Từng con người tôi gặp, sống và chia sẻ những nỗi cô đơn, đau khổ và chứng kiến nhiều cảnh trớ trêu, bất công mà chế độ trong nhà tù cộng sản áp lên họ mới hiểu được những khó khăn, ê chề mà họ phải ngậm ngùi gánh chịu.
Từ khi biết và tiếp xúc với những người tù Tây Nguyên có mức án nặng nề, tôi luôn đặt những câu hỏi tại sao cộng sản lại xử tệ với họ đến như vậy? Tại sao lại đàn áp họ một cách không thương tiếc, huy động lực lượng đông đảo và dùng cả súng để bắn vào họ. Tại sao lại dùng nhục hình tra tấn họ? Tại sao lại đẩy họ ra tận ngoài Bắc để giam cầm? Tại sao lại giảm án cho họ thấp hơn nhiều lần so với án gián điệp cho Trung Quốc?
Anh em Tây Nguyên kể cho tôi nghe về những trận bố giáp, những trận bắn giết thực sự, những cuộc tra tấn hết sức dã man trong trại tạm giam.
Họ nói rằng, “chúng tôi chỉ xuống đường đòi lại quyền lợi và yêu cầu chính phủ phải công bằng đối xử với người dân tộc thiểu số thôi, thế mà họ huy động quân lính các loại bố giáp đàn áp chúng tôi một cách dã man, họ đánh đập bắn giết giống như một cuộc chiến tranh mà chỉ có một bên mạnh”.
Ông Siu Bler, sinh năm 62, trong bài viết phần I tôi có đề cập đến đã bị bắn vào phần chân, ông cho tôi xem vết thương vẫn hằn sâu vết sẹo.
“Có hàng ngàn người bị bắt, nhiều người bị bắn trọng thương và cũng có người bị chết. Bị bắt rồi hầu hết anh em chúng tôi đều bị tra tấn và đánh đập thậm tệ khi an ninh khảo cung”. Họ chia sẻ trong câu chuyện về quá khứ với một đôi mắt u buồn, nặng trĩu nỗi niềm u uất đau thương, nghe họ càng kể mà tôi càng thấy quặn lòng. Dù sao họ cũng là người Việt Nam sao lại có thể dùng quyền lực mà đối xử vô nhân tính như vậy với họ được?
Có những lý do nhà cầm quyền họ đưa ra để biện minh với thế giới về sự đàn áp Người Thượng mà cộng sản gọi đó là “ngăn chặn âm mưu thành lập một nhà nước Đề Ga” và lật đổ chính quyền?! Thật sự thông tin về sự kiện này trước đây kín như bưng, bản thân tôi chỉ nghe loáng thoáng qua loa. Khi tiếp xúc với anh em Tây Nguyên, nghe họ kể thì mới hiểu được.
Mà họ hiền lành, chất phát thật sự, chẳng mầu mè, chẳng diễn gì cả, họ đâu có hung ác như cộng sản tuyên truyền và cũng chẳng có ý định lật đổ cái chế độ này. Sống với họ, người thì nhiều người thì ít cũng hai năm trời, tôi cảm nhận được cái tình người Tây Nguyên nó chất chứa trong sự thật thà của họ.
Càng nghĩ càng thấy cái ý đồ hành hạ của cộng sản nó ghê gớm đến kinh người. Thôi thì bắt bớ, đàn áp, đánh đập, bắn giết họ rồi, khi bắt và cầm tù họ với mức án nặng nề thì cũng để họ sống nhẹ nhàng một chút cho có sự nhân đạo ở trong cái chính sách, dù giả tạo cũng được để lòe dư luận quốc tế. Nhưng mà hiện thực trong tù thì phũ phàng quá mức.
Cái chủ trương của đảng cộng sản là hành hạ tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị. Trong số những thủ đoạn hành hạ này có thủ đoạn dời tù nhân đến những trại giam càng xa càng tốt. Di chuyển những con người sống ở vùng Tây Nguyên mà ra tận ngoài Bắc để giam cầm thì thật là quá tàn ác.
Tàn ác bởi đâu? Bởi ly gián họ với gia đình người thân, đánh thẳng vào tâm lý tình cảm. Bởi người Tây Nguyên nghèo lắm, lấy đâu ra tiền mà hàng tháng, nửa năm hay một năm ra ngoài Bắc mà thăm chồng, thăm cha, thăm con mình. Không tiền, không gia đình, môi trường tù đày sống trong sự o bế, đọa đày thì thử hỏi tinh thần và tâm lý của con người sẽ bị khủng hoảng ra sao?
Tàn ác hơn nữa là cái cách cho Người Thượng Tây Nguyên nếm trải cái khí trời quanh năm thay đổi nóng lạnh khắc nghiệt của Miền Bắc cộng với thiếu chất dinh dưỡng và từ đó sinh ra bệnh tật là điều đương nhiên.
“Chúng tôi rất sợ thời tiết miền Bắc, vì quen sống thời tiết dễ chịu nhẹ nhàng ở Tây Nguyên rồi”, họ nói như vậy.
Paulus Lê Sơn
(Còn tiếp)