Chuyện đến lúc này mới nói có vẻ như hơi muộn. Nhưng đến thời điểm bây giờ mới có thể nhìn bao quát được trong chừng mực nào đó về vụ hai chiếc máy bay (SU-30 MK2 và CASA – 212) cùng với một người tử nạn và chín người mất tích. Có những câu hỏi đặt ra lúc này: Máy bay của quân đội Việt Nam bị bắn? Hệ thống kĩ thuật của hai chiếc máy bay này có vấn đề? Đâu là hướng điều tra?
Ở câu hỏi thứ nhất, máy bay quân đội Việt Nam bị bắn? Một phần xác của chiếc CASA 212 cho thấy rằng không phải tự nhiên mà nó rơi tan tành từng mảnh, giày nổi trôi, áo phao lênh đênh và vụn vỡ, không tìm thấy người như hiện tại. Nếu bị bắn thì ai bắn? Chắc chắn rằng quân đội Mỹ, Phillipines, Ấn Độ, Brunei, Indonesia không thể bắn. Vì chiếc SU này không nằm trong vùng cấm bay của họ, chiếc CASA 212 cũng không nằm trong vùng cấm bay của họ. Nếu có một vụ bắn, khả năng do quân đội Trung Quốc bắn là rất cao.
Nhưng cũng không loại trừ khả năng máy bay trục trặc kĩ thuật và tự phát nổ. Vấn đề trục trặc kĩ thuật, tự phát nổ có thể do hai nguyên nhân: bị rút ruột trong quá trình bảo trì, những linh kiện tốt đã bị rút đi để bán và thay vào đó là những linh kiện tương đương do một quốc gia không có uy tín hay chuyên môn trong sản xuất những linh kiện này nhưng lại có khả năng làm hàng nhái?! Và cũng không loại trừ khả năng thứ hai là đã có gián điệp cài cắm trong các khu quân sự Việt Nam, đặc biệt là trong các đội bảo trì quân khí cụ của quân đội Việt Nam. Bởi hiện tại, những quyết định mờ ám của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam dành cho người Trung Quốc cũng như tính ngang ngược của họ trước toàn thể quốc dân Việt Nam cũng cho thấy có một vấn đề gì đó hết sức không bình thường trong quan hệ Việt – Trung.
Và nếu như không có gián điệp Trung Quốc cài cắm trong bộ phận bảo trì cũng như quân đội Việt Nam thì ngay cả thói quen rút ruột công trình, rút ruột linh kiện khí tài, tham nhũng và gian lận trong tài chính của giới quan chức quân đội cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệ rạc của hệ thống khí tài Việt Nam mặc dù nó được mua với giá hàng triệu, hàng tỉ đô la nhưng công năng của nó có khi chỉ là một con số rất nhỏ bởi nó đã bị rút ruột, tráo đổi quá nhiều trong quá trình nhập cảng và bảo trì. Khả năng này cũng không thấp bởi thứ văn hóa rút ruột vô tội vạ của hầu hết quan chức từ quân đội đến công an cũng như hành chính, giáo dục, y tế… tại Việt Nam hiện nay.
Ngay cả khẩu phần ăn của bộ đội cũng bị rút ruột đến mức đáng sợ. Tiêu chuẩn mỗi ngày ăn của người lính bộ đội hiện nay có chỉ số trung bình là 84 ngàn đồng, bên cạnh đó có thêm phần tự sản xuất để tăng cường dinh dưỡng trong các đơn vị. Tuy nhiên, hầu hết các bộ đội đã giải ngũ đều có kinh nghiệm đau lòng về chuyện chén cơm trong quân đội. Những chuyện kể của họ luôn mang nỗi ám ảnh của đói và thèm ăn, nợ nần căng tin, đến khi ra quân thì khoản tiền nhà nước trả lương bộ đội suốt ba năm trời không đủ trả nợ, phải xin thêm tiền gia đình. Và hầu hết các chuyện kể đều cho thấy bữa cơm của bộ đội Việt Nam hiện nay vẫn chưa thoát khỏi “canh toàn quốc và nước mắm đại dương”. Nghĩa là không có gì trong bữa ăn ngoài một bát canh lỏng, lèo tèo vài cọng rau và một bát cá thừa nước thiếu cái.
