Nhìn lại tình hình Việt Nam năm 2017

- Quảng Cáo -

Lý Thái Hùng – Việt Tân

Báo chí Việt Nam đã coi hai sự kiện: Tổ chức APEC 2017 tại Đà Nẵng vào đầu tháng 11 và Báo cáo Chính phủ đạt 13 chỉ tiêu kinh tế – xã hội do Quốc hội đề ra hôm cuối tháng 10, là hai sự kiện lớn của Việt Nam trong năm 2017.

Không cần đi vào chi tiết, ai cũng nhìn thấy rõ thực chất của hai sự kiện được cho là tiêu biểu của năm 2017 chỉ là hai viên pháo nổ để gây chú ý, trong lúc nội bộ đảng bị phân hóa trầm trọng vì cuộc chiến “dựng lò” đốt củi tham nhũng và tình hình cạn kiệt tài chánh đang đe dọa sự phá sản toàn bộ nền kinh tế.

Theo dõi các diễn biến, người ta thấy tình hình Việt Nam diễn ra có chiều trái ngược nhau. Một mặt, lãnh đạo CSVN cho báo chí loan tải rộng rãi các tin tức chống tham nhũng với hàng chục cán bộ cao cấp trong ngành dầu khí bị truy tố vào tù. Mặt khác, nhà cầm quyền CSVN từ đầu năm 2017 đã mở chiến dịch “truy bức” lực lượng dân chủ lớn nhất trong vòng 20 năm qua. Gần 40 nhà hoạt động đã bị bắt giữ, truy tố ra tòa, bị trục xuất, bị kết án nặng nề dưới nhiều hình thức. Những diễn biến này cho thấy bức tranh năm 2017 tại Việt Nam là hình ảnh của tù tội và phản kháng.

- Quảng Cáo -

Ngoài ra, trong số hàng ngàn biến sự đã xảy ra, có rất nhiều sự kiện đan xen và tác động với nhau. Ví dụ như vụ Blogger Mẹ Nấm bị đưa ra xét xử với bản án 10 năm tù giam và vụ Luật Sư Võ An Đôn bị Hội Luật sư Phú Yên toa rập tước bằng hành nghề chỉ vì Luật Sư Đôn đã không những là luật sư bào chữa, mà còn tranh đấu và hướng dẫn tinh thần đấu tranh cho Blogger Mẹ Nấm.

Quang cảnh cuộc biểu tình của 10 ngàn người dân trước cổng Formosa ngày 02-10-2016. Ảnh được chụp bằng flycam, một thiết bị được sử dụng để quay phim chụp ảnh trên không.

Vụ thanh niên Nguyễn Văn Hóa bị bắt và bị kết án 7 năm tù giam về tội “tuyên truyền chống chế độ” và cuộc đấu tranh kiên cường của bà con giáo dân tại Nghệ An, Hà Tĩnh chống lại thảm họa Formosa đã có sự nối kết đặc biệt, qua đó thanh niên Nguyễn Văn Hóa đã dùng Flycam quay toàn cảnh 10 ngàn người biểu tình trước cổng Formosa hôm 2 tháng 10, 2016, đã đưa cuộc tranh đấu chống Formosa lên bình diện quốc tế, làm nức lòng mọi người ở trong và ngoài nước.

Vụ Hội Cờ Đỏ xuất hiện tại hai xã Sơn Hải (huyện Quỳnh Lưu) và xã Diễn Mỹ (huyện Diễn Châu) trong tháng 10 với những hành vi khủng bố bà con giáo dân tại Nghệ An, và vụ Ban Tuyên Giáo Nghệ An tổ chức đấu tố Linh Mục Đặng Hữu Nam và Linh Mục Nguyễn Đình Thục hồi tháng 5 trước đó – hoàn toàn là thủ đoạn của Ban tuyên giáo. Đó là sau khi tổ chức các cuộc đấu tố thất bại, Ban tuyên giáo đã huy động một số công an chìm đóng vai côn đồ, kết hợp cùng với xã hội đen, dựng ra Hội Cờ Đỏ để thực hiện các cuộc bạo động nhắm vào những giáo xứ có liên hệ đến Linh Mục Nguyễn Đình Thục và Linh Mục Đặng Hữu Nam.

