Bà nghị sĩ và Tập đoàn Formosa

MAI THÁI LĨNH

- Quảng Cáo -

Bà nghị sĩ và Tập đoàn Formosa – phần 2

Tham gia vào phong trào đấu tranh chống dự án hóa-dầu Kuokuang:

bà chủ tịch đảng Thái Anh Văn, phát ngôn viên của đảng Dân Tiến, tân Tổng Thống Đài Loan
bà chủ tịch đảng Thái Anh Văn, phát ngôn viên của đảng Dân Tiến, tân Tổng Thống Đài Loan

Sau chuyến đi khảo sát thực tế ngày 28-7-2010 của bà chủ tịch đảng Thái Anh Văn, phát ngôn viên của đảng Dân Tiến tuyên bố đảng sẽ không ủng hộ việc mở rộng ngành công nghiệp hóa-dầu nếu họ được bầu lại vào năm 2012 vì những quan ngại về sức khỏe và môi trường. Có thể coi đây là một sự thay đổi lập trường, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng của đảng Dân Tiến. Theo bà Thái, điều mà Đảng Dân Tiến cần làm là “trở lại với nguồn gốc của đảng: đặt bảo vệ môi trường và tiêu chuẩn cuộc sống lên hàng đầu.”[i]

Vào lúc này, phong trào chống dự án Kuokuang (國光 Quốc Quang) đã trở nên sôi nổi. Dự án hóa dầu khổng lồ này do công ty quốc doanh China Petroleum Corporation (CPC) đề xướng và bị các nhà hoạt động môi trường phản đối vì một số lý do:

– Địa điểm đặt nhà máy là xã Đại Thành (Tacheng 大城) – huyện Chương Hóa. Đây là vùng đầm lầy ven biển lớn nhất của Đài Loan, với một hệ sinh thái phong phú về thực vật và động vật. Một nhà máy naphtha cracking đặt tại đây có thể phá hủy môi trường sống của giống cá voi lưng gù (humpbacked dolphin) đang có nguy cơ bị tiêu diệt. Những con cá heo lưng gù này còn được gọi tên là cá heo trắng Trung Quốc (Chinese white dolphin), trong tiếng Hoa có tên 中華白海豚 (Trung Hoa bạch hải đồn).[ii] Tại Đài Loan chỉ còn có một số lượng từ 80 đến 90 con, vì thế được đưa vào “Sách đỏ”.

- Quảng Cáo -

– Dự án hóa dầu Kuokuang nếu hình thành sẽ đe dọa một vùng nông nghiệp lâu đời, một nguồn cung cấp cá và sản phẩm chăn nuôi quan trọng của cả nước, không chỉ làm ô nhiễm không khí mà còn đe doạ cả an toàn thực phẩm. Địa điểm đặt nhà máy lại rất gần với nhà máy naphtha cracker số 6 chỉ cách nhau dòng sông Jhuosheui (Trọc Thủy 濁水). Nếu có hai nhà máy naphtha cracker lớn nằm gần nhau thì sẽ càng nguy hiểm hơn, nhất là có thêm người chết vì các bệnh về tim mạch và ung thư.

Điều đáng nói là dự án hóa dầu Kuokuang lại được chính Đảng Dân Tiến thông qua năm 2005, vào nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trần Thủy Biển. Đáng lẽ dự án đã được khởi công nhưng phải hoãn lại vì chưa thông qua được khâu đánh giá tác động môi trường (environment impact assessement, thường viết tắt là EIA). Năm 2008, khi Mã Anh Cửu đắc cử chức vụ tổng thống, QDĐ trở lại địa vị cầm quyền, dự án Kuokuang được tái khởi động và coi như “đã có sự chấp thuận của cả hai đảng”.

Nhưng một số yếu tố bất ngờ xảy ra khiến cho tình hình diễn biến theo một chiều hướng hoàn toàn khác. Trước hết, những tai nạn xảy ra liên tiếp tại khu công nghiệp Mạch Liêu đã làm cho người dân Đài Loan thức tỉnh trước mối nguy hiểm của các nhà máy naphtha cracker. Mặt khác, thất vọng trước sự xa rời mục tiêu bảo vệ môi trường của Đảng Dân Tiến trong thời gian cầm quyền, các tổ chức bảo vệ môi trường đã chủ động tìm cách liên kết đấu tranh với tư thế độc lập, không còn chịu sự lãnh đạo của một đảng chính trị như trước. Vì thế, khi phong trào bùng lên, một số chính trị gia thuộc Đảng Dân Tiến phải tìm cách khôi phục lòng tin của người dân bằng cách tích cực tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.

