T rung Quốc đang ở trong tình trạng bất ổn toàn diện. Về chính trị, cuộc tiến công của phe Tập Cận Bình vào thành lũy cuối cùng của phe Giang Trạch Dân – Tăng Khánh Hồng, phe được Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị đương nhiệm Lưu Vân Sơn bí mật tiếp sức, vẫn lần lữa vì không nắm chắc phần thắng.
Kinh tế bế tắc lớn, dự trữ ngoại tệ mỗi tháng hao hụt đến 300 tỷ đôla, kho sắt thép ế ẩm không xuất khẩu nổi lên đến hàng chục triệu tấn. Giá cả đắt đỏ, thất nghiệp gia tăng nhanh.
Tình hình Hồng Kông không mấy dễ chịu khi ký ức u uất trong lòng dân về vụ tàn sát Thiên An Môn vẫn không giảm với thời gian, lại trùng với một năm kỷ niệm cuộc Biểu tình ô dù đầy khí thế. Tình hình Đài Loan còn tệ hơn với phong trào đòi tự trị và độc lập âm ỉ có thể bột phát, giới lãnh đạo mới không ai nhắc đến thỏa thuận ‘’ Một quốc gia- hai chế độ’’, do Bắc Kinh dựng lên.
Về đối ngoại, Bắc Kinh bối rối không kém. Mặc dầu đã phô diễn nền ngoại giao “nụ cười’’ mọi khu vực, chính sách tăng cường xây dựng căn cứ quân sự vùng Biển Đông được coi như trọng điểm bành trướng xuống phương Nam đang có nguy cơ bị phá sản, và bị phá sản to.
Đó là vì Hoa Kỳ và phương Tây đã dần dần nhận rõ nguy cơ bành trướng này và có quyết tâm ngăn chặn có hiệu quả. Hoa Kỳ đã củng cố các mối Liên minh toàn diện với Nhật Bản, Philippin, Ấn Độ, đang tranh thủ thêm Malaysia và Indonesia cùng Viet Nam thành đối tác hợp tác toàn diện, đồng thời xoay trục hẳn sang vùng châu Á – Thái Bình Dương , tổ chức các cuộc tuần tra quân sự chung của hải quân Hoa Kỳ với hải quân Nhật bản, Ấn độ và Philippin vào mọi vùng biển quốc tế trong khu vực biển Đông, không loại trừ một vùng nào. Hải cảng Cam Ranh, căn cứ hải quân quan trọng, lợi hại nhất trong vùng, mở rộng cửa đón các tàu quân sự các nước bạn và khách hàng vào nghỉ ngơi, bảo dưỡng, tiếp liệu, huấn luyện, diễn tập.
Trung Quốc đang cố che giấu dã tâm bành trướng, ra vẻ cùng các nước xây dựng một thế giới hòa bình, bình đẳng, phát triển, tỏ ra là ‘’một cường quốc có trách nhiệm’’ trên trường quốc tế. Thế nhưng dã tâm đó đã bị phơi trần, lên án ở nhiều nơi, trong bất cứ hội nghị quốc tế nào.
Mới ngày 31/5 vừa qua ở Ottawa, Canada, trong chuyến thăm Canada, ngoại trưởng TQ Vương Nghị, trong một cuộc họp báo chung với ngoại trưởng Canada
Stephane Dion, đã phạm một lỗi lầm ngoại giao khá nghiêm trọng . Đó là khi một nữ ký giả Canada chất vấn ngoại trưởng Canada về việc trong cuộc hội đàm ông có đề cập với phía TQ về trường hợp các nhà buôn sách báo ở Hồng kông bị bắt cóc,
về vụ hai vợ chồng nhà báo Canada Kevin và Julia Garratt bị bắt giữ, cũng như vụ TQ xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông, và những vi phạm nhân quyền hay không.
Lẽ ra phải để ngoại trưởng Canada trả lời trước thì ngoại trưởng TQ Vương Nghị nổi đóa ‘’ xông ra ‘’, mất bình tĩnh mắng mỏ cô nhà báo Canada rằng: ‘’ Cô không được kiêu ngạo, định kiến , cô có hiểu TQ không? cô đã đến TQ chưa? Đa số người dân TQ hiểu, cô không hiểu gì cả! ‘’.
