Với những người được đề cử, có lẽ không cần bàn nhiều về họ vì tất cả họ đều na ná giống nhau, y hệt như 13 kỳ bầu cử quốc hội trong quá khứ (có lẽ trừ cuộc bầu cử đầu tiên năm 1946). Việc của họ là chuẩn bị hồ sơ khi được đề cử, góp mặt trong các cuộc gặp cử tri, và hầu như hiếm ai trong số họ thực sự có một cương lĩnh vận động bầu cử với những cam kết cụ thể với cử tri là họ sẽ làm gì nếu được bầu. Chúng ta sẽ tạm để họ qua một bên để xem xét tới một danh sách lý thú hơn nhiều, là những người tự ứng cử.
Kỳ bầu cử Quốc hội khóa 13 năm 2011, tôi có biết đến hai trường hợp tự ứng cử. Một là luật sư Lê Quốc Quân và người thứ hai là Luật sư Võ An Đôn. Qua những lời chia sẻ của ông Nguyễn Quang A, bà Lâm Ngân Mai và nhiều ứng viên tự ứng cử khác trong lần bầu cử này, có thể thấy những khó khăn và phiền toái không ít của các ứng viên này trong quá trình làm hồ sơ ứng cử. Thậm chí nhiều người trong số họ đã phải bỏ cuộc, vì đến tận ngày hết hạn nộp hồ sơ mà họ vẫn không thể có được xác nhận từ địa phương vào hồ sơ ứng cử sau khi chạy lên chạy xuống đến vài chục lần. Đó là chuyện của năm 2016, quay ngược lại năm 2011, ông Lê Quốc Quân và ông Võ An Đôn khi tự ứng cử, ắt hẳn cũng chẳng dễ dàng gì để qua được vòng nộp hồ sơ. Nhưng ông Quân sau đó đã bại trận thê thảm tại vòng “Lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú” (Điều 45 – Luật bầu cử quốc hội). Người ta đã mời đến một hội nghị cử tri một nhóm nhỏ vài chục người, dù rằng ý kiến của họ không thể đại diện cho toàn bộ các cử tri tại đơn vị bầu cử mà ông Quân ứng cử, tuy nhiên ông Quân đã bị đấu tố tơi bời bởi nhóm người này và bị loại bỏ ngay từ vòng lấy ý kiến cử tri. Ông Võ An Đôn thì vượt được qua vòng lấy ý kiến cử tri, ông cũng vượt qua nốt được vòng lấy ý kiến tại nơi làm việc. Tuy nhiên đến lần hiệp thương thứ 3, cũng là lần hiệp thương cuối cùng mà chỉ có sự tham gia của Mặt trận tổ quốc và các đại diện các lãnh đạo các tổ chức thành viên của Mặt trận; Đại diện Hội Đồng bầu cử quốc gia; Ủy ban thường vụ quốc hội và chính phủ được mời tham dự hội nghị hiệp thương cuối cùng này (Điều 38 – Luật bầu cử quốc hội), ông Võ An Đôn đương nhiên không được tham gia và bị loại mà chẳng biết tại sao, dù ông ấy là luật sư, chẳng kém ai về học vấn và đạt tỷ lệ 100% ủng hộ tại các vòng lấy ý kiến tại địa phương lẫn nơi làm việc.
Vấn đề chính với những người tự ứng cử, đó chính là cái hội nghị hiệp thương lần thứ 3. Vì điều 48 và điều 49 trong Luật bầu cử quốc hội ngày 22/06/2015 hoàn toàn chẳng có một quy chế rõ ràng nào mà chỉ ghi một cách chung chung là “căn cứ vào tiêu chuẩn của ĐBQH, cơ cấu, thành phần, số lượng người của cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH đã được Ủy ban thường vụ quốc hội điều chỉnh lần thứ hai và kết quả lấy ý kiến cử tri để lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc Hội”. Và đây chính là vấn đề. Với một dòng quy định chung chung 74 từ đơn, cái hội nghị hiệp thương lần 3 gồm toàn đại diện cơ quan trực thuộc và chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản này có toàn quyền giữ lại hoặc loại bỏ bất cứ ai có hoặc không trong danh sách ứng viên cuối cùng.
