Nguyễn Thị Lành: Một vai gánh vác giang san

Nguyễn Tường Thụy Blog RFA

- Quảng Cáo -
Một vai gánh vác giang san
Một vai nữa gánh muôn vàn nhớ thương
Giang san trong hai câu thơ này của Nguyễn Bính không phải là đất nước mà là giang san nhà chồng. Câu thơ nói đến thân phận người con gái khi đi lấy chồng. Bước chân về đến nhà chồng là thuộc về gia đình chồng, trở thành một một công cụ thuộc sở hữu của nhà chồng. Không chỉ riêng chồng mà còn phải phục vụ, nhường nhịn, chăm lo bố mẹ chồng, anh em nhà chồng. Có người còn phải lo trả nợ cho nhà chồng.
Câu thơ nói về thân phận người phụ nữ xưa nhưng bây giờ vẫn còn đúng với nhiều người. Chị Nguyễn Thị Lành, vợ Mục sư Nguyễn Trung Tôn đang vác trên vai mình gánh nặng như thế.
5 ngày sau vụ công an bắt một lúc 4 người bất đồng chính kiến hôm Chủ nhật 30/7/2017, gia đình tiếp theo chúng tôi đến thăm là gia đình Mục sư Nguyễn Trung Tôn. Ngày 5/8, tôi dậy sớm từ 5 giờ đợi. Tới 5h30’, gọi cho Thanh Hà xem đi đến đâu rồi thì Hà đang ngủ. Anh ngớ ra không biết là đi đâu. Thì ra tôi dặn mọi người về giờ giấc, điểm đón rất kỹ nhưng riêng lái xe thì quên. Hà bảo vậy đợi em tí. Anh vội mang xe đón tôi, qua đón vợ chồng Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Thúy Hạnh. Đón người cuối cùng là Trương Dũng xong thì nhằm hướng Nam thẳng tiến. Lỗi đãng trí của tôi làm chuyến đi khởi hành chậm 40 phút. Quãng đường từ Hà Nội về thôn Yên Cổ xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa là 173 km, có thể đi về trong ngày. Đến đầu làng Yên Cổ là 11 giờ 14 phút, tôi gọi cho Lành ra đón.
Vào đến sân, Lành bảo tôi: các anh xuống chào bà nội (mẹ Mục sư Nguyễn Trung Tôn). Bà năm nay 88 tuổi, bị mù vừa đi mổ chân bị ung thư về. Trong căn phòng thiếu ánh sáng, bà nằm đấy, không thể ngồi dậy, rên rỉ khóc. Chúng tôi chỉ biết nói mấy lời chia sẻ, an ủi bà. Tôi hỏi bà sinh được mấy người con, anh Tôn thứ mấy… Khó khăn lắm, tôi mới hiểu được bà sinh được 4 người con. Anh cả đã hy sinh, người chị thứ hai đã qua đời. Tôn vào tù giờ chỉ còn người con gái út lấy chồng cách nhà 2 km. Cụ ông mất, đến giờ vừa đoạn tang (3 năm). Nhưng hình như càng hỏi chuyện càng làm bà đau khổ hơn nên cuối cùng chúng tôi chỉ biết lặng nhìn. Hạnh ghi mấy tấm hình rồi quay mặt ra hướng khác. Hình như chị muốn giấu đi cái gì như là nước mắt.
Tôi nhìn quanh nhà một lượt và dừng lại tấm bằng Tổ quốc ghi công treo trên tường. Tấm bằng ghi tên liệt sĩ Nguyễn Trung Tiến. Đây là người anh cả của Mục sư Tôn, hy sinh ở mặt trận phía Nam cho đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ. Như vậy, đây là gia đình liệt sĩ, đang thờ liệt sĩ nhưng vẫn có người được nhà cầm quyền coi là phản động và lần này nữa là lần đi tù thứ 2. Hỏi chuyện thêm thì Lành cho biết bên nhà chồng còn nhiều liệt sĩ nữa.
