500 triệu USD tuy quá nhỏ để giải quyết thảm hoạ môi trường do Formosa gây ra, mà di hại có thể kéo dài hàng chục năm cho đất nước và con người Việt Nam, nhưng đối với một công ty đang kinh doanh đó là số tiền khổng lồ, khó có thể huy động một lúc để thanh toán một lần.
Ngay cả đối với những tập đoàn hàng đầu thế giới, khả năng tìm nguồn tài chính có sẵn để cung cấp ngay trong thời gian ngắn số tiền 500 triệu USD cũng không phải dễ dàng, nếu không muốn nói là bất khả. Thế nhưng Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu trong tháng 7 phải lập kế hoạch sử dụng số tiền đó, như thể Formosa sắp thanh toán hết một lần trong nay mai.
Ai làm trong ngành tài chính đều biết, cam kết cung cấp tài chính là một chuyện, còn giải ngân lại là chuyện khác. Bao giờ cũng phải có lịch giải ngân cụ thể, trong đó nêu rõ từng giai đoạn giải ngân và khoản chi tương ứng.
Quan trọng hơn, mỗi số tiền giải ngân phải có đối phần tương đương được trao lại từ bên nhận tiền, tức “bánh ít đi, bánh quy lại”. Dù danh nghĩa là “tiền bồi thường”, nhưng xét về khía cạnh pháp lý bản chất số tiền này hoàn toàn không mang tính chất bồi thường như tôi từng phân tích, nên đối với mỗi khoản tiền chi ra, Formosa phải nhận được một cam kết hoặc công việc tương đương từ nhà cầm quyền Việt Nam.
Vậy những cam kết và công việc đổi lại từ phía Chính phủ Việt Nam là gì? Bảo đảm không bao giờ đóng cửa nhà máy chăng, hay những đặc ân nào khác hơn các ưu đãi mà Formosa đang được hưởng? Người dân không thể nào biết rõ chuyện gì đã xảy ra và những thoả thuận nào đã xác lập trên lưng mình, trừ phi Chính phủ phải công bố công khai văn bản thoả thuận đã ký kết với Formosa.
Thật nan giải!