Ngô Nhật Đăng – Fb. Ngô Nhật Đăng |
Tôi từng gặp gỡ, nói chuyện với nhiều người có tâm huyết với đất nước. Từ những cựu quân dân cán chính VNCH (cả trong nước và hải ngoại) đến những đảng viên đảng CSVN (còn đương chức và đã hưu trí).
Ai cũng tin rằng đất nước sẽ phải thay đổi và mong muốn sự thay đổi đó càng ít xương máu càng tốt. Nhưng phần lớn đều cho rằng để không xảy ra “tắm máu” thì sự thay đổi phải đi từ trên xuống, từ chính trong nội bộ những người cộng sản(?).
Họ nhìn thấy điều đó qua những bài học “cách mạng nhung” và “cách mạng màu” ở Đông Âu những thập niên cuối 80 và đầu 90 của thế kỷ XX và Trung Đông gần đây. Nhưng điều đó có thể xảy ra ở Việt Nam hay không? Hay sự thay đổi từ bên trên, một sự “cải cách nửa vời” có đem lại chế độ dân chủ đa nguyên cho đất nước?
Một điều mà tất cả đều nhìn thấy là cộng sản Việt Nam (CSVN) ngày càng phụ thuộc vào cộng sản Trung Quốc (CSTQ). Một điều cốt tử là CSTQ đã thoát được cuộc khủng hoảng làm sụp đổ hệ thống XHCN như “người anh cả” Soviet, TQ tránh được sự sụp đổ một cách ngoạn mục nhờ văn hoá, nhờ đặc tính dân tộc mình và những người lãnh đạo CSTQ chưa bao giờ thật sự là học trò trung thành của mác-xít. Nhất là TQ thành công trong kinh tế cho đến gần đây, TQ được gọi là CNXH màu sắc TQ hay “CNCS thương mại” tức là các tập đoàn kinh tế lớn được nhà nước bảo hộ(bàn về vấn đề này sẽ là chủ đề của một bài khác), họ đã chuyển giao thành công sự lãnh đạo cho thế hệ “Thái tử đảng”, một thế hệ thông minh hơn, có học hơn và kiên quyết bảo vệ quyền lợi cho gia đình, bảo vệ “truyền thống cha ông” tức là quyết tâm bảo vệ chế độ hơn thế hệ trước.
CSVN coi đó như là cái phao cứu sinh của mình, từ một “kẻ thù truyền kiếp” họ đã mau chóng biến thành tình hữu nghị “16 chữ vàng” với cuộc gặp gỡ Thành Đô mà nội dung của nó đến nay vẫn là điều bí mật. Nhưng không thể cưỡng lại được quy luật phát triển xã hội, dù muốn hay không, chế độ độc tài toàn trị cũng phải đi về hướng dân chủ đa nguyên. Nó sẽ tiến triển như thế nào? Và VN cũng khác TQ.
Trong tác phẩm “Thất bại lớn- sự ra đời và cái chết của CNCS” – Xuất bản năm 1988 – Brzezinsky đã tiên đoán sự sụp đổ không thể tránh khỏi của CNCS, phân tích và chỉ ra những giai đoạn có thể dẫn đến sự thay đổi chính trị của những nước cộng sản còn sót lại như Trung Quốc, Việt Nam, Cu Ba và Bắc Triều Tiên mà ông gọi là thời kỳ “Hậu cộng sản”.
Brzezinsky chia quá trình này thành 4 giai đoạn:
* Giai đoạn 1: Chế độ cực quyền (Totalitarianism) cộng sản:
Đảng CS kiểm soát chế độ chính trị- chế độ chính trị kiểm soát cả xã hội và kinh tế.
– Trong thời quá độ sang giai đoạn 2 sẽ có những cuộc đấu nội bộ chia rẽ hàng ngũ đảng cầm quyền và làm tăng sức ép về mặt xã hội, bắt buộc đảng phải có những nhượng bộ về kinh tế- xã hội.
* Giai đoạn 2: Chế độ quyền uy (Authoritarianism) cộng sản (Liên Xô ở trong thời kỳ này trước khi sụp đổ):
Đảng cộng sản kiểm soát chế độ chính trị, nhưng xã hội công dân đang xuất hiện không thừa nhận chế độ đó. Quyền lực chính trị tối cao trong kinh tế (kinh tế nhà nước) không còn là sức mạnh chủ chốt và lâm vào thế phòng ngự.
-Quá độ sang giai đoạn 3 : Có thể xảy ra những lật đổ từ cấp cao nhằm đối phó với những lo sợ trước sức ép của xã hội, có thể dẫn thẳng đến giai đoạn 4 (bỏ qua giai đoạn 3), nếu sự thay đổi này bị ngăn chặn thì hệ thống sẽ tan vỡ hoặc sẽ đàn áp mạnh để bắt xã hội trở về giai đoạn 1.
* Giai đoạn 3: Chế độ quyền uy sau cộng sản.
