Tình trạng thiếu nước ở đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Minh Quang, P.E. - VNTB (IJAVN)

- Quảng Cáo -

Biện pháp khắc phục thực tiễn và khả thi

Biện pháp cấp thời

Đồng ý với lập luận cho rằng “các hồ chứa thượng lưu” chi phối chủ đạo đến nguồn nước và xâm nhập mặn ở ĐBSCL, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đề nghị Trung Hoa gia tăng lưu lượng xả nước từ đập thủy điện Cảnh Hồng ở Vân Nam – làm nhiều đợt từ tháng 3 đến tháng 6, tháng 8, mỗi đợt kéo dài khoảng 7 ngày với lưu lượng tối thiểu là 2.300 m3/sec [35] – để khắc phục tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL. Trung Hoa cam kết sẽ xả nước từ đập Cảnh Hồng, từ ngày 15 tháng 3 đến 10 tháng 4 năm 2016, với lưu lượng là 2.190 m3/sec [36].

Hình 11 Lúa chết ở Sóc Trăng TTXVNHình 11 Lúa chết ở Sóc Trăng TTXVN

Việc xả nước sông Mekong của Trung Hoa có lẽ chỉ nhắm vào mục đích tuyên truyền và chính trị. Bộ trưởng Thủy lợi Trần Lôi của Trung Hoa cho biết: “Trung Quốc và Việt Nam vừa là đồng chí, vừa là anh em, lại là láng giềng hữu hảo liền sông liền núi. Do đó chúng tôi đã trao đổi với Bộ Ngoại giao, bắt đầu từ hôm qua chúng tôi quyết định tăng lưu lượng xả nước trên đập Cảnh Hồng lên 2000 mét khối trên giây [gấp đôi] mỗi ngày xuống hạ du. Thời gian xả nước bắt đầu từ ngày 15/3 kéo dài liên tục đến 10/4, sau đó tùy vào tình hình sẽ điều chỉnh thích hợp.” Còn đài Phượng Hoàng ở Hongkong thì bình luận rằng: “Mặc dù giữa Trung Quốc với Việt Nam có những tranh chấp trên Biển Đông, hay một số nước phương Tây đặc biệt thích tuyên truyền lôi kéo một bộ phận người dân Việt Nam, khiến cho một số thành phần trong tầng lớp tinh anh của xã hội Việt Nam có cảm giác đề phòng Trung Quốc… Người Trung Quốc có câu, bán anh em xa mua láng giềng gần. Lúc Việt Nam và Thái Lan cần nước thì Trung Quốc liền cấp nước. Đó là điều Ấn Độ không thể làm, Nhật Bản và Hoa Kỳ càng không thể nào làm được. Do đó tôi nghĩ, sự kiện này sẽ là gợi ý cho một bộ phận người dân Việt Nam” [37]. Trên thực tế, việc xả nước của Trung Hoa là quá ít và quá trễ vì “… hầu hết các vùng canh tác lúa, hoa màu hiện nay ở ven biển đã bị thiệt hại gần hết rồi, đưa một lượng nước ít ỏi như vậy vào chẳng cứu được bao nhiêu và không còn ý nghĩa nữa” [38].

- Quảng Cáo -

Biện pháp thực tiễn và khả thi cấp thời là sử dụng khôn ngoan số nước hiện có trong sông Tiền và Hậu để cứu vãn diện tích lúa Đông-Xuân chưa bị thiệt hại trong vùng không bị nhiễm mặn và dễ dẫn tưới. Tránh tối đa việc “lấy ngọt chống hạn” cho các vùng ven biển để giảm thiểu sự xâm nhập của nước mặn trong sông Tiền và Hậu hầu duy trì nguồn nước ngọt cho các thành phố lớn như Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh và Mỹ Tho.

Biện pháp ngắn hạn (2-3 năm)

Để việc khai thác ĐBSCL có hiệu quả, nước sông Mekong chảy vào Việt Nam cần được quản lý một cách chặt chẻ với dữ kiện lưu lượng và độ mặn đầy đủ và chính xác (đến mức có thể đạt được). Dữ kiện đó phải được thu thập bởi một hệ thống trạm thủy học đặt ở các vị trí quan trọng trên sông Tiền và Hậu và ở các cửa sông hay kinh đào lấy nước từ sông Tiền và Hậu. Vào ngày 17 tháng 3 vừa qua, UBSMC cho biết “… sẽ đặt hai trạm quan trắc để theo dõi lượng nước Trung Quốc xả vào sông Mekong.” Vị trí của hai trạm nầy không được loan báo [39], nhưng có lẽ là trạm Tân Châu và Châu Đốc, nơi sông Mekong chảy vào ĐBSCL. Việc đặt hai trạm nầy là quá ít và quá trễ để quản lý nguồn nước sông Mekong ở ĐBSCL trong mùa khô năm nay, nhưng hệ thống trạm thủy học vừa nói có thể được thực hiện trong vòng 1 hoặc 2 năm. Hệ thống nầy có thể giúp ấn định số lượng nước sử dụng ở ĐBSCL để duy trì mức xâm nhập nước mặn có thể chấp nhận được trong tương lai.

Hình 12 Xâm nhập mặn ở ĐBSCLHình 12 Xâm nhập mặn ở ĐBSCL

Giảm bớt số lượng nước dùng cho nông nghiệp bằng cách trồng một vụ lúa trong mùa mưa và hoa màu trong mùa khô ở vùng chịu ảnh hưởng của nước mặn (Hình 12). Biện pháp nầy có thể giảm 2/3 nhu cầu nước tưới trong mùa khô trong vùng chịu ảnh hưởng của nước mặn. Số nước tiết kiệm được đủ để ngăn chận sự xâm nhập của nước mặn vào sông Tiền và Hậu và duy trì nguồn nước gia dụng cho người dân.

