Tuần trước, một đồng nghiệp cũ, vốn có nhiều suy tư về thời cuộc, đang sống tại Hà Nội, tâm sự với tôi qua FB-Inbox:
“Hiện trạng VN đúng là không tốt đẹp gì nhưng ko thể thay đổi đựoc trong thời gian ngắn vì tất cả nằm trong một mớ bòng bong dù ai tài giỏi đến mấy có tâm như thế nào cũng ko làm gì đc.Chỉ đến khi không còn cái chế độ xã hội như VN hiện nay thì mới có thể dần dần khá lên được thôi.“
Tôi đồng ý với bạn tôi ở điểm: không thể nhanh được. Nhưng tôi không chấp nhận quan điểm: “Chằng làm gì đươc đâu, hãy chờ cho xã hội thay đổi“. Theo tôi, không có sự thay đổi nào tự đến như quả sung cả !
Nếu không có tiếng nói của hàng ngàn FB’ker về thảm họa Formosa, không có hàng chục ngàn người đã xuống đường phản đối Formosa. Thậm chí có người đã đổ máu, thì làm gì có chuyện chính phủ lại chịu ngồi bàn với nạn nhân về cách xử lý hậu quả thảm họa này, như Bộ Trưởng Trần Hồng Hà đã thực hiện hôm 08.12 vừa rồi, làm gì có chuyện một số cán bộ cấp xã, huyện ở Hà Tĩnh bị kỷ luật, thậm chỉ cựu Bí thư Nguyễn Kim Cự đang bị điều tra?
Nếu như cách đây hai năm, vẫn có những bài xã luận đanh thép coi khái niệm “Xã hội Dân sự“ là một công cụ của cái gọi là „Diễn biến hòa bình“(1) , thì nay cụm từ “Xã hội dân sự“ đã được báo chí nói đến như một cấu thành của một xã hội văn minh(2) . Chẳng bao lâu nữa, chắc chắn cụm từ “Tự diễn biến“, “Tự chuyển hóa“ sẻ chẳng còn là một khái niệm nguy hiểm, xấu xa trong đầu mọi người dân, khi ai cũng hiểu là quá trình thay đổi nhận thức là hợp quy luật của cuộc sống.
Tôi còn nhớ video clip quay chị Trần Thị Nga, một nhà hoạt động nữ quyền ở Phủ Lý đến cơ quan công quyền. Anh nhân viên nhà nước đã khước từ tiếp chị, mắng chị là người của “Bọn Nhân quyền“, “Bọn Dân chủ“. Anh ta nói thế, vì cho rằng: “Nhân quyền“ hay “Dân chủ“ là trò xấu xa, bỉ ổi của phương Tây.
Hôm qua 10.12.2016, ngày nhân quyền quốc tế, nhà nước Việt Nam đã treo khẩu hiệu trên nhiều đường phố, khẳng định: “Quyền con người là giá trị chung của các quốc gia, của các dân tộc“. Chính quan niệm cũ: “Nhân quyền là sự áp đặt của phương Tây lên các dân tộc khác“ đã gây ác cảm cho anh cán bộ Hà Nam kia đối với chị Nga. Đọc các khẩu hiệu treo trên đường phố những ngày này, chính anh ta sẽ “tự diễn biến“. Nhanh hay chậm tùy vào tư chất của anh.
Nếu không có những người như chị Nga, bị hành hạ, đánh đập lên xuống, thậm chí bị đánh gãy chân, thì làm sao có những thay đổi như vậy trong xã hội, tuy chỉ là hình thức?
Nếu không có tiếng nói của hàng trăm ngàn công dân mạng thì liệu anh Đoàn Văn Vươn có được ra tù truớc hai năm, thậm chí liệu bản án dành cho kẻ “Giết người“ của anh có kết thúc ở mức án 5 năm? Chỉ riêng trong lĩnh vực tư pháp, sự phản đối và đấu tranh của những người có lương tri ở VN tuy chẳng nằm trong một phong trào nào cả, đã cứu khá nhiều tử tù trước những án oan gần như xuyên thế kỷ.