Ngoài mẹ chồng già yếu, bệnh tật phải phụng dưỡng, Lành còn phải nuôi 2 con, một gái một trai. Cháu Nguyễn Thị Thanh Thủy, sinh năm 1998, bị bệnh não không có khả năng phát triển về chiều cao, thể lực và sinh lý. Cháu hay mệt nhọc, ốm đau. Vì thế, học hết lớp 9, cháu không thể tiếp tục đi học được nữa. 19 tuổi, cháu chỉ nặng 21 kg, trông như một đứa trẻ mới đi học. Như vậy đã nhìn trước được cháu không có tương lai, gia đình phải nuôi cháu cả đời. Cháu trai Nguyễn Trung Khải Hoàn 9 tuổi, đang học lớp 4. Chúng tôi gặp ở đây bà ngoại các cháu – mẹ chị Lành. Bà đến đã được mấy hôm. Hẳn là bà muốn bên cạnh con gái trong những ngày đầu khủng hoảng tinh thần do Nguyễn Trung Tôn bị bắt và cho căn nhà bớt hoang vắng.
Một gia cảnh như thế, bây giờ đè hết lên vai người phụ nữ đau khổ là Nguyễn Thị Lành. Chị kiếm sống nuôi gia đình bằng việc buôn bán vặt ở chợ Lăng, xã Quảng Yên nhưng thường xuyên bị sách nhiễu. Thế lực hắc ám thường cho côn đồ đến quầy hàng của chị đập phá, đổ mắm tôm trộn dầu nhớt vào hàng hóa của chị. Chúng tuyên bố gia đình Mục sư Tôn sẽ không thể buôn bán làm ăn, sinh sống trên mảnh đất Thanh Hóa này được.
Cũng may cho Nguyễn Trung Tôn có được Lành. Chị tần tảo đảm đang, luôn biết động viên và cả đồng hành với chồng. Mặc dù ít tiếp xúc nhưng tôi đã nhiều lần thấy chị đi cùng chồng trong những chuyến ra Hà Nội, vào Quảng Bình. Lần đầu tôi biết Lành là lần Phạm Văn Trội mang Lành đến nhà tôi “gửi”, vào cuổi năm 2015 thì phải. Nói chuyện với chúng tôi, Lành không hề than thân trách phận, ngược lại, cô luôn tin tưởng vào con đường chồng mình đã chọn và tự hào về anh.
*
Chuyện về Mục sư Nguyễn Trung Tôn thì tôi và nhiều người đã viết về anh. Năm 2011, anh đã bị kết án 2 năm tù giam và 2 năm quản chế với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước, cùng vụ án với Hồ Thị Bích Khương. Anh trong số những người bị theo dõi, sách nhiễu canh giữ và bị đánh đập nhiều nhất. Số này ngoài Nguyễn Trung Tôn có thể kể đến Phạm Văn Trội, Nguyễn Văn Đài, Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, cũng là những người bị bắt đợt vừa rồi. Nhà cầm quyền coi các anh là thành phần nguy hiểm. Ngày 27/2/2017, anh và một người bạn bị nhóm lạ mặt bắt cóc ở Ba Đồn (Quảng Bình) đưa lên xe 7 chỗ mai phục sẵn, tra tấn, đánh đập hết sức dã man. Chúng lột sạch tài sản, tiền vàng của các anh rồi đem trở ra vứt ở một khu rừng thuộc địa phận xã Hà Linh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Gia đình phải vào tìm để đưa anh về.
Những chuyện này đều đã có thông tin trên mạng. Vì ở xa, tôi không gần gũi Nguyễn Trung Tôn như với những anh em ở Hà Nội. Nhưng mỗi lần gặp nhau, anh thường để lại cho tôi những ấn tượng khó quên. Không hiểu sao nhà cầm quyền căm ghét anh như thế chứ tôi chỉ thấy anh là người hiền lành, tốt bụng, sống thẳng thắn và chân thành với mọi người. Hồi cuối tháng 10 năm ngoái, chúng tôi vào Cồn Sẻ (Quảng Bình) cứu trợ đồng bào bị lũ lụt. Do xe từ Hà Nội đã bố trí đủ chỗ nên vợ chồng anh phải thuê một chuyến taxi hết 2 triệu 800 nghìn đồng mang tiền và gạo vào với bà con Quảng Bình. Đây là số gạo xay ra từ mấy tạ thóc mà vợ chồng anh dành sẵn cho bà con vùng lũ. Để có được 1 tạ gạo và 500 nghìn đồng tới vùng lũ, thường thì người ta không phải nhọc công và tốn kém như thế khi hoàn toàn có thể mua tại chỗ. Điều quý hóa ở đây là anh đến với đồng bào bị lũ lụt bằng tất cả tấm lòng của mình. Tinh thần Nguyễn Trung Tôn là như vậy, nhiệt huyết và chân thành. Có những buổi họp mặt tại Hà Nội, anh vẫn lặn lội từ Thanh Hóa ra, xong việc, lại vội ra xe về mà đường đi đâu phải là ngắn và thuận lợi.
