo cho Quốc hội. Nó là một phần của Dự Luật Ủy Quyền Quốc phòng năm 2017 (National Defense Authorization Act), gọi tắt là NDAA hoặc S.2943 mà Tổng thống Obama đã ký vào ngày 26 tháng 12, 2016 sau khi được thông qua bởi hạ viện và thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 8 tháng 12, 2016.
Đầu tháng 6, 2017 vừa qua, Bộ Ngoại Giao và Bộ Ngân Khố của Hoa Kỳ thông báo là hai cơ quan này đã hoàn tất thủ tục để thực thi Luật Magnitsky Toàn Cầu, chính thức nhận và cứu xét những hồ sơ tố cáo các vi phạm đàn áp nhân quyền và tẩu tán tài sản của cán bộ cao cấp tại những quốc gia độc tài như Trung Quốc, Việt Nam, Ai Cập, Mexico, Congo vân, vân…
Đây là vũ khí quan trọng mà các tổ chức, đoàn thể người Việt Nam có thể dùng để cô lập những thành phần cán bộ ác ôn trong bộ máy bạo lực CSVN hiện nay.
*
Nhìn lại 5 diễn biến tình hình thế giới vừa đề cập bên trên, ta có thể rút ra ba kết luận.
Thứ nhất, việc Tổng thống Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ với chính sách “Nước Mỹ trên hết”, tuyên bố rút ra khỏi TPP trong lúc Bắc Kinh đang gia tăng sức mạnh quân sự trên Biển Đông, và nhất là sự kiện Bắc Hàn, bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và đe dọa trừng trị của ông Trump, vẫn ngoan cố gia tăng cường độ thử vũ khí hạt nhân, đã khiến cho tình hình Thế Giới, đặc biệt là khu vực Á Châu rơi vào tình thế bất ổn khó lường.
Thứ hai, mặc dù Tổng thống Donald Trump theo đuổi chính sách thực dụng chú trọng về thương mại hơn là những quan tâm về việc cổ súy nhân quyền, nhưng với sự hoàn chỉnh các thủ tục của Bộ Ngoại Giao và Bộ Ngân Khố của Hoa Kỳ để bắt đầu thực thi Luật Magnitsky Toàn Cầu, là một cơ hội để chúng ta khai dụng nhằm thiết lập những hồ sơ tố cáo và chế tài những thành phần ác ôn trong guồng máy CSVN.
Thứ ba, sự kiện Đức đình chỉ quan hệ chiến lược với CSVN sau khi xảy ra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh cho thấy là ông Nguyễn Phú Trọng và phe đảng quyền đã coi sự củng cố uy quyền của phe nhóm họ cao hơn quyền lợi của đất nước. Biến cố này sẽ giúp cho Đức và một số quốc gia Tây Phương nhìn rõ hơn sự coi thường luật pháp của chế độ, nhất là phiên tòa hoàn toàn phi công lý và tùy tiện mà các lãnh tụ CSVN dùng để trừng trị những đàn em của họ khi bị thất thế như xử Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng từ ngày 8 đến 20 tháng 1, 2018.