Việt Nam 2016 đã bắt đầu chứng kiến những xung đột dân sự giữa người dân và những kẻ nhân danh chính quyền tước đoạt của cải và quyền lợi của họ, trong đó, phần thua lại thuộc về kẻ cai trị . Vụ quán “Xin chào“ là một điển hình. Việc các cán bộ cấp huyện cấp tỉnh phải hầu tòa trong một số vụ án kinh tế và dân sự đã không còn là điều “bất khả“ trong nền tư pháp Việt Nam. Việc tòa án phải rút lại bản án sai trái dành cho hai em bé cướp bánh mỳ là tác động của mạng xã hội, một thứ quyền lực đang trở nên mạnh mẽ của những người tưởng như không có quyền lực.
Hà Nội 23.10.2016 Ban nhạc Scorpion với bài “Wind Of Change“ trên nền trang trí của bức tường Berlin
Ngày 23.10.2016, ban nhạc rock Scorpion của Klaus Meine, một ca sỹ mang tư tưởng tự do đã biểu diễn tại Hà Nội trước hàng chục ngàn thanh niên cuồng nhiệt. Ai cũng biết ca khúc “Ngọn gió thay đổi“ (The Wind Of Change) ra đời trong cơn bão “Cách mạng nhung“ ở Đông Âu, là nguồn cảm hứng cho hàng triệu người Đông Âu trong quá trình chuyển đổi phi bạo lực từ xã hội toàn trị sang dân chủ văn minh. Vậy mà “Ngọn gió thay đổi“ đó đã được hát tại Hà Nội, Klaus Meine hầu như không hát, mà anh chỉ bắt nhịp cho hàng vạn thanh niên Việt hát theo, và họ hát say sưa trước hình ảnh bức tường thành Berlin rạn nứt . Xem video đó, tôi cứ tưởng rằng có sự sơ xuất của những người kiểm duyệt văn hóa chăng? Dù sao, ca ngợi quá trình “Tự diễn biến“ của người dân Đông Berlin ở ngay thủ đô Việt Nam là điều không tưởng cách đây chỉ hai ba năm.
Trên đây chỉ là một số thay đổi mà tôi cảm nhận được thông qua truyền thông chính thống. Tuy chúng không thể là một bức tranh lạc quan trong hoàn cảnh của quá nhiều điều thậm tệ đang hàng ngày diễn ra, nhưng ít ra chúng là kết quả ban đầu của cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, giữa tiến bộ và kìm hãm.
Các hiện tượng trên bắt nguồn từ những thay đổi sâu sắc đang hình thành trong xã hội.
– Trên bình diện kinh tế, vai trò chủ đạo của kinh tế quốc doanh đã không chỉ mất đi bởi tỷ lệ tăng trưởng của các khu vực khác, mà vì uy tín của nó đã biến mất trong nhận thức của người dân. Với mỗi ông quan tham ôm valy tiền ra nước ngoài chữa bệnh, hoặc bị bắt, lòng tin mù quáng vào kinh tế XHCN của ngay bộ phận nô bộc trung thành nhất lại bị vỡ thêm một mảng. Ngày nay chỉ một số ít thanh niên có trình độ xin vào đầu quân cho kinh tế quốc doanh. Họ vào đó không phải vì tin vào tiền đồ sự nghiệp, mà vì họ biết đó là nơi có thể làm giàu bất chính nhanh nhất, là nơi đục khoét dễ nhất. Một thành lũy, vốn là hang ổ của các phần tử cơ hội và tham lam như vậy, dù có sở hữu cả một tài nguyên khổng lồ như hàng tỷ tấn dầu khí thì cũng chỉ có thể đẻ các doanh nghiêp lỗ ròng như Điện lực dầu khí PVE, Xây lắp dầu khí PVC với các ông tổng mất tăm.
Trong hoàn cảnh như vậy, sự lớn mạnh của kinh tế tư nhân, dù trong một xã hội chụp giật, vẫn là lối thoát duy nhất. Và xã hội vẫn lừng lững tiến theo hướng này, bất chấp mọi bất cập, mọi rào cản. Nền kinh tế tư nhân đang lớn dần chính là nền tảng vật chất của một xã hội dân sự, là nguồn tài trợ cho các hoạt động từ thiện phi chính phủ, cho các sinh hoạt văn hóa tự do. Nền kinh tế tư nhân lớn nhanh đã xé tan cái áo cũ kỹ của hệ thống luật pháp lạc hậu và đang phải mau chóng tìm một bộ cánh mới cho xã hội.
