Cuốn sách có tên “Gạc Ma, vòng tròn bất tử” có lẽ là một tác phẩm kỳ lạ nhất trong lịch sử in và phát hành sách của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, vì nó được soạn thảo nhằm tôn vinh các anh hùng liệt sĩ Gạc Ma do một tướng lĩnh đương nhiệm biên tập và đích thân mang tới Nhà xuất bản nhưng hơn một năm sau vẫn không hề xuất hiện trên giá sách của độc giả khắp nơi có quan tâm về vấn đề chủ quyền biển đảo. Mặc Lâm tìm hiểu sự việc qua lời của thiếu tướng Lê Mã Lương, người trực tiếp biên tập cuốn sách, với các chi tiết sau đây.
Sách viết về lịch sử nước ta, dù là một giai đoạn mới đây hay những điều đã xảy ra hàng trăm năm trước nếu có dính tới yếu tố Trung Quốc thì hầu như những cụm từ được xem là “nhạy cảm” đương nhiên biến mất hay được chỉnh sửa thành “nước ngoài” hay “nước lạ” . Báo chí tuy dần dần quen với cung cách này trong nhiều năm qua nhưng đâu đó vẫn có những bài viết “lách” luật bất thành văn này cho tới khi bị phát hiện, khiển trách hay rút bài viết xuống.
Đối với sách thì việc nhắc tới vấn đề Trung Quốc có khó khăn hơn nhiều. Sách muốn phát hành công khai hợp pháp phải được Cục Xuất bản cấp giấy phép đó là chưa kể trong trường hợp có giấy phép rồi đôi khi vẫn bị cấm phát hành vì lý do “nhạy cảm”. Người đọc cũng dần dần quen với cung cách làm việc này và ít có người chú ý tới.
Tuy nhiên, đối với một cuốn sách viết về sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ chống Trung Quốc mà phải bỏ mình thì việc trù dập, ém nhẹm không cho xuất bản nó lại là một việc khác. Nó là sự phản bội lại xương máu người lính và không một công dân nào có lương tri lại chấp nhận cho việc làm tắc trách này.
Cuốn sách có tên “Gạc Ma, vòng tròn bất tử” nằm trong trường hợp này. Cuốn sách được soạn thảo dưới hình thức ghi lại toàn bộ sự việc xảy ra trong và sau trận chiến năm 1988 tại Gạc Ma, khi ấy 64 anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống tại vùng biển quê hương, một số khác bị Trung Quốc bắt làm tù binh và trao trả sau nhiều năm trong trại giam khắc nghiệp của chúng.
“Gạc Ma, vòng tròn bất tử” được soạn thảo công phu và biên tập do chính tay thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, bỏ công sức xem xét. Bên cạnh đó nhà sử học Dương Trung Quốc, đương kim đại biểu quốc hội viết lời bạt, và đặc biệt hơn nữa cuốn sách được chính ông Đào Văn Lừng – Vụ trưởng Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TPHCM – viết lời giới thiệu.
Sau một năm, cuốn sách vẫn không có một động tĩnh gì cho thấy đang được xem xét hay chờ đợi quyết định nào đó của giới chức trách nhiệm, thiếu tướng Lê Mã Lương bộc bạch với chúng tôi:
Thực sự mà nói tôi cũng không hiểu tại sao lại có cái chuyện như vậy. Khi tôi biên tập cuốn sách này sau đấy tôi đã dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu các loại tài liệu để bổ sung vào làm cho phong phú hơn. Phong phú chỉ có từ ngữ, kỹ thuật mà còn làm cho trang viết sinh động, chân thực gắn với lịch sử. Lịch sử diễn ra với những sự kiện sinh động hơn và có thể nói cuốn sách này chỉ nhằm để tôn vinh 64 anh hùng liệt sĩ cũng như những người bị Trung Quốc bắt hơn 3 năm mới trao trả.
Trước đại hội 12, mọi diễn biến chính trị trong nước tạm thời đóng băng một thời gian và sau khi đại hội kết thúc với kết quả một dàn nhân sự mới, người dân quan sát thấy có sự thay đổi đáng chú ý về cách mà báo chí loan tải vụ việc có liên quan tới Trung Quốc. Từ ngữ không còn né tránh, sự việc không còn mù mờ, ẩn dụ và nhất là có hẳn những bình luận đanh thép về các hành vi mà Trung Quốc biểu hiện trong vấn đề Biển Đông.
