Bộ Công thương trí trá ra sao khi “cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh”?

Thiền Lâm - Cali Today

Trần Tuấn Anh
Bộ Trưởng Công Thương CSVN Trần Tuấn Anh
- Quảng Cáo -

Chẳng bao lâu sau khi Bộ Công thương Việt Nam công bố thành tích kiến tạo “cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh” và được một số tờ báo nhà nước ồn ào phong tặng kỷ lục “chưa từng có trong lịch sử”, đã có những phản bác từ chính giới luật sư về cái cách làm thế nào Bộ Công thương lại có thể biến hóa thành bình mới nhưng rượu vẫn cũ.

Gom nhiều gạch đầu dòng thành… một gạch đầu dòng

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, trong số 675 điều kiện kinh doanh dự kiến cắt giảm, có tới 215 điều kiện thuộc lĩnh vực kinh doanh thực phẩm thuộc quản lý của Bộ Công Thương, cụ thể là giao cho Vụ Khoa học và Công nghệ.

Lĩnh vực Kinh doanh thực phẩm có tới 350 điều kiện kinh doanh, tập trung tại Nghị định số 77/2016/NĐ-CP. Theo ông Trương Thanh Đức, để cắt giảm 215 điều kiện, Bộ Công Thương sử dụng cách sáp nhập nhiều điều kiện với nhau thành 1.

Ví dụ với Điều 26 “Điều kiện đối với cơ sở sản xuất”:

- Quảng Cáo -

1. Địa điểm, môi trường:

a) Có đủ diện tích để bố trí khu vực sản xuất thực phẩm, các khu vực phụ trợ và thuận tiện cho hoạt động sản xuất, bảo quản và vận chuyển thực phẩm;

b) Khu vực sản xuất, bảo quản thực phẩm không bị ngập nước, đọng nước;

c) Không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại; d) Không bị ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm từ các khu vực ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại và các nguồn gây ô nhiễm khác.

Bộ Công Thương cắt giảm bằng cách: đưa điểm c, d vào điểm b để hợp thành 1 điều kiện là “Khu vực sản xuất, bảo quản thực phẩm không bị ngập nước, đọng nước; Không bị ảnh hưởng bởi động vật, côn trùng, vi sinh vật gây hại; Không bị ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm từ các khu vực ô nhiễm bụi, hóa chất độc hại và các nguồn gây ô nhiễm khác”.

Tương tự phần điều kiện về Thiết bị, dụng cụ sản xuất thực phẩm có 5 điều kiện con, Bộ Công Thương muốn giảm bằng cách nhập 3 điều kiện lại vào với nhau. Như thế chỉ còn 2 điều kiện, trong khi thực tế 5 điều kiện ấy không hề mất đi.

Có rất nhiều điều kiện được “cắt giảm” bằng cách “sáp nhập” các điều kiện như trên. Chẳng hạn quy định về hệ thống thông gió; hệ thống chiếu sáng; hệ thống cung cấp nước, hệ thống xử lý chất thải, rác thải; điều kiện đối với bảo quản thực phẩm trong sản xuất thực phẩm; điều kiện đối với cơ sở kinh doanh,…

Ngoài ra, những điều kiện bao gồm 5-6 gạch đầu dòng thì được gộp lại chỉ còn 1 gạch đầu dòng. Nhờ đó, số điều kiện kinh doanh được tính là đã cắt giảm.

Phần được tính toán cắt giảm nhiều nhất liên quan đến các điều kiện riêng với dầu thực vật, bia, sữa,… chỉ giữ lại những quy định đặc thù của từng ngành, nghề. Nhưng thực tế phần lớn điều kiện với dầu thực vật, bia, sữa đã được quy định tại “điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm với cơ sở sản xuất thực phẩm”. Cho nên dù có cắt giảm điều kiện ở mục riêng thì doanh nghiệp vẫn phải thực hiện theo những quy định chung để bảo đảm an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, có những quy định được cắt giảm không có tác dụng gì với doanh nghiệp. Ví dụ như Điều kiện đối với thiết lập website thương mại điện tử bán hàng tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP. Bộ Công Thương quyết cắt 8/21 điều kiện kinh doanh.

