Macron là ai, muốn gì?
Người Pháp có thói quen xếp loại chính khách thuộc phe tả, hay phe hữu. Đại khái, phe hữu tin ở khả năng cá nhân, mỗi cá nhân tìm cách thăng tiến, xã hội sẽ tiến bộ, thịnh vượng. Phe tả nghĩ nhà nước phải can thiệp, để tránh bất công, tránh cá lớn nuốt cá bé.
Macron nói ông không thuộc phe tả, phe hữu. Hay đúng hơn, ông ta khuynh hướng xã hội, vì đã làm bộ trưởng Kinh tế thời Tổng Thống Hollande (đảng Xã Hội), nhưng có quan điểm thực tiễn, không bị ý thức hệ trói buộc. Ông ta nói biện pháp nào tốt là áp dụng, khỏi cần biết tả hữu. Nước Pháp bế tắc vì ý thức hệ gò bó. Người ta dùng chữ social libéral (theo chủ nghĩa kinh tế tự do, nhưng có khuynh hướng xã hội) để nói về Macron.
Những người theo Macron lập đảng là những người đến từ các đảng phái, cả hữu lẫn tả, thất vọng vì đường lối sinh hoạt của chính giới Pháp, hay những người chưa bao giờ hoạt động chính trị. Đa số trong các buổi meetings của Macron là những khuôn mặt trẻ, có trình độ học vấn tương đối cao, thích ứng với thời đại mới
Macron muốn cải tổ nước Pháp. Trái với những chính khách bi quan, Macron tin rằng nước Pháp có đủ tiềm năng để ra khỏi hiện trạng bế tắc. Với điều kiện phải thích ứng. Thay vì đóng cửa, chống thế giới bên ngoài, Macron nghĩ phải mở cửa, phải đương đầu, phải lợi dụng thời thế.
Trước vấn đề thất nghiệp kinh niên của nước Pháp chẳng hạn, Benoît Hanmon, ứng cử viên đảng Xã Hội cho rằng với những tiến bộ kỹ thuật, với máy móc, công việc sẽ càng ngày càng hiếm. Ông ta không tìm ra giải pháp nào khác hơn là phát lương cho mọi người, có việc làm hay không, 750 Euros một tháng cho mỗi đầu người.
Macron nghĩ những việc làm cũ sẽ biến mất, nhưng những việc làm mới sẽ thay thế. Giải pháp là phải thích ứng, phương pháp là đặt trọng tâm vào việc huấn nghệ. Macron hứa sẽ dành một ngân khoản lớn, 15 tỷ Euros, cho chương trình huấn nghệ.
Macron nghĩ muốn cải cách, canh tân nước Pháp, phải đặt trong tâm vào giáo dục. Ông ta sẽ dành ưu tiên về ngân quỹ và nhân lực cho giáo dục, nhất là bậc tiểu học, nguồn gốc của bất công, tùy theo trẻ em theo học ở một trường học tốt hay trường học dở, trong những khu lao động.
Để cải cách nước Pháp, Macron không đi con đường mà ông cho là vô trách nhiêm của phe tả (làm việc 35 giờ một tuần hay ít hơn, tăng lương, về hưu sớm, trợ cấp dưới mọi hình thức, gia tăng hàng ngũ công chức, thâm thủng ngân sách, chi nhiều hơn thu…). Cũng không dùng những biện pháp mạnh, thắt lưng buộc bụng như François Fillon của đảng Cộng Hoà. Fillon muốn giảm 500.000 công chức, Macron 120.000 (nước Pháp, với dân số 66 triệu, có số công chức ngang với Hoa Kỳ). Fillon muốn giảm chi 100 tỷ Euros mỗi năm để dần dần đi tới quân bình ngân sách, Macron 60 tỷ. Nước Pháp vô địch về thuế (với…250 loại thuế và taxes ) gây khó khăn cho các xí nghiệp, Fillon hứa giảm 50 tỷ tiền thuế, Macron 20. Fillon chủ trương bỏ tuần lễ 35 giờ, Macron để cho mỗi xí nghiệp tự quyết định, với sự đồng ý của chủ, thợ, và nghiệp đoàn.
Trái với Fillon, muốn đòi mồ hôi nước mắt của dân Pháp để cải cách, để nước Pháp có hy vọng bắt kịp nước Đức láng giềng, Macron nghĩ phải cải cách trên mọi phương diện, nhưng những biện pháp quá mạnh sẽ làm gẫy guồng máy, gây xáo trộn trong một quốc gia đã chia rẽ, đối nghich. Phe tả trách Macron thuộc hàng ngũ ưu đãi, của tư bản, xuất thân từ ngân hàng. Phe hữu kết án Macron là một Hollande thứ hai. Le Pen buộc tội Macron là ‘’mondialiste’’ (người của hoàn cầu hóa) , ngược lại với bà ta là ‘’patriote ‘’ (người ái quốc).
