Trang Bauxite ngày 21/8 đăng bài của Mai Tú Ân (MTÂ) «Viết cho con gái – Cha sợ hãi lắm». Đầu tiên MTÂ mô tả nỗi sợ kinh khủng bị cường quyền bắt sống, tù đày, nó như con rắn độc len lỏi trong tim. Nhưng rồi xuất hiện nỗi sợ hơn, đó là câu hỏi đắng lòng của con gái, một câu hỏi do tưởng tượng: « Cha đã làm gì cho dân cho nước ?».
Tôi rất thông cảm với MTÂ, vì cũng đã từng có nỗi sợ như thế và hiện nay đã thoát khỏi. Vừa rồi con gái ở nước ngoài về thăm, có yêu cầu tôi viết một cái gì đó cho đứa con trai bé bỏng của nó. Tôi chưa nghĩ ra nội dung thì bài viết của MTÂ đã gợi ý. Tôi dự định viết cho thằng cháu ngoại mang quốc tịch Hà Lan một bài «Cháu ơi, đừng sợ gì cả», trong đó có một đoạn, ông đã từng sợ và nay hết sợ rồi.
Sợ đang là một bệnh tinh thần lây lan mạnh làm suy yếu dân tộc, do nền thống trị độc tài gieo rắc nuôi dưỡng. Nỗi sợ của MTÂ khác với một số người, họ nói rằng: «Không dám nói sự thật, tôi không sợ gì cho bản thân, chỉ là sợ ảnh hưởng đến gia đình, làm thiệt thòi cho con cháu». Câu nói ấy ẩn dấu một sự sợ hãi có thật, tự dối lòng mình. Sự sợ hãi ấy của cá nhân, xin được tôn trọng, nhưng xin đừng biến thành triết lý, đừng biến thành phương châm xử thế cho nhiều người. Cái sợ của MTÂ có khác nhưng vẫn là nỗi sợ. Muốn xua tan nỗi sợ ấy không có gì khó vì nó phụ thuộc chủ yếu vào bản thân chúng ta.
Câu hỏi «Đã làm gì cho dân cho nước» trước hết và chủ yếu được đặt ra cho các vị quan chức từ cao đến thấp, sau đó mới hỏi toàn dân. Với những người bình thường, để làm gì cho dân cho nước, trước hết là làm người lương thiện, không dối trá, không ích kỷ. Thế rồi tùy năng lực và điều kiện mà làm tốt công việc đã lựa chọn. Sau đó cũng tùy lòng mong muốn và hoàn cảnh mà làm những việc có tác dụng cho sự phát triển chung, ví như tuyên truyền và đấu tranh cho dân chủ, cho sự tiến bộ xã hội. Có chuyện gì mà phải sợ. Sợ là thể hiện sự không tự tin, là bắt đầu của hèn yếu.
Có chức, có quyền mà không làm được gì có ích cho dân cho nước vì thiếu năng lực, vô trách nhiệm, tham, ngu và độc tài, thì đó là nỗi nhục, là tội lỗi chứ không còn là nỗi sợ. Còn đối với mọi người thì như MTÂ nhận xét: «làm người thì ( x x x ) lớn nhất chính là ta có làm gì như một con người chân chính hay không? Ta có xứng đáng ngẩng cao đầu như một con người hay không?». Trong ( x x x ) MTÂ viết là nỗi sợ hãi, tôi đề nghị thay bằng sự suy nghĩ hoặc hành động. Chuyện gì mà phải sợ. MTÂ đã viết: «Sống ở trên đời mà chỉ vì sợ bị bắt, sợ bị nhốt trong ngục tối để rồi không hòa nhịp với tiếng kèn tự do ngân vang, không đồng hành với những con người dũng cảm đang xuống đường trên khắp đất nước này thì nhục nhã lắm. Cha không sợ chuyện bị bắt nhốt bằng nỗi sợ khi phải đối diện với câu hỏi đó của con». Không sợ bị bắt nhốt là đúng, nhưng chuyện gì phải sợ khi đối diện với câu hỏi của con. Nếu con hỏi thế thì việc gì không trả lời: «Cha đã làm và sẽ làm những việc theo khả năng, theo hoàn cảnh mà cha cho là cần và đúng».
Nhiều người Việt từ trẻ đến già cũng đã không còn sợ. Tôi đã từng sợ và gần 20 năm nay đã hết sợ rồi. Tuy vậy như thế là quá muộn, vì thế muốn khuyến khích thằng cháu ngoại không biết sợ ngay từ bé. Nhưng nghĩ lại, không khéo lời khuyên của tôi là thừa vì hình như thằng bé đã thụ hưởng gène di truyền không biết sợ từ mấy đời tổ tên bên nội. Tôi không sợ cả câu hỏi của MTÂ là đã làm được gì cho dân cho nước vì tự xét thấy cũng đã làm được khá nhiều việc có hiệu quả và xứng đáng ngẩng cao đầu. Tôi biết MTÂ đang ở tuổi U60, câu ông nêu ra chắc không phải chỉ để cho riêng mình mà còn muốn nhắc nhở nhiều người khác. Tuy vậy, phải xua tan nỗi sợ dù đó là sợ không hoàn thành nghĩa vụ làm người, muốn thế cần nâng cao tự tin và trách nhiệm.
N.Đ.C.