Trong số hàng ngàn biến sự xảy ra, đáng chú ý nhất có 5 sự kiện đã và đang tác động lên tình hình Việt Nam và công cuộc đấu tranh chung trong thời gian tới.

Thứ nhất là phản kháng bùng nổ ở các trạm BOT

Các trạm BOT thu phí đã trở thành tâm điểm của làn sóng phản đối trong vài năm qua từ Bến Thủy (Nghệ An), Sông Rác (Hà Tĩnh), lan rộng sang Tam Nông (Phú Thọ), Cai Lậy (Tiền Giang) và Bờ Đậu (Thái Nguyên). Hiện tượng này đang làm tình hình trật tự xã hội ngày một nóng, nguy cơ bất ổn có thể nổ ra bất cứ lúc nào.

Điều đáng nói là làn sóng này đã dấy lên cuộc phản kháng tiền lẻ, bắt đầu từ trạm BOT Bến Thủy ở Nghệ An vào tháng 4 năm 2017, lan ra nhanh chóng và khi nổi lên ở BOT Cai Lậy vào đầu tháng 12 vừa qua, thì cuộc phản kháng đã trở thành một áp lực, đẩy giới kinh doanh BOT và lực lượng công an rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan.

Cuộc phản kháng bằng tiền lẻ của các tài xế xe hơi khởi đầu tại trạm BOT Bến Thủy ở Nghệ An vào tháng 4, 2017. Ảnh: Kinh Tế&Đô Thị.

Tại Trạm Bến Thủy ở Nghệ An, hơn 100 tài xế xe hơi đã phản ứng bằng cách dùng tiền lẻ mệnh giá 100 đồng nối đuôi nhau mua vé qua trạm thu phí khiến cho giao thông bị tắc nghẽn. Để tránh ách tắc giao thông, nhà đầu tư buộc lòng phải xả trạm vài giờ, cho hàng chục xe hơi đi qua mà không phải mua vé.

Sau khi thấy bớt tắc nghẽn giao thông, trạm thu phí BOT bắt đầu hoạt động trở lại, lập tức các tài xế xe hơi quay trở lại nối đuôi nhau dùng tiền lẻ mua vé gây ách tắc tại cầu Bến Thủy 1 và Bến Thủy 2 để phản đối việc phải nộp phí dù không đi trên đường BOT.

Nhưng khi vụ phản đối xảy ra ở BOT Cai Lậy vào đầu tháng 12, 2017 thì chiến thuật dùng tiền lẻ đã trở nên tinh vi hơn, làm cho nhân viên trạm thu phí lúng túng. Đó là ngoài việc dùng tiền lẻ mệnh giá 100 đồng mua vé như ở Trạm Bến Thủy, nhiều tài xế đã sử dụng các loại tiền mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng và 2.000 đồng. Tổng số tiền đưa cho nhân viên trạm là 25.100 đồng để trả mức phí 25.000 đồng. Sau đó, nhân viên thối lại 200 đồng thì tài xế nhất định không chịu, chỉ chịu đòi trả đủ 100 đồng.

Cách phản kháng này đã làm cho chủ nhân trạm BOT Cai Lậy phải xả trạm và đóng trạm nhiều lần trong một ngày, kéo dài qua nhiều tuần lễ và đã phải cầu cứu Bộ Giao Thông Vận Tải can thiệp. Nhưng Bộ cũng bó tay vì vị trí đặt trạm BOT không nằm trên đoạn đường tránh 14 cây số do tư nhân đầu tư mà lại nằm trên Quốc Lộ 1. Cuối cùng, trước làn sóng phản kháng quá mạnh, thu hút sự đồng tình của dư luận và nhất là để ngăn ngừa sự bùng nổ làn sóng phản kháng ở các nơi, ông Nguyễn Xuân Phúc đã phải ra chỉ thị đóng trạm thu BOT Cai Lậy trong một tháng để tìm biện pháp giải quyết… ổn thỏa.

