Chế độ CS bạo hành và nạn nhân của nó: người dân
Những chế độ độc tài như CS vốn có bản chất của kẻ bạo hành với cùng cung cách duy trì quyền lực và áp bức nạn nhân là nhân dân như ở trên.
Nhìn lại những năm gần đây ta thấy một sự chuyển biến nơi người dân tương tự như các nạn nhân bị bạo hành kể trên.
Tình trạng bưng bít thông tin bị phá vỡ, người dân trong nước kết nối được với thế giới bên ngoài, thái độ vô cảm makeno đã bớt đi nhiều, cũng thấy bớt đi hiện tượng những gia đình mắng mỏ, thậm chí đánh đuổi con cái của mình vì đã dám dấn thân vào đấu tranh khiến gia đình bị làm khó dễ.
Thay vào đó, ta thấy những người mẹ, người cha, anh chị em càng thêm sát cánh bênh vực con em của mình, thậm chí hết sợ mà còn hãnh diện về thái độ và tinh thần quả cảm của người thân đang đối kháng lại sự áp bức.
Từ những rụt rè dò dẫm bày tỏ bất đồng chính kiến với chế độ, núp sau những hình ảnh Hồ Chí Minh và lá cờ đỏ sao vàng, như những tấm khiêng chắn, càng ngày ta càng thấy những cuộc xuống đường của người dân trong đó hoàn toàn không có những thứ khiêng chắn trên.
Lúc ban đầu sau mỗi đợt trù dập bắt bớ của nhà cầm quyền, các người đấu tranh phải lặn im một thời gian khá lâu trước khi có người mới công khai đứng lên; nhưng càng về sau, hễ có ai bị trù dập bắt bớ thì liền sau đó có lớp người mới dứng dậy tiếp nối. Có vẻ đang tới giai đoạn mà càng trù dập thì sự đề kháng càng thôi thúc.
Khởi đi từ lên tiếng phản kháng của vài cá nhân, càng ngày càng nhiều người lên tiếng chỉ trích nhà cầm quyền, mới đầu ta thán chửi bới cho nhau nghe, về sau trực diện công khai nhắm cho Đảng và nhà nước nghe.
Rồi sự đề kháng không còn ở mức chửi đổng, chửi suông mà đang bước qua hành động. Càng ngày các cuộc xuống đường càng nhiều và dạn dĩ hơn. Xuống đường bày tỏ thái độ công khai về mọi lãnh vực: bảo vệ cây xanh, khiếu kiện của dân oan, phản đối đắp bờ sông thay đổi giòng lưu, phản đối Trung Cộng và Tập Cận Bình, đòi biển sạch v.v… Người dân đang thêm tự tin để đòi lại quyền làm chủ cuộc sống của chính mình.
Một điều đáng quan tâm, nhất là đối với chế độ cầm quyền cần quan ngại, là người dân có vẻ đang bước vào ranh giới của sự bạo động.
Trước đây những cuộc xuống đường rất ôn hoà, các clip phim tên youtube dạo đó thường cho thấy người dân thường nhẫn nhịn, ngay cả khi bị công an côn đồ đánh đập bạo hành, người dân vẫn chỉ thụ động chịu đựng đứng nhìn, cùng lắm là la làng và quay phim làm chứng; chỉ thỉnh thoảng mới có vài cá nhân riêng lẻ đối kháng bạo động trong vô vọng như Đoàn Văn Vươn Ở Tiên Lãng, Đặng Ngọc Việt ở Thái Bình (bắn 5 cán bộ rồi tự sát).
Gần đây mức độ bạo động lên mức tập thể, như vụ dân Nghệ An ném đá tới tấp vào công an khi lực lượng này định dẹp biểu tình, dân Khánh Hòa mạnh dạn nhào tới xô đẩy lực lượng CSCĐ và trên Youtube ta thấy lực lượng này nhiều phần ở vị thế chống đỡ, dân Lâm Đồng chém chết 1 cán bộ kiểm lâm khi xô sát với lực lượng công an và kiểm lâm đến cưỡng chế đất làm rẫy của họ.
Đây là tiếng chuông báo động cho giới cầm quyền CSVN. Với thảm họa môi trường đe doạ trực tiếp đến sinh mạng của người dân, với viễn cảnh bị Bắc Thuộc với gương của Tây Tạng, Ngô Duy Nhĩ bị Trung Cộng tiêu diệt văn hoá bản sắc dân tộc, nhiều người dân bắt đầu cảm thấy mình không còn gì để mất hơn. Với sự tự tin và sức đề kháng đang được phục hồi đủ để bước sang hành động, người dân sẽ dễ bước vào giai đoạn dứt khoát quyết liệt. Và lúc này, cầm quyền CSVN chỉ còn vài lựa chọn đối với người dân.