Thảm họa Formosa và các trận lũ miền Trung đã làm rõ ưu thế của các tổ chức từ thiện và cứu trợ phi chính phủ so với các tổ chức của Mặt trận Tổ quốc. Chỉ riêng việc Phan Anh quyên được 20 tỷ trong vòng vài ngày so với 9 tỷ của Thành phố HCM cho thấy sức mạnh áp đảo của kinh tế tư nhân và của những người hảo tâm.
Trong hoàn cảnh nhà nước không cho phép các hoạt động cứu trợ tư nhân hoạt động công khai thì việc các tổ chức XHDS mắc khuyết điểm, hoặc không biết phối hợp với nhau là điều không tránh khỏi. Nhưng phải thấy là tất cả các nhóm dân sự đều hoạt động thực tâm và có những kế hoạch độc đáo, có chiều sâu. Đó là những hoạt động truyền thông để tạo hiệu quả ngược về tận Đài Bắc, những hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân để nếu cần, có thể đưa thủ phạm ra các tòa án quốc tế, hoặc những đầu tư chiều sâu vào các dự án làm nhà nổi chống lũ….
Hơn thế nữa, vụ Formosa là một thảm họa mà quá trình khắc phục nó đã gắn bó số phận của giáo dân và ngư dân ngoài đạo hơn bao giờ hết. Việc tổ chức thành công cho hàng ngàn nạn nhân, đi xa hàng trăm cây số để nộp đơn kiện lên tòa án Kỳ Anh đã làm ngay cả các tổ chức NGO châu Âu phải thán phục. Rõ ràng những hoạt động cứu trợ rộng lớn và có hiệu quả, những đợt đấu tranh đòi bồi thường mạnh mẽ như vừa qua ở miền Trung sẽ không thể có được trong một nông thôn miền bắc XHCN được hợp tác hóa 100% như trước đây.
– Quá trình hội nhập kinh tế đã tạo ra một nền truyền thông mới: Internet và Mạng xã hội. Cục diện cuộc đấu giành người đọc đã thay đổi cơ bản. Sẽ ngây thơ khi cho rằng, truyền thông do nhà nước quản lý đã thua. Ngược lại, truyền thông nhà nước vẫn chiếm thế thượng phong và vẫn tiếp tục chi phối ý thức xã hội. Nhưng họ không còn giữ thế độc quyền nữa. Không cần nói đến chuyện đưa tin hay ém tin, mỗi câu chữ viết ra đều có thể bị bạn đọc phản bác. Trước kia, người đọc không đồng ý với báo thì cũng chẳng làm gì được, ý kiến phản hồi không bao giờ được chú ý đến. Nay người phản biện có thể tự do đưa ý kiến đó lên mạng xã hội và nếu ý kiến đó xác thực thì tờ báo đó sẽ rất khó xử. Ngày 08.12 vừa qua, TTO, tờ báo mạng ăn khách nhất Việt Nam, sau khi đọc Facebook của Nguyễn Anh Tuấn, đã sửa lại tiêu đề bài báo về vụ bắt Nguyễn Thanh Dũng, đồng thời cảm ơn Tuấn đã chỉ giúp báo những lỗi cơ bản về luật pháp . Đây chỉ là 1 ví dụ về sự đổi thay trong sinh hoạt báo chí ở Việt Nam. Sự tương tác bình đẳng giữa báo chí nhà nước và người dân tuy chưa xảy ra ngay, nhưng chỉ còn là vấn đề thời gian. Báo chí nào cũng sống bằng lượng người đọc. Một vụ tẩy chay như Mai Linh hoặc Tân Hiệp Phát sẽ là cái chết chắc chắn cho mọi tờ báo.
– Sự thay đổi lớn thứ ba trong lòng xã hội tuy khó cảm thấy, có thể coi như những phản ứng mang bản năng sinh tồn của một cơ thể trước căn bệnh hoại thư toàn diện. Đó là sự thay đổi của lương tâm dân tộc Tôi viết những dòng này tất nhiên không dành cho các bạn đang nghĩ rằng xã hội này không cần thay đổi. Đối với các bạn, cuộc sống như thế này là chấp nhận được.