Ông Nguyễn Xuân Phúc hôm 4-12-2017 quyết định tạm đóng trạm thu BOT Cai Lậy trong một tháng để tìm biện pháp giải quyết. Ảnh: Báo Mới

Việc thu tiền ở các trạm BOT đã cho thấy sự cấu kết giữa các nhóm lợi ích với quan chức Bộ Giao Thông Vận Tải để trấn lột tiền người dân một cách dã man không khác gì ngăn sông cấm chợ dưới thời bao cấp cách nay 30 năm. Nhưng qua cách phản kháng của giới tài xế đã cho thấy sự trưởng thành trong nhận thức, thay vì đối đầu đã dùng quyền mua vé, đẩy giới chủ nhân BOT rơi vào tình huống tiến thoái lưỡng nan.

Thứ hai là cuộc “dựng lò” đốt củi tham nhũng đến hồi quyết liệt.

Sau khi bắt cóc và dẫn độ được Trịnh Xuân Thanh từ Berlin về Việt Nam, trong phiên họp Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng hôm 31 tháng 7, 2017, ông Nguyễn Phú Trọng đã nói một cách tự tin rằng: “Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy.” Câu nói của ông Trọng hàm ý cho thấy là cuộc nội chiến chống tham nhũng đã chuyển sang giai đoạn 2, rất quyết liệt và không khoan nhượng.

Trong gần 2 năm qua, kể từ khi ông Trọng loại được ông Nguyễn Tấn Dũng để tiếp tục giữ ghế Tổng Bí Thư thêm nhiệm kỳ XII (2016-2021), cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng trải qua 2 giai đoạn đáng chú ý.

Giai đoạn I từ tháng 6, 2016 đến tháng 6, 2017. Đây là thời kỳ ông Trọng tập trung tấn công vào sào huyệt của ông Dũng ở Tập Đoàn Dầu Khí và Bộ Công Thương. Ở Bộ Công Thương, phải nói là ông Nguyễn Phú Trọng không thành công vì chỉ lấy lại chức Bộ trưởng Bộ Công Thương của ông Vũ Huy Hoàng vốn đã về hưu từ tháng 1, 2016, và lột chức Thứ Trưởng Bộ Công Thương của Bà Hồ Thị Kim Thoa vì cả hai người này đã dính líu đến việc bổ nhiệm và luân chuyển ông Trịnh Xuân Thanh.

Ông Nguyễn Xuân Sơn (trái) và ông Hà Văn Thắm tại phiên xử vụ “Đại án Oceanbank”. Ảnh: Tin Mới

Chủ đích của ông Trọng ở giai đoạn này là nhắm vào Trịnh Xuân Thanh, một mắc xích quan trọng dính đến nhiều cán bộ tham ô trong Tập Đoàn Dầu Khí vì bị kết tội làm thất thoát 3,300 tỷ đồng (tương đương 147 triệu Mỹ Kim), sau khi đã bắt giữ Hà Văn Thắm và Nguyễn Xuân Sơn liên quan đến những vụ tham ô ở Ngân Hàng Đại Dương và làm mất 800 tỷ đồng góp vốn của Tập Đoàn Dầu Khí. Nhưng ông Trịnh Xuân Thanh đã chạy trốn sang Berlin từ cuối tháng 7, 2016 trước khi bị truy tố nên ông Trọng bị bó tay.

Vì thế ở giai đoạn này, dư luận chung đã coi thường chuyện chống tham nhũng của ông

Trọng. Đa số cho là chuyện chống tham nhũng rồi cũng sẽ bị chìm xuồng như những thập niên qua theo kiểu giơ cao đánh khẽ mà thôi.

Giai đoạn II từ tháng 7, 2017 cho đến nay. Đây là giai đoạn, đúng như câu nói “lò nóng lên rồi củi nào cũng phải cháy”, cho thấy là ông Trọng lấy lại tự tin sau khi bắt được Trịnh Xuân Thanh, bất chấp những thiệt hại xảy ra trong quan hệ đối với nước Đức và cả Liên Âu.

Ở giai đoạn này có một vài sự kiện đáng chú ý.

