Về vấn đề danh xưng*)

Nguyễn Vũ Bình - Blog Nguyễn Vũ Bình, RFA

Về vấn đề danh xưng.
Về vấn đề danh xưng. Ảnh: Internet/CTM Media
- Quảng Cáo -

Trong quá trình tham gia đấu tranh dân chủ, chúng ta thường được nghe các danh xưng để gọi những người hoạt động trong phong trào dân chủ bằng rất nhiều tên gọi khác nhau. Đó là người bất đồng chính kiến, nhà phản kháng, người đấu tranh dân chủ, nhà dân chủ, người đấu tranh nhân quyền, v.v…

Có lẽ, từ năm 2007 trở về trước, các danh xưng thống nhất và thuần nhất hơn, thường được gọi là người đấu tranh dân chủ. Nhưng kể từ khi có các cuộc biểu tình, và sau này là một loạt các hoạt động khác nữa, các danh xưng nhiều hơn, phong phú hơn nhưng cũng lộn xộn hơn. Vậy các danh xưng nên được thống nhất, và gọi như thế nào cho hợp lý?

Điều đầu tiên, muốn hiểu được các danh xưng, chúng ta cần hiểu được các khái niệm mà danh xưng đề cập. Có những khái niệm quan trọng cần tìm hiểu, đó là: Hoạt động, đấu tranh, nhân quyền, dân chủ… Những danh xưng khác, có thể suy ra từ những khái niệm trung tâm này.

Nhân quyền là chỉ các quyền tự do của con người, bao gồm các quyền tự do cơ bản, và các quyền dân sự. Nhân quyền là quyền cụ thể của con người, được ghi trong Công ước quốc tế của Liên Hợp Quốc, thậm chí ghi trong hiến pháp của Việt Nam. Dân chủ là phương thức tổ chức xã hội, bảo đảm cao nhất tự do của con người. Hoạt động là chỉ hành vi, thao tác nói chung của con người. Đấu tranh là hoạt động có mục đích và hướng tới đối tượng cụ thể nhằm đạt kết quả nào đó.

- Quảng Cáo -

Như vậy, trong môi trường độc tài toàn trị cộng sản, nói đấu tranh dân chủ có nghĩa là đấu tranh để có được phương thức tổ chức xã hội bảo đảm cao nhất tự do của con người, hay đó là đấu tranh để có được thể chế dân chủ.

Muốn có được thể chế dân chủ, thì phải đấu tranh để loại bỏ chế độ độc tài đảng trị, từ đó mới có được chính quyền để xây dựng thể chế dân chủ.

Việc loại bỏ chế độ cộng sản cũng có nhiều cách, có thể là tác động để đẩy nhanh quá trình tự sụp đổ, có thể đó là việc đấu tranh để chế độ phải thỏa hiệp và công nhận lực lượng, đảng phái đối lập, hoặc cũng có thể là việc hoạt động lật đổ chế độ… Tất cả những hoạt động để thực hiện những việc đó đều gọi là đấu tranh dân chủ.

Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế, chỉ còn hai hoạt động đang được thực hiện, đó là đấu tranh để đẩy nhanh quá trình tự sụp đổ của chế độ cộng sản, và hoạt động đấu tranh nhằm để các lực lượng đối lập được công nhận.

Người đấu tranh cho dân chủ/người đấu tranh dân chủ

Trên cơ sở phân tích các khái niệm, chúng ta hiểu được, người đấu tranh dân chủ là người có nhận thức về việc đấu tranh nhằm thay đổi chế độ, để xây dựng một thể chế dân chủ cho đất nước. Đồng thời, họ có những hoạt động trực tiếp, góp phần vào việc thay đổi chế độ. Đó có thể là việc lập tổ chức, đảng chính trị, có thể là việc ký tuyên bố hủy bỏ điều 4 hiến pháp, có thể là việc viết bài khẳng định nhận thức, phổ biến nhận thức về việc đấu tranh thay đổi chế độ.

Căn cứ vào khái niệm, chúng ta cũng có thể nói rằng, không có hoạt động dân chủ ở Việt Nam, theo nghĩa hoạt động xây dựng thể chế dân chủ, xây dựng các định chế dân chủ. Bởi vì, Việt Nam đang là chế độ độc tài toàn trị cộng sản, không có thể chế dân chủ, và không có ai đang xây dựng thể chế dân chủ.

Chính vì vậy, chỉ có những người đang đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam, hoặc khi nói, hoạt động của những người đấu tranh dân chủ ở Việt Nam mới đúng ý nghĩa.

Hiện nay có nhiều người nói, gọi những người hoạt động dân chủ ở Việt Nam thì nên hiểu, đó là những người có hoạt động đấu tranh dân chủ ở Việt Nam. Danh xưng nhà dân chủ là cách gọi trân trọng đối với những người đấu tranh dân chủ có bề dầy, uy tín và đáng kính trọng.

Người hoạt động, người đấu tranh nhân quyền

Vấn đề hoạt động và đấu tranh nhân quyền lại khác vấn đề dân chủ.

