Bài viết sau đây của nhà nghiên cứu Mai Thái Lĩnh, bằng những sự kiện được mô tả chi tiết sẽ cho chúng ta thấy rõ lai lịch và “thành tích” của tập đoàn siêu hạng Formosa trước khi đầu tư vào Việt Nam:
– Formosa đã bị tai tiếng rất nhiều vì tội phạm hủy hoại mội trường.
– Ngay ở Đài Loan đã nổ ra những cuộc phản đối Formosa dữ dội, ngoài việc bắt đền tiền đã khởi kiện và yêu cầu đóng cửa.
– Sự phản đối của dân Đài Loan với tập đoàn Formosa không chỉ đơn thuần về kinh tế và môi trường. Về nguồn gốc Formosa thuộc phái thân Hoa lục độc tài cực đoan, đối lập với đảng Dân Tiến Đài Loan có tính chất thân dân chủ, và bảo vệ môi trường, bảo vệ dân sinh.
– Đọc xong, không thể không bật ra câu hỏi: Các cấp lãnh đạo ở Việt Nam khi chấp nhận cho tập đoàn Formosa lập một khu liên hợp công nghiệp, độc quyền vận hành trong 70 năm, tại một vùng hiểm yếu về an ninh như Vũng Áng, các vị có biết những thông tin này không, có biện pháp cảnh giác gì tương xứng không, hay chỉ nhìn thấy một mối lợi trước mắt nào đó? Hay là… còn gì gì nữa, để đến nay đã thành thảm họa, dễ chừng 50 năm nữa chắc gì đã gột rửa xong?
Hà Sỹ Phu
_____
Ngày 16/6/2016, trong một cuộc họp báo tại Đài Bắc, ba nghị sĩ của Đảng Dân Tiến (hiện đang cầm quyền) đã lên tiếng yêu cầu chính phủ Đài Loan chỉnh đốn hoạt động của các nhà đầu tư ở hải ngoại, vì các cáo buộc cho rằng hàng triệu con cá chết tại Việt Nam là do một nhà máy thép của Tập đoàn Formosa gây ra.
Ba nghị sĩ đó là Tô Trị Phần (Su Chih-fen 蘇治芬)[i], Vưu Mỹ Nữ (Yu Mei-nu 尤美女) và Ngô Côn Dụ (Wu Kun-yu 吳焜裕). =>
Câu hỏi đặt ra là: tại sao các nghị sĩ Đài Loan này lại quan tâm đến các ngư dân Việt Nam? Và tại sao cách đây không lâu, tập đoàn Formosa vẫn hùng hồn tuyên bố chuyện cá chết tại Việt Nam là do “thủy triều đỏ”, không liên quan gì đến nhà máy thép của Formosa Hà Tĩnh, vậy mà từ sau cuộc họp báo đó, Chủ tịch Formosa Hà Tĩnh đã thay đổi thái độ, thừa nhận cá chết là do chính họ?
Hãy thử lý giải hiện tượng này bằng cách tìm hiểu mối liên hệ giữa nhân vật quan trọng nhất trong buổi họp báo (bà Tô Trị Phần) với Tập đoàn Formosa, thông qua một số tài liệu nghiên cứu và tin tức trên báo chí Đài Loan.
Bà Tô Trị Phần là ai?
Bà Tô Trị Phần (Su Chih-fen 蘇治芬) xuất thân từ một gia đình rất nổi tiếng tại Đài Loan, mặc dù ở ngoại quốc người ta ít biết đến. Cha bà là Tô Đông Khải (Su Tung-chi 蘇東啟) – một nhân sĩ nổi tiếng tại huyện Vân Lâm (Yunlin), ở trung-tây đảo Đài Loan. Ông đã từng theo học tại Đại học Meiji (Nhật Bản) và vào đầu thập niên 1960 là nghị viên hội đồng tỉnh Đài Loan. Năm 1960, xảy ra vụ án Lôi Chấn (Lei Chen 雷震). Lôi Chấn nguyên là một trí thức ở đại lục, theo chân quân đội Quốc Dân Đảng (QDĐ) đến Đài Loan sau khi cộng sản chiếm được đại lục. Ông là người sáng lập và phát hành tạp chí Trung Hoa tự do vào năm 1950. Mặc dù là đảng viên QDĐ, cố vấn của Tưởng Giới Thạch, nhưng do lập trường ủng hộ dân chủ của tờ báo, ông đã làm phiền lòng nhà độc tài. Đầu tháng 9 năm 1960, ông bị bắt giam và kết tội phản quốc với bản án 10 năm tù theo lệnh của Tưởng Giới Thạch. Tờ tạp chí cũng bị đóng cửa từ đó.
Một vài trí thức nổi tiếng đã ký kiến nghị yêu cầu chính phủ trả tự do cho Lôi Chấn nhưng không thành công; trong số những người ký kiến nghị có chính trị gia Tô Đông Khải. Một năm sau (1961), hàng trăm nhà hoạt động tại Đài Loan bị bắt, trong đó có ông Tô. Ông bị kết tội âm mưu nổi loạn chống chính quyền và lãnh án tử hình.[ii] Bà vợ của ông là Tô Hồng Nguyệt Kiều (Su Hung Yueh-chiao 蘇洪月嬌) cũng bị bắt, sau đó bị kết án tù chung thân. Mãi đến năm 1976, dưới thời Tưởng Kinh Quốc, sau 15 năm ngồi tù bà Tô Hồng mới được trả tự do. Theo Linda Gail Arrigo, sau khi được ra khỏi tù, bà ứng cử vào hội đồng địa phương và trúng cử. Chính quyền QDĐ tìm cách gây khó dễ, nhưng sau đó không thể loại bỏ bà ra khỏi chức vụ dân cử. [iii] Gia đình họ Tô tại Vân Lâm trở thành một trong những hạt nhân địa phương đầu tiên góp phần quan trọng vào việc hình thành đảng đối lập lớn nhất tại Đài Loan vào năm 1986 – Đảng Dân chủ Tiến bộ, thường gọi tắt là Đảng Dân Tiến (tên trong tiếng Anh là Democratic Progressive Party, viết tắt là DPP).
