Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang “duy ý chí”?

Anh Văn - Việt Nam Thời Báo

Một bức ảnh "lột tả" sự duy ý chí giữa chỉ đạo và thực tiễn.
- Quảng Cáo -
Anh Văn (VNTB) Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi dấu ấn với báo giới với sự xông xáo trong thúc đẩy kinh tế doanh nghiệp. Điều đó tạo ra sự hào phóng trong cách ông hô hào với các địa phương, và có một thời điểm, mỗi tình thành ông ghé thăm đều là một “đầu tàu” của đất nước. Nếu TP. Hồ Chí Minh “phải là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông” thì “Hải Phòng phải là đầu tàu quan trọng của cả nước”, trong khi “Đà Nẵng phải là đầu tàu kéo tộc độ tăng GDP quốc gia”.

Duy ý chí?

***
Quan điểm chỉ đạo của ông Nguyễn Xuân Phúc có phải là duy ý chí [*]? Tức là đề cao ý chí, quyết tâm con người (chủ quan) bất chấp các điều kiện khách quan, và điều này đa phần rơi vào sự thất bại. Sự duy ý diễn ra nhiều ở những nước có một đảng cai trị, trong đó có cả Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, hay trước đó là Liên Xô.
Mao Trạch Đông với chiến dịch “Đại Nhảy Vọt” (1958-1960), huy động sức dân để chuyển nhanh nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp cộng sản. Mao kỳ vọng đưa sản lượng thép của Trung Quốc vượt Anh Quốc (Lấy thép làm mấu chốt, vượt lên trong mọi mặt), kết quả gián tiếp khiến 20 triệu người chết.
Việt Nam, cũng là nơi diễn ra các kế hoạch, chiến dịch “duy ý chí”. Trong đó, bao gồm cả “nóng vội cải tạo XHCN, xóa bỏ kinh tế nhiều thành phần, đẩy mạnh công nghiệp nặng” [1] sau mốc 1975. Thậm chí, ngay cả việc phấn đấu đến năm 2020 trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại với mỗi tình thành một nhà máy, một sân bay,… Và giờ đây, mỗi tỉnh thành là một đầu tàu thì có khác gì với quan điểm Đại nhảy vọt của Trung Quốc?
Và tất cả rơi vào thất bại nặng nề, hao tốn nhân lực và nguồn lực quốc gia. Điều này từng được nhà thơ Bút Tre đặc tả qua câu thơ trào phúng: “Thi đua ta quyết thi đua/ Thi đua ta quyết tiến lên hàng đầu/ Hàng đầu rồi biết đi đâu/ Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi.”
Vật chất quyết định ý chí?
C. Mác, cha đẻ của CNCS, dù khẳng định “Học thuyết của Chủ nghĩa cộng sản có thể tóm tắt trong một câu: Loại bỏ tất cả sở hữu tư nhân” nhưng ông cũng phê phán trực diện sự duy ý chí của những nhà làm chính sách. “Trong tiến trình phát triển của mình, con người trước hết cần phải tạo ra những điều kiện vật chất của một xã hội mới và không một nỗ lực mạnh mẽ nào của tư tưởng hay ý chí lại có thể giải thoát họ khỏi số phận ấy”.
Liên quan đến vấn đề “tạo điều kiện vật chất” trước khi giao phó nhiệm vụ, trong chuyến thăm ĐH Đà Nẵng vừa qua, ông Thủ tướng đặt kỳ vọng rằng, ĐH vùng này sẽ lọt tốp 50 trường ĐH châu Á trong tương lai.
“ĐH Đà Nẵng cần tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh mọi mặt để đóng góp vào sự chuyển mình của nền giáo dục nước nhà, phấn đấu trở thành môi trường đào tạo phát triển, đẳng cấp, lọt vào tốp 50 trường ĐH hàng đầu châu Á”. [2]