Do đó, những ứng viên tự ứng cử, trừ khi vận động được một lực lượng cử tri ủng hộ lớn đến mức người ta khó có thể gạt bỏ họ, (hoặc có thể là những thành phần quân xanh) hoặc những người mà Hội nghị hiệp thương lần 3 cho là ít nguy hại đến những ứng viên được đề cử bởi các tổ chức Đảng, còn không thì họ khó có thể qua được cửa ải cuối cùng này.
Những khó khăn của các ứng viên tự ứng cử còn có thể đến từ Điều 61 – Luật bầu cử quốc hội. Cụ thể là họ có thể rơi vào một chiến dịch tố cáo với những lời cáo buộc nào đó, mà UBBC có thể vin vào đó để loại ứng viên ra với lý do cần có thời gian điều tra làm rõ. Có thể nói con đường của ứng viên tự ứng cử để có thể xuất hiện được trên danh sách ứng cử viên cuối cùng là chông gai và giống như một khe cửa hẹp. Đặc biệt là với những người có uy tín lớn trong xã hội. Họ có thể có nhiều người ủng hộ nhưng vì luôn là những người cất lên tiếng nói phản biện đối với các bất cập xã hội và do đó/đương nhiên, chẳng được cơ quan hay tổ chức Đảng nào đề cử, mà chỉ có thể tham gia bằng con đường tự ứng cử.
Vậy các ứng cử viên tự ứng cử nên làm gì? Sự khác biệt lớn nhất trong kỳ bầu cử Quốc hội 2016 so với quá khứ là sự tồn tại của mạng xã hội với số lượng người tham gia vô cùng đông đảo. Nếu như trong quá khứ, các ứng viên tự ứng cử hầu như chẳng có cách gì để chuyển tải thông điệp của mình tới cử tri khi báo chí dưới sự kiểm soát của Đảng chỉ đơn giản là lờ họ đi hoặc tệ hơn là viết bài bôi nhọ họ, thì năm 2016 này, bất cứ ứng viên nào cũng có thể dùng mạng xã hội để công bố thông tin về mình, về cương lĩnh tranh cử của mình tới một nhóm đối tượng vô cùng đông đảo là những người dùng mạng xã hội và internet ở Việt Nam (hiện đã tới 34 triệu người, một con số vô cùng lớn).
Tận dụng được mạng xã hội, các ứng viên tự ứng cử sẽ có cơ hội lớn nhất để tạo sự khác biệt cho chính mình, cho chính những cử tri và cho cả tương lai của đất nước. Họ nên làm những điều này:
- Hãy đọc thật kỹ Điều 68 Luật bầu cử quốc hội – Về những hành vi bị cấm trong vận động bầu cử. Đại loại những hành vi này gồm tuyên truyền trái hiến pháp và pháp luật, hoặc làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân khác; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử; Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình; Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri. Các ứng viên hãy xem xét kỹ để thứ nhất là tránh đẩy mình vào tình huống phạm luật, và thứ hai là thực hiện quyền giám sát. Ví dụ nếu ứng viên thấy một ứng viên khác, ví dụ như Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử chẳng hạn, thì hoàn toàn có thể gửi khiếu nại tố cáo tới Hội đồng bầu cử quốc gia để loại và xóa tên người vi phạm ra khỏi danh sách ứng cử.