Thứ nhất là ông Đinh La Thăng bị bắt giam và truy tố vào đầu tháng 12 vừa qua. Ông Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh sẽ bị tòa xét xử cùng với khoảng 20 cán bộ cao cấp khác trong Tập Đoàn Dầu Khí, với tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tội “Tham ô tài sản”. Phiên tòa bắt đầu từ ngày 8 tháng 1 kéo dài đến 21 tháng 1.

Ông Đinh La Thăng bị bắt ngày 8-12-2017. Ảnh: Giáo Dục Việt Nam

Thứ hai là “thái tử đảng” Nguyễn Xuân Anh bị mất chức Ủy viên Trung ương, Bí Thư Thành phố Đà Nẵng và Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, và bị kết án rất nhiều tội như vi phạm sinh hoạt dân chủ, thiếu đạo đức, cố ý ra những quyết định về nhân sự trái quy định, thiếu gương mẫu vân, vân… Những tội tròng lên đầu Nguyễn Xuân Anh không có gì mới, cũng không xa lạ gì đối với hệ thống cộng sản và đa số được bao che trong đảng. Thế nhưng ông Xuân Anh bị kết án như vậy, chỉ là ông Trọng muốn dằn mặt ông Nguyễn Văn Chi, nguyên ủy viên Bộ chính trị đang là “thái thượng hoàng tại Đà Nẵng” để cứu đàn em là Huỳnh Ngọc Thơ hiện là chủ tịch Ủy ban Nhân Dân thành phố Đà Nãng.

Thứ ba là ông Phan Văn Anh Vũ còn có biệt danh là Vũ Nhôm bị truy tố khẩn cấp về tội “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước” hôm 20 tháng 12, nhưng ông Vũ đã bỏ trốn trước khi có lệnh khám xét nhà và bắt giữ từ Cơ quan điều tra Bộ Công An. Phan Văn Anh Vũ là cán bộ mang lon Thượng tá của Tổng Cục V, Bộ Công An và được giao nhiệm vụ làm kinh tế, nên khét tiếng là một đại gia bất động sản ở Đà Nẵng với nghề “cướp” đất.

Vì thế khi Phan Văn Anh Vũ bị truy tố tội làm lộ tài liệu bí mật nhà nước đã tạo ra một nghi vấn lớn trong dư luận so với công việc bề nổi là một đại gia bất động sản. Nhưng ngày 28 tháng 12, khi tin tức ông Vũ bị tạm giam ở Singapore và đang xin tỵ nạn chính trị ở Đức vì muốn cung cấp cho chính quyền Đức những hồ sơ mật liên quan đến kế hoạch bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin của Tổng Cục V, Bộ Công An, cho thấy là ông Trọng muốn bắt Phan Văn Anh Vũ nhằm bịt kín chuyện bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gây bất lợi cho phiên tòa sắp diễn ra vào ngày 8 tháng 1, 2018.

Thứ tư là bên cạnh việc truy kích ổ tham ô Tập Đoàn Dầu Khí, ông Trọng cũng đã ra lệnh “trảm” một số cán bộ cấp địa phương như Thanh Hóa, Quảng Nam, Hậu Giang, Sơn La để cho thấy là lò nóng của ông Trọng không dung tha bất cứ củi gì.

Ông Nguyễn Phú Trọng đã mất hơn 5 năm để củng cố lại uy quyền của Tổng bí thư đảng. Ảnh: Internet

Tùy theo kết quả của phiên tòa vào ngày 8 tháng 1 tới đây sẽ cho thấy là ông Trọng có tiếp tục tìm củi tươi để đốt hay sẽ hạ nhiệt chống tham nhũng. Hiện nay, ông Trọng đã đạt được những gì mà phe ông Trọng muốn, đó là đã khống chế được nội bộ đảng và giành lại quyền kiểm soát chính phủ sau gần 5 năm sóng gió vì quyền lực Thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng quá mạnh trong giai đoạn 2006-2016 vừa qua.

Thứ ba là vụ Đồng Tâm.