Nguyễn Trung Tôn tham gia Hội Nhà báo Độc lập ngay từ khi thành lập. Tháng 9 năm 2016, Ban Điều hành Hội có chủ trương xóa tên một số hội viên không tham gia viết bài hay sinh hoạt, trong đó có Nguyễn Trung Tôn. Anh là người duy nhất phản hồi về việc này:
Kính chào Ban Điều hành Hội NBĐL và các hội viên.
Tôi thành thật xin lỗi vì có thể làm quý vị thất vọng về tôi với tư cách của một hội viên. Tuy nhiên ngay từ đầu tôi có trao đổi với anh PBH rằng: Tôi chỉ tham gia như một ủng hộ viên của Hội.
Rất cám ơn BĐH đã gửi thông báo này. Cầu chúc cho HNBĐL luôn phát triển vững mạnh và đóng góp được nhiều hơn nữa cho quê hương đất nước trên lĩnh vực truyền thông.
Kính thư: Nguyễn Trung Tôn
Mấy dòng thư đầy thân ái và thiện chí với công việc chung, không có một lời trách cứ mà chúng tôi chờ sẵn.Tôi đọc thư phản hồi của anh mà thấy mát lòng và nể trọng anh hơn.
Lành có hỏi tôi về việc chị định làm đơn yêu cầu trả tự do cho chồng nhưng lại nói em sợ anh Tôn về sẽ mắng em. Chị lo ngại vì Tôn là người rất tự trọng và khảng khái, không quen xin xỏ. Tôi bảo những gì Lành làm xuất phát từ tấm lòng người vợ thì cứ làm. Nếu có trái ý anh thì chắc anh cũng phải hiểu và bỏ qua chứ nỡ nào.
*
Chúng tôi vào thăm gia đình Mục sư Nguyễn Trung Tôn ngoài việc động viên tinh thần gia đình còn có ý tìm hiểu thêm về hoàn cảnh của anh. Trong những lần gặp gỡ ngắn ngủi, tôi không có điều kiện hỏi sâu mà anh cũng không bao giờ kể. Khi hiểu thêm rồi, lòng chúng tôi nặng trĩu nỗi buồn. Hoàn cảnh của anh thật éo le. Biết thêm anh là gia đình liệt sĩ, biết thêm mẹ già mù lòa bệnh tật và đau xót nhất là đứa con gái không có tương lai của anh. Một số người biết chúng tôi đi cũng gửi quà vào thăm. Hôm nay nói chuyện với tôi qua điện thoại, Lành nhờ tôi gửi lời cám ơn tới các hội nhóm: Hội Bầu bí Tương thân, Hội Nhà báo Độc lập, Hội Chống hiểm họa Trung Quốc, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, cá nhân các anh chị My Phan (Canada), Tưởng Năng Tiến, bạn PP (Sài Gòn), anh chị Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Thúy Hạnh.
Thời gian chúng tôi ở thăm gia đình chưa được 1 giờ. Trước khi về, chúng tôi vào chào mẹ mục sư Nguyễn Trung Tôn lần nữa. Bà có hai con trai, đã nộp cho nhà nước một, nắm xương tàn không biết gửi nơi nao, còn lại một thì nhà nước đang bắt tù đày. Nhìn bà nằm hờ con trên giường, lòng tôi thắt lại. Tôi chợt nhớ đến một khổ thơ của Nguyễn Bính:

Có lần tôi thấy vợ chồng ai
Thèn thẹn đưa nhau, bóng chạy dài
Chị mở khăn trầu, anh thắt lại
Mình về nuôi lấy mẹ mình ơi.

Hai câu sau gần đúng với trường hợp Nguyễn Trung Tôn. Khác nhau ở chỗ người chồng trong khổ thơ có lẽ là chia tay vợ để đi làm ăn xa. Còn Mục sư Nguyễn Trung Tôn để mẹ già, con dại cho người vợ chẳng phải vì mưu sinh mà đi tìm tương lai cho Đất nước, cho Dân tộc. Ngày mai tươi sáng sẽ trở về. Ánh vàng, hạnh phúc và chân lý sẽ lại ngời trên Đất nước ta.
Nguyễn Tường Thụy (RFA)

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here