Tòa án có thể ra phán quyết về những tuyên bố chủ quyền mơ hồ của Trung Quốc trên Biển Đông. Bắc Kinh và các quốc gia khác phản ứng ra sao thì chưa rõ ràng.
Tòa trọng tài bao gồm năm chuyên gia không thiên vị đang xem xét đơn của Phi Luật Tân kiện Trung Quốc theo Công Ước LQH về Luật Biển sẽ sắp sửa ra phán quyết tối hậu. Mặc dầu tòa sẽ không lấy quyết định gì về chủ quyền thuộc về ai, hay định ra ranh giới lãnh hải, tòa có thể sẽ xác định bản đồ chín gạch của Trung Quốc có cơ sở pháp lý hay không khi tuyên nhận chủ quyền nhặp nhằng hơn 85% của Biển Đông và các đảo trong vùng tranh chấp có được hưởng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý hay không.
Nếu theo lời đã hứa, Bắc Kinh mà bác bỏ kết quả của tòa thì họ sẽ gây thiệt hại cho hệ thống UNCLOS mà chính họ đã phê chuẩn và đóng vai trò quan trọng trong việc thương thuyết. Điều đó đồng thời gây thiệt hại cho chính lợi ích của Bắc Kinh vì làm nổi bật hình ảnh bất tuân luật lệ khi họ bành trướng lãnh thổ trong vùng tranh chấp và các hành động hung hăng trên biển. Vẫn còn hy vọng là Bắc Kinh thay đổi nhưng sẽ đòi hỏi sự tái cam kết vào các nguyên tắc của UNCLOS từ các quốc gia liên hệ tại Châu Á và từ Hoa Kỳ. Ngoài ra còn cần thêm áp lực từ các quốc gia lớn, như lần nhóm G-7 ra tuyên bố mạnh mẽ vào ngày 11 tháng Tư để hậu thuẫn Tòa trọng tài.
Vào tháng Giêng 2013, việc Phi Luật Tân đệ đơn kiện Trung Quốc đã đem hệ thống giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vào vụ tranh chấp trên biển của Bắc Kinh. Trung Quốc nhấn mạnh là tòa trọng tài UNCLOS không có thẩm quyền, nhưng lại từ chối không đệ nạp thư phản đối cho tòa. Vào tháng Mười 2015, tòa phán rằng họ có thẩm quyền trên một số vấn đề và tạm thời gác việc xác định thẩm quyền qua một bên cho đến khi xem xét xong đơn kiện của Phi Luật Tân. Phán quyết về đơn kiện của Phi đã sắp sửa có.
Nhưng đây là vấn đề vượt trội về chính trị chứ không hẳn là luật pháp. Sự chống đối của Bắc Kinh phản ảnh thế thượng phong hiện thời của thành phần tự ái dân tộc trong quân đội và chính quyền so với giới chuyên gia về luật quốc tế trong và ngoài chính quyền. Giới chuyên gia này thì nghĩ rằng Trung Quốc nên đem thách đố về thẩm quyền của tòa và đơn kiện của Phi ra trước tòa mà thử, bất kể Trung Quốc có phải tuân thủ hay không về mặt pháp lý. Nhưng dưới bàn tay sắt của Tập Cận Bình thì không có chuyên gia luật quốc tế hay ngoại giao nào trong chính quyền dám đi ngược lại chính sách đang thịnh hành, mặc dầu tranh luận trong giới hàn lâm vì được phép tiếp diễn.
Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao với phán quyết sắp tới của tòa? Im lặng lờ đi dường như không phải là chọn lựa có thể làm. Có người dự phóng là một phán quyết rất bất lợi có thể làm Trung Quốc phản đối kịch liệt bằng cách rút khỏi hệ thống UNCLOS, theo quy định là sau khi thông báo trước một năm. Nhưng từ bỏ hiệp ước này không xảy ra kịp lúc để Trung Quốc thoát nợ không tuân thủ phán quyết của tòa. Và cách phản ứng quá đáng đó đối với một phán quyết của cộng đồng quốc tế chỉ gây thiệt hại lâu dài hơn cho uy tín của Trung Quốc. Ngoài ra Trung Quốc còn mất đi các cơ hội trong tương lai để tác động vào việc phát triển UNCLOS khi có liên quan đến những vấn đề quan trọng đối với Bắc Kinh.