Tuy nhiên, điều trớ trêu thay, hình ảnh ông thăm cơ sở thực hành của Trường ĐH Bách khoa thuộc ĐH Đà Nẵng lại là một dàn lãnh đạo (có cả ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ), bao quanh một sinh viên với màn hình CRT (màn hình phổ biến cách đây 10-20 năm trước). Trong khi đó, ĐH Bách Khoa là gương mặt điển hình nhất của ĐH Đà Nẵng về cả lịch sử và chất lượng giáo dục.
Bức ảnh do phóng viên Diệu Hiền (báo Thanh Niên) chụp vô tình cho thấy sự khác biệt giữa quan điểm chỉ đạo với thực tế giáo dục. Với màn hình CRT, thì làm cách nào để ĐH Đà Nẵng có thể lọt top 50 châu Á?
Người dùng FB Lê Lộc, một sinh viên trường ĐH Bách Khoa Đà Nẵng phản ảnh trên FB cá nhân: “Nguyên cả trăm cái máy thực hành cho sinh viên khoa CNTT nhưng không biết xuất xứ đời nào, chạy chậm như rùa bò, đề xuất hoài nhưng [nhà trường] nhất định không nâng cấp cho sinh viên học”. Cạnh những dàn máy tính thời kỳ cũ, thì phòng lab của trường cũng ít có sự nâng cấp để chạy theo thời đại CNTT.
Cần khuyến khích phát huy nội tại
Trở lại việc giao cho mỗi địa phương trở thành “một đầu tàu kinh tế” là bất khả thi, nó giống như mỗi mỗi tỉnh thành một sân bay, một nhà máy đường vậy. Bởi điều kiện kinh tế của mỗi vùng miền khác nhau, tiềm lực về tài nguyên con người cũng khác nhau. Nếu Quảng Nam có dân số vàng, thì Thừa Thiên Huế không được vậy; nếu Hải Phòng có thể phát triển công nghiệp cảng qua vùng nước sâu, thì Đà Nẵng (dù nằm sát biển) lại nên theo hướng dịch vụ – du lịch. Điều đó có nghĩa, thay vì là đầu tàu kinh tế theo chủ nghĩa quân bình, Thủ tướng Kiến tạo nên khuyến khích địa phương phát huy năng lực nội tại.
Trong chuyến thăm vào ngày 26/2 , ông Thủ tướng Kiến tạo có chút thay đổi nhỏ trong hướng chỉ đạo, thay vì kêu gọi Tuyên Quang trở thành đầu tàu, thì ông lại nhấn mạnh Tuyên Quang nên trở thành hình mẫu trong phát triển lâm nghiệp, điển hình về năng lực thoát nghèo và cải thiện sinh kế bền vững. Rõ ràng, chỉ đạo này phù hợp theo xu hướng mẫu phát triển dựa trên đặc tính kinh tế của địa phương này trước đó.
***
Tham khảo
[*] Bệnh chủ quan duy ý chí cũng là 1 khuynh hướng sai lầm, ngược lại với bệnh bảo thủ trì trệ, nó thổi phồng, tuyệt đối hóa vai trò của nhân tố chủ quan quá đề cao, cường điệu tính sáng tạo của ý thức, của ý chí, xa rời hiện thực khách quan, bất chấp quy luật khách quan, điều kiện khách quan, lấy nhiệt tình cách mạng thay thế cho sự yếu kém về trí thức khoa học. Sai lầm của bệnh chủ quan duy ý chí là lối suy nghĩ và hành động giản đơn, nóng vội chạy theo nguyện vọng chủ quan.
[1] Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng: Thông qua “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, ngày 27-6-1991
[2] http://thanhnien.vn/giao-duc/dua-dh-da-nang-vao-top-50-truong-dh-chau-a-794883.html
***
Anh Văn (VNTB): http://www.ijavn.org/2017/03/vntb-thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-ang-duy.html

- Quảng Cáo -

6 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here