Phong trào chống dự án Kuokuang đã bùng lên hết sức mạnh mẽ trong năm 2010 do được tiếp sức bởi các cuộc đấu tranh của huyện Vân Lâm. Dưới sự lãnh đạo của nhà thơ người gốc Chương Hóa là Ngô Thịnh (Wu Sheng, 吳晟), giới trí thức – từ các văn nghệ sĩ, nhà giáo cho đến các bác sĩ,… đã phát động chiến dịch lấy chữ ký rộng rãi để bảo vệ vùng sinh thái đầm lầy Đại Thành. Hình tượng “cá heo lưng gù” được yêu mến xuất hiện thường xuyên trong suốt quá trình vận động này.

Thêm vào đó, sự thay đổi về đường lối của đảng Dân Tiến có ảnh hưởng mạnh đến tình hình chính trị Đài Loan. Tháng 9 năm 2010, bà Weng Chin-chu (Ông Kim Châu 翁金珠) – đảng viên Dân Tiến, nguyên huyện trưởng Chương Hóa (nhiệm kỳ 2000-2005), đã chính thức tham gia phía chống đối. Đầu năm 2011, Tô Trinh Xương (Su Tseng-chang) và Thái Anh Văn (Tsai Ing-wen) – hai đối thủ nặng ký trong hội nghị chọn ứng cử viên tổng thống của đảng Dân Tiến, cũng tham gia vào phong trào chống-Kuokuang. Với việc Đảng Dân Tiến giờ đây đứng hẳn về phía chống đối dự án, QDĐ cầm quyền đối diện với áp lực chính trị ngày càng lớn, trong khi cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra trong năm tới (2012). Vì vậy, Tổng thống Mã Anh Cửu quyết định bỏ rơi dự án Kuokuang như một món nợ chính trị. Trong một cuộc họp báo khẩn cấp vào ngày 22/4/2011, Mã thông báo rút lui sự ủng hộ đối với dự án gây tranh cãi này. Việc bác bỏ dự án hóa dầu Kuokuang trị giá 24 tỷ đô-la Mỹ đánh dấu một bước ngoặt trong phong trào bảo vệ môi trường tại Đài Loan. Kể từ nay, có lẽ không còn ai đủ can đảm đề xuất xây dựng một nhà máy NC nữa.

Hình 5: Nhóm bảo vệ môi trường của huyện Vân Lâm tham gia cuộc biểu tình tuần hành ngày 13/11/2010
Hình 5: Nhóm bảo vệ môi trường của huyện Vân Lâm tham gia cuộc biểu tình tuần hành ngày 13/11/2010

Trong sự thay đổi đường lối của Đảng Dân Tiến, có công lao không nhỏ của bà Tô Trị Phần. Ngày 13/11/2010, những nhà hoạt động và các tổ chức bảo vệ môi trường trên toàn quốc đã tổ chức một biểu tình tuần hành tại thủ đô Đài Bắc để phản đối dự án Kuokuang. Cùng với hai nghị sĩ Lưu Kiến Quốc (Liu Chien Kuo 劉建國) và Điền Thu Cận (Tien Chiu-chin 田秋堇), bà Tô Trị Phần đã đích thân dẫn đầu nhóm đại diện cho huyện Vân Lâm tham gia cuộc biểu tình lớn nói trên.[iii]

Hình 6 : Từ trái sang phải: nghị sĩ Lưu Kiến Quốc, nghị sĩ Điền Thu Cận, huyện trưởng  Tô Trị Phần
Hình 6 : Từ trái sang phải: nghị sĩ Lưu Kiến Quốc, nghị sĩ Điền Thu Cận, huyện trưởng  Tô Trị Phần

Hành động tích cực của bà Tô Trị Phần đã dần dần thu phục lòng tin của những nhà hoạt động môi trường và nhân dân địa phương, sau một thời gian bị nghi ngờ vì lập trường “ủng hộ phát triển kinh tế, lơ là mục tiêu bảo vệ môi trường” của Đảng Dân Tiến trong thời kỳ Trần Thủy Biển (2000-2008).

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here