Nhiều phần là Bắc Kinh sẽ tiếp tục gièm pha phán quyết qua các tuyên bố chính thức và không chính thức, đặt vấn đề hiệu lực của nó về mặt thẩm quyền và giá trị. Ngoài ra, mặc dầu Bắc Kinh chọn không tham dự vào tiến trình tổ chức xét xử, họ đã tìm cách gieo rắc nghi ngờ tiến trình này, ngay cả tấn công vào sự độc lập và không thiên vị của các chuyên gia xét xử. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc gần đầy lên án vụ xét xử là “một khiêu khích chính trị dưới danh nghĩa pháp luật”. Dĩ nhiên là những nỗ lực này chỉ làm thiệt hại thêm cho cái gọi là quyền lực mềm của Trung Quốc.
Nhưng tình thế chưa phải là hết hy vọng. Kinh nghiệm cho thấy là chính sách ngoại giao và lập trường pháp lý của Trung Quốc không phải là đinh đóng cột. Nỗ lực mạnh mẽ của các quốc gia đang tranh chấp với Trung Quốc dùng ngoại giao và các định chế quốc tế để giải quyết có thể cuối cùng cho thấy hữu hiệu. Nếu tất cả các quốc gia liên hệ trong vùng Đông Hải và Biển Đông đem việc tranh chấp với Trung Quốc ra cho các định chế pháp lý quốc tế xét xử – hơn là chỉ dựa vào các cuộc thương thuyết song phương bất bình đẳng, kéo dài không kết quả, hoặc dựa vào động thái quân sự của Hoa Kỳ – thì hy vọng sẽ có bước ngoặt.
Điều ngạc nhiên là Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ, thường được xem là một lãnh tụ theo chủ nghĩa quốc gia, lại là một thí dụ khích lệ về cách hành xử của nước lớn trước một kết quả không như ý trong vụ xét xử của UNCLOS với một quốc gia láng giềng yếu hơn. Mặc dầu việc tranh chấp chủ quyền trong vịnh Bengal với Bangladesh không được xác nhận, Thủ tướng Modi vẫn bình tĩnh chấp nhận phán quyết của tòa hồi tháng Bảy năm 2014 hơn là xách động quần chúng để phản đối sự thiên vị của nước ngoài. Thủ tướng Modi nhấn mạnh là phán quyết của Tòa trọng tài đã thiết lập nền tảng cho sự hợp tác tương lai.
Các quốc gia tại Biển Đông nên theo gương Phi Luật Tân và đem các tranh chấp ra Tòa trọng tài, không những kiện Trung Quốc mà còn kiện lẫn nhau, nếu xét thấy cần thiết, để ngỏ hầu kích lên các cuộc đàm phán có kết quả. Sau khi hăm he nhiều lần sẽ thưa Trung Quốc ra tòa, Việt Nam quyết định chờ kết quả vụ kiện của Phi Luật Tân là hướng an toàn nhất, mặc dầu họ có bày tỏ sự hậu thuẫn cho Phi đối với Tòa trọng tài. Một số sự việc gần đây gợi cho thấy có thể Mã Lai và ngay cả Indonesia có thể dùng đến Tòa trọng tài nếu các hành động khiêu khích của Trung Quốc vẫn tiếp diễn.
Chọn lựa của Nhật Bản là điểm lý thú nhất để suy ngẫm. Nếu phán quyết vụ Phi không làm mất hiệu lực bản đồ “chín gạch” của Trung Quốc, thì Nhật Bản, là thành viên của UNCLOS, hậu thuẫn quyền tự do hải hành, cũng có thể kiện Trung Quốc ra tòa mặc dầu Nhật không phải là một quốc gia ven Biển Đông. Nhưng cũng như các quốc gia khác, Nhật cẩn thận chờ đợi kết quả của vụ kiện của Phi. Chính quyền Nhật cũng cho biết là nếu việc đàm phán với Trung Quốc về các vấn đề đường biển tại Đông Hải không đi đến đâu thì Nhật có thể tính đến nhờ Tòa trọng tài.
Vụ kiện của Phi cũng làm nổi bật một thách thức luật pháp quốc tế cho Hoa Kỳ. Sau hơn ba thập niên kể từ khi hoàn tất hiệp ước UNCLOS, Washington vẫn chưa phê chuẩn nó, mặc dầu trong thực tế, Hoa Kỳ tuân thủ với hầu hết các điều khoản của hiệp ước như thông lệ pháp lý quốc tế. Mặc dầu có sự hậu thuẫn mạnh mẽ để phê chuẩn từ các đời tổng thống trước, giới chỉ huy quân đội, nội các, và các nhà ngoại giao, chuyên gia hàng đầu, Tổng thống Obama quyết định không tiến hành việc phê chuẩn để tránh đụng với Thượng Viện Hoa Kỳ rất đối nghịch.
