Sự bao che của nhà cầm quyền Việt Nam cho Formosa là quá rõ ràng! Hôm nay, báo vietnamnet đi một bài với tựa đề “Formosa muốn ưu đãi trọn đời, đòi lập đặc khu riêng” đã tiết lộ nhiều ưu đãi “khủng” mà chính quyền đã dành cho Formosa. Nhưng ngay sau đó, bài này đã bị rút xuống!
Qua bài của vietnamnet, câu hỏi được đặt ra là tại sao có thể cấp giấy phép hoạt động 70 năm, tức là cho đến hết năm 2078, mặc dù giấy phép này vi phạm Luật Đầu tư 2005? Giấy phép cấp ngày 12/6/2008 và vào năm 2014 một kết luận của thanh tra Chính phủ đã cho thấy sự vi phạm này. Nhưng sau đó, ông Trần Hồng Hà (lúc đó là thứ trưởng bộ tài nguyên – môi trường) và ông Nguyễn Xuân Phúc (lúc đó là phó thủ tướng) đều đề nghị với ông Nguyễn Tấn Dũng là không nên xét lại và đã bảo lưu thời hạn này. Những khuất tất trong quyết định cấp giấy phép 70 năm cho Formosa không chỉ dính líu đến các quan chức ở Hà Tĩnh, mà trực tiếp dính tới hai ông Trần Hồng Hà và ông Nguyễn Xuân Phúc.
Formosa cũng được hưởng những ưu đãi về thuế mà không có doanh nghiệp nào có được: được miễn tiền thuê đất 15 năm. Đối với khu đất làm khu sinh hoạt, khu nhà ở và khu phúc lợi cho người lao động, Formosa không phải nộp tiền thuê đất trong suốt vòng đời dự án này; được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế và giảm 50% số thuế phải nộp cho 9 năm tiếp theo; hưởng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong suốt thời gian thực hiện dự án, tức 70 năm, trong khi đó thời điểm Formosa được cấp phép năm 2008, thuế suất thuế TNDN là 28%. Ngoài ra, Formosa còn được hưởng nhiều ưu đãi khác về thuế nhập khẩu, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, chi phí quảng cáo, hạ tầng… Đặc biệt, trường hợp pháp luật, chính sách mới được ban hành có các quyền lợi và ưu đãi cao hơn so với quyền lợi và ưu đãi đã được hưởng thì Formosa được hưởng quyền lợi và ưu đãi mới trong thời gian còn lại.
Sau vụ việc mất an ninh trật tự xảy ra tại khu vực dự án Formosa vào tháng 5/2014, Formosa tiếp tục gửi nhiều kiến nghị ưu đãi, trong đó có yêu cầu được thành lập một đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng. Mặc dù nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ đối mặt với những nguy cơ tiềm ẩn nếu phê chuẩn dự thảo đặc khu kinh tế ở Vũng Áng của tập đoàn Formosa, nhưng cho đến nay nhà cầm quyền Việt Nam vẫn hoàn toàn bác bỏ yêu cầu này.
Vào năm 2008, để có được hơn 3.000 ha mặt bằng phục vụ dự án Formosa, hàng chục ngàn gia đình đã bị buộc phải rời bỏ quê cha đất tổ, cộng với sự thiếu minh bạch, o ép trong đền bù giải phóng mặt bằng của chính quyền đã đẩy cuộc sống của nhiều người dân vào cảnh khốn khó cùng cực. Vụ thải độc vào biển tháng 4/2016 của Formosa lại đẩy hàng triệu gia đình ngư dân mất công ăn việc làm, tàn phá môi trường đất nước một cách ghê gớm. Thế mà trong cuộc họp báo ngày 30/6, nhà cầm quyền Việt Nam lại tỏ ra hài lòng với con số 500 triệu đô la tiền bồi thường và không dám lôi thủ phạm Formosa ra trước tòa án để trả lời về tội tàn phá đất nước.
Tai họa của dân tộc Việt Nam không chỉ bắt đầu từ vụ Formosa. Tai họa này đã bắt đầu từ khi đất nước bị cai trị bởi một chế độ đặt quyền lợi của những kẻ cầm quyền lớn hơn quyền lợi của dân tộc. Phản ứng của nhà cầm quyền về vụ Formosa đã và đang lộ rõ bản chất này.