2/ Phương án đối phó của nhà cầm quyền Việt Nam
Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam có lẽ cũng không tiên liệu được sự cố Formosa này. Tức là không ngờ mức độ xả thải của nhà máy thép lớn có thể hủy hoại môi trường biển lớn đến như vậy. Quán tính và cách thức trong vụ việc cấp phép cho Formosa cũng giống như tất cả các vụ việc cấp phép lớn khác trước đây. Có nghĩa là, việc cấp phép các dự án lớn đều có sự can thiệp của chính trị, tức là cán bộ cao cấp và lợi ích nhóm. Khi đã bảo đảm về mặt chính trị và lợi ích nhóm thì toàn bộ thủ tục được thông qua nhanh chóng.
Chính vì dự án lớn, được quyết định từ cấp cao nhất, mà các cấp thấp hơn như bộ, sở không có lợi ích gì (hoặc không đáng kể) nên những cấp này cũng không cần tìm hiểu, xem xét kỹ làm gì mà chỉ ký các giấy tờ hợp thức hóa các giấy phép hoạt động. Chúng ta biết được điều này vì khi sự cố xảy ra, hầu như không một cơ quan chức năng nào của bộ, của sở, của phòng về môi trường biết được gì về dự án này. Bộ đổ cho sở, sở đổ cho bộ trách nhiệm hoàn toàn không rõ ràng, minh bạch. Tuy nhiên, phía công ty Formosa đã thông qua và làm đầy đủ các giấy tờ có tính chất thủ tục cần thiết. Có lẽ, chính nhờ các thủ tục này là một phần lý do phía Việt Nam đã không thể xử lý Formosa trong việc vi phạm các tiêu chuẩn về môi trường.
Khi sự cố xảy ra, nhà cầm quyền Việt Nam đã không thật tâm giải quyết theo hướng khắc phục hậu quả môi trường, đền bù thỏa đáng cho người dân mà chỉ có thể ép doanh nghiệp Formosa làm vài động tác tâm lý. Đồng thời chỉ tuyên bố xử phạt tượng trưng công ty Formosa 500 triệu đô la để đền bù thiệt hại cho ngư dân. Nhưng thực chất, số tiền đó là số tiền sẽ được miễn giảm thuế cho Formosa trong các năm tiếp theo.
Như vậy, việc xử lý Formosa chỉ là để đối phó với dư luận, còn thực chất nhà cầm quyền Việt Nam đã quay lưng lại với nguyện vọng của người dân. Việc cho cảnh sát bảo vệ Formosa và đàn áp những người nộp đơn kiện Formosa, đàn áp người biểu tình vì môi trường, đòi đóng cửa Formosa cũng chứng tỏ quyết tâm của nhà cầm quyền đi ngược lại lợi ích của dân chúng.
Khi đã xác định đi ngược lại nguyện vọng và lợi ích của nhân dân, nhà cầm quyền Việt Nam cũng biết rằng, với sự tàn phá khủng khiếp môi trường biển, ngư dân, người dân các tỉnh miền Trung đã bị dồn vào đường cùng. Họ cũng biết rằng, các lực lượng tiến bộ của xã hội, phong trào dân chủ cũng sẽ không bỏ qua việc này mà sẽ động viên, ủng hộ người dân miền Trung, ủng hộ những người lên tiếng, xuống đường yêu cầu môi trường sạch, đóng cửa Formosa để tạo áp lực giải quyết vụ việc và có thể đi xa hơn nữa đòi quyền sống, quyền con người.
Chính vì vậy, nhà cầm quyền Việt Nam cũng xác định, đây là cuộc quyết chiến, chống đỡ đến cùng, ngăn chặn đến cùng yêu cầu chính đáng của người dân. Nếu phía dân chủ có người xác định, vụ việc Formosa là tử huyệt của chế độ thì phía nhà cầm quyền cũng xác định sẽ dùng hết khả năng để hóa giải việc này. Họ đã thực hiện việc này bằng các chiến lược sau:
– Thứ nhất, tấn công vào các tổ chức xã hội dân sự (XHDS), không xóa sổ mà chỉ tiêu diệt khả năng làm việc chung của các hội nhóm.
Lý do tấn công vào các tổ chức XHDS khá giản dị. Các tổ chức này có khả năng liên kết lại với nhau, có khả năng thâm nhập vào dân chúng và hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong việc đòi hỏi quyền lợi chính đáng của họ. Trong thực tế cũng đã có những việc như vậy ở quy mô nhỏ. Vì vậy, tấn công vào các tổ chức XHDS chính là ngăn chặn khả năng kết nối giữa các tổ chức và kết nối với người dân.
Cách làm của an ninh cũng rất thâm hiểm, họ không xóa sổ các tổ chức XHDS mà chỉ tiêu diệt khả năng làm việc chung của các hội nhóm. Các hội nhóm vẫn còn tồn tại, hoạt động dựa trên hoạt động của cá nhân, chứ không còn là sự kết hợp làm việc chung nữa. Điều này vừa không mang tiếng xóa bỏ các tổ chức XHDS vừa vô hiệu hóa sức mạnh thực sự của các hội nhóm, đó là khả năng làm việc chung. Chúng ta có thể thấy, một số hội nhóm có mâu thuẫn, chia tách hoặc nhiều người ly khai, bất hợp tác. Đồng thời, việc ngăn chặn, phá hoại các buổi đá bóng giao lưu của nhóm FC NO-U là một ví dụ điển hình. Phải nói rằng, với sự giúp sức của lực lượng dân chủ cuội cài cắm, khống chế được, nhà cầm quyền đã tương đối thành công trong chiến lược này.
