N ếu tổ chức hoặc cá nhân nào đó của Việt Nam đưa ra đề xuất không được ngược đãi đối với gia súc, ngay lập tức sẽ bị quy cho là tâm thần.Thậm chí nếu tụ tập kèm theo biểu ngữ, nhằm đưa ra đề xuất nói trên, khó tránh khỏi bị bắt bớ cùng với nhiều hệ lụy rắc rối.
Nhưng đây không phải đề xuất, mà là quy định, mang tính pháp lý của một quốc gia thuộc nhóm các nước phát triển. Thế mới biết, để trở thành một nước phát triển, không chỉ gục cổ hùng hục làm để căng túi tiền mà còn phải đứng trên đỉnh cao của nền văn minh nhân loại.
Úc là quốc gia xuất khẩu gia súc cho Việt Nam, chủ yếu là bò. Bò nhập khẩu từ Úc không phải để chăn nuôi, mà là giết mổ, bán thịt cho thực khách sành ăn và thu nhập cao.
Theo quy định của Úc, kể cả sau khi nhập khẩu vào Việt Nam, tuyệt đối cấm, không được ngược đãi gia súc. Khi giết mổ, cướp đi sự sống của gia súc, cũng không được sử dụng hành vi man rợ.
Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng quy định của Úc. Sau khi nhập khẩu, bò của Úc được giết mổ theo kiểu truyền thống Việt Nam. Dùng búa tạ giáng liên tiếp vào đầu, đến lúc bò quỵ xuống và tắt thở lúc đó mới dừng tay.
Bò chết theo cách giết mổ của Việt Nam. Người giết bò trở thành kẻ sát sinh man rợ. Úc không cho phép giết bò nhập khẩu của họ theo kiểu man rợ của Việt Nam.
Chính phủ Úc ra lệnh ngừng nhập khẩu bò cho Việt Nam, sau khi biết bò xuất xứ từ Úc bị giết mổ theo kiểu hành hạ như thời trung cổ. Úc yêu cầu, muốn nhập khẩu bò từ Úc, Việt Nam phải loại bỏ cách giết mổ man rợ.
Bò thịt đương nhiên phải giết mổ, nhưng theo quy định của Úc, giết mổ gia súc cũng phải có văn hóa, văn minh.
Úc đứng ở đỉnh cao văn minh nhân loại. Nhân quyền là một trong những nhân tố hàng đầu tạo ra vị thế và danh tiếng cho quốc gia này. Ở đây sự văn minh còn thể hiện đối với cả “gia súc quyền”.
Nhiều người Việt Nam, nhất là con cháu giới lãnh đạo, lũ lượt kéo nhau sang học ở Úc. Học văn hóa. Học kỹ thuật. Thứ đó có thêm là rất cần.
Có một thứ quan trọng hơn, ai cũng có thể học, nhất là giới lãnh đạo, là học cách tạo ra nhân quyền kiểu Úc.
Nhân quyền là “ngôn ngữ” đặc biệt của hội nhập quốc tế, của cộng đồng thế giới.
Thăm viếng, đón tiếp dày đặc. Ký kết triền miên. Nhưng nhân quyền khác nhau thì chưa thể nói thật làm thật với nhau.
Nhìn cách hành xử với người dân bản địa, đối tác nước ngoài nhận ra họ cũng sẽ bị đối xử như thế nào.