Cộng đồng người Hoa có mặt ở Việt Nam từ lâu đời. Cuộc sống của họ hiện nay ra sao? Trong bối cảnh người Việt phản đối hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, giới trẻ người Hoa suy nghĩ gì về vấn đề này?
Đóng góp lớn về kinh tế
Cộng đồng người Việt gốc Hoa là một trong 54 dân tộc của Việt Nam. Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2009, người Hoa ở Việt Nam có dân khoảng 800 ngàn người, đa số tập trung tại các tỉnh phía Nam, đông nhất là ở Sài gòn với hơn 400.000 người.
Đánh giá về cộng đồng người gốc Hoa, ông Tuyến, một cư dân ở Quận 8 cho biết, hiện tại cộng đồng người Hoa ở Sài gòn có những đóng góp rất lớn về mặt kinh tế cho thành phố được coi là đầu tàu kinh tế của Việt Nam. Ông nhận xét:
“Người Hoa là những người thân thiện và rất chịu khó, họ luôn nhận được những tình cảm của những người xung quanh, họ có đóng góp một vai trò lớn trong cuộc sống ở thành phố. Tôi nghĩ họ là người Việt Nam gốc Hoa, họ gắn bó với đất nước Việt Nam này vì thế người Việt bây giờ không còn nhìn người Hoa kiểu kỳ thị, không có sự phân biệt.”
Anh Lầu Nhật Phong một người gốc Hoa ở Quận 11 cho chúng tôi biết, dù rằng định cư ở Việt Nam đã qua nhiều đời, song cộng đồng người Hoa vẫn giữ được các phong tục tập quán truyền thống. Người Hoa có điểm hạn chế là không khuyến khích cho con cái học hành, dù rằng họ có đủ các quyền lợi như người Việt. Anh nói với chúng tôi:
“Người Hoa thường là tự kinh doanh. Mức sống của họ một số người thì tốt, nhưng nhiều gia đình cuộc sống cũng chưa ok vì người Hoa không chú ý đến vấn đề học hành. Theo như tôi để ý thì con em người Hoa học đến Đại học là rất ít, các gia đình người Hoa khác họ cho con em đi làm từ sớm theo các ngành nghề của gia đình. Theo tôi đó là điều bất lợi.”
Theo anh Vĩ Lực, một người gốc Hoa ở Quận 6 cho biết, cuộc sống của người Hoa hiện nay ổn định. Trước đây người Hoa được đối xử công bằng như những người Việt khác và người Việt cũng quý mến chúng tôi. Tuy nhiên từ sau sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan vào Biển Đông tháng 5/2014 thì người Hoa cảm thấy tự ti. Anh thổ lộ:
“Ông bà tôi là người Trung Quốc, họ di cư đến Việt Nam và được người Việt Nam cưu mang, che chở. Cá nhân tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, được ăn lúa gạo và uống nước của Việt Nam. Bạn bè của tôi bây giờ đa số là người Việt. Vì thế tôi không cảm thấy có sự phân biệt giữa người Việt, người Hoa mà luôn luôn nghĩ mình là người Việt Nam.”
Nói về các sinh hoạt cộng đồng và tôn giáo, anh Lầu Nhật Phong cho biết, theo anh thấy người Hoa hiện nay không có các hoạt động hội nhóm công khai như trước năm 1975, điều mà anh từng thấy trên sách báo. Việc giúp đỡ, hỗ trợ trong cộng đồng người Hoa theo anh không có gì đặc biệt. Anh tiếp lời:
“Về vấn đề tôn giáo thì người Hoa cũng theo đạo Phật và họ cũng đi chùa chiền như những người Việt. Họ cũng có một số chùa do người Hoa lập ra và có các tín ngưỡng riêng này nọ những cái này có khác hơn, nếu so với người Việt. Sinh hoạt tôn giáo của họ không bị chính quyền cản trở, vì họ cũng chỉ đến Chùa thắp nhang rồi về thôi.”
Anh Vĩ Lực thấy rằng, do ảnh hưởng của mạng internet nên giới trẻ người gốc Hoa rất quan tâm đến hiện tình của đất nước. Theo anh vấn đề chính trị đã và đang thu hút sự quan tâm của giới trẻ. Anh tiếp lời:
“Đợt vừa rồi tôi có tiến hành khảo sát một số anh chị em bạn bè thì rút ra rằng, đại đa số những bạn trẻ trong cộng đồng người Hoa ở Việt Nam họ đều coi họ là những người Việt thực thụ. Họ rất quan tâm về chính trị và họ muốn tham gia hoạt động chính trị vì một đất nước này ổn định và thịnh vượng hơn.”
