N ghe tin đội ngũ bảo vệ cũng tham gia bảo kê xe cứu thương, dường như ngành y mắc bệnh vô phương cứu chữa, bởi y đức đang thụt lùi ra cổng.
Trên mạng xã hội có vài clip tố bảo vệ bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cấp cứu chở bệnh nhi đang hấp hối. Theo VNN đưa tin, tác giả clip có mặt tại sân bệnh viện, chứng kiến vụ việc và quay được.
Trong clip, mẹ bệnh nhi Trần Công D. (Quỳ Hợp, Nghệ An) khóc lóc, bức xúc với việc bảo vệ không cho xe ra, trong khi bé đã được đưa lên xe và đang được nhân viên y tế bóp bóng.
Khi anh D. hỏi tại sao lại không cho ra thì một người trên xe giải thích: “Bảo vệ nói xe chở bệnh nhân vào được chứ không ra được… ý là cò xe”.
Dù Giám đốc BV Nhi Trung ương đã xin lỗi toàn thể nhân dân, rồi 3 bảo vệ trong trong clip chặn xe cấp cứu đã bị đuổi việc, đại diện bệnh viện cùng công ty bảo vệ AZ đã trực tiếp về Nghệ An để thắp hương và xin lỗi gia đình bệnh nhi Trần Công D., trao cho gia đình bệnh nhi 35 triệu đồng trong tổng số 40 triệu do các nhà hảo tâm tài trợ cho bé trong quá trình nằm viện. 5 triệu đồng còn lại bệnh viện đã dùng để thanh toán viện phí.
Dường như đổ thêm dầu vào lửa, báo Tiền Phong đăng phóng sự “Động trời luật ngầm xe cứu thương”, đó là xe các địa phương đưa bệnh nhân lên tuyến thành phố thì ok, nhưng lúc đưa về địa phương chỉ có các xe do bên bảo vệ “bảo kê”.
Câu chuyện y đức đi xuống tại các bệnh viện như một tiểu thuyết dài nhiều tập không có hồi kết. Vì không sửa lỗi hệ thống nên y đức không chỉ đi xuống bởi các bác sỹ, y tá, nhân viên vô lương tâm mà tới giờ đang lây lan tới bảo vệ.
Kêu gọi sự hướng thiện là chưa đủ. Ngoài chuyện Bộ trưởng Tiến phải chấn chỉnh ngành y từ trên xuống, thì người nhà có bệnh nhân hãy tố cáo bằng smartphone, bằng đủ các phương tiện trong tay, nếu người làm trong ngành y đã vô đạo tới mức không thể chấp nhận.
Nhớ mấy năm trước đi công tác, tôi nhờ bảo vệ gọi một xe taxi từ khách sanh Shangri La nổi tiếng sang trọng ở Bangkok. Khách sạn 5 sao thì bảo vệ và tắc xi phải rất đàng hoàng, tôi nghĩ thế.
Nhưng trên đường ra sân bay, cậu lái tắc xi kể một câu chuyện thương tâm về mẹ ốm, phải mổ nằm trong bệnh viện, đang rất túng bấn. Nghe một hồi thì tôi đoán đây là kiểu moi tiền từ người lương thiện nghe rất quen ở nhiều nơi trên thế giới. Lấy sự đau thương (nhiều khi là giả dối) của cha mẹ để kiếm tiền. Tôi bảo cậu ta cứ lái xe đi vì lo chuyện này không đi tới đâu.
Xe bỗng dừng bên lề đường cao tốc và hắn trở mặt đòi tiền. Tôi có số điện thoại của khách sạn và định gọi luôn, nhờ họ kêu cảnh sát dù biết cảnh sát Bangkok cũng không hơn gì.
Cậu lái xe liền nói “thôi thôi, đừng gọi” và chở tới sân bay, không dám làm gì nữa. Trong xe là hai gia đình có 6 đứa trẻ. Khi trả tiền xong, tôi cho thêm vài chục bạt vì giúp lấy đồ. Cậu lái xe cứ van, đừng nói gì với khách sạn vì có thể anh ta mất việc.
Sau lần đó, tôi viết email rất dài cho giám đốc khách sạn. Ông xin lỗi rất nhiều lần và nói sẽ hành động để thay máu đội lái xe tắc xe và bảo vệ chắc ăn giơ với nhau.
Lần sau tôi đi công tác và được khách sạn nâng cấp cho ở phòng VIP mấy đêm. Như vậy sự phản hồi cũng có tác dụng, ít nhất trong trường hợp của tôi dù không liên quan đến y đức nhưng lại có chuyện bảo kê của bảo vệ và lái xe
Năm ngoái (2014) tôi nói chuyện với hai bác sỹ chuyên ngành về tim và ung thư của hai bệnh viện khác nhau ở hai thời điểm khác nhau. Họ đều tâm tư, còn nhiều bác sỹ, y tá đều “lương y kiêm từ mẫu” nhưng đang mong manh đứng trên bờ vực.
Nếu không thay đổi ngành Y, dư luận mạng XH hội đừng vơ đũa cả nắm, thì số bước vào bùn sẽ ngày một nhiều hơn. Báo chí cần phải công bằng với những người này.
Nghe tin đội ngũ bảo vệ tham gia bảo kê xe cứu thương, ngành chữa bệnh mà mắc tứ chứng nan y, dường như vô phương cứu chữa. Nếu không chung tay vì ngành y thì chuyện y đức đi giật lùi ra cổng như ở bệnh viện Nhi TW chẳng có gì đáng ngạc nhiên.