Tuy nhiên đối với cuốn sách “Gạc Ma, vòng tròn bất tử” hình như không có một cái nhìn toàn diện như các tác giả của nó. Thiếu tướng Lê Mã Lương kể lại tình trạng đông lạnh của tác phẩm này:
Tôi đã tham gia đưa đến một vài nhà xuất bản và cuối cùng tôi đưa đến nhà xuất bản Quân đội Nhân dân. Sau 5 tháng tôi cũng không thực sự theo dõi vì tôi cứ đinh ninh rằng nhà xuất bản Quân đội Nhân dân thành lập Hội đồng đọc và sau đó thì sẽ trình lên lãnh đạo Tổng cục Chính trị, lãnh đạo Bộ quốc phòng, nhưng sau đấy tôi có nghe nói Bộ trưởng Phùng Quang Thanh chưa có ý định phát hành cuốn sách này.
Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân biết vai trò của mình có giới hạn tới đâu khi nó đương nhiên nằm dưới quyền của ông Bộ trưởng Quốc phòng. Tuy nhiên, lời đồn đoán nào rồi cũng có lúc được bạch hóa. Cơ may tới cho Thiếu Tướng Lê Mã Lương, người theo dõi, đôn đốc cho số phận cuốn sách khi ông gặp chính người cần gặp là Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh. Thiếu tướng Lê Mã Lương thuật lại:
Trong một lần tình cờ làm việc với Bộ trưởng Phùng Quang Thanh tôi có nhắc lại câu chuyện này thì Đại tướng Phùng Quang Thanh nói ông hoàn toàn chưa hề biết. Ông nói “tôi còn không biết là anh tham gia vào việc viết cuốn sách này chứ chưa nói Nhà xuất bản Quân đội có báo cáo gì với tôi”. Khi ấy lập tức tôi đưa cái tập bản thảo cực kỳ nghiêm túc mà tôi đã biên tập và hy vọng nó thông qua bộ trưởng sẽ được xuất bản.
Thế mà suốt từ bấy cho đến giờ nó đã trải qua đến nửa năm rồi, tức là từ khi tôi chuyển cho nhà xuất bản Quân đội cho đến khi tôi gặp Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phùng Quang Thanh cho đến bây giờ cũng đã một năm. Cho nên thực sự tôi muốn nói là không hiểu vì sao nó lại như thế. Trong khi đó vừa qua tôi có nhận được một cuốn sách viết về Đặng Tiểu Bình tôi thấy rất lạ và tôi không tự giải thích được.
Cuốn sách mà Thiếu tướng Lê Mã lương vừa nhắc tới có cái tên rất kêu: “Đặng Tiểu Bình, một trí tuệ siêu việt” đã được xuất bản và phát hành tràn lan tại Việt Nam.
Đặng Tiểu Bình chính là người nói câu nói nổi tiếng: “dạy cho Việt Nam một bài học” vài ngày trước khi xua quân tấn công vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc, giết chết hàng chục ngàn chiến sĩ, đồng bào Việt Nam.
Hai cuốn sách với hai mục tiêu rõ rệt. Một cuốn tôn vinh xương máu của anh hùng liệt sĩ Việt Nam, cuốn thứ hai lại tôn vinh người trực tiếp giết chết những người lính chiến ấy. Đây là tình huống mà Thiếu tướng Lê Mã Lương cho là khó hiểu, ngay cả khi ông là người được huân chương anh hùng của lực lượng vũ trang nhân dân.
Mặc Lâm
2016-03-03
Câu hỏi mà mấy chục năm vẫn khg có lời đáp thỏa đáng : Ai để TQ chiếm mất Hoàng sa ? Tại sao ngay sau khi bị mất lại khg tổ chức giàng lại , có phải sợ TQ quá hay cgẳng cần HS nữa mà cần thứ khác hơn , hay bí mật trao đổi với TQ , chí ít cũng cho máy bay ra HS mà rải truyền đơn , bỏ vài quả bom … chứ chỉ kêu gào không thôi à , Sau hàng chục năm , TQ mạnh lên hơn nhiều , lại đổ cho CS không hăng hái đòi lại là làm sao ?