Nếu có đa số ở quốc hội, việc đầu tiên Macron làm là cải tổ luật lao động, cho các xí nghiệp tự do hơn trong việc tuyển lựa cũng như sa thải, một trong những chìa khóa để giải quyết nạn thất nghiệp, nhưng cũng là cơ hội để các nghiệp đoàn đổ xuống đường. Macron hứa sẽ cải cách thể chế hưu bổng, cho đơn giản và công bình hơn. Đó cũng là cơ hội cho đình công bãi thị. Nước Pháp có hàng trăm chế độ hưu bổng khác nhau, với đủ loại ưu đãi, quà của các chính phủ muốn mua phiếu, và không ai muốn đụng tới ưu đãi mình đang hưởng.
Những người quen biết Macron nói ông ta trẻ, bề ngoài thân thiện, tươi cười, nhưng là một người có cá tính mạnh, không nhân nhượng.
Macron tốt nhiệp ENA (Quốc gia hành chánh) và Sciences Po (Khoa Học Chính Tri), hai đại học uy tín, nơi đào tạo giới lãnh đạo nước Pháp, nhưng cũng là đệ tử của triết gia Paul Ricoeur, làm ngân hàng nhưng sính văn học, nhờ bà vợ giáo sư văn chương. Trong những bài phỏng vấn, ông ta nhắc tới các nhà văn, trích dẫn các triết gia nhiều hơn là các chính trị gia.
Macron đề cao nỗ lực, khả năng làm việc, giá trị của tiền bạc, trong một nước coi chuyện nghỉ hè quan trọng hàng đầu, coi thành công tài chánh là chuyện phải dấu diếm, đi xe sang trọng là khiếm nhã đối với người ít may mắn hơn.
Từ bản lãnh tới phương tiện hành động
Muốn cải cách, nước Pháp cần một nhà lãnh đạo có bản lãnh, có phương tiện chính trị.
Về bản lãnh, Macron đã chứng tỏ ông ta là một người có cá tính mạnh, biết mình muốn gì. Khi còn là học sinh 15 tuổi, Macron yêu cô giáo lớn hơn 24 tuổi, đã có ba con, quyết định sẽ chỉ sống với bà này, bất chấp sự phản đối của gia đình, sự dị nghị của xã hội, và khi hai người thành hôn, chấp nhận sẽ không có con cái vì Brigitte Macron, ngày nay là đệ nhất phu nhân, đã cao tuổi ( Brigitte đã có ba con, xấp xỉ tuổi ông Tổng Thống).
Macron đang làm ngân hàng, lương lớn, sẵn sàng bỏ việc khi tổng thống Hollande mời làm cố vấn. Được bổ nhiệm Bộ trưởng Kinh tế, Macron từ chức sau vài tháng vì thấy guồng máy chính tri Pháp quá lỗi thời, quá nặng nề. Macron lập phong trào En Marche, ứng cử Tổng thống, một chuyện điên rồ trong một nước muốn làm chính trị phải theo những đường mòn: gia nhập một đảng lớn, leo từ dưới lên trên, ứng cử cấp địa phương, ứng cử dân biểu, tranh dành một ghế thứ trưởng, bộ trưởng để , và, khi tuổi đã xế chiều, đã sầy vẩy, thân thể đầy dấu vết binh đao, nhòm ngó cái ghế thủ tướng hay tổng thống. Macron đã làm tất cả những chuyện đó trong … một năm. Chuyện khó tin, nhưng có thực. Người khác không dám nghĩ tới, Macron đã làm.
Hai mươi tuổi, Macron gặp Jacques Attali, trước kia là tay mặt của Tổng thống Mitterrand, Attali nói: anh sẽ là tổng thống nước Pháp. Attali đã giới thiệu Macron với Hollande, như trước kia đã giới thiệu Hollande và bà xã ông này, Ségolène Royal với Mitterrand. Hollande đã trở thành Tổng Thống, Royal suýt nữa thành tổng thống phụ nữ đầu tiên của Tây (bị Sarkozy đánh bại năm 2007)
Một Schröder tây ?
Cố nhiên ông ta đã gặp nhiều may mắn: ra tranh cử đúng lúc dân Pháp đã chán những khuôn mặt cũ, muốn thay đổi; Fillon, ứng cử viên đảng Cộng Hoà gặp khó khăn vì lem nhem vấn đề tiền bạc, ứng cử viên cực hữu, Le Pen, trong cuộc tranh luận trước TV, đã cho cả nước thấy bà ta không có khả năng, không có phong thái của một quốc trưởng . May mắn, đúng, nhưng có những người biết nắm cơ hội, có những người để cơ hội đi qua. Macron thuộc loại thứ nhất.