Khi cha mẹ bị bắt giam, bà Tô Trị Phần mới lên 8 tuổi. Những nỗi đau mà gia đình bà phải gánh chịu đã thúc đẩy bà tham gia vào hoạt động chính trị. Bà bắt đầu nổi tiếng trên chính trường khi trúng cử chức vụ huyện trưởng Huyện Vân Lâm (Yunlin) vào cuối năm 2005. Vào lúc này, Đảng Dân Tiến đã nắm được chức vụ Tổng thống hơn một nhiệm kỳ và bước vào nhiệm kỳ thứ hai. Đảng Dân Tiến bước vào một giai đoạn khó khăn vì tuy nắm được quyền hành pháp nhưng tại Viện Lập pháp, Quốc Dân Đảng nắm đa số ghế. Trong cuộc bầu cử địa phương năm 2005, QDĐ thắng lớn: QDĐ thắng tại 14/23 thành phố và huyện, trong khi Dân Tiến trước đây nắm được 9 thành phố và huyện, nay chỉ còn nắm được 6 địa phương – trong đó có huyện Vân Lâm và huyện Gia Nghĩa (Chiayi). Huyện trưởng tại hai huyện này là bà Tô Trị Phần và ông Trần Minh Văn (Chen Ming-wen 陳明文).
Vụ án tham nhũng của cựu Tổng thống Trần Thủy Biển và gia đình là sự kiện lớn nhất trong giai đoạn này. Ngày 20/5/2008, chỉ một giờ sau khi rời khỏi chức vụ tổng thống (nghĩa là mất quyền miễn tố), ông Trần Thủy Biển lập tức bị bắt giữ và hạn chế quyền đi lại (lấy cớ là có thể bỏ trốn ra nước ngoài) vì bị cáo buộc các tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Vụ án này kéo dài hơn hai năm, đến tận tháng 11 năm 2010, với phán quyết cuối cùng của Tòa án Tối cao: ông Trần Thủy Biển và vợ ông là bà Ngô Thục Trân (Wu Shu-jen 吳淑珍) bị kết án tù (17 năm rưỡi) và phải nộp phạt 154 triệu Đài tệ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Đài Loan, một nguyên thủ quốc gia bị án tù.
Ngày 4/11/2008, lợi dụng vụ án tham nhũng của Trần Thủy Biển đang ở thời kỳ cao điểm, cơ quan công tố đã bắt giữ và thẩm vấn bà Tô Trị Phần – huyện trưởng huyện Vân Lâm, vì cho rằng bà đã nhận hối lộ 5 triệu Đài tệ (tương đương 151 ngàn đô-la Mỹ) để thông qua một dự án xây dựng một hố chôn rác (landfill construction project). Việc bắt giữ này đã gây phẫn nộ trong người dân tại địa phương. Các đảng viên Dân Tiến lên án cơ quan công tố vì cho rằng họ chịu sự chỉ đạo từ phía chính phủ (của QDĐ) để nhân cơ hội này bức hại các đảng viên Dân Tiến – nhất là những người có uy tín tại địa phương như bà Tô Trị Phần (huyện trưởng Vân Lâm) và ông Trần Minh Văn – huyện trưởng huyện Gia Nghĩa.
Các công tố viên đòi kết tội bà Tô bằng một bản án 15 năm tù và 8 năm bị tước quyền công dân (có lẽ để bà không thể nào tiếp tục sự nghiệp chính trị), thế nhưng qua hai lần xét xử, tòa án đã tha bổng bà Tô Trị Phần. Vì cơ quan công tố không chịu bỏ cuộc, tiếp tục kháng cáo nên mãi đến giữa tháng 1 năm 2012, Tòa án Tối cao mới ra phán quyết chung thẩm bác bỏ toàn bộ các cáo buộc của phía công tố, trả lại sự trong sạch cho bà Tô. [iv] Điều an ủi đối với bà Tô là trong kỳ bầu cử địa phương năm 2009, bà tiếp tục trúng cử chức vụ huyện trưởng. Và chính trong nhiệm kỳ thứ hai này, bà huyện trưởng Tô Trị Phần đối đầu với tập đoàn hóa dầu “khổng lồ” Formosa.
Để có thể hiểu rõ hơn về một huyện, cũng cần nói thêm đôi điều về cách phân chia hành chính của Đài Loan. Thời gian đầu Đài Loan được chia thành hai tỉnh Đài Loan và Phúc Kiến, nhưng tỉnh Phúc Kiến chỉ bao gồm hai quần đảo Kim Môn và Mã Tổ, còn lại đều thuộc tỉnh Đài Loan. Từ năm 1967 đến nay, có 6 thành phố lần lượt trở thành thành phố đặc biệt (special municipalities, 直轄市 trực hạt thị) trực thuộc trung ương: Đài Bắc (Taipei), Cao Hùng (Kaohsiung), Tân Đài Bắc (New Taipei), Đài Trung (Taichung), Đài Nam (Tainan) và Đào Viên (Taoyuan). Tỉnh Đài Loan chỉ bao gồm 3 thành phố thuộc tỉnh (provincial cities, 市thị) và 11 huyện (counties, 縣 huyện). Vân Lâm là một huyện, đứng đầu là huyện trưởng (magistrate, có khi gọi là commissioner).