An ninh quốc gia của Hoa Kỳ ngày càng liên quan nhiều đến các vấn đề về luật biển, và Hoa Kỳ ủng hộ việc các quốc gia khác thưa kiện Trung Quốc. Tiếc thay, không phê chuẩn UNCLOS đặt Washingon vào vị thế kém cõi, “làm giống như tôi nói, chứ đừng giống như tôi làm”. Không phê chuẩn UNCLOS sẽ làm Hoa Kỳ mất đi cơ hội can dự vào các vụ xử tranh chấp, trong cả các trường hợp dính đến Trung Quốc và đối với các quốc gia không nhìn nhận tuyên nhận chủ quyền biển của Hoa Kỳ. Điều này sẽ tạo ấn tượng sai lầm là tại Biển Đông, động thái quân sự là chọn lựa duy nhất của Hoa Kỳ để đối đầu lại với Trung Quốc.
Đài Loan, một hòn đảo tự trị với 23 triệu dân ở trong vị thế khó xử, khi mà Trung Hoa lục địa bảo Đài Loan thuộc về họ, và Đài Loan thì đôi khi lên tiếng cho rằng mình là đại diện cho toàn thể lục địa Trung Hoa. Mặt khác, mặc dầu không tin vào lục địa, chính quyền mới của bà Thái Anh Văn, sắp sửa nhậm chức vào ngày 20 tháng Năm sắp tới đây, nhiều phần sẽ không từ bỏ tuyên nhận chủ quyền của Biển Đông dưới tên gọi “Trung Quốc”. Trong khi đó, Đài Loan rất mong mỏi tháo gỡ các rào cản vào thế giới ngoại giao, ráng đóng vai hỗ trợ viên trung thành với hệ thống UNCLOS mà hiện thời không nhận Đài Loan làm thành viên. Đài Loan sẽ giải quyết thế khó xử này như thế nào tùy thuộc vào nội dung của phán quyết tới đây. Nếu tòa quyết định là đảo Taiping, hiện Đài Loan đang chiếm đóng và là đảo lớn nhất trong vùng Trường Sa, được hưởng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, thì Đài Loan có thể nhẹ nhàng đồng ý và ngay cả dựa vào quan điểm của tòa.
Có nhiều triển vọng để dàn xếp hợp lý dựa trên các diễn giải có thẩm quyền về luật biển hơn là một sức mạnh đơn phương hống hách. Hiệp ước đánh cá năm 2013 giữa Nhật và Đài Loan, cũng như hiệp ước Vịnh Bắc Việt năm 2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc, minh họa cho ưu điểm của việc thỏa thuận. Đàm phán rốt ráo và sáng tạo dựa vào các quyết định pháp lý quốc tế, có thể giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, phân định lằn ranh lãnh hải, chia sẻ tài nguyên kinh tế, và ngay cả biến các đảo có mục tiêu quân sự thành mục tiêu dân sự. Nhân viên đàm phán khéo léo có thể giúp Trung Quốc tránh mất thể diện.
Trung Quốc đã khoe sự trổi dậy hòa bình của họ hơn một thập niên nay, và họ đã cố gắng thuyết phục cộng đồng quốc tế là họ là một cường quốc có trách nhiệm tuân theo luật lệ. Trong những tình huống này, để thể hiện tầm cỡ chính khách và có lợi cho hòa bình tại Châu Á, Bắc Kinh nên chấp nhận phán quyết của Tòa trọng tài và dùng phán quyết đó làm nền tảng đàm phán để tìm sự dàn xếp hợp lý. Trong lúc đó, càng có nhiều quốc gia với đến pháp lý quốc tế thì càng tốt. Điều này có thể thúc đẩy cả Trung Quốc và Hoa Kỳ xem lại thái độ của mình và có hành động thích hợp để củng cố – chứ không làm yếu đi – hệ thống UNCLOS. Với tình hình nhạy cảm trong vùng biển quanh Trung Quốc, nền hòa bình quốc tế đang phụ thuộc vào nó.
Jerome A. Cohen
20/4/2106
Hoàng Thuyên lược dịch