Nhưng có bản lãnh không đủ, còn phải có phương tiện chính trị. Nếu không có đa số ở quốc hội, hay không kết hợp nổi một khối đa số, Macron sẽ chỉ là một tổng thống bù nhìn.
Nước Pháp cần một người như Gerhard Shröder của Đức, sẵn sàng hy sinh thất cử để cải tổ đất nước, đặt nền tảng để biến nước Đức, trong 10 năm, từ một quốc gia bệnh hoạn thành một cường quốc số 1 ở Âu Châu. Trở ngại của Macron còn lớn hơn, vì dân Pháp không có tinh thần công dân cao như dân Đức. Nước Pháp rơi vào tình trạng suy thoái hiện tại vì tinh thần và hành động vô trách nhiệm từ trên xuống dưới. Vô trách nhiệm của giới cầm quyền và các chính đảng, chỉ nghĩ tới chuyện được tái cử, không dám thực hiện một cải cách sâu rộng nào, đòi hỏi sự hy sinh, vì sợ mất lòng cử tri. Vô trách nhiệm của các nghiệp đoàn, chỉ bảo vệ quyền lợi phe nhóm, bất chấp quyền lợi chung, sẵn sàng đình công, bãi thị , làm tê liệt kinh tế quốc gia. Nếu ở Bắc Âu, nghiệp đoàn đóng vai trò quan trọng và hữu ích, trong việc bảo vệ quyền lợi thợ thuyền, nhưng với tinh thần trách nhiệm, tìm giải pháp thương thuyết hơn là bạo động.
Một vài thí dụ: phi công Air France làm việc ít giờ nhất, lãnh lương cao nhất, đình công nhiều nhất thế giới, đưa Air France tới đe dọa phá sản.
Khi bộ giáo dục đổi số ngày học ở mẫu giáo, tiểu học từ 5 ngày xuống 4 ngày mỗi tuần, giáo chức đình công, đóng cửa trường, khi chính phủ khác trở lại tuần lễ 5 ngày, cũng những người đó đình công, đóng cửa trường .
Nhân viên lái xe lửa 54 tuổi về hưu, vì trước đây là một nghề nặng nhọc, phải xúc than, phải lái xe; ngày nay chỉ ngồi bên cạnh computer, làm một ngày nghỉ một ngày, nhưng ai muốn đụng tới thể chế ưu đãi, cả hệ thống lưu thông của nước Pháp tê liệt vì đình công bãi thị.
Phải chờ xem Macron có đủ đảm lược để cải tổ nước Pháp hay không. Nước Pháp là nơi bạn nói trắng sẽ có một nửa nước biểu tình phản đối, nói đen, sẽ có nửa khác đình công. De Gaulle nói: làm sao có thể cai trị một dân tộc có tới 246 thứ pho mát (fromages), không ông nào đồng ý với bà nào về bất cứ chuyện gì.
Trước mắt Macron, hàng trăm vấn đề phải giải quyết, đòi hỏi sự quyết tâm của chính quyền, thái độ trách nhiệm của nghiệp đoàn và tinh thần công dân của mỗi người. Vấn đề số 1 là nạn thất nghiệp kinh niên. Tỷ số thất nghiệp ở Pháp trên 10% (25 % trong giới trẻ) gấp hai tỷ số thất nghiệp ở Đức, Hòa Lan hay các nước Bắc Âu. Tại sao Pháp không giải quyết nổi nạn thất nghiệp, từ chính phủ này tới chính phủ khác ? Đây là một thí dụ điển hình cho thấy cái bế tắc của xã hội Pháp. Lỗi tại mọi tầng lớp.
Lỗi của nhà cầm quyền: không có một chính sách huấn nghệ hữu hiệu, mặc dù ngân sách huấn nghệ lớn nhất thế giới (tính trên đầu người).
Lỗi tại các nghiệp đoàn: chống lại bất cứ giải pháp nào tìm cách đơn giản hóa việc tuyển dụng và sa thải nhân viên. Các xí nghiệp không dám tuyển dụng, sợ không thể sa thải khi hoạt động giảm bớt.
Lỗi tại người dân: không chịu thích ứng, học nghề mới, chỉ kiếm việc ở gần nhà, không chịu làm việc nặng nhọc: 300.000 việc làm trong ngành xây cất, tiệm ăn, khách sạn không kiếm ra nhân viên trong một nước có 10% thất nghiệp.
Lỗi tại hệ thống : người thất nghiệp Pháp lãnh trợ cấp cao hơn, lâu hơn, dễ dàng hơn ở các nước láng giềng. Một người đi làm lương ít, có lợi tức nhỏ hơn một người thất nghiệp nhận đủ mọi hình thức trợ cấp.
