Trung Khoa – Thoibao.de|
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức vừa cho biết, trong tháng 11 vừa qua một cuộc gặp tại nước Đức với một phái đoàn quân sự Việt Nam đã bị hủy bỏ vào giờ chót.
Thông tin do người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Đức được gửi tới thoibao.de hôm 14.12.2017 xác nhận “Trong tháng 11, chúng tôi đã có kế hoạch trao đổi chuyên môn với phía Việt Nam về thông tin, biện pháp phòng thủ đối với các loại vũ khí nguyên tử, sinh học, hóa học (ABC-Abwehr) sẽ diễn ra ở Đức. Nhưng cuộc gặp đã bị hủy bỏ từ phía Việt Nam vì phái đoàn Việt Nam bị chậm trễ trong việc xin Visa nhập cảnh vào Đức”.
Chắc chắn đó là một hậu quả trực tiếp của biện pháp phía Đức hủy bỏ việc miễn visa cho hộ chiếu ngoại giao Việt Nam, do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gây ra.
Được biết, kể từ khi Chính phủ Đức đình chỉ đối tác chiến lược với Việt Nam hôm 22.9, nhiều cuộc thăm viếng của lãnh đạo cấp cao hai nước liên tục bị hủy bỏ với những ngôn từ rất ngoại giao như “chậm trễ, chờ xác minh…”.
Thống đốc một bang lớn của Đức cho biết thêm “Chúng tôi nhận được thông báo từ Chính phủ Liên bang, tạm thời dừng tất cả các chương trình mới với Việt Nam, nên chuyến đi vào tháng 12.2017 tới TP.HCM để gặp gỡ Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, thăm Ngôi nhà Đức và tìm hiểu cơ hội đầu tư ở một số tỉnh của Việt Nam bị hủy bỏ”.
Một cán bộ cấp cao của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết thêm “Tình hình đang rất căng, hậu quả còn tiếp tục với nhiều diễn biến khó lường”.
Trong cuộc gặp với một doanh nghiệp lớn của người Việt tại Đức, chuyên tư vấn đầu tư tại Việt Nam tâm sự “Các doanh nghiệp Đức khi bắt đầu dự án đầu tư về Việt Nam thường thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), để họ xét duyệt và cấp khoản tín dụng cho việc thực hiện bước đầu của dự án, nhưng giờ đây quan hệ hai nước trở nên căng thẳng sau vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin. Ngân hàng cũng dừng cấp tín dụng đầu tư mới ở Việt Nam, các dự án đã được chuẩn bị từ lâu giờ đây không thể triển khai, thiệt hại rất lớn”.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức cũng cho biết: „Từ năm 1998 nhiều sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được gửi sang Đức học tập trong các cơ sở đào tạo của quân đội CHLB Đức. Và từ năm 2015 quân đội hai nước Việt Nam và CHLB Đức hợp tác trong chương trình được thỏa thuận và thay đổi từng năm một và trong những đề án riêng lẻ. Trong đó có những lĩnh vực quan trọng như cứu thương (đối với vũ khí sinh học, hóa học và nguyên tử), hậu cần và tiếp vận cũng như đào tạo bậc đại học quân sự“.
Như vậy vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh không chỉ gây tác hại nặng nề về kinh tế, mà hậu quả từ hành động vô pháp của vài cá nhân lãnh đạo Việt Nam đã lan sang cả lĩnh vực an ninh quốc phòng, làm giảm khả năng phòng thủ chiến lược của đất nước trước các đe dọa xâm lược từng bước của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đặc biệt đã làm suy yếu lá chắn mà Quân đội nhân dân Việt Nam đang dày công xây dựng để bảo vệ trên 90 triệu người dân nước này trước các hiểm họa từ vũ khí nguyên tử, sinh học, hóa học, có khả năng giết chết chết hàng vạn người Việt Nam trong một cuộc chiến chớp nhoáng./.
Bài viết ko có dẫn chứng xác thực. Tên các quan chức của Đức trong bài ko có, lập luận mơ hồ. Thực tế cho đến giờ vẫn chưa có thông tin gì về hợp tác quốc phòng Việt – Đức.
Jens Flosdorff là tên phát ngôn nhân của Bộ Quốc Phòng Đức!
Kẻ ngu lảnh đạo mới chết dân