Đáng sợ nhất là chuyện của một cậu lính phòng không, đang tại ngũ kể cho tôi nghe “ngày 30 tháng Tư năm nay, nghe nói đơn vị cháu được cho 10 triệu đồng để ăn lễ, cả đơn vị gần hai trăm bốn chục lính và chỉ huy, tính ra mỗi đứa cũng được hơn trăm ngàn đồng, nghe mừng lắm. Vì nếu mang tiền đó đi mua lợn về mổ thịt và nhà lính tự nấu ăn thì chơi vô tư. Thế mà các chỉ huy cho mua hai chục con vịt xiêm về làm thịt, đánh tiết canh. Mấy phần nạc dành cho cấp trên, tụi cháu chỉ được ăn xương xẩu, đầu cánh cổ, cháo và một ít tiết canh… Biết là mình bị ăn chặn rồi đó nhưng không dám nói!”.
Thử hỏi, với cái đà ăn chặn một cách lộ liễu và trơ trẽn như các cấp chỉ huy quân đội Việt Nam hiện tại, với đà tham nhũng và rút ruột như hiện tại thì sức mạnh quân đội Việt Nam liệu có còn? Hơn nữa liệu người lính bộ đội có còn đủ dũng khí, sức mạnh để mà chiến đấu? Một quân đội mà lính tráng thì gầy nhom, thiếu ăn, chỉ huy thì bụng mỡ, bước đi núc ních như mang theo hủ hèm như vậy thì sức mạnh nằm ở đâu?
Đó là chưa muốn nói đến hệ thống khí tài Việt Nam là một thuộc hệ kĩ thuật Liên Xô và xã hội chủ nghĩa. Nó vẫn còn khá lạc hậu và lạc điệu so vối hệ thống khí tài của Mỹ. Nếu bây giờ Việt Nam mua một hệ thống khí tài hiện đại từ Mỹ, phải tốn ít nhất cũng ba đến năm năm mà làm quen, tập dượt và bảo trì. Trong tình hình hiện tại, khi mà kẻ thù lăm le bờ cõi, thời gian từ ba đến năm năm là khoản thời gian đủ dài để kẻ thù xâm chiếm, án cứ và cát cứ. Cơ hội đánh bại kẻ thù là không có.
Và có một câu hỏi nữa: Tại sao đường bay Hà Nội – Sài Gòn phải đổi tuyến, không bay ra biển Đông kể từ khi hai máy bay của quân đội bị mất tích? Phải chăng quân đội Trung Quốc đã chính thức cát cứ vùng trời Việt Nam và bay trong đất liền là thái độ lựa chọn của kẻ thua cuộc, mà cũng có thể là kẻ đã chấp nhận kết quả mua bán của mình?
Nếu thật sự có được một cuộc điều tra về vụ rơi và mất tích hai chiếc máy bay của quân đội trong tuần qua trên biển Đông, ngay trong vùng biển Việt Nam, thì việc điều tra này phải được tiến hành trên diện rộng, từ vấn nạn tham nhũng, hối lộ của giới chóp bu Cộng sản cho đến các chỉ huy cấp cao của quân đội và các nhân viên bảo trì máy bay. Bên cạnh đó, cũng cần kiểm tra cả lịch trình và giờ bay thực của các phi công quân đội. Bởi riêng chuyện của phi công Khải, với 3000 giờ bay, kinh nghiệm thuộc vào hàng sư sãi nhưng lại bị chết trong tình trạng dù quấn lấy người là chuyện hết sức bất thường! Bởi cái chết đã phạm vào những lỗi rất cơ bản của một phi công theo phân tích của giới chuyên môn.
Và thực sự, cái chết cũng như sự mất tích của mười người trong không quân Việt Nam trong tuần qua cũng cho thấy sự yếu kém không thể tha thứ được của không quân Việt Nam cũng như quân đội Việt Nam. Đó là chưa muốn nói đến một câu hỏi khác: Vì sao Việt Nam từ chối Mỹ giúp đỡ tìm kiếm các máy bay mất tích? Vì sao trước đó họ cũng từ chối Mỹ giúp đỡ điều tra vụ cá chết ở bờ biển miền Trung?
Trong khi đó, họ lại rước vào biển Việt Nam 4 tàu hải quân, hai tàu tìm kiếm cứu nạn và hai tàu hải cảnh của Trung Quốc cùng với hai máy bay quân sự? Nguyễn Chí Vịnh thì tuyên bố “mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc không có gì thay đổi, vẫn tin tưởng nhau, vẫn anh em…”. Rõ ràng, sau vụ cá chết và máy bay tử nạn, có vẻ như những gương mặt bán nước dần lộ diện và họ cũng tự phơi bày bản chất của họ một cách thách thức, trơ tráo, coi thường nhân dân, thậm chí là xem nhân dân như một bầy cừu trong đòn roi bạo lực của họ! Thật là đáng buồn!