Nghiên cứu khả thi việc sử dụng hồ chứa của các dự án thủy điện hiện có trên Cao nguyên miền Trung như Yali Falls, Plei Krong, và Sesan 4 cho mục đích thủy nông. Dựa theo diện tích của các hồ chứa nầy [12], một lượng nước lên đến 210 triệu m3 có thể tích trữ nếu tăng mực nước điều hành của hồ lên 1 m. Số nước nầy, dùng để dự phòng cho tình trạng khẩn cấp như hiện nay, đủ để cung cấp cho ĐBSCL một lưu lượng trung bình khoảng 500 m3/sec trong 5 ngày; dĩ nhiên, với sự đồng ý và hợp tác của Cambodia.

Biện pháp dài hạn (trên 5 năm)

Như đã trình bày ở trên, nguyên nhân của tình trạng thiếu nước ngọt ở ĐBSCL bắt nguồn từ chánh sách phát triển thiển cận và nguyên tắc “mạnh ai nấy làm” trong lưu vực sông Mekong; vì vậy, chánh sách phát triển từ năm 1975 và nguyên tắc “mạnh ai nấy làm” cần phải được thay đổi, nếu muốn giải quyết dứt khoát tình trạng thiếu nước ở ĐBSCL.

Chánh sách phát triển mới cần được cụ thể hóa trong kế hoạch tổng thể phát triển ĐBSCL. “Nói một cách cụ thể, chánh sách biến tất cả đất đai có thể trồng trọt được thành ruộng lúa từ năm 1975 cần phải thay thế bằng chánh sách phát triển đa dạng và uyển chuyển dựa theo điều kiện tự nhiên của ÐBSCL. ÐBSCL cần phải được phân vùng để chọn lựa những vùng sản xuất tối ưu cho việc trồng lúa, trồng hoa màu, trồng cây ăn trái và cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, nuôi thủy sản nước ngọt lẫn nước mặn, duy trì hệ sinh thái nội đồng và ven biển, và thiết lập những vùng đệm nhằm mục đích bảo vệ môi trường và vùng sinh thái. Những vùng sản xuất phải được chọn lựa như thế nào để tối ưu phúc lợi (benefit optimization) trong khi giảm đến mức thấp nhất những ảnh hưởng đối với các vấn đề đang gặp phải hiện nay; đó là, tình trạng lũ lụt, sạt lở bồi lắng, xâm nhập của nước mặn, ô nhiễm môi trường, và suy thoái hệ sinh thái.” [29]

Ngoài những “… bất cập của nhiều công trình thủy lợi bấy lâu nay được xây dựng ở Đồng bằng sông Cửu Long” [40], “… hệ thống thủy lợi ở ÐBSCL cũng phải được quy hoạch lại cho phù hợp với kế hoạch phát triển mới. Nói cách khác, ÐBSCL cần phải có một hệ thống thủy lợi hoàn toàn mới, được quy hoạch dựa theo quan niệm và nguyên tắc hoàn toàn khác với quan niệm và nguyên tắc được áp dụng cho hệ thống thủy lợi hiện nay ở ÐBSCL. Những công trình và dự án nào của hệ thống thủy lợi hiện nay không phù hợp với kế hoạch phát triển mới, không có hiệu năng, hoặc gây ảnh hưởng tai hại phải được tháo gỡ hoặc hủy bỏ… Nguyên tắc thích hợp nhất cho ÐBSCL là giảm thiểu sự can thiệp của con người càng nhiều càng tốt với mục tiêu ‘điều thủy’ chứ không phải là ‘trị thủy.’ Số lượng công trình thủy lợi ở ÐBSCL cần được giảm thiểu đến mức thấp nhất, nhất là những công trình ‘đào đấp,’ nhưng cần phải có những hồ chứa nước ở những vùng trũng sâu hay ở ngoài đồng bằng để điều tiết lưu lượng trong sông Tiền và Hậu trong mùa nắng lẫn mùa mưa.” [29]

Tình trạng “mạnh ai nấy làm” trong lưu vực sông Mekong cần phải được chấm dứt càng sớm càng tốt với việc “phục hồi” nguyên tắc của MC 1957 và Tuyên cáo chung 1975 về việc sử dụng nước ở hạ lưu sông Mekong. Hai nguyên tắc đầu tiên của MC 1957 là “(1) lưu lượng kiệt của sông Mekong hiện tại không thể bị giảm bằng bất cứ cách nào và bất cứ ở đâu; và (2) nước dùng cho thủy nông chỉ được dự trữ trong lúc mực nước sông dâng cao” [30]. Hai điều khoản quan trọng nhất của Tuyên cáo chung 1975 gồm có Ðiều X: “Nước trong dòng chánh là tài nguyên chung, không một quốc gia duyên hà nào được đơn phương sử dụng nếu không được các quốc gia trong lưu vực chấp thuận trước qua Ủy ban” và Ðiều XI: “Các quốc gia duyên hà có thẩm quyền ngang nhau trong việc sử dụng nước trong dòng chánh” [30].

Thỏa ước 1995 cũng cần có những ràng buộc pháp lý và biện pháp chế tài nếu các quốc gia vi phạm những điều khoản đã ký kết. Nếu cần, Việt Nam có thể thương lượng song phương với các quốc gia ở thượng lưu để bảo vệ quyền lợi quốc gia trong việc phát triển sông Mekong.

- Quảng Cáo -

2 CÁC GÓP Ý

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here