Để thay đổi được một nền chính trị hoặc thể chế của một đất nước, chúng ta buộc lòng phải thay đổi trước hết và tiên quyết ở tư tưởng. Tư tưởng được tạo nên bởi ý thức hệ, và từ đó, những kẻ có quyền đã xây dựng nên pháp luật theo ý chí của mình và cũng bởi ý thức hệ của người dân như đã là một sự đồng thuận (tương đồng) với điều đó, nên quyền lực chính trị cứ vậy mà thi hành để cai trị xã hội.
Xã hội thay đổi không phải bởi pháp luật, bởi hệ tư tưởng sẽ quyết định loại thể chế tồn tại của một nền chính trị, mà chính trị lại là thứ quyết định đến sự tồn tại (lập pháp) hoặc thực thi (hành pháp và tư pháp) của luật pháp – lập ra thế nào và thực thi ra sao, tất cả phụ thuộc vào chính trị, cái nôi sản sinh ra nó.
Nên pháp luật không phải là công cụ để thay đổi và đem lại sự văn minh của một quốc gia, trước khi có luật pháp, chúng ta phải thay đổi tư tưởng của người dân, và ngay cả những kẻ cai trị nắm trong tay quyền lực mà đang thực thi luật pháp một cách tuỳ tiện và bất chấp, mà đặc biệt chỉ dành cho dân chúng nhưng loại trừ chúng.
Luật pháp không phải công cụ để thay đổi mà chỉ là lý do để khiến cho sự thay đổi sẽ xảy ra, và điều đó chỉ có thể xảy ra khi và chỉ khi bất công xã hội đã bị thực thi một cách triệt để nhân danh luật pháp mà đẩy dân chúng đến đường cùng không còn lựa chọn nào khác.
Để thay đổi xã hội, ta phải thay đổi tư tưởng, muốn thay đổi tư tưởng, ta phải thay đổi nền giáo dục quốc gia. Và điều đó là một công cuộc khó khăn và lâu dài, bởi thứ khó thay đổi nhất đó chính là tư tưởng của con người, mà đây là ý thức hệ của cả một xã hội được bảo vệ liên tục, miệt mài và mạnh mẽ qua hàng thập kỷ.
Vì đấu tranh để thay đổi tư tưởng và nhận thức, từ cả hai phía, phía người dân và phía nhà cầm quyền, nên không thể khác, người đấu tranh cần có tri thức sâu, rộng và có nhân tâm thực sự dành cho xã hội, con người, chứ không phải vì bất kỳ mục đích nào khác cho bản thân hoặc bị thúc đẩy bởi một lợi ích vật chất nào khác.
Và phải luôn chọn đứng về phía bị đối xử bất công, nếu không bạn, hoặc là một kẻ cơ hội, hoặc là đã chọn đứng về phe áp bức (Desmond Tutu). Điều đó chỉ làm cho xã hội thêm rối ren và tồi tệ hơn.
Vì công cuộc đấu tranh dai dẳng và khó khăn ấy, mà ông Nelson Mandela phải ngồi tù 26 năm để đem lại công bằng cho Nam Phi – ông cũng đã hoàn thành khoá học luật và làm luật sư trong chính giai đoạn bị giam cầm này; ông Mahatma Gandhi phải kiên trì cả đời để đòi độc lập cho dân tộc Ấn Độ từ và khỏi đế quốc Anh; bà Aung San Suu Kyi phải ngồi tù hơn 20 năm để thay đổi nền chính trị độc tài của Myanmar.
Mục sư Martin Luther King cũng phải ra vào chốn lao tù hết lần này qua lần khác và thậm chí bị ám sát năm 1968 khi đã đem lại các Đạo luật về Dân quyền và Luật về bầu cử cho người da đen trước đó vài năm – ông đã hy sinh khi đã hoàn thành “giấc mơ” cao cả của mình cho chính những bất công trong lòng xã hội hiện đại Mỹ.
Ông Fukuzawa Yukichi phải miệt mài viết sách và truyền bá những tư tưởng tiến bộ về dân quyền, giáo dục và khoa học của Tây phương vào lòng xã hội Nhật thời kỳ Minh Trị và là một nguyên do mang tính cốt lỗi đưa nước Nhật trở thành cường quốc như ngày nay.
Vì, trong tâm khảm họ đã luôn có một tư tưởng để sống:
Ký dĩ vi nhân, kỷ dũ hữu
Ký dĩ dữ nhân, kỷ dũ đa
– Lão Tử.
(Càng vì người, mình càng có thêm
Càng cho người, mình càng nhiều thêm).
Để thay đổi tư tưởng, hãy đọc sách và khuyến khích mọi người đọc sách, vì tôi chưa biết tác hại của việc này như thế nào, nhưng tôi tin một cách chắc chắn rằng, bạn sẽ biết nhiều hơn, hiểu nhiều hơn và có nhiều sự chọn lựa hơn người khác.
Và bởi vậy, xã hội ắt hẳn không phải thay đổi vì một vài người, nhưng hoàn toàn có thể vì một vài người mà thay đổi.