Tình yêu quê hương Việt Nam
Dưới nhan đề “Người Việt gốc Hoa: Chính quyền Trung Quốc làm chúng tôi bị tổn thương”, báo Dân trí dẫn lời của ônh Lý Gia Kiên ở chung cư Nguyễn Trãi, Phường 8, Quận 5 cho biết, sáng ngày 15/05/2014 sau khi Trung Quốc đưa gián khoan HD – 981 vào Biển Đông, khi ra đường, mẹ anh đã dặn ra đường phải nói tiếng Việt, không được nói tiếng Hoa vì sợ có người ghét những gì liên quan đến Trung Quốc mà gây gổ với anh.
Theo anh Lầu Nhật Phong cho, việc thời gian gần đây có một số người Việt không ưa và nghĩ không đúng về người gốc Hoa là có thật. Anh khẳng định:
“Chúng tôi có tín ngưỡng riêng, có ngôn ngữ mẹ đẻ. Ở nhà chúng tôi nói với nhau bằng tiếng Hoa là nhiều, khi ra đường gặp bạn bè thì chúng tôi nói tiếng Việt, thậm chí bạn bè người Hoa thì chúng tôi cũng nói chuyện bằng tiếng Hoa. Tôi biết phần lớn người Việt Nam không có thiện cảm với 2 chữ Trung quốc, tôi hoàn toàn hiểu điều đó nhưng tôi không tán thành việc kỳ thị hay phân biệt chủng tộc.”
Khi được hỏi suy nghĩ về trách nhiệm của cá nhân giới trẻ người gốc Hoa đối với đất nước, trong tình huống nếu có xung đột trên Biển Đông?
Anh Vĩ Lực thấy rằng, người gốc Hoa cũng là người Việt cũng phải có trách nhiệm với đất nước theo nghĩa vụ của một công dân. Anh nói với chúng tôi:
“Nhà ở đây mới là nhà của mình, người Việt Nam là đồng bào của tôi. Tôi sinh ra ở Việt Nam nên nếu anh hỏi tôi thì tôi sẽ nói: tôi là người Việt. Nếu như bây giờ có điều gì xảy ra đối với hòa bình của Việt Nam thì tôi không chấp nhận những cái đó và luôn sẵn sàng bảo vệ Việt Nam.”
Anh Lầu Nhật Phong khẳng định:
“Theo tôi nghĩ mình đang sống trên đất Việt, đất nước Trung Hoa chẳng nuôi nấng gì mình hai mươi mấy năm trời. Mình hoàn toàn sống ở Việt Nam, mình có bạn Việt Nam. Do đó nếu một khi Trung Quốc xâm phạm đến Việt Nam thì chắc chắm mình sẽ bị ảnh hưởng, chứ mình sẽ không có lợi. Mình đang sống ở đất nước Việt Nam thì mình phải có trách nhiệm bảo vệ lợi ích đó. Nếu như Trung Quốc xâm phạm thì chắc chắn người Hoa chúng tôi khi ấy cũng sẽ cầm súng, tôi nghĩ như vậy.”
Nói về các nguyện ước của lớp trẻ người gốc Hoa, anh Vĩ Lực bày tỏ:
“Đối với cá nhân tôi là một người Hoa ở Việt Nam nhưng tôi không nghĩ mình là một người TQ. Tôi có mong muốn cống hiến sức trẻ của mình cho đất nước Việt Nam cường thịnh hơn.”
Tác giả Mân Việt, một người Việt gốc Hoa đang sống tại TP.HCM viết trên báo Thanh niên, chúng tôi sinh ra, lớn lên, được nuôi dưỡng, trưởng thành và thành đạt trên mảnh đất Việt Nam này, chúng tôi cũng mang tình yêu quê hương nồng nàn như bao người Việt Nam khác. Chúng tôi chỉ có một quê hương là Việt Nam, nơi chúng tôi đã sinh ra và trưởng thành, cùng ăn chung một loại gạo, cùng uống chung một nguồn nước, cùng đi chung con đường, cùng chia sẻ vinh nhục, buồn vui với 53 dân tộc khác trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.