- Công bố thông tin về mình và cương lĩnh tranh cử qua mạng xã hội. Điều quan trọng nhất với một ứng viên là sự liêm chính, nên hãy công bố một cách ngay thẳng, bởi nếu chỉ công bố điều tốt mà không nhắc tới những cái chưa hay, họ có thể rơi vào cái bẫy của một làn sóng bôi nhọ và mất hoàn toàn hình ảnh trước mắt cử tri. Đất nước này đã quá thiếu sự liêm chính và ngay thẳng, vì vậy, các ứng viên tự ứng cử hãy cho người dân thấy niềm hy vọng bằng sự ngay thẳng của họ.
- Hãy tập trung vào những gì mình mong muốn làm, sẽ làm và có thể làm trong vai trò ĐBQH. Hãy làm rõ các mục tiêu để cử tri có thể thực sự thấy nếu đặt sự tin tưởng vào một ứng viên, họ sẽ làm được gì cho cử tri, khu vực mà họ được bầu và cho đất nước.
- Hãy sử dụng mạng xã hội để kêu gọi việc thành lập một Nhóm tình nguyện vận động bầu cử cho mình. Nếu một ứng viên có thể có một nhóm tự nguyện giúp mình trong các công việc như vận động lấy chữ ký ủng hộ của cử tri, vận động truyền tải thông điệp của ứng viên tới các cử tri, thì xác suất và cơ hội họ được ủng hộ sẽ lớn hơn rất nhiều. Và do đó họ cũng sẽ khó bị gạt bỏ hơn trong hội nghị hiệp thương cuối cùng của Mặt trận và các cơ quan Đảng.
- Rất quan trọng, bất cứ một ứng viên tự ứng cử nào, để tránh mình bị biến thành một đối tượng bị đấu tố trong cuộc họp lấy ý kiến cử tri tại địa phương, vốn là một cuộc họp có khả năng cao bị giàn xếp. Mọi ứng viên đều nên nhớ đến một lực lượng được gọi là Dư Luận Viên, những đối tượng vô cùng hung hãn và cuồng tín không kém gì lực lượng Hồng Vệ Binh của Mao Trạch Đông năm xưa. Đừng mong rằng lý lẽ hay cương lĩnh tranh cử của bạn sẽ thuyết phục được nhóm này. Vì thế, để tránh mình bị đấu tố trong cuộc họp với khả năng cao sẽ xuất hiện dư luận viên này, mỗi ứng viên cần cố gắng lấy được chữ ký ủng hộ hợp pháp của tối thiểu 100 cử tri tại ngay khu vực mình sinh sống (Và càng nhiều càng tốt chữ ký ủng hộ của bất cứ một cử tri nào trên cả nước, thông qua nhóm tình nguyện lấy chữ ký hoặc thông qua mạng xã hội, cách tốt nhất vẫn là các chữ ký trực tiếp). Bằng cách đó, ngay cả nếu tại cuộc họp một ứng viên có thể trở thành cái đích đấu tố của vài chục “cử tri” tại tổ dân phố, thì cũng hoàn toàn có thể tự bảo vệ mình bằng cách trưng ra danh sách chữ ký ủng hộ của các cử tri ngay tại địa phương, và lập luận một cách thuyết phục rằng: “Các vị ngồi đây có thể không ủng hộ tôi, nhưng các vị chỉ có vài chục người, còn tôi thì có ít nhất cả trăm (hoặc nhiều hơn) các cử tri khác ngay tại chính địa phương này ủng hộ. Và nếu cuộc họp lấy ý kiến này là hoàn toàn bất lợi, thì một ứng viên có thể đòi hỏi vấn đề danh sách cử tri đã ký ủng hộ mình phải được ghi nhận vào biên bản. Đồng thời có thể sao lưu và gửi cho Hội đồng bầu cử về danh sách chữ ký này để làm cơ sở cho các khiếu nại hoặc ít nhất cũng tạo áp lực khiến ứng viên đó khó bị loại một cách vô lý do tại hội nghị hiệp thương lần 3.
