Sài Gòn (CTM Media)- ‘’TP.HCM: Dự án kẹt vốn, đường kẹt xe’’ là nhận xét của một số tờ báo phát hành tại Việt Nam liên quan đến cuộc hội thảo ‘’Thu hút nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng trong giai đoạn 2016-2021’’ do Sở GTVT TP.HCM và Công ty đầu tư tài chính nhà nước CSVN tổ chức tại Sài Gòn vào ngày 07 Tháng Bảy, 2016.
Trong cuộc hội thảo này Sở Tài chính TP.HCM cho biết theo khảo sát từ năm 2015 đến 2030 TP.HCM cần 1 triệu tỉ đồng (tương đương 44 tỉ USD) đầu tư cơ sở hạ tầng, hiện nay dù đã mở nhiều kênh thu hút vốn ngoài xã hội vào các dự án hạ tầng, nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động nguồn vốn.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du cho rằng trong việc phát triển hạ tầng thì vốn ngân sách vẫn phải làm chủ đạo. Hợp tác công tư không phải chiếc đũa thần và mô hình này dễ gây sự thất vọng trong tâm lý nhà đầu tư. Nhiều nước hi vọng tư nhân hóa phát triển hạ tầng nhưng sau đó lại quay về quốc hữu hóa sau khi thất vọng, bởi hợp tác công tư không hiệu quả.
Phó trưởng khoa tài chính ngân hàng (Đại học Công nghiệp TP.HCM) Tiến Sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh phát biểu rằng từ năm 2011-2020 mỗi năm TP.HCM có 30.000 tỉ đồng để phát triển hạ tầng. Nhưng theo Sở Kế hoạch – đầu tư TP.HCM thì vốn ngân sách chỉ đảm đương được 30% trong số đó.
Bà Linh nói tiếp: Nhiều nhà đầu tư Trung Quốc trúng thầu nhưng năm, bảy năm sau họ mới tìm nhà đầu tư khác liên kết mới triển khai. Ngoài ra, sự cản trở trong việc giải phóng hạ tầng chậm cũng gây cản trở nhà đầu tư tham gia. Hệ thống pháp lý còn thiếu đồng bộ.
Về phần Đại biểu Trần Du Lịch thì cho rằng: TP.HCM phát triển hệ thống cảng nhưng đường vào cảng kẹt cứng, đặc biệt đường vào cảng Cát Lái, từ xa lộ Hà Nội đến đường Đồng Văn Cống vào trưa chủ nhật kẹt xe khủng khiếp! Việc phát triển hạ tầng chậm hơn tốc độ phát triển kinh tế, dân số đang trở thành trở lực lớn của TP.HCM”.
Cũng theo ông Lịch thì sự ách tắc trong việc tìm vốn để phát triển hạ tầng “là vòng kim cô” phải phá vỡ bằng các cơ chế tài chính và thể chế của Nhà nước.