Vấn đề của mọi người
Macron thắng cử, Âu Châu thở phào, nhẹ nhõm, hú vía vừa thoát khỏi một cuộc phiêu lưu với hậu quả không lường được, hay đúng hơn, có thể lường được: sự tan rã của liên hiệp Âu Châu, đưa tới bất ổn chính trị, kinh tế toàn vùng . Nhưng những vấn đề nhóm cực tả hay cực hữu nêu ra là những vấn đề phải được giải quyết . Vấn đề di dân, vấn đề hồi giáo. Macron ca tụng một nước Pháp thân hữu giữa tất cả những người đến từ mọi chân trời, nhưng không thể nhắm mắt trước sự chung đụng càng ngày càng khó khăn giữa người địa phương và những người hồi giáo, nhất là hồi giáo quá khích. Vấn đề thế giới hoá, nếu đã mang lại thịnh vượng cho hàng triệu người, cũng đã đẩy hàng triệu người khác ra lề đường, lạc lõng trên chính quê hương mình. Vấn đề tài phiệt hãnh tiến, đã lộng hành như những ông chủ thực sự của thế giới, biến chính trị gia thành những bù nhìn. Và quan trọng hơn hết, đã biến thế giới thành một thị trường (phải không, ông Trump ?), các dân tộc thành những người tiêu thụ, không còn cá tính, văn hóa , bản sắc riêng. Einstein, hình như Einstein, nói: mỗi lần đạt tới một khám phá, thực hiện một tiến bộ, phải tự hỏi tiến bộ đó có tính cách nhân bản hay không.
Đó là vấn nạn của cả thế giới, của mỗi quốc gia, của mỗi người, không phải chỉ của nước Pháp. Khi nào những vấn đề đó chưa có giải pháp, sớm muộn gì FN cũng nắm chính quyền ở Pháp, thế giới sẽ bị cai trị bởi những nhóm mị dân, chế ngự bởi chủ nghĩa dân tộc quá khích.
Chủ nghĩa dân tộc quá khích, lịch sử đã chứng minh, sẽ đưa tới khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị, hận thù, xung đột giữa các quốc gia. Chiến tranh chỉ chờ để bùng nổ. Đó không phải là chuyện giả tưởng. Đó là một đe dọa trước mắt, trong một thời đại hỗn loạn, nước nào cũng võ trang tới mang tai.
Từ Thức (Paris, 07/05/2017)
Thấy đất nước người ta mà thèm, người ta được tự do chọn người lãnh đạo đất nước của họ, còn dân Việt Nam thì chỉ được bầu người do đảng chọn
Căn bản cuộc bầu cử vừa qua ở Pháp là dân tình mong muốn có những thay đổi rốt ráo trong bộ máy cầm quyền, do những thất bại về mọi mặt của các lãnh tụ và đảng phái tham chính trong nhiều thập niên vừa qua. Tổng Thống tân cử với nhiều điểm sáng giá -tuổi tác, kiến thức, bản lĩnh tự tin, kiên quyết, tầm nhìn xa trước cả những diễn biến thuận lợi- đủ để tạo hy vọng và nhiệt huyết mới, đã thắng vì đã đáp ứng lại nguyện vọng cần thay đổi đó của dân Pháp.
Tuy gian nan và thử thách đầy dẫy trước mắt, có nhiều điều đáng mừng trong kết quả này cho cả Pháp, Âu châu và thế giới. Điều quan trọng nhất là thành công vừa qua của Macron đã đem lại luồng sinh khí mới cho mọi quốc gia có tự do dân chủ sau những biến cố có ảnh hưởng toàn cầu từ Đại Suy Thoái, tới Grexit, khủng bố, Brexit, và sự thoái trào của Mỹ từ khi Trump vào Nhà Trắng. Thứ hai, hệ thống tuyển cử của Pháp tuy hơi cồng kềnh, giống bản tính nặng về hành chính của người Pháp, nhưng đã tránh được những mưu mô thủ đoạn của Nga, của vài tổ chức kinh tài bí mật đã có thể thao túng những cuộc tuyển cử vừa qua ở Anh và Mỹ, để vẫn cho phép người dân hành xử quyền tự do của mình, để nền dân chủ đạt được một thành quả khả quan.
Với những tật cố hữu của dân Pháp, đặc biệt trong thị trường lao động, rất có thể Macron sẽ không tạo nên để để lại được di sãn gì lớn lao sau nhiệm kỳ 5 năm sắp được bắt đầu. Tuy vậy mặt sáng của vấn đề này là, do biểu tình đình công bãi thị là chuyện thường xuyên xảy ra suốt 50 năm vừa qua, nếu không đạt được thành quả nào, ít ra các chính phủ của Macron cũng sẽ không tạo ra một vấn nạn mới nào cho thế giới.
Một quan niệm là phải cố gắng làm “QUAN” để hưởng “BỔNG LỘC”để được mau GIÀU ..!