Ai muốn ứng dụng cách đấu tranh để nắm chắc phần thua trong tay không? Ai muốn học cách để đi từ thất bại này đến thất bại khác không?
Câu hỏi nghe như đùa nhưng chính chúng ta (bao gồm cả tác giả) lại là những chuyên gia “không tập mà giỏi” của loại chiến thuật đó. Chúng ta còn rất sẵn lòng truyền bá cho người khác và rất hăng hái góp phần thực hiện luôn.
Này nhé,
– Có phải cứ hễ thấy có người hoạt động hăng say ngoài đời hay phát biểu thẳng thắn trên mạng về những điều cấm kỵ, một thời gian dài mà không bị bắt, ta lại bắt đầu nghi ngờ và truyền tiếp cho người chung quanh cái dấu hỏi to tướng về người đó: “Liệu hắn có phải là công an hay người công an gài không?”. Hay lại “Động cơ của hắn là gì?”. Cho đến khi công an đến nhà đọc lệnh lôi “hắn” đi giam thì ta mới hết nghi ngờ và ca ngợi “hắn” là người đấu tranh can đảm.
Và như thế ta tự cho nhau công thức số 1: Chỉ những anh chị em đang ngồi tù mới là những người đấu tranh thật.
– Có phải cứ hễ thấy ở nơi nào đó tổ chức một sự kiện lớn thành công, từ hội họp cả trăm người đến biểu tình cả ngàn người tham dự, mà không bị đàn áp, ta nghi ngờ ngay và truyền tiếp cho người chung quanh: “Chắc phải có thương lượng gì đó với công an rồi. Không thể có giải thích nào khác được”. Và chỉ khi đến những lần tổ chức kế tiếp bị trấn áp hung bạo, ta mới hết lòng thương quí và cảm phục “những anh chị em đã dấn thân”.
Và thế là ta tự tạo công thức số 2: Chỉ những anh chị em bị trấn áp, không tổ chức được sự kiện gì lớn nữa, mới thật sự rõ là những người đấu tranh chân chính, không thương lượng với kẻ ác.
– Có phải cứ hễ thấy ai nhận tiền thường xuyên từ bà con hải ngoại để làm việc từ thiện , ta lại tự thấy có bổn phận phải cảnh giác theo dõi xem bao lâu thì người đó bị đồng tiền hủ hóa. Ngay cả khi họ đăng công khai các khoản chi thu trên mạng, ta vẫn không ngừng nghi ngờ. Và khi người đó bắt đầu bước tới tranh đấu cho những người cùng khổ, ta xem như đã đủ dữ kiện để kết luận “hắn chỉ đi đấu tranh để kiếm tiền”. Còn những người tự bỏ tiền túi ra thì lại bị ta xem là quá no đủ, không cần phải lo kiếm sống nữa nên muốn kiếm danh, thích làm “nhà” dân chủ này, “nhà” hoạt động nọ.
Từ đó ta có công thức số 3: Chỉ những người hoàn toàn không có phương tiện tự thân và từ chối nhận phương tiện hoạt động từ bất cứ ai khác, nghĩa là bất đắc chí ngồi yên ở nhà, mới là những người đấu tranh có uy tín và đáng tin.
Và còn nhiều công thức quái gỡ khác nữa do chính ta đẻ ra và ứng dụng để đi đến một ngõ cụt đương nhiên. Đó là: (1) Người đàng hoàng phải là người muốn đấu tranh nhưng bất lực, không làm được gì cả; và (2) Hiển nhiên ai cũng muốn làm người đàng hoàng.
Với tổng kết đó, ta không thất bại mới là chuyện lạ. Và đó cũng chính là câu trả lời cực to cho thắc mắc lâu nay: Tại sao lực lượng dân chủ chưa lớn mạnh?
Điều đáng mừng là ngày càng nhiều người nhận ra mức tác hại và sự vô lý của các công thức “cầu thua” nêu trên. Có người mạnh mẽ kêu gọi: bằng đó năm kinh nghiệm đã quá đủ!
Thật vậy, có lẽ đã đến lúc chúng ta phải hành xử ngược lại:
– Khi thấy bạn hoạt động tích cực mà chưa bị bắt, ta tìm hiểu xem bí quyết thành công của bạn là gì để ta nhân rộng. Ngay cả nếu đó là sự cho phép theo kiểu “trăm hoa đua nở” của công an thì ta càng gấp rút tận dụng khe cửa hé mở để nhân rộng rồi mở toang cánh cửa ra. Và cũng không quên chuẩn bị để tranh đấu ngay cho bạn nếu bị bắt. Chỉ như vậy số bạn đồng hành của ta mới tăng lên đáng kể và tình đồng đội sống chết có nhau mới thực sự thành hình.
– Khi thấy có nơi nào tổ chức được một sự kiện thành công, ta cần đặt câu hỏi phải chăng hội đoàn đó đã nắm được nguyên tắc tạo SỐ ĐÔNG và biết nhiều hơn ta về phương pháp đấu tranh bất bạo động? Tại sao ta không vui mừng tìm đến học hỏi để đem về nhân rộng?
– Khi thấy có người làm việc thiện nguyện tốt đẹp, ta cứ để anh chị em đó tính sổ sách với các vị mạnh thường quân đã đóng góp tiền bạc. Nếu người trong cuộc họ hài lòng với cách làm việc của nhau thì ta thắc mắc làm gì?
– Khi thấy những anh chị em được hỗ trợ phương tiện để đi đấu tranh, ta mong ước nguồn hỗ trợ đó được dồi dào hơn nữa, và ngày càng nhiều anh chị em được hỗ trợ để có thể bỏ ra một phần lớn đời sống của mình cho đấu tranh, cho tương lai dân tộc. Chúng ta khi nhìn Hồng Kông trỗi dậy đã từng mong ước Việt Nam có được những Nathan Law, Joshua Wong, …, đúng không? Tất cả những lãnh tụ sinh viên học sinh đó đều được sự hỗ trợ vững chắc từ các thương gia có lòng.
Xa hơn nữa, chúng ta phải xóa càng nhiều lằn ranh càng tốt giữa hàng ngũ những người hoạt động. Đó là những lằn ranh không đáng có và chỉ làm chúng ta tê liệt, từ lằn ranh giữa các tôn giáo, đến lằn ranh giữa hoạt động XHDS và vận động chính trị, đến lằn ranh giữa người Kinh và Thượng, đến lằn ranh giữa người chống đối trong đảng và ngoài đảng, …
Và có lẽ quan trọng hơn hết là tinh thần dám học, dám thử những điều mới. Tự ái dân tộc cần được dẹp qua bên để học hỏi những kinh nghiệm đấu tranh mà các dân tộc khác đã phải trả giá nặng nề mới học được.
Trong số những bài học đó, chúng ta sẽ nhận ra bản chất con người ở đâu cũng thế: bị trấn áp ai chẳng sợ; được khen ngợi ai chẳng bay bổng; bị công luận so sánh hơn kém ai chẳng bực người đang đứng cạnh; được cho đặc lợi ai chẳng muốn có thêm; … nhưng điều gì và cách nào đã khiến các dân tộc khác vượt qua được tất cả những điều bình thường và tầm thường đó để xiết chặt tay nhau vì tương lai đất nước.
–nhin nhan su that,khong noi sau,khong noi sai,ma co phai so it ,noi nhu the khong…? ma so dong ca mot cong dong deu nhin va nghe hang ngay,dien bien trong doi song cua so dong cu the la nhan dan, –muu sinh tu nhien–sinh su tai nhan …?