Cả cuộc họp báo phản ứng, có người đòi Vương Nghị phải xin lỗi cô nhà báo về thái độ thô lỗ cực kỳ xấu trong quan hệ đối ngoại, lẽ ra để cho chủ nhà trả lời rồi ông ta có thể góp ý thêm. Rõ ràng hai vấn đề Nhân quyền và Biển Đông là hai gót chân A sin của TQ, Vương Nghị rất lo sợ bị phơi bày hai điều yếu kém xấu xa ấy ra ánh sáng.
Cũng đúng ngày 31/5 ở Singapore, trong cuộc họp quốc tế về an ninh Sangri-La, Đô đốc Tôn Kiến Quốc phó Tổng tham mưu trưởng quân đội TQ cũng ở trong tình trạng bị động khi bị lên án tới tấp về xây dựng các căn cứ quân sự ở Biển Đông.
Các nhà ngoại giao và quân sự TQ còn lo sợ vì tháng 6 này Tòa án trong tài quốc tế sẽ kết luận về vụ Philippin kiện TQ trong khu vực Biển Đông, TQ sẽ bị mất mặt trên trường quốc tế, làm cho Tập Cận Bình rất lo âu vì luôn lo giữ uy tín hão, danh dự của một cường quốc đang lên. Philippin đã đệ trình hơn 7 ngàn trang tư liệu và bản đồ chứng minh chủ quyền của mình, chủ yếu là bác bỏ 9 đoạn lãnh hải do TQ nhận xằng là của mình. Họ còn rất sợ là sau Philipin đến Việt Nam, Malaysia … cũng đưa đơn kiện TQ. Tôn Kiến Quốc rất cay lại rất lo khi bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter tuyên bố : ‘’các căn cứ quân sự TQ ở Biển Đông chỉ là Vạn Lý Trường thành của sự cô lập ‘’. Các nhà ngoại giao và quân sự Bắc Kinh rất tức giận.
Giới quân sự TQ rất hiểu rằng tình hình quân sự của họ ở biển Đông là tiến lui đều khó.
Họ đe dọa sẽ lập ra ‘’khu nhận dạng phòng không’’ để khẳng định chủ quyền trên biển và trên không, nhưng Hoa Kỳ, các nước đồng minh của Hoa Kỳ và nhiều nước ASEAN đã tuyên bố trước là ‘’khu nhận dạng phòng không tại các không phận quốc tế là vô giá trị’’. Cảnh báo trước và thách thức kịp thời.
Đối với Việt Nam, nhân dân ta hiểu rõ và cảm nhận sâu sắc là kết bạn thân thiết với Hoa Kỳ và các nước dân chủ là xu hướng tất yếu, sáng suốt, nhìn xa thấy rộng của toàn dân ta. Thái độ toàn dân ta thân mật, tin cậy đối với TT B. Obama là rõ ràng, sâu sắc, đầy đủ, nói lên sự trưởng thành chính trị của dân chúng. Lãnh đạo có cảm nhận rõ và đồng tình sớm sủa và sâu sắc hay không? Lòng dân là thế, ý đảng rõ rệt ra sao?
Đúng vào lúc này, hãng thăm dò dư luận quốc tế PEW cho ra con số thống kê mới, cho biết hiện có 76 % dân VN muốn kết thân với Hoa Kỳ, trong khi đó 51% dân Đức, 23% dân Nga và chỉ có 10% dân Ai Cập muốn làm bạn hay liên minh với Hoa Kỳ. Bộ chính trị có thấu hiểu điều đó hay không. Và giá trị cao quý nhất mà Hoa Kỳ tiêu biểu chính là Dân chủ pháp trị, Tự do và Nhân quyền, không có điều gì khác.
Hãng Pew còn cho biết rõ theo điều tra ở 38 quốc gia, số nước không ưa thích Trung Quốc có tỷ lệ là : Nhật bản 89 %, Tây Ban Nha 85 %, Ý 83 %, Anh 82 %, Israel 79 %, Hàn quốc 79 %, Úc 79 %, Hoa Kỳ 60 %, Pháp 53 % ( theo Google và Reuters).
Lòng dân ở các lục địa không khác nhau là mấy. Rõ ràng dân các nước rất ít muốn kết thân với TQ, trong khi tỷ lệ muốn kết thân với Hoa Kỳ ngày càng cao thêm.
Đó chính là trình độ dân trí, chân thực, chuẩn xác, không thể coi thường được.