Nhưng có một bộ phận công dân không chấp nhận thực tế hiện tại. Xuất phát điểm của họ không phải là chống chính quyền, mà nhiều khi chỉ vì những thân cây bị chặt, những dòng sông bị nhiểm độc, những vụ lạm thu cước phí thị thực v.v. Nhiều người trong những nhóm này không phải là nạn nhân trực tiếp, nhưng họ đấu tranh vì tương lai dân tộc, vì những đạo lý thông thường mà tất cả chúng ta đều đã từng được nghe, được dạy.
Nhóm đấu tranh mạnh mẽ nhất, hiện diện nhất là những người bị cướp đất, bị áp bức, bị tước đoạt quyền sống. Họ chẳng còn gì để mất nên chỉ còn biết đấu tranh. Tuy họ rất đông nhưng cuộc đấu tranh của họ thực ra rất đơn độc, như tôi vẫn thấy họ tại những điểm tiếp dân oan ở Hà Nội và Sài Gòn.
Còn một bộ phận khác trong xã hội, tuy có quá nhiều thứ để mất, tuy không phải là người marxist, nhưng họ suy nghĩ như Marx: “Chỉ có loài cầm thú mới ngoảnh mặt với nỗi đau của kẻ khác để chăm lo cho bộ lông của mình“. Họ muốn làm người lương thiện nên sẵn sàng thế chấp những tiện nghi và tài sản, danh vọng và tự do đang có để lên tiếng ủng hộ những người cùng khổ kia, để bảo vệ công lý, bảo vệ môi trường. Số lượng của họ so với một dân tộc gần 100 triệu người ít ỏi đến mức bi thảm. Nhưng nó đang nhen nhúm tăng lên dần dần. Không thế lực nào xúi giục họ: danh hề Dưa Leo hay ca sỹ Mai Khôi, các luật sư Lê Luân hay Võ An Đôn, các nhạc sỹ Tuấn Khanh hay Việt Khang, những doanh nhân như Thúy Hạnh hay Bích Ngà….Tất cả họ hành động vì lương tâm, vì không muốn nhìn thấy dân tộc này cứ tiếp tục bị lún sâu vào tha hóa.
Chỉ trong vòng một tuần, tôi đón nhận tin hai nhà báo thanh thản bước ra khỏi cơ quan để đi tìm cuộc sống mới: Nhà báo Hoàng Đức Truật phóng viên báo Quảng Trị và anh Phùng Hiệu, Quyền trưởng đại diện tờ Nhà Báo & Công Luận tại miền Nam.
Sự ra đi của hai anh, tuy khác hẳn với các chuyến trốn đi chữa bệnh nước ngoài của các vị quan tham, nhưng đều đang góp phần vào sự thay đổi nhận thức của xã hội.
Vậy nếu bạn cho là phải thay đổi xã hội này thì chớ có bi quan hoặc yếm thế mà nghĩ rằng: “Chẳng ăn thua gì đâu? Hay chờ đến lúc nào đó sự thay đổi sẽ đến“.
Nhúm người ít ỏi kia đã góp phần tạo nên những thay đổi nhỏ bé mà không phải ai cũng nhìn thấy. Nếu có các bạn chắc chắn sự thay đổi sẽ ngoạn mục hơn, ít đau khổ hơn !
Tháng 12.2016
Xuân Thọ
——————-
(1) http://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/khong-de-cac-to-chuc-xa-hoi-dan-su-bi-loi-dung-448675
(2) http://isee.org.vn/Content/Home/Library/492/vai-tro-cua-cac-to-chuc-xa-hoi-dan-su-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-va-van-hoa-viet-nam..pdf
(3) http://news.zing.vn/vu-ca-phe-xin-chao-cach-chuc-truong-cong-an-binh-chanh-post675901.html
(4) https://www.youtube.com/watch?v=ILZcLwkj69Y
(5) TTO lúc đầu giật titre: „Lời khai ban đầu của kẻ đồng tính hành hạ bé trai“. Nguyễn Anh Tuấn cho là: “Kẻ đồng tính” mang tính kỳ thị người đồng tính, và khi chưa có kết luận của tòa thì chỉ được ghi là „nghi phạm”. Sau đó TTO đã đổi lại và gửi lời cảm ơn. https://www.facebook.com/nguyen.anh.tuan8690?fref=ts