Vụ Đồng Tâm xuất phát từ việc người dân xã Đồng Tâm không đồng ý chính quyền huyện Mỹ Đức giao đất đang canh tác xã Đồng Tâm cho Tập Đoàn Viễn Thông (Viettel) do Bộ Quốc Phòng quản lý. Năm 1980, chính quyền thu hồi 208 hecta đất vì mục đích an ninh quốc phòng, trong đó có 47,36 hecta đất nông nghiệp (khu đất đồng Sênh) của xã Đồng Tâm. Nhưng do không thực hiện được dự án, Lữ đoàn 28 phòng không đã giao lại số đất nông nghiệp cho xã Đồng Tâm. Năm 2015, Bộ Quốc Phòng cho thu hồi trên 50 hecta đất quốc phòng giao cho Tập Đoàn Viettel trong đó có 46 hecta đất thuộc xã Đồng Tâm. Cuộc tranh chấp bắt đầu từ đó.

Nhưng vụ Đồng Tâm đã bùng nổ lớn và tạo sự quan tâm của dư luận trong và ngoài nước chính là biến cố ngày 15 tháng 4, 2017 khi CẢ LÀNG đã bắt giữ 38 cán bộ, công an (nhưng thả ngay tại chỗ 18 người và chỉ giữ 20 người) nhằm phản đối việc công an Huyện Mỹ Đức dụ dỗ và bắt giữ 4 người đại diện cho bà con xã Đồng Tâm trong cuộc tranh chấp này.

Người dân xã Đồng Tâm bắt giữ công an, cán bộ nhằm phản đối công an Huyện Mỹ Đức dụ dỗ và bắt giữ 4 người đại diện cho bà con xã Đồng Tâm. Ảnh: Facebook

Việc bắt giữ này đã dẫn đến hệ quả là ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phải thân chinh đến gặp trực tiếp dân làng vào ngày 22 tháng 4, để điều đình việc trả tự do cho 20 người còn bị giữ. Ông Chung đã phải tự viết tay bản cam kết gồm có 3 điểm:

– Trực tiếp kiểm tra đoàn thanh tra, chỉ đạo sát sao, làm đúng sự thực, khách quan và đúng pháp luật việc “khu vực đất đồng Sênh đâu là đất quốc phòng, đâu là đất nông nghiệp, không mập mờ, bảo đảm đúng quyền lợi cho người dân Đồng Tâm, theo quy định của pháp luật”.

– Không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm.

– Cam kết chỉ đạo điều tra, xác minh việc bắt và gây thương tích cho cụ Lê Đình Kình (83 tuổi, ở xã Đồng Tâm) theo quy định của pháp luật.

Ông Chung còn hứa là sau 45 ngày, Thành Phố sẽ chính thức công bố kết quả thanh tra về việc tranh chấp đất.

Bản cam kết giữa ông Nguyễn Đức Chung và người dân xã Đồng Tâm. Ảnh: zing.vn

Ngày 25 tháng 7, 2017, Thanh tra thành phố Hà Nội chính thức thông báo kết luận toàn bộ đất sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội là đất quốc phòng.

Trước đó, ngày 13 tháng 6, Cơ quan Cảnh sát điều tra, công an Thành phố Hà Nội đã ra quyết định khởi tố điều tra vụ án hình sự đối với việc bắt giữ 38 cán bộ, công an hôm 15 tháng 4. Có hơn 50 người dân đã nhận giấy triệu tập của công an nhưng không một ai đi trình diện. Lý do là mọi người cho rằng quyết định của cơ quan điều tra đã phản lại cam kết của ông Chung hôm 22 tháng 4, nên sau khi nghe kết quả thanh tra đất, hầu hết người dân xã Đồng Tâm đã rất phẫn uất vì cho rằng chính quyền đã xử ép người dân và lấy đất của dân giao cho nhóm lợi ích Viettel.

Ngày 27 tháng 8, bà con xã Đồng Tâm đã tổ chức Hội nghị Nhân Dân, khẳng định đất đồng Sênh là đất nông nghiệp của nhân dân Đồng Tâm, và đưa ra hai quyết định:

– “Nếu chính quyền Hà Nội, công an Hà Nội mà cố tình cướp đi quyền lợi đất đai của người dân thì người dân Đồng Tâm sẽ giữ đến hơi thở cuối cùng.