Theo đó, Bộ Công Thương cắt bỏ những điều kiện mà hiển nhiên doanh nghiệp phải có, không cần quy định trong văn bản pháp luật. Chẳng hạn yêu cầu “có website và tên miền hợp lệ, và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin trên Internet”. Rồi phải có “cấu trúc, tính năng và các mục thông tin chủ yếu trên website cung cấp dịch vụ”.

Cắt giảm không thực chất!

Công bằng mà xét, phương án cắt giảm những điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương có thể đơn giản hóa được một số điều kiện không hợp lý.

Chẳng hạn trong dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định số 19 về kinh doanh khí, gas, những vấn đề doanh nghiệp gas kêu nhiều nhất đã được Bộ Công Thương bãi bỏ. Ngoài ra, tại phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh liên quan đến hoạt động sở giao dịch hàng hóa, nhượng quyền thương mại, Bộ Công Thương cũng dự kiến không yêu cầu những vấn đề liên quan đến bằng cấp.


Bài liên quan:
Môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn tụt hậu
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: giữa NÓI và LÀM
Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc – EVN: Mối quan hệ đáng ngờ


Trong việc sửa đổi các điều kiện liên quan kinh doanh thuốc lá, xăng dầu… những yêu cầu can thiệp sâu vào hoạt động của doanh nghiệp cũng được dỡ bỏ phần nào.

Tuy nhiên ông Nguyễn Quang Đồng, chuyên gia về chính sách công đánh giá: Việc cắt giảm phải đi vào thực chất, nghĩa là cắt giảm những điều kiện “làm khó” doanh nghiệp chứ không nên chạy theo số lượng, trong khi những “nút thắt” chính yếu làm khó doanh nghiệp thì vẫn còn tồn tại lại.

Ví dụ, trong điều kiện kinh doanh về xuất khẩu gạo, dự thảo sửa đổi của Bộ Công Thương hiện nay đã bãi bỏ nhiều thủ tục, nhưng 2 vấn đề cốt yếu: kho chứa, và bắt buộc dự trữ thì “sửa chưa tới”.

Ông Trương Thanh Đức cho rằng: Tuyên bố cắt giảm từng ấy điều kiện kinh doanh nhưng thực chất giảm được bao nhiêu giấy phép thì lại là chuyện khác. Có thể trước 1 giấy phép làm 10 động tác thì giờ 5 động tác, nhưng về cơ bản vẫn từng ấy giấy tờ. Như thế thì không có nhiều ý nghĩa nữa.

Để giải quyết tận gốc vấn đề “Giấy phép con”, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng: “Cắt giảm là cần thiết, nhưng chưa phải là cái gốc của vấn đề. Bởi, kinh nghiệm cho thấy, thường thì cắt giảm được 1 giấy phép, có đến 10 giấy phép khác sẽ lại ‘mọc’ ra. Vì vậy giám sát việc ban hành văn bản đóng vai trò quan trọng không kém cắt giảm”.

Sau hàng loạt phản biện và phản bác của giới phân tích, động tác cắt giảm các điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương đã chưa thể mang lại thành tích “kiến tạo” cho cơ quan này lẫn cho chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc.

Bối cảnh của việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh lại là lúc ông Phúc đang phải chịu những áp lực đáng kể từ dư luận xã hội và đặc biệt từ các đối thủ chính trị của ông, buộc ông Phúc phải tìm nhiều cách để “duy trì tăng trưởng GDP 6,5 – 6,7%”. Cho dù tỷ lệ tăng trưởng này vẫn bị nhiều dư luận nghi ngờ là hoàn toàn không thực chất trong tình trạng nền kinh tế đang tiến vào năm thứ 9 suy thoái liên tiếp, nhưng Thủ tướng Phúc rõ ràng đang hướng vào giải pháp tháo gỡ một số khó khăn về thủ tục để các doanh nghiệp “nâng cao sức sản xuất và kinh doanh”. Nếu giải pháp này đạt được một kết quả dù chỉ ở mức tương đối, đó sẽ là cơ sở rất quan trọng để Thủ tướng Phúc có thể tự hào về “thành tích diều hành kinh tế” của mình, và do đó sẽ chắc chân hơn trên con đường trở thành ứng cử viên vị trí kế nhiệm tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào đại hội giữa nhiệm kỳ vào năm 2018, hoặc vào đại hội 13 của đảng cầm quyền, nếu còn có đại hội này.

- Quảng Cáo -

ĐÃ CÓ 1 GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here