Phe bảo thủ trong đảng CSVN vừa “luật hóa” một rào cản răn đe đối với phe “muốn thay đổi” cũng trong đảng này, liên quan đến “thể chế xã hội dân sự”.
Ngày 15/11/2017, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương và hiện là “thành viên Thường trực Ban Bí thư” – ông Trần Quốc Vượng – đã ký ban hành Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.
Theo quy định trên, những đảng viên nào đòi thực hiện “thể chế xã hội dân sự”, “thể chế tam quyền phân lập” và “đa nguyên đa đảng” sẽ bị khai trừ Đảng.
Bản quy định 102 trên là bước cụ thể hóa Nghị quyết Hội nghị trung ương 4 vào tháng 10/2016 về “27 biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa”, trong đó có những hành vi đòi thực hiện “thể chế xã hội dân sự”, “thể chế tam quyền phân lập” và “đa nguyên đa đảng”.
Như vậy trẹn phương diện lý thuyết, sau 5 năm kể từ tháng 8 năm 2012 khi báo Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Việt Nam – đăng một bài viết hằn học mang tựa đề “‘Xã hội dân sự’ – một thủ đoạn của Diễn biến hòa bình”, cho đến giờ hệ tư tưởng bảo thủ vẫn chưa có gì cải não.
Nếu nhìn lại, có thể nhận ra rằng vào năm 2016 đã có một sự thay đổi kín đáo về quan niệm của một bộ phận trong đảng đối với xã hội dân sự. Một trong những quan điểm mang tính sơ khai của giới học giả công an cho rằng: “Việc hình thành, phát triển xã hội dân sự sẽ tạo môi trường, điều kiện để phát triển các mặt của xã hội, tuy nhiên cần phải đặt dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước để xã hội dân sự thực sự hoạt động theo đúng mục đích, tôn chỉ của nó”.
Hoặc một cách nhìn khác của học giả – điều tra viên công an được cụ thể hóa hơn: “Nhìn chung, các tổ chức xã hội dân sự này đều mang lại lợi ích, giúp Việt Nam thuận lợi hơn trong vấn đề hội nhập, tuy nhiên, như đã phân tích do bản chất xã hội dân sự là sự liên kết mềm, nên một số tổ chức khi hoạt động vẫn không tuân thủ theo pháp luật Việt Nam đã quy định; một số tổ chức bị các thế lực bên ngoài có quan điểm thù địch với Việt Nam lợi dụng nhằm phục vụ cho lợi ích riêng; một số hoạt động không đúng với tiêu chí, mục đích đề ra ban đầu; đặc biệt, một số tổ chức có hoạt động chia rẽ, gây mất đoàn kết trong nội bộ, đi ngược lại lợi ích chính đáng của người dân, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước… Bên cạnh đó, cũng xuất hiện các xã hội dân sự trá hình do một số tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động tài trợ tiền, kinh phí cho một số đối tượng trong nước hoạt động thành lập các hội, nhóm kiểu xã hội dân sự nhằm hoạt động chống Đảng, gây phương hại đến Nhà nước ta”.
Sau khi Trưởng ban tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng phát ra tín hiệu về “đối thoại với những cá nhân khác biệt về quan điểm và đường lối” vào tháng 5/2017, đến ngày 17/7/2017 báo Quân Đội Nhân Dân đã có bài chính thức xác nhận: “Về bản chất, XHDS có nhiều điểm tích cực; đó là hoạt động trong khuôn khổ pháp lý và đạo lý vì mục tiêu khẳng định quyền làm chủ của nhân dân đối với xã hội và Nhà nước”.
Có thể đánh giá rằng đây là lần đầu tiên từ trước đến nay, dù chẳng có văn bản nào tuyên bố chính thức, chính quyền đã gần như chính thức tiếm danh, hay nói theo dân gian là “nhận vơ” khái niệm “xã hội dân sự” của phương Tây để dùng cho những “cánh tay nối dài của đảng” – theo phương châm “tay không bắt giặc”, hoặc hiểu thâm thúy hơn là “lấy mỡ nó rán nó”.
Xã hội dân sự đã trở thành một xu thế đương nhiên từ năm 2013 của giới đấu tranh dân chủ nhân quyền với vài chục tổ chức dân sự độc lập đã ra đời và hoạt động cho đến nay, nhắm đến các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do văn học, tự do tôn giáo, tự do biểu tình, nhân quyền dân oan đất đai, nhân quyền tù chính trị…
Nhưng từ năm 2016 đến nay, xã hội dân sự còn dần trở thành – không phải mục tiêu – mà là phương tiện của một lực lượng “muốn thay đổi” trong đảng. Đây là nhóm bao gồm một số quan chức về hưu và cả đương chức nhưng chủ yếu mang màu sắc lợi ích nhóm, luôn lo sợ chiến dịch được xem là “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng sẽ gây hại cho túi tiền bòn rút và thân phận chính trị của mình. Do đó từ năm 2015 dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nhóm này đã có dấu hiệu xuê xoa và tìm cách lợi dụng xã hội dân sự độc lập, đặc biệt trước mắt là lợi dụng mạng xã hội để phục vụ cho công cuộc đấu đá phe phái.
Ở một khía cạnh khác, sâu xa và ẩn giấu hơn nhiều, những quan chức “còn đảng còn tiền” lại đã từ lâu nhận ra ở các tổ chức xã hội dân sự độc lập một “tài nguyên” hiếm có: nếu biết cách lợi dụng hay ít ra là vận dụng khối tự phát nhưng đang hình thành khối này, đó sẽ là con đường đủ ngắn và đủ nhanh để bảo đảm cho một số quan chức “về với nhân dân” trong bối cảnh một Việt Nam tương lai bể dâu xung đột, hoặc tìm ra lối thoát ở phương Tây một khi nội tình trong nước “có biến”.
Càng về sau này, phe “muốn thay đổi” càng mở rộng hơn với một thành phần mới: những quan chức đương nhiệm không mấy dính dáng đến tham nhũng hay lợi ích nhóm, nhưng ngao ngán và bế tắc trước tương lai của thể chế chính trị nên muốn tìm lối thoát cho họ.
Nhưng một năm sau Hội nghị trung ương 4, có lẽ nhận ra nguy cơ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ đảng không chỉ là nguy cơ mà đã trở nên hữu hình, phe bảo thủ – đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng – quyết định đi trước một bước bằng quy định 102 với ý đồ chặn đứng những biến động và biến cố về tư tưởng có thể xảy ra trong đảng.
Tuy nhiên trong thực tế đời sống chính trị và bối cảnh xung khắc chính trường ở Việt Nam, khá thường là nghị quyết là một chuyện, còn có được thực hiện hay không lại là một câu chuyện khác.
Giờ đây khi bị ngăn chặn bởi quy định 102 của đảng, phe “muốn thay đổi” sẽ làm gì để tìm ra lối thoát?