– Nếu chính quyền mà bắt một người Đồng Tâm, thì người dân Đồng Tâm cũng sẽ sẵn sàng đổ máu.”

Hơn 1000 người dân Đồng Tâm đã ký vào bản kiến nghị này và đã gửi đến các cơ quan báo chí, kể cả các tòa đại sứ để vận động sự yểm trợ.

Kêu gọi trình diện không ai đến, cơ quan điều tra lại ra thông báo kêu gọi người dân ra “tự thú, đầu thú” và đe dọa “người che giấu, cản trở là người có hành vi vi phạm luật tự thú, đầu thú.”

Biện pháp nói trên của cơ quan công an cho thấy là họ không còn dám làm mạnh cũng như không dám đưa lực lượng công an vào truy bắt người dân như trước đây vì sợ xảy ra cuộc đụng độ dẫn đến đổ máu.

Cụ Lê Đình Kình và người dân xã Đồng Tâm quyết “giữ đất đến hơi thở cuối cùng”. Ảnh: Youtube

Hiện nay, nhà cầm quyền Thành Phố Hà Nội đang muốn kiểm soát lại tình hình xã Đồng Tâm bằng cách khai trừ chức Bí Thư xã của bà Nguyễn Thị Lan và kỷ luật 5 cán bộ khác vì đã đứng về phía người dân. Tuy nhiên vấn đề Đồng Tâm có thể bộc phát trở lại bất cứ lúc nào, nếu chính quyền Thành Phố Hà Nội ngoan cố đưa công an, quân đội vào chiếm đất để đưa cho Tập đoàn Viettel khai thác.

Thứ tư là công an bắt giữ các thành viên Hội Anh Em Dân Chủ

Hội Anh Em Dân Chủ do Luật sư Nguyễn Văn Đài và một số người cùng chí hướng đồng thành lập vào tháng Tư năm 2013, với mục tiêu đấu tranh bảo vệ các quyền con người đã được Hiến pháp Việt Nam và các Công ước quốc tế thừa nhận.

Trong giai đoạn đầu tiên, Hội Anh Em Dân Chủ đã có gần 80 thành viên ở trong và ngoài nước. Trong giai đoạn hai, Hội Anh Em Dân Chủ chủ trương tăng cường mở rộng số lượng thành viên, và nhất là chú trọng vào công tác chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức cho các thành viên mới. Mục đích làm sao để mọi thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ phải có đầy đủ 3 kỹ năng: Hoạt động độc lập, hoạt động theo nhóm và hoạt động liên kết các nhóm.

Luật Sư Nguyễn Văn Đài và người cộng sự, Cô Lê Thị Thu Hà. Ông Đài là một trong những đồng sáng lập viên của Hội Anh Em Dân Chủ.

Ngày 16 tháng 12, 2015, Luật sư Nguyễn Văn Đài đã bị công an bắt giữ khi đang trên đường đi gặp phái đoàn đối thoại nhân quyền EU. Sau đó, công an đã đến khám xét nhà luật sư Đài và ra quyết định khởi tố Luật sư Đài và người cộng sự là cô Lê Thị Thu Hà về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” (điều 88 của Luật Hình Sự).

Ngày 30 tháng 7, 2017, Cơ quan điều tra, Bộ công an đã bắt giữ thêm 4 thành viên lãnh đạo Hội Anh Em Dân Chủ gồm Mục Sư Nguyễn Trung Tôn, Kỹ Sư Phạm Văn Trội, Ký Giả Trương Minh Đức và Blogger Nguyễn Bắc Truyền về điều 79 Luật Hình Sự. Cùng lúc này, Công an CSVN đã chuyển đổi tội danh của Luật Sư Đài và cô Thu Hà từ điều 88 sang điều 79 của Luật Hình Sự (tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân).

Ngày 4 tháng 8, 2017, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định bắt giữ ông Nguyễn Trung Trực, phát ngôn nhân Hội Anh Em Dân Chủ theo điều 79, Luật Hình Sự.