– Thứ hai, gây mâu thuẫn, chia rẽ trầm trọng trong phong trào dân chủ bằng việc huy động tối đa lực lượng dân chủ cài cắm, khống chế và mua chuộc được trong tất cả các vấn đề.
Trước khi đi vào phân tích vấn đề này, tôi xin lỗi những người đấu tranh dân chủ thực sự, nhưng vì một lý do nào đó, có mặt trong các cuộc tranh luận, tranh cãi vì những điều quý vị cho là rất quan trọng, cần bảo vệ quan điểm của mình.
Chúng ta thấy rằng, trong vòng hơn nửa năm trở lại đây, có rất nhiều vấn đề tranh luận gay gắt, tranh cãi, thậm chí chửi bới, từ mặt nhau của những người đấu tranh. Có những cuộc cãi vã nảy lửa, lan rộng như một cuộc chiến trên mạng xã hội Facebook. Càng ngày những cuộc cãi vã càng dày hơn, và về những việc rất không đáng xảy ra.
Đi vào nghiên cứu các cuộc tranh cãi thời gian vừa qua, một cách khách quan và cầu thị, chúng ta thấy có những lý do sau.
– Vấn đề thực tiễn rất phức tạp, trong khi phần lớn không đủ kiến thức và nhất là phương pháp luận để tìm hiểu, nghiên cứu thực tế. Có một số hiểu được về lý thuyết nhưng lại không gắn được với thực tế của xã hội cộng sản, và nhất là không gắn được với bối cảnh cuộc đấu tranh của phong trào dân chủ với chế độ cộng sản. Nhiều vấn đề, mới nghe qua, hoặc áp dụng trong xã hội khác thì rất đúng, nhưng bối cảnh Việt Nam lại chưa chắc đúng cũng như có vấn đề nhìn ở một vài khía cạnh thì đúng, nhìn tổng thể lại chưa đúng hoặc không đúng…
– Văn hóa tranh luận chúng ta chưa có và không chịu học hỏi. Nhận thức khác nhau, nhận thức sai là chuyện bình thường. Việc tranh luận là bình thường, và có lợi mà không gây ra mâu thuẫn, chia rẽ nếu những người tham gia hiểu, có văn hóa trong tranh luận. Nhưng xã hội cộng sản từ xưa tới nay chưa có không gian và tập quán, thói quen tranh luận. Vậy nên tất cả đều không biết điểm dừng, không biết tôn trọng sự khác biệt trong quan điểm của người khác. Chính vì vậy mà cứ tranh luận là dẫn tới tranh cãi và chửi bới, xúc phạm nhau và mâu thuẫn nặng nề.
– Cái tôi của người đấu tranh quá lớn. Có thể nói rằng, những người đấu tranh phần lớn là những người có tính cách mạnh mẽ, một số cá tính mạnh. Điều này rất tốt trong việc đương đầu với nhà cầm quyền, đương đầu với thử thách và sự đàn áp. Nhưng mặt trái của việc này là những cái tôi quá lớn. Nhưng cái tôi quá lớn này, lại dựa trên một nhận thức chưa chuẩn về công cuộc đấu tranh của họ. Họ quan niệm, việc đấu tranh của họ là vì người khác, cho người khác và giúp người khác. Quan niệm như vậy không sai nhưng chưa chuẩn xác. Việc đấu tranh trước hết là cho mình, vì mình, là việc giải phóng bản thân mình khỏi những nỗi sợ hãi, khỏi những lối mòn trong tư duy và tập tục. Khi tham gia đấu tranh cũng là lúc họ được tự do, nói những điều mình nghĩ, làm những gì mình cho là đúng, tức là tự giải phóng bản thân. Như vậy, việc đấu tranh trước hết là cho mình, vì mình, sau mới là cho người khác, cho tha nhân. Nếu nhận thức được như vậy, thì người đấu tranh sẽ khiêm tốn, không kiêu ngạo, không đòi hỏi và không đặt nặng cái tôi của mình như hiện nay.
– Bao trùm lên tất cả là một chiến lược của an ninh gây mâu thuẫn chia rẽ trong phong trào dân chủ. Có thể nói, dù có những hạn chế nêu trên, nhưng người đấu tranh nào cũng ít nhiều nhận thức được những tai hại của các cuộc tranh cãi, cũng biết được những người đang tranh luận cùng chiến tuyến với họ. Họ cũng biết được rằng, những điều họ nói ra có thể gây đau đớn cho đối phương…. nhưng cuối cùng sự việc vẫn xảy ra. Chúng ta không thể biết, không thể nói và không thể chỉ ra được ai là người làm việc cho an ninh, ai là dân chủ cuội trong những tranh cãi bất tận đó. Những ai quy chụp người này, người khác là an ninh, làm việc cho an ninh mà không đưa ra được bằng chứng thuyết phục lại là một đề tài tranh cãi gây mâu thuẫn tiếp theo. Có thể nói, vòng tròn này vẫn tiếp tục quay chưa biết khi nào dừng lại. Mục đích của an ninh trong việc này là làm cho những người đấu tranh, những người quan tâm đến phong trào dân chủ chán nản, đồng thời để những người trong phong trào dân chủ khó hợp tác, kết hợp trong những công việc chung…
Qua muon rou cac bac a