- Và nếu sau khi đã làm tất cả những điều trên mà ứng viên vẫn bị loại bỏ khỏi danh sách sau cùng thì cũng đừng vội buông xuôi. Hãy chiến đấu tới cùng và đừng vội đầu hàng bằng cách hãy khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về việc lập danh sách những người ứng cử. Đầu tiên hãy khiếu nại đến Ủy Ban bầu cử cấp tỉnh, yêu cầu họ làm rõ tại sao và vì lý do nào tên mình bị gạt bỏ. Và khi Ủy Ban cấp tỉnh chối bỏ vì một lý do nào đó, hãy tiếp tục khiếu nại đến Hội đồng bầu cử quốc gia. Tất nhiên là hy vọng sẽ không có gì nhiều nếu một khi họ đã quyết định loại bạn ra. Nhưng bằng cách chiến đấu tới cùng, thứ nhất là một ứng viên sẽ khiến những cử tri càng hiểu rõ hơn về kỳ bầu cử, và thứ hai, họ cũng khiến Hội đồng bầu cử “phiền toái” hơn vì không thể dễ dàng thực hiện được việc chia bài tự tung tự tác theo ý mình. Mỗi một hành động dù nhỏ nhất để khiến đại chúng hiểu rõ hơn về kỳ bầu cử, trân trọng hơn về quyền công dân của mình thì dù chưa đạt được kết quả gì ngay hôm nay, nó cũng sẽ là một bút toán được cộng sổ cho tương lai.
- Vì quá trình kiểm phiếu tại các điểm bỏ phiếu, các ứng viên có toàn quyền chứng kiến. Nên nếu có một ứng viên tự ứng cử thực sự nào có mặt trong danh sách cuối cùng, hãy thực hiện quyền giám sát của mình bằng cách yêu cầu chứng kiến quá trình kiểm phiếu. Trong bối cảnh bầu cử Việt Nam hoàn toàn không có các quan sát viên quốc tế, thì có lẽ những nỗ lực như thế dù ít dù nhiều cũng sẽ góp phần khiến các giá trị xã hội được tôn trọng hơn.
Có lẽ cần nhấn mạnh với các ứng viên tự ứng cử mà đã được hội nghị hiệp thương lần 2 “vui vẻ” thông qua ngày 17/03/2016. Đơn giản là chưa có ai bị loại bỏ, bởi “họ” sẽ chưa làm điều đó ngay. Sẽ có một chiến dịch cho điều đó tại các vòng lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú, tại nơi làm việc và cuối cùng là hội nghị hiệp thương lần 3, khi ứng viên không được quyền tham gia và cũng chẳng có cơ hội nêu ý kiến. Ngoài ra, hãy cứng cỏi vì chắc chắn sẽ có một làn sóng bôi nhọ với những ứng viên có tiềm năng. Chưa gì thì hiện nay đã có những kết luận khơi khơi rằng nhiều ứng viên là thiếu tiêu chuẩn, hoặc những lời cáo buộc cũng chẳng thấy ai chịu chứng minh của Tiểu ban bầu cử rằng có những ứng viên nhận tiền từ nước ngoài để tự ứng cử. Chắc chắn sẽ còn những cáo buộc khác, có thể còn kém sạch sẽ hơn nhiều và vì thế mỗi ứng viên tự ứng cử thực sự (tôi không muốn nhắc tới “quân xanh”) hãy thực sự vững vàng. Tương lai của đất nước này, phụ thuộc một phần quan trọng vào sự ngay thẳng và vững vàng của các vị.
Cuối cùng thì hy vọng qua bài viết này, nhiều cử tri và có lẽ là cả một số ứng viên tự ứng cử sẽ có thêm thông tin để làm tốt hơn những điều mình nên và có thể làm. Cuối cùng thì mọi điều cũng chỉ để quay lại xuất phát của vấn đề: “Để quyền công dân không uổng phí, nếu không phải cho hôm nay thì cũng là cho ngày mai.”