Ngày 17 tháng 10, 2017, Cơ quan điều tra, Sở công an Hà Tĩnh bắt khẩn cấp một thành viên khác của Hội Anh Em Dân Chủ là Cô Trần Thị Xuân theo điều 79 Luật Hình Sự.

Ngoài những người bị bắt nói trên, các thành viên hoặc cảm tình viên của Hội Anh Em Dân Chủ đã bị công an kêu lên làm việc trong nhiều ngày như Nhà Văn Nguyễn Xuân Nghĩa, ông Trương Dũng, ông Lê Anh Hùng vân, vân…

Theo chị Vũ Minh Khánh, vợ của Luật Sư Nguyễn Văn Đài cho biết đã nhận được thư Luật Sư Đài vào ngày 28 tháng 12 thông báo là đã kết thúc điều tra từ ngày 12 tháng 12, 2017.

Việc công an CSVN bắt giữ các thành viên Hội Anh Em Dân Chủ trong đợt trấn áp và bắt giữ gần 40 nhà hoạt động kéo dài từ cuối năm 2015 cho đến nay, cho thấy là Hà Nội đang rất lo sợ sự lớn mạnh của phong trào dân chủ, trong lúc chính chế độ bị phân hóa nội bộ về vụ chống tham nhũng cũng như lúng túng đối phó với các vấn đề bất ổn xã hội.

Các thành viên Hội Anh Em Dân Chủ bị nhà cầm quyền CSVN bắt giam trong năm 2017. Hàng trên, từ trái sang phải: Mục Sư Nguyễn Trung Tôn, Kỹ Sư Phạm Văn Trội, Ký Giả Trương Minh Đức, Blogger Nguyễn Bắc Truyển, Ông Nguyễn Trung Trực và Cô Trần Thị Xuân.

Nhiều tổ chức Quốc tế và các đoàn thể, cộng đồng Việt Nam đã tích cực lên tiếng tố cáo sự vi phạm nhân quyền của Hà Nội qua các vụ bắt giữ trên những diễn đàn quốc tế. Một liên minh gồm một số NGO quốc tế, các đoàn thể Việt Nam ở trong và ngoài nước đã được ra đời và đang phát động chiến dịch Stop The Crackdown (Ngưng Đàn Áp) để áp lực CSVN phải chấm dứt các thủ đoạn đàn áp những tiếng nói đối lập.

Thứ năm là hàng ngàn người dân bao vây trụ sở Huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh

Hơn 5 ngàn người dân tại hai xã Thạch Bằng và Thạch Kim, thuộc Huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh đã tụ tập tại Ủy ban Nhân dân huyện Lộc Hà hôm 3 tháng 4, 2017, để yêu cầu hai điều: thứ nhất là trả lời việc uy hiếp người dân, và thứ hai là đòi bồi thường thiệt hại vì Formosa.

Việc uy hiếp dân xảy ra vào tối ngày 2 tháng 4, khi các nhà hoạt động về môi trường đang giúp ngư dân điền đơn để yêu cầu bồi thường thiệt hại thì đã bị một nhóm tự xưng là an ninh tới gây sự, xô xát khi đang ngồi tại một quán cà phê ở Nghĩa Lộc. Trong lúc xô xát, một tên công an đã rút súng bắn 3 phát súng uy hiếp, những tên khác trong nhóm thì cầm đá ném vào bà con ngư dân khiến cho nhiều người bị chảy máu đầu và một người khác bị gãy tay.

Sự kiện này đã khiến cho ngư dân phẫn nộ và đã kích thích mọi người cùng tham dự cuộc biểu tình tại trụ huyện Lộc Hà vào ngày hôm sau, mồng 3 tháng 4.

Ảnh: Facebook

Những người biểu tình đã cầm băng rôn với khẩu hiệu “Phản đối Công an Lộc Hà nổ súng, đàn áp dân” và “Lẽ nào vì Formosa mà giết dân thật sao?”

Cuộc tụ họp bắt đầu từ 8 giờ sáng và đã vào bên trong trụ sở Uỷ ban, nhưng chính quyền không cử người ra tiếp. Cuộc biểu tình diễn ra ôn hòa, cho đến khi một số công an đội lốt côn đồ, dùng gạch đá và gậy tấn công vào người biểu tình, gây ra một sự náo loạn.