Những lựa chọn cho giới cầm quyền CSVN
Khi mà người dân hay nạn nhân của bạo hành bắt đầu đứng dậy phản kháng giành lại quyền làm chủ vận mạng mình, phản ứng đầu tiên của kẻ bạo hành là gia tăng trấn áp bức hại nạn nhân. Nhưng khi mà nạn nhân đã hết liệt kháng đủ tự tin và ý chí để không chịu quỳ gối mà muốn đứng dậy, thì càng bị trấn áp, nạn nhân càng nung nấu lòng uất hận căm thù.
Bạo lực trấn áp có thể thắng trong một thời gian, nhưng khi lòng căm thù uất hận lên cao, giống như áp xuất trong nồi xúp de càng căng đến một lúc sức đè của bạo lực trấn áp không đủ để kìm giữ, cơn cuồng nộ nổ bùng, bạo lực từ nạn nhân đối với kẻ bạo hành sẽ không thể kềm hãm được. Số phận cuối đời của vợ chồng nhà độc tài Ceaucescu ở Romania, Saddam Hussein ở Iraq, Khadafi ở Lybia là ví dụ điển hình.
Thiên An Môn VN? Trong sự chai lỳ muốn duy trì quyền lực bằng mọi giá, nhóm độc tài CSVN có thể muốn theo gương sư phụ của mình là chế độ Bắc Kinh, chuẩn bị theo khuôn xử lý của Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng trong vụ thảm sát Thiên An Môn. Nhưng nhìn kỹ lại vụ Thiên An Môn theo các tài liệu lịch sử tổng hợp phổ biến trên Youtube, lực lượng quân đội đầu tiên được phái đến triệt hạ quần chúng biểu tình đã quay xe trở ra khỏi Bắc Kinh sau khi tiếp cận trực diện với người dân, vì đây là những đơn vị đóng gần xung quanh thủ đô nên dễ thông cảm với người dân Bắc Kinh khi hai bên từng có những liên hệ xa gần có khi ruột thịt với nhau để dễ truyền đạt cho nhau tình hình thời sự.
Nhà cầm quyền Trung Cộng sau đó đã phải điều động quân về từ Tân Cương, trong khung cảnh bưng bít thông tin, sau khi đã nhồi sọ các binh lính này rằng những người biểu tình là những tên phản động xấu xa đang phá hoại đất nước XHCN và cần phải bị tiêu diệt. Nên cuộc đàn áp tàn sát không nương tay đã xẩy ra.
Tàn sát kiểu Thiên An Môn sẽ khó xẩy ra tại Việt Nam. Vì nước ta không rộng nghìn trùng như nước Tàu, ngày nay sự bưng bít thông tin đã bị phá vỡ, sự ta thán bất mãn của quần chúng đối với giới cầm quyền rộng khắp mọi miền đất nước, bộ đội công an chẳng còn mấy ai cực đoan tin vào lý tưởng CS XHCN để mà hăng hái tiêu diệt người dân “phản động”, khi chính trong những đám dân chúng “phản động” này có nhiều người là bà con họ hàng của họ.
Dù họ có nằm trong bộ máy bạo lực chuyên chế, được Đảng CS ưu đãi cho nhiều quyền lợi vật chất khiến nhiều phụ nữ vẫn mong được kết hôn với họ, để họ cảm thấy “Còn Đảng còn mình”, nhưng lương tâm con người Việt Nam sẽ khó làm cho họ thẳng tay mạnh dạn tàn bạo với người dân trong khi vẫn phải kiên nhẫn nhịn nhục với sự lấn áp của giặc tàu cộng.
Nhìn lại các clip phim gần đây về những đụng độ giữa dân biểu tình và CSCĐ mặc quân phục, ta càng ngày càng thấy những nét mặt thẫn thờ, cánh tay buông lỏng nơi nhiều anh CS trước những lời thuyết giảng của bà con đối kháng. Và những lời chống chế biện bạch: “Chúng tôi chỉ làm theo lệnh của cấp trên!”
Có lẽ nhiều người trong họ cũng đang bắt đầu cảm thấm rằng mình cũng là nạn nhân của chế độ, nhất là khi biết được rằng những thành phần quyền lực nhân danh Đảng và chế độ, mà mình đang bảo vệ nơi tuyến đầu tiếp cận với dân, lại đang rủ nhau chuẩn bị bỏ chạy ra nước ngoài.