TOKYO, Nhật Bản (CTM Media) – Theo RFI, một ngày trước khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về vụ Philippines kiện chủ quyền phi pháp của Trung Quốc về đường lưỡi bò 9 đoạn ở Biển Đông, báo chí châu Á tiết lộ Tokyo đang ráo riết vận động các đối tác trong nhóm G7 cùng có một tiếng nói chung trên hồ sơ này.
Ngày 11 tháng Bảy năm 2016, nhật báo Philippines Inquirer và Straitimes của Singapore cùng đưa tin: Nhật Bản trong cương vị chủ tịch luân phiên nhóm G7 sẽ kêu gọi 6 đối tác còn lại trong nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới nên có “chính sách ngoại giao chủ động” để phản ứng về phán quyết của Tòa Án Trọng Tài La Haye liên quan đến vụ kiện ở Biển Đông.
Nhiều nguồn tin tại chỗ cho rằng, nhóm G7 sẽ có một tuyên bố chung kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa và tuân thủ luật pháp, các chuẩn mực quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền trên biển.
Trung Quốc hiện nay vẫn không công nhận thẩm quyền của Tòa, không tham gia vụ kiện do Philippines đứng nguyên đơn và báo trước là sẽ không công nhận phán quyết của Tòa.
Báo chí trong khu vực trích dẫn phân tích của các chuyên gia cho rằng, trong quá khứ nhiều nước Đông Nam Á từng tranh chấp chủ quyền biển đảo và đã đưa vấn đề ra trước tòa án quốc tế. Cụ thể là Singapore và Malaysia cùng tranh giành cụm đảo Pedra Branca, ngoài khơi Singapore khoảng 50 cây số. Hồ sơ này đã được giải quyết theo phán quyết của Tòa Án Công Lý Quốc Tế năm 2008 và được cả Singapore lẫn Malaysia cùng tôn trọng. Nhờ vậy mà hợp tác song phương vẫn tốt đẹp.
Chủ tịch Viện nghiên cứu An ninh và Hòa bình của Nhật, ông Asashi Nishihara nhắc lại Tokyo đứng ngoài tranh chấp chủ quyền trong vùng Biển Đông, nhưng kêu gọi các đối tác trong nhóm G7 ủng hộ các nước đồng minh trong khối ASEAN. Ông nhấn mạnh là châu Âu, cụ thể là Pháp, ban đầu không mấy quan tâm đến khu vực này, nhưng ngày càng chú ý đến tranh chấp ở Biển Đông nhiều hơn, với mục đích bảo đảm quyền tự do lưu thông hàng hải.
Tuy nhiên, tiến sĩ Ryoko Nakao, tại đại học Kanazawa, lại tỏ ra thận trọng hơn khi cho rằng, có hai lý do khiến Tokyo nên phản ứng chừng mực trên hồ sơ Biển Đông. Thứ nhất Nhật Bản còn phải xem xét về mức độ thân thiện trong quan hệ giữa Tokyo với Manila kể từ khi tân tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên cầm quyền. Thứ hai là Nhật Bản cũng sẽ khó xử khi Tokyo vẫn tiếp tục chính sách săn bắt cá voi bất chấp phán quyết của Tòa Án Công Lý Quốc Tế.
Nói chung, theo giáo sư Ryoko Nakano, có nhiều xác xuất Nhật sẽ lên tiếng nhưng chỉ nhắc lại những điều cơ bản như kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp lãnh thổ nên tuân thủ “luật pháp” quốc tế.