Chế độ này dựa trên cơ sở sự hấp dẫn của chủ nghĩa dân tộc. Hệ tư tưởng được nghi thức hoá. Xã hội Công dân trở thành xã hội chính trị. Quyền lực tối cao của chính trị đối với kinh tế rút lui.
– Quá độ sang giai đoạn 4: Phần lớn có thể xảy ra rối loạn lớn trong bước cuối của giai đoạn 3, tuy vậy trong một số trường hợp đặc biệt vẫn có thể xảy ra tiến triển hoà bình hoặc hệ thống tan vỡ thành từng mảnh.
* Giai đoạn 4: Chủ nghĩa đa nguyên hậu cộng sản:
Các hệ thống chính trị – kinh tế – xã hội đều trở thành đa nguyên.
Dựa theo gợi ý của phân tích trên, ta có thể thấy Việt Nam đang ở cuối của giai đoạn 2 – Giai đoạn Chế độ quyền uy cộng sản. Như vậy VN có thể tiến triển theo 4 hướng:
1- Tới giai đoạn 3: Chế độ quyền uy sau CS.
2- Tan vỡ ra từng mảng.
3- Đàn áp để quay lại giai đoạn 1- Chế độ cực quyền CS.
4- Trực tiếp đến dân chủ đa nguyên.
Như vậy các giai đoạn quyền lực hậu cộng sản có thể được xem như không tránh khỏi.
Tuy nhiên, nếu nó kéo dài quá, đặc biệt trong bối cảnh của sự tước đoạt về kinh tế như cướp đất thô bạo biến một số dân chúng trở thành “Dân oan”, sự phẫn nộ đối với chính quyền, sự thiếu kiên nhẫn của nhân dân, môi trường bị hủy hoại, nhu cầu đòi hỏi phải được đền bù công bằng vv… có thể dễ dàng bùng nổ thành nổi loạn trên quy mô lớn và có thể dẫn đến sự phản ứng của chính quyền: Sự đàn áp, nếu xảy ra thì “tắm máu” là điều khó tránh. Điều này đặt lên vai những người đấu tranh một nhiệm vụ lịch sử là cấp bách đẩy mạnh chiến lược dân chủ hoá.
Bất cứ trường hợp nào xảy ra trong quá trình tiến triển thì việc những người cộng sản mất độc quyền về thông tin đại chúng là chìa khoá dẫn đến sự sụp đổ của họ. Một khối quần chúng đông đảo được tạo ra, họ tha thiết muốn được biết các nguồn thông tin khác, với sự trợ giúp của công nghệ cao, đặc biệt là Internet sẽ phá vỡ thế độc quyền nhồi sọ hệ tư tưởng cộng sản.
Ý tưởng đấu tranh đòi Quyền Con Người là một ý tưởng chính trị có sức hút mạnh nhất trong thời hiện đại. Bằng cách tập trung sự chú ý vào việc: Phủ nhận quyền tự do lựa chọn, không có tự do ngôn luận và tự do báo chí, ngăn cấm tự do tôn giáo, vi phạm quyền cá nhân, cai trị không theo luật pháp, xâm hại môi trường vv… sẽ đặt chế độ vào thế phải phòng ngự.
Việc tuyên truyền cho Quyền Con Người cũng tạo ra sự hợp pháp thông minh cho những người tham gia dân chủ trực tiếp, nhằm nuôi dưỡng những xã hội công dân ngày càng độc lập sẽ dẫn đến những quyết đoán chính trị.
Sự xuất hiện của một xã hội công dân cũng là bước khởi đầu cho một xã hội tự giải phóng ra khỏi sự kiểm soát của cộng sản. Đối thoại chính trị góp phần nảy sinh một sự “đồng lòng dân chủ” đối với những thay đổi kinh tế – xã hội cần thiết, do đó thái độ phẫn nộ ban đầu tự nhiên sẽ chuyển thành chống đối về chính trị.
Sự chống đối này đến một mức nào đó có khả năng thực hiện một sự chuyển giao quyền lực một cách hoà bình, hoặc ít nhất cũng đẩy chính quyền vào thế bị động.
Chế độ cộng sản hiện nay đang tồn tại có thể là với một sự lựa chọn bạo lực cuối cùng nào đó, nhưng chắc chắn sẽ phải hội nhập vào cộng đồng thế giới, tiến tới dân chủ đa nguyên. Chủ nghĩa đa nguyên chính là chất giải độc cho chủ nghĩa cộng sản.
Do vậy, một sự thay đổi thật sự là phải từ dưới lên, tuy nhiên nó cũng cần có những sáng kiến thay đổi từ bên trên như một sự truyền cảm hứng để huy động sức mạnh dân tộc, huy động mọi sáng kiến dân chủ từ bên dưới. Điều đó cũng có lợi cho những người cộng sản, tránh được những cuộc “cách mạng bạo lực”. Liệu VN có thể có một Gocbachev ? Hoặc đó là điều bất khả thì chúng ta phải làm gì ?