Nhân quyền là quyền tự do cụ thể của con người, được ghi trong Công ước quốc tế và chính trong hiến pháp của Việt Nam. Trong xã hội Việt Nam, một số quyền con người cơ bản có thể được đáp ứng phần nào, ví dụ như quyền tự do đi lại, cư trú, tự do thân thể… nhưng những quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do biểu tình, lập hội… lại chưa được thực thi.

Có những người đấu tranh trực tiếp để các quyền con người cụ thể này được thực thi, ví dụ kiến nghị, yêu cầu về việc nhà nước phải cho báo chí tư nhân ra đời, thực thi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Hoặc có những người không cần xin phép, vẫn lập ra các tờ báo, tạp chí, để thể hiện quyền tự do của mình.

Ở đây, ranh giới giữa người hoạt động nhân quyền và người đấu tranh nhân quyền không rõ ràng lắm.

Đại để, người hoạt động nhân quyền là người phổ biến kiến thức về nhân quyền, tự mình thực thi các quyền con người qua đó động viên người dân thực thi quyền con người của mình. Người đấu tranh cho nhân quyền là người có tác động vào chính sách, vào pháp luật để nhà nước thực thi các quyền con người đầy đủ.

Có một lưu ý là, tất cả những người thuộc phong trào dân chủ Việt Nam đều bất đắc dĩ trở thành người hoạt động nhân quyền bởi khi họ tham gia vào phong trào dân chủ, làm bất kể việc gì, cũng đều bị an ninh ngăn cản, tước đoạt các quyền con người cơ bản tối thiểu như: Tự do đi lại (bị canh ở nhà), tự do cư trú (bị an ninh bắt chủ nhà đuổi, không cho thuê nhà nữa), tự do thân thể (phần lớn người đấu tranh bị đánh đập), một số bị bắt giam, câu lưu khi tham gia biểu tình… Ngay cả những hoạt động thiện nguyện, hoạt động môi trường cũng bị tước đoạt các quyền cơ bản này.

Như vậy, tất cả những người thuộc phong trào dân chủ đều là người hoạt động và đấu tranh cho nhân quyền, để dành quyền đó trực tiếp cho bản thân.

Người bất đồng chính kiến, người phản kháng, nhà ly khai

Người bất đồng chính kiến, người phản kháng, nhà ly khai là những người có ý kiến khác, ngược lại hoặc phản đối các chủ trương đường lối chính sách, hoặc những việc làm của nhà cầm quyền Việt Nam.

Những người này không đặt vấn đề (không công khai quan điểm) cần thay đổi chế độ, không đấu tranh nhằm thay đổi chế độ mà chỉ có bất đồng, ý kiến khác hoặc phản đối những chủ trương, đường lối chính sách của đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam.

Ví dụ, có người không đồng ý nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không đồng ý quan điểm theo định hướng xã hội chủ nghĩa; hoặc có những người không muốn cả nước học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh…

Những người phản kháng có thể thể hiện bằng các cuộc biểu tình, xuống đường chống Trung Quốc, hoặc phản đối thái độ của nhà cầm quyền Việt Nam với Trung Quốc.

Người ly khai là người bất đồng chính kiến hoặc phản kháng tự nguyện rời bỏ đảng cộng sản hoặc từ bỏ các cơ quan công tác trong hệ thống đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam.

Danh xưng nhà đối lập trong bối cảnh Việt Nam hiện nay là hơi khiên cưỡng, vì khi nói đối lập, phải có lực lượng và vị thế nhất định.

Người hoạt động xã hội dân sự

Những người hoạt động xã hội dân sự, cụ thể là những người hoạt động thiện nguyện và hoạt động môi trường thì danh xưng rất rõ ràng và dễ hiểu. Nhưng trong xã hội toàn trị cộng sản Việt Nam, họ không được nhà cầm quyền Việt nam cho phép hoạt động, vì vậy, họ cũng đồng thời là người hoạt động nhân quyền, thực thi các quyền con người của mình.

Lời kết

Trên đây là một số vấn đề về danh xưng, người viết không hi vọng sau bài viết này mọi người sẽ xưng hô, gọi tên nhau khác đi, mà chỉ hi vọng mọi người hiểu thêm một chút về ý nghĩa của các danh xưng.

Hà Nội, ngày 13/12/2016

N.V.B

*) Tựa do CTM Media đặt

Mời Bạn xem bài kế trong loạt bài của tác giả Nguyễn Vũ Bình cùng chủ đề:
– Ứng xử dân chủ – Bài 2: Vài vấn đề về ứng xử

- Quảng Cáo -

4 CÁC GÓP Ý

  1. Quá nhiều nhà đấu tranh luôn, xin các nhà này đấu tranh dùm cho “nhà đấu vì quyền ăn nhậu đuọc miễn phí”, có quán nhậu băt chúng tôi phải trả tiền nhu vậy có bất công hay k, nếu k trả tiền nó thưa bọn tôi ra tòa, xin luật su Nguyễn Văn ĐÀI, Lê Thị Công Nhân và các nhà đấu tranh đủ thứ lên tiếng dùm bon tôi

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here