Khoảng 5000 người dân kéo đến trụ sở UBND huyện Lộc Hà ngày 03-04-2017 đòi công lý cho những người bị công an uy hiếp và đòi bồi thường thiệt hại vì Formosa. Ảnh: Facebook.

Trước sự kiện này, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh liên lạc yêu cầu Linh Mục Nguyễn Công Bình giúp kêu gọi người dân giải tán. Khi Linh Mục Hoàng Anh Ngợi, đại diện Linh Mục Nguyễn Công Bình xuất hiện tại cuộc biểu tình, thì ông Đặng Quốc Khánh xuất hiện và cam kết trước hàng ngàn người biểu tình là chính quyền sẽ xử lý những tên công an đánh người và tiến hành bồi thường người dân theo quy định.

Qua cam kết của ông Đặng Quốc Khánh, bà con ngư dân đã tự động giải tán và chấm dứt cuộc biểu tình vào lúc 2 giờ chiều cùng ngày.

*

5 sự kiện tiêu biểu của tình hình Việt Nam trong năm 2017 đã cho thấy ba đặc điểm của xã hội Việt Nam trong năm vừa qua:

Thứ nhất là sự bất mãn và sức phản kháng của người dân trước các đối sách của nhà cầm quyền ngày càng lan rộng ở nhiều lãnh vực. Từ bất mãn về môi trường, bất tín về các cam kết của chính quyền như vụ Đồng Tâm, Formosa cho đến việc cấu kết với những nhóm lợi ích trấn lột người dân qua các trạm BOT đã lên đến đỉnh điểm. Người dân không còn thụ động, im lặng chấp nhận những bất công phi lý, mà đã dám phản kháng bằng những hành động cụ thể. Nói cách khác, tính đấu tranh của người dân không mang màu sắc đối đầu, mà đa số nghiêng về những đòi hỏi cải thiện cuộc sống. Tức là những áp lực thay đổi về các chính sách liên quan đến dân sinh, nhưng rất quyết liệt, đa dạng và đầy sáng tạo.
Thứ hai là kế hoạch dựng lò đốt củi tham nhũng mà ông Nguyễn Phú Trọng tiến hành trong hai năm qua, thực chất không phải là chủ trương trong sạch bộ máy lãnh đạo, mà chỉ là đòn triệt hạ những phe quyền lực khác để củng cố quyền lực cho phe mình. Việc truy tố Phan Văn Anh Vũ có biệt danh Vũ Nhôm, dẫn đến sự kiện Vũ Nhôm phải trốn khỏi nước xin tỵ nạn chính trị tại Đức, nhằm phanh phui kế hoạch bắt cóc Trịnh Xuân Thanh như một đòn trả thù nhắm vào quyền lực của ông Trọng cho thấy là kế hoạch dựng lò đang làm phân hóa nội bộ một cách trầm trọng, và ảnh hưởng đến quan hệ với Đức, có thể cả với Singapore, nơi ông Nhôm đang bị tạm giữ.
Thứ ba là việc công an – an ninh mở đợt khủng bố nhắm vào hàng ngũ những nhà dân chủ trong thời gian qua, đặc biệt là đối với Hội Anh Em Dân Chủ cho thấy là Hà Nội đang lo ngại sự lớn mạnh của các tổ chức, trở thành một lực lượng đối kháng đe dọa sự tồn vong của chế độ khi chính đảng cầm quyền bắt đầu bị phân hóa bởi những tác động từ chiến dịch chống tham nhũng. Khi chính đảng độc tài là tác nhân nuôi dưỡng tham nhũng thì việc hủy diệt tham nhũng chính là đánh vào nền tảng của chế độ, làm suy yếu và dẫn đến sự phân rã của guồng máy độc tài khi lực lượng đối lập đủ mạnh để tạo xoay chuyển.

Lý Thái Hùng
Ngày 1 tháng Giêng, 2018

Cùng tác giả:

- Quảng Cáo -

2 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here